Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An còn một số bất cập về thiết kế kỹ thuật cần được tháo gỡ
(Baonghean.vn) - Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT), các nhà đầu tư, nhà thầu cũng như các địa phương có đường bộ cao tốc chạy qua, việc GPMB đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm vướng mắc, trong đó có những ách yếu liên quan đến thiết kế kỹ thuật công trình.
Đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai). Ảnh: Thanh Thành Nhật Tuấn |
Hiện nay, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT), các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cũng như các địa phương có đường bộ cao tốc chạy qua, việc giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo yêu cầu thi công toàn bộ tuyến chính. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm ách yếu, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ, trong đó có cả những ách yếu liên quan đến thiết kế kỹ thuật, những bất cập của hạng mục xây dựng. Thực tế này cần có sự điều chỉnh của chủ dự án, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và đơn vị thi công.
Những cái bẫy “lộ thiên” trên đường gom dân sinh
Xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) là địa phương đầu tiên Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông chạy qua tỉnh Nghệ An (Dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu). Tại đây tuyến đường bộ cao tốc chạy qua xã với chiều dài gần 5km, ảnh hưởng đến đất ở và đất nông nghiệp của người dân các thôn: 3, 5, 6, 7, 8 và 11. Quỳnh Vinh cũng là một trong những xã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng đầu tiên của dự án. Đến nay, tại đây tuyến chính của dự án đã hình thành, các đơn vị thi công đã tiến hành rải đá dăm tại nhiều vị trí, có đoạn đã thảm nhựa, nhưng tại một số tuyến đường gom dân sinh và hầm chui đang gây khó khăn cho người dân.
Người dân gặp khó khăn khi chở nông sản qua hầm chui ở thôn 5, xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) vào sáng 31/5. Ảnh: Thanh Thành Nhật Tuấn |
Tại công trình hầm chui dân sinh của dự án vị trí thôn 5, xã Quỳnh Vinh, theo phản ánh của người dân và chính quyền địa phương, đoạn đường gom hai đầu cống sau khi bị đơn vị thi đào lên đã không hoàn thổ kịp thời.
Có mặt tại công trình hầm chui qua thôn 5 vào sáng 31/5, phóng viên Báo Nghệ An ghi nhận: Lúc này trời nắng gay gắt nhưng mặt đường gom dẫn vào từ phía Tây của hầm đọng một vũng nước lớn. Theo ý kiến của người dân địa phương, nguyên do là sau khi thi công đường gom và cống nhà thầu đã không hoàn thổ trả lại mặt bằng. Điều này gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia lưu thông.
Phía Tây hầm chui cao tốc đoạn thôn 5, xã Quỳnh Vinh bị đào thành hố lớn nhưng không được đơn vị thi công khắc phục. Ảnh chụp sáng 31/5/2023. Ảnh: Thanh Thành Nhật Tuấn |
Cũng tại xã Quỳnh Vinh, ngược theo hướng ra Thanh Hoá, cách hầm chui thôn 5 khoảng 500m là hệ thống công trình hầm chui và đường gom thôn 7. Tại đây, khi tiến hành xây dựng hạng mục hầm chui kết nối đường gom dân sinh, đơn vị thi công đã phá bỏ, xây dựng đường mới qua hầm. Tuy nhiên, ngay đầu phía Đông của hầm chui, đoạn đường bê tông mới được xây dựng với chiều rộng 3m, hẹp hơn đường cũ do người dân xây dựng 0,5m. Bên cạnh đó, đoạn đường này sau khi hoàn thành, do không được đơn vị thi công hoàn trả mặt bằng nên tạo ra gờ bê tông cao hơn 20cm gây cản trở cho phương tiện lưu thông. Cùng với đó, tại hai đầu hầm chui hình thành các hố sụt, phía đầu hố (đoạn tiếp giáp giữa đường vào hầm) là những thanh thép dùng để ép đổ bê tông vẫn chưa được gỡ bỏ, nên chúng nhô cao trên miệng hố và trở thành cái bẫy cho xe cộ, phương tiện.
Tuyến đường gom nối với hầm chui thôn 7, xã Quỳnh Vinh (TX. Hoàng Mai) hẹp hơn đường cũ do người dân làm 0,5m. Ảnh: Thanh Thành Nhật Tuấn |
Sau cơn mưa sáng 29/5, đoạn đường gom phía Đông hầm chui đoạn qua thôn 7, xã Quỳnh Vinh trở thành cái bẫy đối với người đi đường. Ảnh: Người dân cung cấp |
Bà Lê Thị Nhụy -Trưởng thôn 7, xã Quỳnh Vinh cho biết, thực trạng này đã tồn tại 2 tháng nay. “Dân kêu xóm, xóm kêu xã, xã phản ánh lên thị xã nhưng đến nay (ngày 31/5-PV) vẫn chưa được đơn vị thi công giải quyết.
Ngày 16/5/2023 (lần thứ 3), UBND xã Quỳnh Vinh có Báo cáo đề xuất số 569/BC-UBND về việc xử lý các tồn tại trong quá trình thi công Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn xã Quỳnh Vinh gửi UBND thị xã Hoàng Mai; Hội đồng BTHT và TĐC thị xã Hoàng Mai; Ban quản lý dự án 6- Bộ Giao thông vận tải. Chính quyền xã Quỳnh Vinh đề nghị các cấp, ngành, các đơn vị liên quan tiếp tục sớm có biện pháp giải quyết, khắc phục các bất cập nói trên. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Một chiếc xe bị "dính bẫy" khi qua hầm chui thôn 7, xã Quỳnh Vinh. Ảnh: Người dân cung cấp |
Hầm chui tại thôn 7, xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) thời điểm sáng 31/5. Do đơn vị thi công chưa hoàn trả mặt bằng nên cao độ đáy của hầm chui cao hơn mặt đường gom kết nối hơn 20cm. Người dân địa phương khẳng định, đây là cái bẫy đối với người đi đường. Ảnh: Thanh Thành Nhật Tuấn |
Do không hoàn thổ sau khi thi công hầm chui và đường gom, đơn vị thi công đã tạo ra một cái hố lớn. Điểm tiếp giáp giữa hầm và đường còn nguyên thanh thép ép bê tông. Đây là cái bẫy đối với người và phương tiện tham gia lưu thông. Ảnh: Thanh Thành Nhật Tuấn |
Nước chảy ngược tại cống ngang tuyến
Trưa 31/5/2023, phóng viên Báo Nghệ An có mặt tại đoạn cao tốc Bắc – Nam qua địa phận xã Quỳnh Trang (thị xã Hoàng Mai). Tại đây, theo phản ánh của lãnh đạo UBND xã, khi tuyến cao tốc hình thành đã làm phát sinh nhiều bất cập, gây khó khăn cho nhân dân địa phương trong sinh hoạt, sản xuất. Bất cập lớn nhất hiện nay là hệ thống 3 cống tròn ngang tuyến cao tốc có cao độ đáy cao hơn mặt ruộng và kênh tưới/tiêu nước khu vực nội đồng trên địa bàn các thôn: 2,3,4,5,6,8. Trước thực tế trên, ngày 02/02/2023, UBND xã Quỳnh Trang (thị xã Hoàng Mai) có Báo cáo số 10/BC-UBND tổng hợp những tồn tại, vướng mắc, kiến nghị trong quá trình thi công đường bộ cao tốc Bắc – Nam.
Ghi nhận vào trưa 31/5, nước từ cánh đồng thôn 8 không thể chảy qua cánh đồng thôn 6 do cao độ đáy cống cao hơn mặt ruộng và đáy kênh tưới/tiêu trên địa bàn. Ảnh: Thanh Thành Nhật Tuấn |
Chính quyền địa phương phản ánh: “Hiện tại, dọc tuyến đường cao tốc Bắc – Nam đi qua địa bàn xã Quỳnh Trang có 3 cống qua đường phục vụ việc tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp của bà con nhân dân. Cụ thể: Cống từ vùng Đồng Mỳ thôn 3 đi vùng Đồng Giá Mộng thôn 6; cống từ vùng Đồng Sim thôn 2 đi vùng đồng Cồn Đồi Bà thôn 5; cống từ Đệ Hai (thôn 8) đi vùng đồng Gia Mạy thôn 6. Tuy nhiên, trên thực tế khi đưa vào sử dụng thì 3 cống này đều có đáy cao hơn đáy của các kênh tưới, tiêu cũ đã được xây dựng trước đây, nên đã gây rất nhiều khó khăn trong việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con nhân dân.
UBND xã Quỳnh Trang đề nghị Ban Quản lý dự án 6 – Bộ Giao thông vận tải, UBND thị xã Hoàng Mai xem xét kiểm tra cụ thể và cho hạ đáy các cống nêu trên để đảm bảo việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp lâu dài cho bà con nhân dân.
Bằng mắt thường có thể thấy, mặt ruộng đang thấp hơn cao độ đáy cống. Ảnh: Thanh Thành Nhật Tuấn |
Trả lời vấn đề xã Quỳnh Trang phản ánh, ngày 20/3/2023 Ban Quản lý dự án 6 – Bộ Giao thông vận tải có Văn bản số 479/BQLDA6-BĐH NS-DC. Văn bản nêu: “Đối với 3 vị trí cống tròn ngang tuyến phục vụ tưới tiêu trên địa bàn xã Quỳnh Trang, nhà thầu và tư vấn giám sát đã tiến hành kiểm tra và thống nhất công trình đảm bảo thoát nước, phù hợp với mương hiện trạng của địa phương”.
Tiếp đó, ngày 21/3/2023, UBND xã Quỳnh Trang tiếp tục có Báo cáo số 77/BC-UBND đề nghị Ban quản lý dự án 6 và các đơn vị hữu quan tiến hành hạ đáy 3 cống nói trên để đảm bảo việc tưới tiêu sản xuất nông nghiệp cho bà con nhân dân.
Lãnh đạo xã Quỳnh Trang (thị xã Hoàng Mai) trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An. Ảnh: Thanh Thành Nhật Tuấn |
Ông Lê Đăng Thăng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang (thị xã Hoàng Mai) cho biết, thực ra không phải mãi đến tháng 2/2023 chính quyền địa phương mới phát văn bản đề nghị Ban quản lý dự án 6 và đơn vị thi công xem xét điều chỉnh cao độ đáy của 3 cống nói trên. Trước đó, khi đơn vị thi công tiến hành đặt cống, nhận thấy cao độ đáy của các cống thoát nước nói trên đều cao hơn đáy kênh cấp/tiêu nước trên địa bàn, địa phương đã đề nghị điều chỉnh phù hợp với địa hình, thuỷ văn tại đây, nhưng vẫn không được chấp nhận.
Vẫn không đành, ngày 27/3/2023, UBND xã Quỳnh Trang mời đơn vị tư vấn thiết kế độc lập tổ chức kiểm tra cao độ đáy của một số cống tại địa bàn. Qua kiểm tra đã phát hiện cống ngang tại cánh đồng thôn 3 đi thôn 6 (lý trình Km391+870,87m) có sai lệch so với thiết kế ban đầu được duyệt của dự án. Cụ thể: Cao độ đáy cống phía hạ lưu đo được là 5,34m (theo thiết kế là 5,09m). Như vậy, đáy cống hiện trạng đã thi công có sự chênh lệch với thiết kế được duyệt khá lớn, từ 19-25 cm.
Ngoài ra, 2 cống khác từ cánh đồng thôn 2 đi thôn 5 và cánh đồng thôn 8 đi thôn 6 đều có cao độ đáy cao hơn mặt ruộng và đáy kênh tưới/tiêu trên địa bàn (theo thiết kế được duyệt). Trong khi đó, khu vực này có diện tích gần 80ha là đất sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.
Sau khi tiếp nhận các nội dung phản ánh của UBND xã Quỳnh Trang, nhà thầu và đơn vị thi công chỉ tiến hành điều chỉnh, hạ cao độ đáy theo đúng thiết kế của 1 trong 3 cống, đó chính là cống thi công sai thiết kế, 2 cống còn lại chưa được điều chỉnh.
Qua quan sát thực tế của phóng viên tại hiện trường, những phản ánh của chính quyền xã Quỳnh Trang là hoàn toàn có cơ sở. Tại các cống thôn 2 đi thôn 5 và thôn 8 đi thôn 6 nước ứ đọng tại kênh tưới/tiêu nội đồng thoát ra. Bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy tại nhiều vị trí, mặt ruộng và đáy kênh đều cao hơn cao độ đáy của cống. Và việc không điều chỉnh thiết kế hệ thống cống ngang tuyến này dự báo sẽ gây ra tình trạng ngập lụt trong mùa mưa tại nhiều địa bàn dân cư của xã Quỳnh Trang, gây ngập úng đất canh tác của người dân.
Yêu cầu điều chỉnh thiết kế hầm chui dân sinh
Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đi qua huyện Hưng Nguyên chiều dài với 25,88 km. Theo báo cáo của chính quyền địa phương, đến cuối tháng 5/2023, Hưng Nguyên đã hoàn thành 100% nhiệm vụ giải phóng mặt bằng.
Ngày 17/5/2023, Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An, UBND huyện Hưng Nguyên và Ban Quản lý dự án 6 - Bộ GTVT, đề nghị giải quyết vướng mắc mặt bằng tại một số vị trí trên địa bàn huyện Hưng Nguyên. Trong số những vướng mắc mà doanh nghiệp nêu và đề nghị xử lý, có nội dung dự án đang vướng mặt bằng tại đường dẫn vào hầm chui tại Km453+206, điểm xóm 4, xã Hưng Yên Nam.
Hầm chui đoạn qua xóm 4, xã Hưng Yên Nam được thiết kế thấp hơn đường hiện trạng. Ảnh: Thanh Thành Nhật Tuấn |
Qua nắm bắt thực tế, hầm chui tại Km453+206, xóm 4, xã Hưng Yên Nam đang trong tình trạng dở dang nhiều tháng, nguyên do là người dân địa phương ngăn cản hoạt động thi công. Theo UBND huyện Hưng Nguyên, hầm chui đoạn qua xóm 4, cao độ đáy thiết kế thấp hơn đường hiện trạng từ 1,2-1,6m. Điều này không phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông của địa bàn.
Ông Phạm Minh Hùng – Xóm trưởng xóm 4, xã Hưng Yên Nam cho biết, việc đơn vị thi công đào hầm chui sâu hơn đường dân sinh sẽ gây rất nhiều khó khăn cho người dân. Nếu vẫn giữ nguyên thiết kế, sẽ phải hạ cốt đường dân sinh xuống sâu hơn 1m. Những gia đình sinh sống dọc theo đường sẽ lên xuống, ra vào nhà của mình như thế nào. Trong khi đó, khu vực này thấp trũng, vào mùa mưa sẽ bị ngập úng nặng nề. Cùng với quan điểm đó, ông Phan Anh Nam – Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam đề nghị chủ đầu tư, doanh nghiệp dự án điều chỉnh thiết kế, nâng cao độ đáy của hầm chui ngang với mặt đường hiện trạng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong vùng.
Ông Ngô Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt (Bộ GTVT) giải thích về những vướng mắc trên cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hưng Nguyên. Ảnh: Thanh Thành Nhật Tuấn |
Liên quan đến vấn đề này, Ngô Trọng Nghĩa – Phó Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt (Bộ GTVT) cho biết, trước đây, thiết kế kỹ thuật hầm chui qua xóm 4, xã Hưng Yên Nam đều đã được các cơ quan, đơn vị liên quan xác nhận, phê duyệt. Tuy vậy, đến nay khi công trình triển khai thực tế đã phát sinh các vấn đề vướng mắc. Để giải quyết, có một số phương án đã được đưa ra, trong đó, theo ông Ngô Trọng Nghĩa, phương án hài hoà nhất là nâng cao độ mặt đường hầm chui lên khoảng 1m. Để cụ thể hoá yêu cầu này, ông Nghĩa “gợi ý” rằng huyện phải kêu tỉnh, tỉnh kêu Bộ GTVT thì mới có cơ sở giải quyết.
Một điểm ách yếu khác tại địa bàn huyện Hưng Nguyên mà doanh nghiệp dự án nêu là vướng mắc 480m2 đất bãi cát, nhà xưởng của ông Hoàng, lý trình Km463+416,175 tại xóm 6, xã Hưng Đạo. Đây là vị trí qua sông đào, nơi tuyến đường công vụ của dự án cao tốc chạy qua.
Điểm vướng mắc tại bến cát ông Hoàng, lý trình Km463+416,175 tại xóm 6, xã Hưng Đạo đã được Hội đồng GPMB huyện Hưng Nguyên giải quyết dứt điểm và bàn giao cho doanh nghiệp dự án Phúc Thành Hưng vào ngày 31/5. Ảnh: Thanh Thành Nhật Tuấn |
Theo UBND huyện Hưng Nguyên, “Về việc vướng 480m2 đất bãi cát, nhà xưởng ông Hoàng tại lý trình Km463+416,175, xóm 6, xã Hưng Đạo, diện tích ảnh hưởng trên trích lục, trích đo theo mốc giải phóng mặt bằng chủ đầu tư bàn giao là 286m2 thuộc giai đoạn 2 của dự án (không phải 480m2 như doanh nghiệp báo cáo). Nội dung này, Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện cho biết là do sai lệch diện tích trong quá trình trích lục, trích đo nên phải điều chỉnh, và đã lập hồ sơ phấn đấu hoàn thành trước 31/5/2023”.
Chiều 31/5, trả lời phóng viên Báo Nghệ An, đại diện UBND huyện Hưng Nguyên cho biết: “Vướng mắc tại lý trình Km463+416,175, xóm 6, xã Hưng Đạo đã được UBND huyện Hưng Nguyên xử lý dứt điểm, đúng thời hạn như đã báo cáo UBND tỉnh”.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam là công trình trọng điểm quốc gia, đã có hàng ngàn hộ dân ở Nghệ An bị ảnh hưởng, chấp nhận thiệt thòi vì dự án. Bởi vậy, người dân cũng mong muốn, nếu thiết kế kỹ thuật hay những hạng mục xây dựng còn có sự bất cập, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân thì các cơ quan hữu quan cần có sự xem xét, điều chỉnh thấu đáo.