Đưa cao nguyên đá Đồng Văn trở thành trung tâm du lịch Quốc gia
Là tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển du lịch. Những năm gần đây, kinh tế-xã hội tỉnh Hà Giang đã có những bước phát triển toàn diện, tạo điều kiện cho du lịch Hà Giang có sự chuyển biến rõ rệt.
Trong hai ngày 29 và 30-10, tiếp tục chương trình khảo sát du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, đoàn Famtrip với hơn 80 thành viên trong đó đa số là các thành viên đến từ các công ty du lịch, lữ hành trong nước đã khảo sát các điểm du lịch tại Hà Giang như: Quản Bạ, Mèo Vạc, Yên Minh… Sáng 31-10, tại Quản Bạ, UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Dự án EU tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch có trách nhiệm đưa cao nguyên đá trở thành trung tâm du lịch Quốc gia”.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong 10 năm qua, Hà Giang đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam, đặc biệt là từ năm 2010, khi cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.
Tốc độ phát triển du lịch của Hà Giang vào hạng cao nhất nước khi lượng khách tăng trung bình từ 20 đến 40%. Ngành du lịch đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo trong tỉnh.
Tuy nhiên, du lịch Hà Giang đang ở giai đoạn đầu phát triển nên còn nhiều hạn chế và bất cập. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, phong phú; cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách (hiện chưa có khách sạn 3 sao); chất lượng phục vụ trong các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng chưa cao, chưa chuyên nghiệp; công tác quảng bá và xúc tiến du lịch còn hạn chế, hầu như, hình ảnh du lịch Hà Giang truyền tải đến du khách là thông qua các hãng lữ hành trong nước.
Với lợi thế được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu cùng với nhiều điểm tham quan hấp dẫn, cao nguyên đá Đồng Văn có nhiều cơ hội để phát triển du lịch nếu có những giải pháp hữu hiệu được thực hiện trong tương lai.
Chợ Phố Cáo mang đậm nét văn hóa. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến với mong muốn thúc đẩy du lịch phát triển bền vững tại cao nguyên đá Đồng Văn. Theo ông Phùng Quang Thắng, Tổng công ty Du lịch Hà Nội, du lịch địa chất là một loại hình du lịch phù hợp cho cao nguyên đá Đồng Văn. Để phát huy những giá trị di sản trên cao nguyên đá, hiệu quả của hoạt động du lịch và du lịch địa chất hoàn toàn phụ thuộc vào 4 đơn vị: Các nhà khoa học, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý điểm đến và các doanh nghiệp hay tư nhân địa phương.
Ông Cao Đức Chung, Phó giám đốc Chi nhánh Vidotour Hà Nội cho rằng, các làng bản trong cao nguyên đá có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng với điều kiện khảo sát, lựa chọn các hộ gia đình đủ tiêu chuẩn làm homestay trên địa bàn, đào tạo nghiệp vụ đón khách du lịch quốc tế, dọn buồng phòng, nấu ăn, thuyết minh điểm, dẫn khách đi tham quan…
Theo ông Trần Thế Dũng, Công ty Du lịch Thế hệ trẻ TP Hồ Chí Minh, trong những năm gần đây, khách miền Nam đến tham quan cao nguyên đá Đồng Văn rất nhiều, mặc dù quãng đường đi lại xa xôi và chi phí cao gấp 3-4 lần so với khách miền Bắc. Tuy nhiên, khách lên cao nguyên đá Đồng Văn thường chỉ tập trung vào cuối tuần nên gây ra tình trạng các nhà hàng, khách sạn đều quá tải. Để phát triển du lịch trong tương lai, cao nguyên đá Đồng Văn cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; tăng tính chuyên nghiệp của đội ngũ phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn; đa dạng hóa sản phẩm du lịch…
Bà Nguyễn Thị Thọ, Công ty TNHHTM & DL Phượng Hoàng cho rằng, cần thiết phải phát triển trung tâm xúc tiến du lịch, cập nhật thông tin cho các công ty du lịch, lữ hành.
Rõ ràng, với tiềm năng du lịch sẵn có, nếu được đầu tư phát triển đúng hướng, cao nguyên đá Đồng Văn sẽ trở thành trung tâm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến khám phá trong tương lai.
Theo QĐND