Dự thảo quy định về bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo
Theo dự thảo nghị định quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo vừa được công bố, người học chương trình giáo dục CĐ, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ được hưởng học bổng và chi phí đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với nhà nước Việt Nam mà không chấp hành sự điều động làm việc của nhà nước sau khi tốt nghiệp sẽ phải bồi hoàn chi phí đào tạo.
Nghị định này áp dụng đối với người học chương trình đào tạo trong nước thuộc các chương trình, kế hoạch, dự án, đề án của cơ quan, tổ chức được ngân sách nhà nước cấp chi phí đào tạo; Người học chương trình đào tạo ở nước ngoài thuộc các chương trình, đề án, dự án, Hiệp định được cấp chi phí đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước.
Người học theo học trình độ CĐ, ĐH sau khi tốt nghiệp phải chấp hành sự điều động làm việc của nhà nước gấp 2 lần thời gian được hưởng chi phí đào tạo; thời gian này đối với trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ là 2,5 lần.
Người học chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy định trên, phải bồi thường chi phí theo công thức: (Chi phí bồi hoàn bằng chi phí đào tạo được cấp/thời gian làm việc theo sự điều động của nhà nước được tính bằng số tháng làm tròn) x (thời gian làm việc theo sự điều động của nhà nước được tính bằng số tháng làm tròn - thời gian đã làm việc sau khi được điều động được tính bằng số tháng làm tròn).
Trường hợp người học trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được công nhận tốt không chấp hành sự điều động làm việc của nhà nước, người học phải bồi hoàn 100% chi phí đào tạo được cấp từ ngân sách nhà nước.
Thời gian phải bồi hoàn kinh phí chậm nhất trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn thì cơ quan có thẩm quyền quyết định bồi hoàn không giải quyết các chế độ, chính sách và có quyền khởi kiện theo quy định pháp luật.
Theo (gdtd.vn) - HL