Dự án “treo” và vấn đề quản lý, sử dụng tài nguyên đất
Tháng 7/2012, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi 8 dự án treo của 8 tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn do chủ đầu tư không triển khai dự án đúng tiến độ theo quy định. Sau quyết định đó, UBND tỉnh thành lập đoàn thanh tra tiếp tục rà soát, điều chỉnh nhiều dự án khác. Tuy nhiên, đối với một số dự án, cần có sự quyết liệt hơn trong việc xử lý tài sản trên đất.Thực trạng các dự án "treo"
(Baonghean) Tháng 7/2012, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi 8 dự án treo của 8 tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn do chủ đầu tư không triển khai dự án đúng tiến độ theo quy định. Sau quyết định đó, UBND tỉnh thành lập đoàn thanh tra tiếp tục rà soát, điều chỉnh nhiều dự án khác. Tuy nhiên, đối với một số dự án, cần có sự quyết liệt hơn trong việc xử lý tài sản trên đất.
Thực trạng các dự án "treo"
Trong số 8 dự án treo có quyết định thu hồi có 1 dự án đã được giao đất, đó là dự án Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật. Dự án trường học và ký túc xá Trung tâm Đào tạo nghề cho người khuyết tật và học sinh nghèo tại xã Hưng Đông (TP. Vinh) được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt mặt bằng quy hoạch tổng thể ngày 4/5/2007. Chủ đầu tư đã tiến hành làm đầy đủ thủ tục bồi thường GPMB và đã được UBND tỉnh làm thủ tục cho thuê đất tại Quyết định số 21/QĐ-UBND.ĐC ngày 4/3/2008 với diện tích thực hiện dự án là 12.505,20m2. Để có đất thực hiện dự án, UBND Thành phố Vinh đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2006.
Sau nhiều năm được cấp giấy phép, dự án trường học và ký túc xá Trung tâm Đào tạo nghề cho người khuyết tật và học sinh nghèo tại xã Hưng Đông vẫn chỉ là bãi đất hoang.
Thế nhưng, từ đó đến nay, dự án đang dừng lại ở một số hạng mục như san nền, tường bao và 1 nhà tạm bằng gạch táp lô đang cho sinh viên thuê ở. Ngày 24/4/2012, chủ đầu tư có văn bản gửi UBND Thành phố Vinh đề nghị chấm dứt dự án nhưng nội dung không rõ ràng. UBND Thành phố Vinh yêu cầu chủ đầu tư có văn bản khẳng định chắc chắn việc ngừng triển khai dự án chậm nhất vào ngày 12/5/2012, nhưng đến nay vẫn không được trả lời. Người dân Hưng Đông chờ đợi một quyết định dứt khoát của cấp có thẩm quyền, để hơn 12.000m2 đất bỏ hoang được đưa vào sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.
Ngoài dự án trung tâm dạy nghề người khuyết tật, 7 dự án khác bị thu hồi trong tháng 7/2012 do chủ đầu tư không triển khai dự án đúng tiến độ quy định gồm: Nhà máy xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ; Xưởng tuyển quặng sắt tại xã Khánh Sơn (Nam Đàn); Trung tâm dạy tiếng Hàn Quốc - DS Power International Hàn Quốc (TP. Vinh); Vận tải công cộng bằng xe buýt tại TP. Vinh và các vùng phụ cận; Trồng rừng nguyên liệu và cây cao su gắn với sản xuất nông lâm kết hợp, Cải tạo rừng nghèo theo hướng kinh doanh tổng hợp, phát triển bền vững; Lắp đặt hệ thống dây chuyền sản xuất chả cá Surimi đông lạnh; Đóng mới tàu chở dầu trọng tải 5.000 tấn chạy tuyến quốc tế, hạn chế cấp 1. Trong 8 dự án nói trên, có 2 dự án đầu tư nước ngoài và chỉ có Dự án Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và học sinh nghèo là có quyết định thu hồi đất (tại Quyết định số 157 ngày 11/7/2012 của UBND tỉnh). Cùng với quyết định thu hồi, UBND tỉnh cũng giao UBND Thành phố Vinh thành lập hội đồng định giá để xác định giá trị còn lại của tiền thuê đất và tài sản đã đầu tư trên đất; quản lý toàn bộ số diện tích đất đã thu hồi để đưa vào sử dụng theo quy hoạch.
Tăng cường rà soát, chấn chỉnh
Thực hiện chỉ đạo theo Chỉ thị 134/CT- TT về việc kiểm tra xử lý các dự án vi phạm Luật Đất đai, một số đoàn thanh tra kiểm tra đang tiến hành rà soát. Ngoài 8 dự án có quyết định thu hồi nói trên, mới đây, tại Công văn số 4419/UBND.ĐC về việc xử lý kết quả thực hiện Kết luận 612/KL.TTR1 của Chánh thanh tra tỉnh Nghệ An đã yêu cầu đối với 3 dự án chưa đầu tư xây dựng công trình toàn bộ dự án hoặc đã đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình nhưng hiện tại không sử dụng đất thì thu hồi toàn bộ diện tích đất của 3 chủ dự án, gồm: Dự án Khu dịch vụ khách sạn nhà nghỉ chất lượng cao do Công ty CP Phượng Hồng làm chủ dự án; Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất động cơ Diezen do Công ty TNHH sản xuất thương mại quốc tế Thành Thọ làm chủ dự án; Dự án Xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm nông thủy sản do Công ty CP Thạch Sơn Thảo làm chủ dự án.
Có một thực tế là, nhiều dự án “treo” đang tồn tại một phần do sự dễ dãi từ thủ tục giao đất thực hiện dự án. Trong khi đó, khâu kiểm tra thực hiện từ chính quyền cơ sở tới các ngành hữu quan chưa sâu sát, dẫn đến dự án bị bỏ hoang trong thời gian dài mà không được xử lý kịp thời. Sự thiếu hụt các quy định về hạn chế diện tích, loại đất, đối tượng sử dụng và một cơ chế kiểm tra, giám sát thiếu chặt chẽ dẫn đến việc giao đất, cho thuê đất một cách tùy tiện, hoặc lợi dụng xin giao đất, thuê đất với diện tích lớn để chiếm đất. Nhiều trường hợp được giao đất, cho thuê đất rồi bỏ hoang, gây lãng phí, gây bức xúc trong xã hội.
Theo phòng quản lý đất đai (Sở TN-MT): Tình trạng sử dụng đất sai mục đích, để hoang hóa đang là vi phạm khá phổ biến tại nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, dẫn đến sự lãng phí rất lớn trong việc sử dụng nguồn tài nguyên. Việc thu hồi đất sử dụng sai mục đích, đất để hoang hóa là công việc thường xuyên, liên tục của các ban, ngành chức năng và UBND tỉnh, dù đã thực hiện nhiều đợt nhưng công tác thanh tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Được biết, thực hiện kế hoạch của Bộ Tài nguyên - Môi trường, nhiều dự án về thủy điện trên địa bàn tỉnh hiện cũng đang nằm trong danh sách rà soát về các vấn đề liên quan tới đất đai, môi trường, tài nguyên nước và khí tượng thủy văn. Kết quả thanh tra là cơ sở để các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp quản lý phù hợp và sửa đổi, bổ sung các chế định pháp luật nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên trong phát triển thủy điện. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng ban hành kế hoạch thực hiện thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường và các công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông lâm trường. Hiện thanh tra tỉnh, Sở TN-MT cũng đã thành lập các đoàn thanh tra; kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy, mặc dù được sử dụng với diện tích đất lớn, nhiều ưu đãi nhưng hiệu quả sử dụng đất để sản xuất kinh doanh chưa cao. Còn để xảy ra hiện tượng vi phạm pháp luật đất đai trong quản lý, sử dụng đất.
Đợt ra quân rà soát các dự án treo, các dự án nhiều năm không triển khai theo đúng tiến độ quy định là giải pháp cần thiết, kịp thời. Vấn đề dư luận quan tâm là hiệu quả giám sát và xử lý vi phạm cũng như việc kiên quyết thu hồi các dự án không thực hiện cam kết đầu tư, sau đó mời các nhà đầu tư mới có năng lực vào tiếp quản hoặc quản lý sử dụng đất theo quy hoạch ra sao.
Thu Huyền