Đưa dịch vụ đến vùng khó

08/04/2014 18:11

(Baonghean) - Với nhiệm vụ đưa Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn, chiến dịch truyền thông dân số năm 2014 được kỳ vọng sẽ tạo nên nhiều chuyển biến lớn. Ngay trong đợt đầu ra quân, đã có nhiều địa phương vào cuộc tích cực…

(Baonghean) - Với nhiệm vụ đưa Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn, chiến dịch truyền thông dân số năm 2014 được kỳ vọng sẽ tạo nên nhiều chuyển biến lớn. Ngay trong đợt đầu ra quân, đã có nhiều địa phương vào cuộc tích cực…

Vượt gần 300 km chúng tôi lên với Nậm Cắn - một xã miền núi cao đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn dự lễ ra quân Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Không khí của lễ ra quân sôi nổi ngay từ những phút đầu với màn biểu diễn văn nghệ đặc sắc của những chàng trai, cô gái người Mông. Hòa chung niềm vui với bà con, ông Lầu Bá Thái - Phó Chủ tịch UBND - Trưởng Ban chỉ đạo công tác dân số xã Nậm Cắn cho hay: “Tôi rất vui mừng vì Chiến dịch dân số đã chọn xã Nậm Cắn làm điểm để phát động cụm. Đây là một cơ hội để chúng tôi giao lưu học hỏi kinh nghiệm từ các huyện bạn và góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chúng tôi trong quá trình tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chăm sóc SKSS/KHHGĐ trong thời gian tới”.

Người dân huyện Quế Phong hưởng ứng Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ. Ảnh: Thành Hưng
Người dân huyện Quế Phong hưởng ứng Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ. Ảnh: Thành Hưng

Nậm Cắn là một xã vùng biên giới, có 80% là hộ nghèo, gần 90% dân số là người Mông, trong đó số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chiếm tỷ lệ khá đông, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng dân số. Bên cạnh đó, do nhận thức của đồng bào dân tộc về các lĩnh vực DS-SKSS/KHHGĐ còn nhiều hạn chế, tập quán sinh nhiều con, quan niệm “trời sinh voi trời sinh cỏ” đã ăn sâu trong nếp nghĩ nên việc tuyên truyền, vận động hết sức khó khăn. Người dân chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ KHHGĐ, nhiều người còn e ngại khi đến các cơ sở y tế để thăm khám về SKSS. Cũng chính bởi những lý do đó, nên trong chiến dịch năm nay, song song với lễ phát động chiến dịch, UBND xã Nậm Cắn cũng đồng thời tổ chức thăm khám SKSS và làm các dịch vụ về KHHGĐ. Bản thân chị Xồng Y Trừ - cán bộ chuyện trách dân số xã rất vui mừng bởi “trước đây để vận động chị em người Mông đi làm các dịch vụ là rất khó, nay có cán bộ dưới huyện, dưới tỉnh lên thuyết phục vận động nên mọi người hưởng ứng rất đông. Chúng tôi hy vọng, qua đợt 1 này sẽ đạt được 2/3 các tiêu chí về chiến dịch của năm 2014”.

Kỳ Sơn là cụm thứ 3 và là cụm cuối cùng tổ chức lễ ra quân Chiến dịch theo kế hoạch của tỉnh trong năm nay. Trước đó lễ ra quân ở cụm 1 (khu vực các huyện đồng bằng) cũng đã được tổ chức rầm rộ tại xã An Hòa - huyện Quỳnh Lưu và cụm 2 (các huyện trên trục đường 48) ở xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Việc triển khai theo cụm thể hiện cách làm mới, nhằm tranh thủ sự vào cuộc của các cấp, các ngành; đồng thời, tạo sự đồng thuận của các đơn vị trong cụm và sự tham gia hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân tại những vùng đặc biệt khó khăn và vùng có mức sinh cao. Lễ ra quân còn là hoạt động mở đầu cho việc tổ chức triển khai chiến dịch tại các huyện, xã, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Theo kế hoạch chiến dịch năm 2014 sẽ được triển khai tại 101 xã đặc biệt khó khăn, chia làm hai đợt, đợt 1 kết thúc trước ngày 30/4 và đợt 2 kết thúc trước ngày 30/10. Tại mỗi xã, chiến dịch được tổ chức trong khoảng thời gian 7- 8 ngày, gồm các hoạt động như tuyên truyền, tư vấn, vận động đối tượng và tổ chức cung cấp dịch vụ tại xã. Dự kiến kết thúc chiến dịch có ít nhất 80% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên và thanh niên địa bàn chiến dịch được tư vấn cung cấp thông tin về SKSS/KHHGĐ và các dịch vụ dân số. Hiện ở Quế Phong, theo kế hoạch trong đợt 1 sẽ có 12/14 xã đồng loạt triển khai chiến dịch và hiện đã có 2 xã hoàn thành là Châu Kim và Tiền Phong. Qua đợt đầu, dù còn gặp một số khó khăn như một số dụng cụ chưa được cấp phát kịp thời, kinh phí còn chậm nhưng theo đánh giá của bà Lô Thị Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Quế Phong: “Kết quả khá khả quan. Đã có 52 người đặt dụng cụ tử cung, 175 người sử dụng các biện pháp tránh thai lâu dài như sử dụng thuốc cấy, thuốc tiêm hay thuốc uống. Có 60/80 phụ nữ bị phát hiện mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh dục được điều trị”.

Chiến dịch dân số năm nay được tổ chức trong điều kiện gần một nửa các xã và các địa phương đã bị cắt kinh phí so với năm 2013. Điều đáng ghi nhận, qua nhiều năm triển khai, người dân cũng đã bắt đầu có ý thức phòng tránh các bệnh về sức khỏe sinh sản và cần thiết phải áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Vì thế dù có được hỗ trợ hay không về kinh phí họ vẫn sẵn sàng tham gia và chờ đợi ngày triển khai chiến dịch để có cơ hội được thăm khám về sức khỏe. Điều này dễ nhận thấy ở Trạm Y tế phường Nghi Thủy (Thị xã Cửa Lò) trong ngày đầu tiên triển khai chiến dịch. Theo kế hoạch phải sau lễ phát động các dịch vụ mới bắt đầu triển khai nhưng trước đó từ hơn 7 giờ sáng chị em đã rủ nhau đến chật hội trường để được đăng ký khám và tư vấn, trong đó có nhiều phụ nữ đã ngoài 60 tuổi, có người cả mẹ và con dâu cùng đăng ký khám. Chị Nguyễn Thị Nga, khối 4, phường Nghi Thủy chia sẻ: Chị em trong khối 4 đều là dân chạy chợ, bản thân tôi ngày nào cũng đem cá lên chợ Nam Đàn để bán. Hôm nay bỏ một buổi chợ, có thể mỗi người thiệt 200.00 - 300.000 đồng, nhưng chúng tôi vẫn đồng loạt nghỉ chợ đi khám. Tiền quan trọng, nhưng sức khỏe quý hơn, một năm mới có một lần chúng tôi phải tranh thủ đến khám chứ”.

Năm nay, TX. Cửa Lò không nằm trong danh sách được cấp kinh phí để thực hiện chiến dịch, nhưng xác định công tác dân số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhất là hiện tại thị xã đang còn nhiều vùng khó có mức sinh cao (vùng giáo và vùng biển) nên lễ phát động được tổ chức rầm rộ. Song song với đó, thị xã cũng đầu tư mạnh các hoạt động truyền thông như tổ chức giao lưu “Gia đình điểm 10” tại phường Nghi Tân; truyền thông cho nhóm nông dân về các dịch vụ sức khỏe, cho đoàn viên thanh niên, vị thành niên với chủ đề “Tôi tuổi dậy thì” và giao lưu sinh hoạt “Nhóm nam giới biển”. Đặc biệt, bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí của UBND thị xã thì tại 7/7 xã, phường đều trích ngân sách của đơn vị để ủng hộ cho chiến dịch. Ngoài ra, các xã, phường còn linh hoạt đưa vào nhiều dịch vụ mới để đáp ứng việc thăm khám sức khỏe cho người dân.

Cách làm và sự vào cuộc đầy trách nhiệm của Thị xã Cửa Lò cũng chính là kinh nghiệm để các địa phương khác học hỏi, nhất là khi kinh phí và các dự án hỗ trợ của chiến dịch theo chương trình mục tiêu quốc gia đang ngày bị thu hẹp. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Văn bản số 1542/UBND - VX yêu cầu các ban, ngành, đặc biệt là Chi cục Dân số, các bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế, các trạm y tế xã, phường đẩy mạnh việc phối hợp và chuẩn bị các điều kiện về trang, thiết bị, vật tư y tế, thuốc thiết yếu, phương tiện tránh thai để kịp thời cung ứng cho người dân. Thành lập các đội cung cấp dịch vụ lưu động để có thể đến những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đi lại khó khăn. Ngoài ra, để Chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ năm 2014 thành công, tỉnh cũng đề nghị các huyện, thành phố, thị xã bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để mở rộng địa bàn triển khai chiến dịch, nhất là những địa bàn có mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao và khó khăn trong cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ…

Mỹ Hà - Hoàng Lan

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Đưa dịch vụ đến vùng khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO