Đưa di sản vào giảng dạy

21/08/2013 20:37

Sử dụng di sản trong dạy học đã trở thành yêu cầu chính thức trong chương trình phổ thông. Nỗi lo di sản tan biến.

Thầy giáo Phạm Phú Cường, giáo viên âm nhạc của Trường trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh (Duy Xuyên, Quảng Nam), tự thấy ấm lòng với những buổi dạy âm nhạc có sử dụng nhạc cụ truyền thống. Những tiết học đó, thầy tay xách nách mang đàn bầu, đàn cò và cả sáo vào lớp. Tự nhận mình chơi chưa hay nhưng với thầy thật khó dạy về nhạc, dạy hát dân ca mà không có chúng. “Tôi sợ dân ca trong giới trẻ dần biến đi. Chỉ còn người lớn hát”, thầy Cường nói bên lề giao ban liên bộ (VH-TT-DL và GD-ĐT) diễn ra ngày 20.8 tại Hà Nội, bàn về việc dùng di sản để giảng dạy.



Có thể dùng đèn kéo quân để giảng dạy về khí đối lưu trong môn vật lý
- Ảnh: Quang Hưng

Còn phải làm nhiều việc nữa. Hiện mới thấy 3 môn, còn nhiều môn học khác, còn nhiều đối tượng nữa. Chúng ta phải làm theo kiểu lan tỏa dây chuyền. Người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy cho người chưa biết.


TSLê Thị Minh Lý
- Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia

Không chỉ thầy Cường lo thắt lòng về việc di sản tan đi mà không đọng lại trong lòng học trò nhỏ, TS Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia cũng vậy. Bà nói chuyện rất lâu về việc học trò sờ đầu rùa, đánh đu trên các tượng đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ. Theo bà Lý, nhiều người vẫn chỉ nhìn những hành động đó ở khía cạnh vật chất chứ chưa nhìn đó từ góc độ phi vật chất. “Đó chính là sự lãng quên, chối bỏ văn hóa của chính mình. Sâu xa hơn nữa, là phong tục tập quán. Giáo dục bằng di sản giúp các em nhận biết mình là ai, điều gì làm nên bản sắc của chúng ta. Chúng ta quen gọi đó là truyền thống”, bà Lý nói.


Giáo dục truyền thống bằng cách đưa di sản vào giảng dạy là cách mà theo bà Lý thì có thể giải quyết vấn đề triệt để, trên diện rộng. Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên về lỗi thường gặp của chương trình này, bà Lý nói: “Lỗi cơ bản mà tôi sợ nhất là làm theo sự chỉ đạo cấp trên có tính phong trào, chứ chưa thực sự thấy nó quan trọng”.

Đưa di sản vào giảng dạy môn quan trọng

Một điều dễ nhận thấy là hiện nay, dùng di sản để giảng dạy mới chỉ phần lớn được thực hiện với các môn như âm nhạc, lịch sử, địa lý. Thời gian tới, di sản sẽ được sử dụng để giảng dạy giáo dục công dân và mỹ thuật. Đây đều là môn khoa học xã hội, thậm chí còn là “môn phụ” trong quan điểm của nhiều phụ huynh. Ngay tại buổi nhìn lại công tác đưa di sản vào giáo dục, các tổ thảo luận cũng chỉ chia làm các nhóm lịch sử, địa lý và âm nhạc. “Tâm lý môn phụ có thể sẽ ảnh hưởng tới chương trình.

Tôi nghĩ thời gian tới cần có những mô hình để đưa di sản vào cả môn quan trọng như văn và một số môn tự nhiên nữa”, một nhà nghiên cứu giấu tên cho biết. TS Lê Thị Minh Lý nhận định: “Còn phải làm nhiều việc nữa. Hiện mới thấy 3 môn, còn nhiều môn học khác, còn nhiều đối tượng nữa. Chúng ta phải làm theo kiểu lan tỏa dây chuyền. Người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy cho người chưa biết”.

Theo một chuyên gia, việc đưa di sản vào giảng dạy ở các môn tự nhiên phức tạp hơn nhiều so với môn xã hội. Tuy nhiên, nếu di sản được đưa vào các bài học vật lý vui, hóa học vui, toán vui lại rất hấp dẫn. Vì thế, với các giáo viên giỏi, việc này sẽ rất dễ dàng. “Chính vì thế, thời gian tới, UNESCO và cả hai bộ nên cố gắng có những bài giảng mẫu, hoặc mô hình để các nơi khác học tập”, một chuyên gia đưa ý kiến.

Thực ra, việc đưa di sản vào môn tự nhiên chưa phải chưa từng được làm. Đây chính là nội dung mà Cục Di sản đã thực hiện từ năm 2005 tại 3 trường phổ thông ở Hà Nội. Chương trình này do chính TS Lê Thị Minh Lý tham gia. Học cụ chuẩn bị rất kỹ. Dùng đèn kéo quân để giảng về khí đối lưu trong môn vật lý. Nói về múa rối nước để giải thích về sự nổi. Tục ăn trầu là ví dụ sinh động về phản ứng hóa học. Còn bìa đậu Mơ nổi tiếng làng Mơ là một phần bài học về sự kết tủa. “Tôi và Bảo tàng Dân tộc học đã chuẩn bị cho bài giảng đó”, bà Lý nhớ lại.


Theo Thanh niên - NM

Mới nhất
x
Đưa di sản vào giảng dạy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO