Dự án FLOURISH nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cây lùng ở Nghệ An

Hoàng Vĩnh 18/10/2022 20:42

(Baonghean.vn) - Tổ chức RECOFTC và Quỹ Bảo vệ & Phát triển rừng tỉnh Nghệ An vừa phối hợp tổ chức Hội thảo tổng kết dự án FLOURISH tại tỉnh Nghệ An.

Tham dự Hội thảo có các đại diện: Văn phòng RECOFTC khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Mạng lưới Mây tre quốc tế; Đại học Kỹ thuật Dresden (CHLB Đức); Đại biểu các nước trong vùng dự án là Thái Lan, Lào.

Về phía Việt Nam có đại diện: Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp; Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế; Quỹ Bảo vệ & Phát triển rừng Việt Nam và Văn phòng RECOFTC tại Việt Nam. Cùng đại diện UBND tỉnh, các đối tác liên quan.

Lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An trao đổi quá trình thực hiện dự án tại địa phương. Ảnh: Hồng Nhung

Được hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2018, mục tiêu cụ thể của dự án FLOURISH tại Nghệ An là: Thiết lập các mô hình phục hồi cảnh quan rừng sản xuất theo cơ chế hợp tác giữa khối tư nhân và cộng đồng có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương; Thỏa thuận hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân, chính quyền địa phương được ký kết và triển khai thực hiện; Tăng diện tích rừng được quản lý bền vững bởi cộng đồng/các hộ dân hoặc cải thiện các thỏa thuận về sử dụng rừng; Tăng khả năng phòng chống cháy rừng tại mô hình thí điểm; Tăng trữ lượng các-bon và khả năng cung ứng dịch vụ môi trường rừng tại mô hình thí điểm; Chia sẻ các kết quả thí điểm thành công ở các cấp địa phương, quốc gia và quốc tế.

Sau 4 năm hoạt động, thỏa thuận hợp tác về chuỗi giá trị sản phẩm cây lùng đã được ký kết giữa các cộng đồng thôn/bản với doanh nghiệp (Công ty TNHH Đức Phong). Dự án FLOURISH và Văn phòng RECOFTC Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm huyện, Công ty TNHH Đức Phong cũng đã triển khai các lớp tập huấn về khai thác, sơ chế, tu bổ và làm giàu rừng lùng cho các nhóm khai thác lùng tại các xã tham gia dự án (tại huyện Quỳ Châu và Quế Phong).

Đại diện RECOFTC chia sẻ kinh nghiệm, kết quả thí điểm thành công ở các cấp địa phương, quốc gia và quốc tế. Ảnh: Hồng Nhung

Bên cạnh đó, mô hình “Nhân giống lùng bằng phương pháp tách gốc” cũng đã được xây dựng nhằm từng bước nhân rộng tài nguyên rừng lùng tại địa bàn dự án. Đây là phương pháp nhân giống hiệu quả giúp người dân tái trồng rừng từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của chính sách bảo vệ và phát triển rừng.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã thăm mô hình trồng lùng bằng phương pháp tách gốc; Mô hình quản lý rừng lùng tự nhiên tại xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu.

Người dân Quỳ Châu đầu tư phát triển cây lùng, cây tre góp phần bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: Hồng Nhung

Phát biểu tại Hội thảo, bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Nghệ An khẳng định: Dự án FLOURISH đã kết thúc, nhưng giá trị mà dự án đã mang lại, những bài học kinh nghiệm được đúc rút trong suốt quá trình thực hiện dự án sẽ giúp cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; sinh kế và nguồn lợi kinh tế của rừng của các hộ gia đình trong thời gian tới sẽ được tăng lên.

Mới nhất

x
Dự án FLOURISH nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cây lùng ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO