Dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An
Hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An được xây dựng từ năm 1930 và đưa vào sử dụng từ 1937. Công trình lấy nước từ sông Lam phục vụ sản xuất cho 34.500 ha đất canh tác, nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt. Qua nhiều năm sử dụng, cộng thêm sự tàn phá của chiến tranh, hầu hết các hạng mục công trình đã xuống cấp trầm trọng.
(Baonghean) - Hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An được xây dựng từ năm 1930 và đưa vào sử dụng từ 1937. Công trình lấy nước từ sông Lam phục vụ sản xuất cho 34.500 ha đất canh tác, nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt. Qua nhiều năm sử dụng, cộng thêm sự tàn phá của chiến tranh, hầu hết các hạng mục công trình đã xuống cấp trầm trọng.
Kênh và công trình trên kênh tuy được gia cố một số đoạn nhưng theo kiểu chắp vá, chỉ đủ ứng phó với các hư hỏng thường xuyên, gây thất thoát nước rất lớn, không thể đáp ứng nhu cầu dùng nước cho vùng hạ lưu, ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 1 triệu người dân của 4 huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu và Đô Lương. Đặc biệt, những năm gần đây, tình hình hạn hán ngày càng gay gắt, trong khi nhu cầu dùng nước ngày càng tăng đã làm cho sản xuất nông nghiệp không ổn định, cuôc sống người dân vùng bị hạn rất khó khăn.
Trước tình hình đó, dự án “Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An” được triển khai nhằm đảm bảo an toàn, ổn định công trình, cấp nước tưới cho gần 30.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, mở rộng khu tưới cho vùng Bãi Ngang, đảm bảo an toàn lương thực và xóa đói giảm nghèo.
Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam và lãnh đạo Sở NN và PTNT Nghệ An khảo sát công trình đầu mối hệ thống Thủy lợi bắc.
Ông Nguyễn Hữu Lực - Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Nghệ An cho biết: Hiện tại, nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh của vùng này đều phụ thuộc vào nguồn nước từ hệ thống thủy lợi bắc, đặc biệt Quỳnh Lưu, Diễn Châu là 2 huyện có diện tích đất canh tác lớn. Trong khi đó, hàng năm Nghệ An có tổng lượng mưa trung bình 1.800 - 2.200 mm thì ở Quỳnh Lưu thường xuyên chỉ đạt 1.000 - 1.100 mm, nếu xảy ra khô hạn thì đây sẽ là khu vực thiếu nước trầm trọng nhất. Sau khi hệ thống được nâng cấp, công trình sẽ làm việc an toàn trong mọi điều kiện, giảm chi phí quản lý, chi phí sửa chữa thường xuyên. Đồng thời sẽ giải quyết được vấn đề tiết kiệm nước, nâng cao hiệu quả tưới, tạo điều kiện mở rộng diện tích hè thu, tưới cây trồng cạn và cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, nhất là khi các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Lam hoạt động.
Dự án sẽ tập trung đầu tư sửa chữa công trình đầu mối, gia cố mái thượng, hạ lưu công trình đầu mối, chống sạt lở bờ, đảm bảo ổn định lâu dài. Khôi phục, nâng cấp toàn bộ hệ thống kênh và công trình trên kênh. Đồng thời, cứng hóa và hoàn chỉnh 56 km đường dọc hai bờ kênh, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, vận hành hệ thống kênh và giao thông đi lại trong vùng.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm (từ 2012- 2016) và có tổng nguồn vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của JICA (Nhật Bản). Dự án được thiết kế để giải quyết 2 hạn chế là thiếu năng lực và hạ tầng cơ sở yếu kém. Đồng thời cũng sẽ giải quyết các yêu cầu của hệ thống hạ tầng cơ sở thủy lợi đang bị xuống cấp nghiêm trọng, với việc cung cấp nguồn vốn để cải tạo các hạng mục công trình thiết yếu, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để hiện đại hóa công tác quản lý và vận hành các hệ thống tưới, tiêu, cải thiện công tác quản lý các hệ thống thủy lợi, tăng sản lượng nông nghiệp, nâng cao sức sản xuất của dự án nhằm tăng thu nhập của người nông dân trong vùng.
Phú Hương