Du học Nhật Bản: Không phải "miền đất hứa"

10/12/2013 12:32

(Baonghean) - Nếu vào các trang web rao vặt về địa bàn Nghệ An, dễ bắt gặp các quảng cáo về du học Nhật Bản với những lời giới thiệu, hứa hẹn hết sức hấp dẫn. Dạo một vòng quanh các tuyến đường ở Tp Vinh, cũng không khó để bắt gặp những tấm biển của các trung tâm tư vấn du học Nhật Bản. Sẽ không quá nếu ví von rằng dịch vụ tư vấn, tuyển sinh du học Nhật Bản đang “mọc lên như nấm sau mưa”.

(Baonghean) - Nếu vào các trang web rao vặt về địa bàn Nghệ An, dễ bắt gặp các quảng cáo về du học Nhật Bản với những lời giới thiệu, hứa hẹn hết sức hấp dẫn. Dạo một vòng quanh các tuyến đường ở Tp Vinh, cũng không khó để bắt gặp những tấm biển của các trung tâm tư vấn du học Nhật Bản. Sẽ không quá nếu ví von rằng dịch vụ tư vấn, tuyển sinh du học Nhật Bản đang “mọc lên như nấm sau mưa”.

Những lời hứa hẹn hấp dẫn

Theo những thông tin quảng cáo trên mạng và trên các tờ rơi của các trung tâm này thì điều kiện để sang Nhật Bản du học mà họ đưa ra phần lớn khá dễ dàng như chỉ cần tốt nghiệp THPT, không yêu cầu biết trước tiếng Nhật, được đào tạo tiếng Nhật miễn phí 6 tháng… Kèm theo đó là những lời hứa hẹn hấp dẫn như: Chỉ học một buổi ở trường, hoàn toàn có thời gian cho việc làm thêm với mức lương từ 30 triệu đồng trở lên, không những đủ trang trải chi phí học tập, sinh hoạt mà còn có thể tích cóp gửi về gia đình; nếu hoàn thành khóa học thì sẽ được cấp bằng có giá trị quốc tế… Cũng bởi điều kiện dễ dàng và những lời hứa hẹn hấp dẫn đó nên dù chi phí ban đầu cho một chuyến du học khá cao, nhưng cũng khá đông người tìm đến các trung tâm này với hy vọng thay đổi cuộc sống ở “xứ sở hoa anh đào”.

Các trang web quảng cáo tuyển sinh du học Nhật Bản.
Các trang web quảng cáo tuyển sinh du học Nhật Bản.

Trong vai một khách hàng, tôi đến Công ty Tư vấn du học V.S có văn phòng ở đường Nguyễn Thái Học (TP Vinh) một cơ sở được xem là có “uy tín” về tư vấn du học. Sau khi đặt vấn đề muốn sang Nhật Bản theo con đường du học để tìm một công việc có thu nhập, một nhân viên tư vấn nhanh nhảu tiếp chuyện và giới thiệu cho tôi về chương trình tuyển sinh du học Nhật Bản dành cho những người có nhu cầu vừa học vừa làm, theo đó mức lương sẽ là 30 triệu đồng/tháng. Đồng thời nhấn mạnh chương trình này “rất phù hợp với đối tượng là con nhà nghèo, trình độ văn hóa trung bình”.

Với chi phí 30 triệu đồng, Công ty sẽ lo thị thực (visa), vé máy bay và các chi phí khác như dịch thuật, xử lý hồ sơ… Ngoài ra, học viên phải chuẩn bị số tiền từ 190 – 210 triệu đồng để đóng học phí trong một năm đầu tiên và lệ phí ký túc xá 6 tháng. Còn việc làm thêm ở Nhật Bản thì học viên… tự liên hệ (?!). Khi tôi thắc mắc là “Nếu không thể xin được việc làm thêm tại Nhật Bản hoặc việc làm thêm lương quá thấp, không đủ trang trải chi phí, thì phải làm thế nào?”.

Nhân viên này giải thích: “Các trường đào tạo tại Nhật Bản cũng giống như một tổ chức kinh doanh. Họ chỉ có thể duy trì trường, lớp khi học viên đóng học phí cho họ. Do đó, hỗ trợ việc làm thêm cho bạn là trách nhiệm của nhà trường nơi học viên theo học, vì chỉ khi học viên có việc làm thêm ra tiền bạn mới có tiền nộp học phí cho nhà trường những năm tiếp theo”. Trong thời gian ngồi chờ và được tư vấn, tôi quan sát thấy khách hàng đến với trung tâm này là khá đông, phần lớn ở độ tuổi dưới 30, có người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng một thời gian dài không tìm được việc làm ổn định, cũng có người mới tốt nghiệp THPT, mấy năm liền không thi đỗ đại học…

Không là “miền đất hứa”

Để hiểu rõ hơn về du học Nhật Bản, qua bạn bè, tôi liên hệ được với chị Trần Thanh H, người có hơn 1 năm làm nhân viên tư vấn du học và từng làm việc cho 2 công ty tư vấn du học Nhật Bản. Sau một lúc nói chuyện thân tình, chị H. cho biết: “Qua hơn 1 năm làm công việc này, tôi thấy rằng hầu hết những trường hợp có nhu cầu du học Nhật Bản đều là con những gia đình nông dân nghèo, qua những lời giới thiệu, muốn qua Nhật để tìm một công việc có thu nhập cao (so với trong nước). Và những gì mà chúng tôi tư vấn cho họ, về điều kiện du học, điều kiện học tập, làm việc, mức lương… cũng là tất cả những gì mà những người đứng đầu truyền đạt cho chúng tôi khi nhận chúng tôi vào làm việc.

Qua mạng xã hội, tôi vẫn giữ liên hệ với những người đã bay sang Nhật và không ít người trong số đó phàn nàn với tôi rằng cuộc sống vừa học vừa làm ở Nhật không dễ dàng như tư vấn. Nhật Bản là đất nước đông người ngoại quốc nhưng người Nhật chỉ coi trọng quốc ngữ, do đó mọi giao tiếp đều sử dụng tiếng Nhật, rất ít dùng tiếng Anh. Người Nhật không ai bỏ tiền ra thuê một người hoàn toàn không biết tiếng Nhật để làm việc cho họ, trong khi đa phần các học viên người Nghệ An đến Nhật có trình độ văn hóa thấp, khả năng tiếp thu ngoại ngữ nói chung và tiếng Nhật nói riêng hạn chế nên rất khó tìm việc làm thêm”.

Từ sự giới thiệu của chị H, qua mạng xã hội facebook, tôi trò chuyện với anh Hồ Anh T. (SN 1988) ở phường Bến Thủy (TP Vinh) - một học viên sang du học ở Tokyo - Nhật Bản từ tháng 4 năm nay, qua một trung tâm tư vấn, tuyển sinh du học với chi phí 240 triệu đồng. T. cho biết: “Chỉ một thời gian ngắn, em mới nhận ra thực tế không hoàn toàn như tư vấn”. Theo luật quy định của Nhật Bản, du học sinh chỉ được phép làm thêm 4h/ngày và không được phép làm quá 28h/tuần.

Tiền lương trung bình 1 giờ làm thêm ở Nhật có mức từ 750 yên trở lên (khoảng 160 nghìn đồng), nên nếu làm tất cả các ngày trong tuần, theo đúng quy định thì số tiền kiếm được hàng tháng từ 18 – 30 triệu đồng, tùy công việc. Tuy nhiên, mức học phí hàng tháng dao động từ 8 - 12 triệu đồng tuỳ từng trường, chi phí ăn ở, đi lại cũng từ 10 triệu đồng trở lên, chưa kể các khu vực đắt đỏ như Tokyo, Osaka... nên số tiền du học sinh tích cóp được chẳng đáng là bao. Như trường hợp của em, vì tiếng Nhật không tốt, sau nhiều lần phỏng vấn, mới được nhận vào rửa bát ở một nhà hàng ở Tokyo, mỗi tháng làm thêm được gần 30 triệu đồng nhưng chi phí sinh hoạt đã chiếm gần 90% thu nhập.

Để có tiền gửi về gia đình như kỳ vọng, em phải làm thêm việc phát báo từ 2h sáng đến 7 giờ sáng. Nhiều hôm lên lớp mà chưa kịp ăn, ngủ không đủ giấc nên học không hiệu quả. Ở Tokyo hiện nay có khá nhiều học sinh Việt Nam do không tìm được việc làm, không gánh nổi chi phí học tập, sinh hoạt đã phải bỏ học, đi làm chui lủi, trốn vé tàu, trộm cắp... Một số trường hợp có được việc làm nhưng lại bị từ chối gia hạn visa do bị phát hiện làm quá số giờ quy định. Mặt khác, hết một năm học, đa số các trường đều tổ chức thi khảo sát, nếu đạt yêu cầu học viên mới được phép học tiếp chứ không phải kéo dài 3-4 năm như tư vấn. Không ít trường hợp du học sinh Việt Nam do không học tập tử tế đã không vượt qua được kỳ thi này, bị từ chối gia hạn visa”.

Bên cạnh đó, hiện nay hoạt động của một số trung tâm tư vấn du học Nhật Bản còn mập mờ, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo. Điển hình là vào ngày 5/12, gần 20 người, bao gồm 9 học viên và phụ huynh của họ, đã đến văn phòng của Công ty CP Xúc tiến Thương mại và Hợp tác Quốc tế V.P tại Đại lộ Lê Nin để phản đối việc công ty nâng giá dịch vụ một cách không rõ ràng. Theo phản ánh của các học viên, trước đó, công ty đã cam kết ngoài học phí và chi phí ăn ở, công ty chỉ thu của các học viên 30 triệu đồng để lo các chi phí visa, xử lý hồ sơ, vé máy bay… Tuy nhiên, sau khi các học viên đã đóng tiền, công ty đã làm xong các thủ tục thì bất ngờ công ty thông báo sẽ thu phí phát sinh của các học viên từ 50 - 65 triệu đồng mà không giải thích rõ, khiến các học viên lâm vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, rất bức xúc…

Cần quản lý chặt chẽ

Nhìn nhận một cách khách quan, du học Nhật Bản là cơ hội tốt cho học sinh nước ta tiếp cận nền giáo dục, khoa học, kỹ thuật tiên tiến của một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới. Hơn nữa, học sinh có thể vừa học, vừa làm, mức lương khá cao. Đặc biệt, sau tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp, học sinh có cơ hội ở lại Nhật làm việc. Vì thế, Nhật Bản có thể coi là điểm đến lý tưởng với những người xác định học tập nghiêm túc, có hoài bão và ý chí vượt khó. Thực tế đã có nhiều du học sinh thành công khi được tư vấn đúng, đủ, xác định rõ mục tiêu dài hơi ở hướng đi này.

Tuy nhiên, để du học Nhật Bản phát triển bền vững, hiệu quả, cần sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng. Nhưng hiện nay, dường như việc quản lý du học nói chung và du học Nhật Bản nói riêng vẫn chưa được thực hiện một cách chặt chẽ. Ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có hơn 20 đơn vị tham gia vào hoạt động tư vấn, tuyển sinh du học Nhật Bản. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ có 8 đơn vị được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép thực hiện hoạt động nhưng cũng chỉ có đúng 1 đơn vị gửi báo cáo hoạt động sau 6 tháng về cho Sở.

Nguyên nhân là hiện nay, việc quản lý các cơ sở, trung tâm, dịch vụ tư vấn du học thuộc về các Sở Giáo dục - Đào tạo qua Nghị định 115/2010/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2011 của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, nhưng cũng chỉ có điều khoản rất chung chung về trách nhiệm của Sở là "giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước đối với các tổ chức dịch vụ đưa người đi du học tự túc ở ngoài nước theo quy định của pháp luật". Vì vậy, từ trước đến nay, các công ty tư vấn du học không có báo cáo hoạt động với Sở, ngược lại, Sở cũng không có thông tin gì về các công ty này nên cũng không nắm được số lượng, thực trạng học sinh trên địa bàn tỉnh hiện đang du học ở Nhật”.

Cũng theo ông Hà, du học ở Nhật thường là vừa học vừa làm, có yếu tố lao động ở nước ngoài, vì vậy sắp tới, bên cạnh việc ban hành các quy định rõ ràng hơn về quản lý du học, ngành Giáo dục cũng cần có cơ chế phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội để quản lý tốt hơn vấn đề này. Tăng cường rà soát, kiểm tra, đánh giá năng lực hoạt động của các dịch vụ tư vấn trong nước, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lừa đảo. Bên cạnh đó, các trung tâm tư vấn lĩnh vực này phải nghiêm túc sàng lọc, chọn lựa đối tượng có ý chí phấn đấu, có ý thức học tập, lao động tích cực; công khai cho người học các mức đóng góp, chi phí và điều kiện sinh hoạt, học tập, lao động ở nước bạn. Về phía các học viên có nguyện vọng đi du học cũng nên nghiên cứu kỹ, tìm hiểu thông tin đa chiều, xác định thái độ học tập, làm việc nghiêm túc, phải trang bị tốt vốn tiếng Nhật giao tiếp và tuyệt đối tuân thủ quy định luật pháp nước sở tại.

Minh Quân

Mới nhất
x
Du học Nhật Bản: Không phải "miền đất hứa"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO