Du lịch tiếp cận - hướng đến hòa nhập người khuyết tật

03/12/2013 18:16

Sự phát triển của du lịch, ngành công nghiệp không khói tại Việt Nam ngày càng đa dạng và hướng đến mục tiêu “phát triển bền vững’. Sự phát triển này đã mang lại nguồn lợi lớn cho đất nước, đồng thời tạo nhiều việc làm cho người lao động, góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Du lịch tiếp cận - hướng đến người khuyết tật (NKT) với mục tiêu thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm cho NKT, khuyến khích NKT đồng hành với doanh nghiệp để cùng phát triển.

Các cơ quan, doanh nghiệp, đại diện người khuyết tật cùng tham gia diễn đàn Đồng hành.
Các cơ quan, doanh nghiệp, đại diện người khuyết tật cùng tham gia diễn đàn Đồng hành.

Với hai nội dung chính là hội thảo “Nhận biết” và Diễn đàn “Đồng hành”, ngày hội “Thúc đẩy người khuyết tật hòa nhập-phát triển doanh nghiệp” vừa được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND Thành phố Hội An tổ chức, hưởng ứng kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật 3-12.

Đây là hướng tiếp cận mới của ILO trong việc thúc đẩy hoà nhập của NKT. Những doanh nghiệp đã và đang tuyển dụng NKT cũng chính là những diễn giả trong hội thảo để cùng chia sẻ những kinh nghiệm của họ khi xây dựng cơ sở hạ tầng, tuyển dụng và làm việc với lao động là người khuyết tật. Tại hội thảo và diễn đàn, đại diện các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp do người khuyết tật quản lý cũng chia sẻ những kinh nghiệm vượt khó, những trăn trở trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống.

Ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI), cho biết: “Việc loại bỏ các rào cản đối với người khuyết tật là rất quan trọng, không chỉ vì lợi ích của những cá nhân này và gia đình của họ, mà còn vì lợi ích cộng đồng và xã hội. Sự đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam do vậy sẽ rất cần thiết để tạo ra một môi trường thuận lợi giúp người khuyết tật có thể hoà nhập”.

Tại hội thảo, các diễn giả, doanh nghiệp, đại diện các cơ quan quản lý cùng thảo luận những vấn đề liên quan đến pháp luật, nhận thức về vấn đề người khuyết tật, những hiểu biết sai lầm của cộng đồng về người khuyết tật…

Giám đốc Trung tâm Hành động phát triển hòa nhập (IDEA), bà Nguyễn Hồng Oanh, chia sẻ về quan điểm, hiểu biết sai lầm về người khuyết tật hiện vẫn tồn tại trong cộng đồng và đang là rào cản làm cho NKT khó có thể hòa nhập thực sự, doanh nghiệp cũng ngại ngần khi sử dụng lao động khuyết tật. “Sự thực, mọi công dân sinh ra đều có quyền và cơ hội việc làm bình đẳng như nhau”, bà Oanh nhấn mạnh. Người khuyết tật cũng giống như người không khuyết tật. Cho dù bị khiếm khuyết một phần nào đó của cơ thể nhưng những bộ phận khác vẫn còn hoạt động. Do vậy họ vẫn có thể làm việc được, thậm chí có thể làm tốt.

Điều phối viên quốc gia của ILO, bà Vũ Thị Bình Minh, đã giới thiệu về mạng lưới doanh nghiệp hướng đến du lịch tiếp cận NKT, những ý tưởng cải tạo cơ sở hạ tầng, dịch vụ phù hợp với khách du lịch là NKT, người cao tuổi cũng như nơi làm việc cho lao động là NKT.

Một số lượng lớn người khuyết tật tại Việt Nam (hơn 3/4) sống tại các vùng nông thôn và được đi học với tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với những người không khuyết tật. Trong môi trường làm việc, có rất ít người khuyết tật có công việc ổn định và thu nhập thường xuyên. Vẫn còn rất nhiều người trong số họ không nằm trong hệ thống nhân sự thông thường. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này cũng cao hơn so với những người không khuyết tật (ước tính hơn 30%).

Những kinh nghiệm hay trong việc đầu tư trang thiết bị, tiện nghi , các dịch vụ phục vụ khách du lịch khuyết tật từ các đơn vị kinh doanh, các phản hồi của khách du lịch là người khuyết tật cũng là nội dung hội thảo thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham gia

Trong đêm giao lưu Diễn đàn Đồng hành, bản thân những người khuyết tật đã vượt khó để tham gia công việc xã hội, hòa nhập cộng đồng như chị Nguyễn Thị Thu (Hội người mù Hội An), chị Nguyễn Thị Hoa (khuyết tật vận động lại đang mang trong mình căn bệnh nan y), anh Đặng Ngọc Bửu (cơ sở sản xuất TCMN của Chi hội Thanh niên khuyết tật) chia sẻ các kỷ niệm của họ khi họ làm việc trong ngành du lịch, những khó khăn gì họ gặp phải, những e ngại, lo lắng của họ cản trở đến việc họ tham gia hòa nhập cộng đồng và ngành du lịch. Câu hỏi mà nhiều người khuyết tật đặt ra là liệu các doanh nghiệp du lịch có sẵn sàng đầu tư những cơ sở vật chất để nhân viên là người khuyết tật có thể làm việc thuận lợi và điều gì là trở ngại chính của họ? Có sẵn sàng sử dụng người lao động vào làm việc tại cơ sở không?

Theo thống kê của ILO, người khuyết tật (NKT) hiện chiếm khoảng 10% dân số thế giới và đang có nhu cầu lớn về du lịch. Được biết, vào tháng 9 năm 2013, các dự án PROPEL (Thúc đẩy các quyền và cơ hội cho người khuyết tật: bình đẳng thông qua pháp luật) và SIT (Tăng cường du lịch các huyện sâu trong đất liền của tỉnh Quảng Nam) đã phối hợp tổ chức hội thảo đào tạo cho các cơ sở du lịch tại Hội An về cách giao tiếp với các khách hàng khuyết tật.

Kết quả khảo sát mới đây cho biết, rất ít khách sạn ở Quảng Nam đầu tư hạ tầng dịch vụ như phòng chuyên dụng, lối đi dành cho phương tiện di chuyển của NKT, đội ngũ nhân viên cũng chưa đào tạo kỹ năng phục vụ, giao tiếp với khách hàng là NKT. Tình trạng này tồn tại không chỉ ở những cơ sở nhỏ mà cả những khu du lịch, khu nghỉ dưỡng lớn cũng ít được quan tâm.

Tương tự, tại những điểm tham quan du lịch trong tỉnh cũng rơi vào tình trạng như thế. Bên cạnh việc các doanh nghiệp ít quan tâm vì phải mất thêm chi phí thì còn nguyên nhân là do đối tượng khách du lịch là NKT không nhiều nên các doanh nghiệp ít đầu tư.

* Tiến sĩ Gyorgy Sziraczki, Trưởng đại diện của ILO tại Việt Nam, chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng Việt Nam rất tiến bộ trong việc thúc đẩy quyền của người khuyết tật và sẽ tiếp tục có những thành quả đáng kể giúp người khuyết tật tham gia vào mọi mặt của xã hội Việt Nam.Sáng kiến của ILO không chỉ vì lợi íchcủa chính những người khuyết tật mà còn vì cả cộng đồng và hơn nữa góp phần giúp doanh nghiệp mở rộng, phát triển trên phương diện kinh doanh và văn háo doanh nghiệp”.

Theo NDĐT

Mới nhất

x
Du lịch tiếp cận - hướng đến hòa nhập người khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO