"Đột phá" từ những mô hình chăn nuôi gia súc

18/08/2014 21:25

(Baonghean) - Lâu nay Nghi Lộc tận dụng tiềm năng chăn nuôi gia cầm như: gà, vịt... để phát triển kinh tế. Gần đây, Nghi Lộc đã có bước “đột phá” trong chăn nuôi gia súc. Nhiều hộ đã mạnh dạn liên doanh, liên kết cùng đầu tư vốn chăn nuôi gia súc theo mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến, bước đầu đã mang lại hiệu quả...

Từ nuôi lợn ngoại siêu nạc

Trang trại nuôi lợn nái nhập ngoại công nghệ cao của anh Trần Văn Định ở vùng khe Lở, xã Nghi Công được xây dựng trong một thung lũng rộng gần 8 ha, bao quanh là những đồi thông xanh mát mắt. Đây là mô hình trang trại nuôi lợn nái siêu nạc được đánh giá quy mô nhất huyện Nghi Lộc hiện nay. Khi bước vào trang trại này, chúng tôi không thoát khỏi cảm giác bất ngờ vì tất cả các khâu đều được thực hiện đúng quy trình khép kín, rất nghiêm ngặt. Trước khi vào khu chăn nuôi chụp ảnh, chúng tôi đã phải vào phòng tắm “sát trùng”, sau đó được phát quần áo, đi ủng để vào chuồng nuôi. Anh Lê Anh Tuấn - cán bộ điều hành cho biết: Trang trại này được liên kết với Công ty CP CPI Thái Lan, xây dựng từ năm 2011 đến đầu năm 2014 mới đưa vào sử dụng. Công ty hỗ trợ về thuốc thú y, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm sau khi chủ đầu tư trang trại hoàn thành việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu với giá trị đầu tư trên 30 tỷ đồng.

Trang trại lợn siêu nạc của anh Trần Văn Định - Nghi Công (Nghi Lộc).
Trang trại lợn siêu nạc của anh Trần Văn Định - Nghi Công (Nghi Lộc).

Trang trại được xây dựng hết sức khoa học, hợp lý. Chuồng lợn được chia làm các khu riêng biệt bao gồm: Khu chuồng chăn nuôi lợn nái chửa, khu chuồng chăn nuôi lợn đẻ, khu chuồng chăn nuôi lợn hậu bị và khu chuồng phối giống. Những dãy chuồng đều lắp đặt hệ thống điều hòa không khí; hệ thống lọc khí, quạt thông gió để hút mùi. Bên cạnh đó, các công trình, hệ thống điện điện, nước được xây dựng đồng bộ, đặc biệt công trình xử lý chất thải được xây dựng với hệ thống bể biogas, 5 ao sinh học đảm bảo xử lý chất thải. Đến thời điểm này, trang trại đã tiếp nhận 1.200 con lợn nái nhập ngoại với quy trình chăn nuôi đã đi vào ổn định, đàn lợn nái phát triển khỏe mạnh. Dự tính đến cuối tháng 10/2014, trang trại sẽ xuất bán lứa lợn giống đầu tiên, bình quân 300 con lợn nái đẻ/tháng, xuất bán 2.000 con lợn giống/tháng. Trang trại của anh Định hiện tạo việc làm cho trên 40 lao động với mức lương trên 4,2 triệu đồng/người/tháng.

Còn tại xã Nghi Văn, Nghi Lộc, ông Trương Văn Hải đã liên kết cùng một số hộ thành lập Công ty CP đầu tư phát triển Tam Thái. Doanh nghiệp đang xây dựng trang trại lợn nái ngoại, lợn thịt có quy mô 3.000 con lợn thịt, 500 lợn nái. Khu chăn nuôi rộng 3,5 ha với 5 dãy chuồng được đầu tư quy mô khép kín, ứng dụng công nghệ cao như sử dụng thiết bị cho lợn ăn tự động, hệ thống phun sát trùng. Hệ thống xử lý nước thải gồm 2 bể biogas và 4 ao sinh học. Tổng mức đầu tư dự án trên 12 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, trang trại sẽ tạo việc làm ổn định cho trên 40 lao động địa phương.

…Đến trang trại nuôi bò Úc

Theo Tỉnh lộ 534, chúng tôi đã tìm về trang trại nuôi bò Úc được đánh giá lớn và quy mô nhất tỉnh của ông Nguyễn Văn Sỹ ở xóm 2, xã Nghi Lâm, Nghi Lộc. Ông Nguyễn Văn Sỹ trao đổi về “cơ duyên” nuôi bò Úc: “Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy mặc dù nhu cầu thị trường lớn nhưng ngành chăn nuôi trâu, bò thịt ở Việt Nam chậm phát triển, thậm chí giảm sút, chất lượng thịt trâu bò nội địa chưa cao. Trong khi đó, nguồn bò sống từ Thái Lan, Lào, Campuchia ngày càng giảm và giá bán lại cao. Mặt khác, bò sống nhập khẩu từ Úc, New Zealand và các nước ASEAN vào Việt Nam chỉ chịu thuế 5%, còn thịt trâu bò tươi lên đến 14-30%, thịt đông lạnh nhập khẩu cũng từ 14-20%. Vì vậy, chúng tôi đã “liên doanh, liên kết” đầu tư vốn xây dựng trang trại nhập bò Úc về để nuôi vỗ béo và bán ra thị trường trong nước”.

Với tư duy đó, năm 2013, ông Sỹ đã đầu tư xây dựng chuồng trại với tổng trị giá trên 15 tỷ đồng trên khuôn viên rộng gần 6,5 ha, đến đầu năm 2014 đã đưa vào sử dụng với quy mô nuôi 3.500 con. “Chúng tôi đã sang Úc ký kết hợp đồng và chỉ nuôi với quy mô từ 2000-2.500 con bò. Nuôi theo kiểu “vỗ béo” quy trình từ 25-30 ngày là xuất bán. Bò Úc đưa về theo đường biển tại cảng Cửa Lò sau đó được vận chuyển bằng ô tô tải về trang trại”, ông Sỹ cho biết. Trang trại cũng đã thuê kỹ sư chăn nuôi để định lượng thức ăn, giám sát dịch bệnh cho đàn bò. Bên cạnh đó, khi về Việt Nam, bò Úc được cho ăn cỏ, ngô như bò nhà truyền thống, thay vì ăn thức ăn công nghiệp dạng viên khá đắt đỏ như ở bên Úc. Vì vậy, nhằm đáp ứng thức ăn tươi cho đàn bò, trang trại đã ký hợp đồng với các hộ dân ở Nghi Văn, Nghi Lâm (Nghi Lộc) và nhiều hộ dân ở các huyện Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn trồng cỏ, ngô, mía, mỗi ngày đáp ứng trên 40 tấn cho trang trại.

Tất cả các loại thức ăn này đều được dùng máy để cắt đập, phơi khô dự trữ cho bò. Hiệu quả từ chăn nuôi bò Úc là rất rõ, chỉ trong 1 tháng nuôi vỗ béo, trọng lượng bò thường tăng thêm từ 15-20 kg/con. Đầu năm 2014 đến nay, cơ sở này nhập trên 8000 con bò Úc, chủ yếu tiêu thụ ở các thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa và một số tỉnh phía Nam. Ngay tại Nghệ An cũng đã hình thành 3 điểm giết mổ bò Úc tại xã Nghi Phú. Trang trại nuôi bò Úc của anh Nguyễn Văn Sĩ ở Nghi Lâm đã tạo việc làm cho trên 40 lao động với mức lương ổn định.

Ông Nguyễn Đức Thọ -Trưởng phòng nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: Toàn huyện Nghi Lộc hiện có 256 trang trại, gia trại chăn nuôi, có 50 trang trại quy mô lớn, tuy nhiên mới chỉ có 3 trang trại đầu tư quy mô lớn, khép kín. Các hộ tự liên doanh liên kết bỏ vốn đầu tư, huyện chỉ hỗ trợ được 50 triệu đồng/trang trại chăn nuôi đúng với tiêu chí và hỗ trợ thêm kinh phí tiêm phòng, bình phun, tủ lạnh bảo quản vắc-xin… Hiện nay, Nghi Lộc đang tiếp tục quy hoạch phát triển các trang trại chăn nuôi và khuyến khích, thu hút các cá nhân, doanh nghiệp, các hộ dân liên doanh, liên kết để xây dựng phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn khép kín, công nghệ cao. Bởi Nghi Lộc có khá nhiều vùng đất xa khu dân cư thích hợp đầu tư trang trại chăn nuôi lớn tập trung ở các xã Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Công Bắc, Nghi Công Nam, Nghi Đồng.

Thành công bước đầu của các trang trại chăn nuôi công nghệ cao ở Nghi Lộc đã mở ra một hướng đi mới, chuyển dịch từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, lạc hậu đến chăn nuôi quy mô, tập trung mang tính hiệu quả bền vững, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên để phát triển kinh tế trang trại theo hướng công nghệ cao, Nghi Lộc cần được Nhà nước hỗ trợ vốn vay ưu đãi để xây dựng cơ sở hạ tầng vì vốn đầu tư xây dựng mỗi trang trại thường từ 12-30 tỷ đồng.

Văn Trường

Mới nhất
x
"Đột phá" từ những mô hình chăn nuôi gia súc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO