Đưa dân ca ví, Giặm đến với kiều bào Châu Âu

27/01/2017 20:29

(Baonghean) - Câu dân ca quen thuộc thường gặp ở không gian diễn xướng thân thuộc, quê mùa, nay được xướng lên nơi tuyết trắng trời Âu, vẫn không kém phần lay động, ngân rung...

'Ơ chơ đến đây đông thật là đông/ chào bên nam thì mất lòng bên nự/ Chào quân tử thì sợ dạ thuyền quyên/ mà cho em chào chung một tiếng/ kẻo chào riêng bạn cười...'. Câu ca quen thuộc thường gặp ở không gian diễn xướng thân thuộc, quê mùa, hay những sân khấu quê nhà, nay được xướng lên nơi tuyết trắng trời Âu, vẫn không kém phần lay động, ngân rung chạm đến những cung bậc tình cảm quê nhà thân thương sâu thẳm trong lòng người xa xứ...

Các nghệ sỹ chụp ảnh lưu niệm với khán giả Cộng hòa Slovakia trong chuyến lưu diễn.
Các nghệ sỹ chụp ảnh lưu niệm với khán giả Cộng hòa Slovakia trong chuyến lưu diễn. Ảnh nhân vật cung cấp

Ấy là đợt lưu diễn dài ngày của các nghệ nhân dân ca xứ Nghệ tại 5 nước Đông Âu: Séc, Đức, Slovakia, Ba Lan, Hungari… dịp tháng 5/2016. Đoàn gồm có NSND Tiến Dũng, NSND Hồng Lựu, NSUT Hồng Dương, các ca sỹ Thiên Huế, Quế Thương, Đinh Trang, nhạc công Trần Tiến, được Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia mời sang để biểu diễn cho cộng đồng người Nghệ của các nước Đông Âu.

Khác với sự hình dung ban đầu, khán đài sẽ chỉ là cộng đồng người Nghệ xa quê muốn được đắm mình trong câu hát dân ca để nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà. Đoàn nghệ sỹ hết sức bất ngờ khi trong khán đài mênh mông với không gian sân khấu gần gũi, đã có một lượng khán giả đông đến hàng ngàn người.

NSND Hồng Lựu hồi tưởng: “Xúc động biết bao khi vừa bước vào nhà hát đã thấy những hình ảnh thân thương gần gũi của sân khấu diễn xướng dân ca xứ Nghệ được anh chị em kiều bào ta chuẩn bị chu đáo. Một chiếc khung cửi, giếng nước, một chiếc võng gai được bài trí gần gũi giản dị như chính không gian làng quê Việt xưa kia. Chỉ điều ấy thôi đã làm cho chúng tôi được thăng hoa, cảm giác đây là một không gian diễn xướng thuộc về chúng tôi, giữa trời Tây xa lạ”.

Cảm giác lời quê hương ùa về trong từng câu hát, từng cử chỉ khi chị được hát giao lưu với khán giả. Và điều quan trọng hơn trong suốt chương trình, thoát khỏi kịch bản đã được lên khung, khán giả và diễn viên như là những bạn diễn, họ “dìu dắt” nhau để được quay về những câu hát giao duyên, câu ví đò đưa. Được đối đáp như khi trong cùng một phường diễn.

Một khán giả trẻ đã sang học tập ở đây chừng 20 năm nhưng không hiểu sao lại yêu và hiểu dân ca đến thế. “Đơn giản thôi, hiểu thì yêu mà yêu thì hiểu mà. Anh kể rằng, yêu dân ca qua những lời hát của bố mẹ khi họ quây quần sau mâm cơm tối” – NSND Hồng Lựu cho hay. Có lẽ vì yêu đến thế nên anh thuộc hết những lời cổ trong các câu hát đối.

NSND Hồng Lựu thật sự bất ngờ khi sau tiết mục “Bần hát ghẹo” của chị và nghệ sỹ Hồng Dương, khán giả trẻ ấy đã xin được đối với chị rằng “Ơ chơ nghe tin em hay hát hay hò, chơ đố em đếm được cổ cò mấy lông…”. Là nghệ sỹ, nghệ nhân dân ca nhưng chị Hồng Lựu cũng thoáng chút bối rối trước câu đối lời cổ của anh Việt kiều này. Và đêm nào cũng thế, dù đã biểu diễn đến tận 4 – 5 tiếng nhưng bà con vẫn yêu cầu “hát tiếp đi, hát tiếp đi, chúng tôi không muốn về nữa”.

NSND Hồng Lựu giao lưu với khán giả trong tiết mục “Bần hát ghẹo” tại Cộng hòa Slovakia.
NSND Hồng Lựu giao lưu với khán giả trong tiết mục “Bần hát ghẹo” tại Cộng hòa Slovakia. Ảnh nhân vật cung cấp.

Trong cái không gian gần gũi ấy, những khán giả yêu dân ca xứ Nghệ như được trở về quê hương, được hồi tưởng lại những quãng đời thơ ấu. Điều đáng nói là ngoài khán giả là những người Nghệ xa quê, còn có cả những người Việt ở những miền quê Nam Bắc. Đặc biệt hơn còn có cả những người Séc, Ba Lan, Đức muốn tìm hiểu và khám phá cái hay, cái đẹp trong câu dân ca xứ Nghệ.

Ngoài tình cảm sâu nặng với dân ca, điều quan trọng mà các nghệ sỹ thấy được trong chuyến đi là ước muốn được nhân lên những giai điệu này ở nơi hối hả nhộn nhịp xứ người, nơi người Nghệ chỉ chiếm một tỷ lệ ít. NSND Tiến Dũng cho biết, anh đã 3 lần mang câu dân ca ra nước ngoài để hãnh diện khoe với các nước bạn.

Lần đầu tiên anh đi biểu diễn ở Nhật Bản, đất nước đang có đông đồng bào người Việt làm ăn học tập và sinh sống. Lần ấy, dân ca xứ Nghệ chưa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, nhưng đoàn đi đến đâu không chỉ có người Nghệ mà những người Việt xa quê đều trân quý vô cùng những lời hát, những đêm diễn.

Lần thứ 2 năm 2014, anh cùng với nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Lệ Thanh, đã có chuyến mang câu dân ca xứ Nghệ đi vinh danh tại Thủ đô Paris, nước Cộng hòa Pháp. Lần ấy trong sự vỡ òa sau tiếng búa tuyên bố ví, giặm đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, anh đã cùng anh, chị em nghệ sỹ và cả những người Việt có trong khán đài hôm ấy ngân nga mãi trong tim những câu dân ca đầy kiêu hãnh của xứ Nghệ.

Lần thứ 3 anh làm trưởng đoàn có chuyến lưu diễn ở nước Anh và các nghệ sỹ trong lần biểu diễn ngoài trời đã được diễn xướng trong một không gian mà anh cho biết: “Hoàn toàn vô tình nhưng như là trời sắp đặt vậy”. Đó là một không gian có con thuyền, có mái chèo rất phù hợp với không gian diễn xướng của ví, giặm xứ Nghệ, vì thế NSND Hồng Lựu, ca sỹ Quế Thương và anh đã có đất diễn để được thăng hoa và bạn bè quốc tế cũng có dịp được chiêm ngưỡng cái đẹp toàn diện của ví, giặm.

“Việc được mang câu dân ca vượt biên giới và quảng bá đến bạn bè quốc tế luôn là những trăn trở của người nghệ sỹ, những nghệ nhân như chúng tôi. Tôi cũng đã từng nghĩ chỉ có người Nghệ đau đáu với dân ca, với sự trường tồn của di sản dân ca xứ Nghệ mới mong nó được cất cánh bay xa vượt biên giới quốc gia đến gần với bạn bè quốc tế. Nhưng khi đến với nước bạn tôi mới biết, ngay cả những người bản xứ họ cũng yêu câu hát này khi được nghe chúng ta hát. Vì thế nghĩa vụ của những người đang mang trọng trách là chủ nhân của di sản thì hơn ai hết phải có những chiến lược để câu dân ca được cất cánh”- NSND Tiến Dũng cho biết.

Đó chính là việc phải kết nối và xây dựng được những chuyến lưu diễn thường niên nhằm thay đổi không gian diễn xướng cho câu dân ca. Theo NSND Tiến Dũng có được hát, được giao lưu bằng câu hát, thì người ta mới thấy được cái hay trong ý tứ của dân ca xứ Nghệ. Là thao thiết mênh mang nhưng không bi lụy, là tinh nghịch hồn nhiên nhưng không dung tục…

Vì thế, tuy nó là tiếng hát của những người lao động, là câu trao duyên của đôi lứa nhưng hơn hết câu dân ca chính là văn hóa truyền đời của người Nghệ. Vì thế, bạn bè quốc tế yêu dân ca khi chúng ta đưa nó đến gần với họ cũng là điều dễ hiểu. Giờ đây ngoài cộng đồng người Nghệ (mà chỉ có những người yêu dân ca) muốn được thành lập CLB dân ca xứ Nghệ thì những người Việt xa quê cũng đang được lan tỏa tình yêu ấy, họ cũng muốn được hát ví, hát giặm. Ấy thế nên khi về đến quê hương rất nhiều người vẫn hỏi thăm đoàn nghệ sỹ, lưu luyến xin lưu số điện thoại.

NSND Hồng Lựu kể: “Từ khi đi lưu diễn về rất nhiều lần anh chị Quang Lộc (là học sinh cũ của Trường chuyên Phan Bội Châu đang công tác tại Berlin – Cộng hòa liên bang Đức) đã thường xuyên giữ liên lạc với chúng tôi, lúc nào anh chị cũng đau đáu trăn trở về việc xây dựng một chương trình chiến lược để đưa câu dân ca đến với kiều bào; xây dựng một CLB dạy hát dân ca cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, để các cháu được thấm dân ca từ bé…”.

Như lời câu ví giã bạn “Về miền ví giặm nhớ không anh/Dệt cả tình ta trong tình non nước”… câu ví, giặm cũng chính là trầm tích văn hóa, là cốt cách của con người xứ Nghệ. Nên, việc nhân rộng không gian diễn xướng, lan tỏa ví, giặm ra khỏi biên giới nước nhà là sứ mệnh không chỉ của các nhà quản lý, của nghệ sỹ mà còn là của tất cả những người yêu dân ca, trong đó có cả những người sinh sống và làm việc xa Tổ quốc.

Thanh Nga

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Đưa dân ca ví, Giặm đến với kiều bào Châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO