Đưa hàng Việt về nông thôn: Còn những khó khăn

23/11/2011 14:27

(Baonghean.vn) Nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh thị trường nội địa và để người dân nông thôn có cơ hội sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao, giá rẻ…, trong năm 2011, Sở Công thương Nghệ An đã tổ chức những đợt đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về các huyện. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những khó khăn.

Thực hiện chương trình của Sở Công thương Nghệ An về ủng hộ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong thời gian 9 ngày, từ ngày 16 đến 25/11, Chi nhánh Công ty CP Intimex Việt Nam tại Nghệ An tổ chức chương trình đưa hàng Việt phục vụ bà con tại huyện Thanh Chương.

Tham gia chương trình lần này, Công ty CP Intimex tại Nghệ An có 2 đơn vị là
Trung tâm phân phối Intimex với 100 mặt hàng gia dụng ni, chảo,… và khoảng 400 mặt hàng văn phòng phẩm, mỹ phẩm, may mặc… của Siêu thị Intimex. Sáng 17/11 là ngày thứ 2 chương trình được tổ chức tại Trung tâm thương mại xã Võ Liệt, khá đông bà con tới tham quan, mua sắm hàng.


Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn giúp người tiêu dùng nhận dạng hàng Việt tốt, giá rẻ.

Nhiều mặt hàng được giảm giá kèm theo khuyến mãi quà tặng. Gói bột giặt Omo kèm theo chai dầu rửa bát Sunlight hấp dẫn, chảo Happycook 30CM có giá 145.000 đồng bằng giá nhập đại lý, hay bộ nồi có mã hàng HC 06HA chương trình cũng khuyến mãi 5% giá.

Chị Nguyễn Thị Phượng ở xóm Yên Xuân (Xã Võ Liệt – Thanh Chương) nghe tin có hàng Việt về xã cũng tranh thủ việc đồng đã cấy hái xong tham gia nhiệt tình. Chị muatới gần 1 triệu tiền hàng gồm có bộ nồi, chảo và một số bát đĩa. Chị Phương chia sẻ: Hầu hết hàng bán ở đây đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp. Cũng sắp đến tết rồi, tôi đã có ý định mua sắm một số đồ dùngtrong gia đình, rất may lại gặp chương trình đưa hàng Việt về nông thôn nên mua luôn.

Và không chỉ chị Phượng, hầu hết bà con tới tham gia khi ra về đều có sản phẩm trên tay. Anh Thái Văn Duy – nhân viên bán hàng đến từ Trung tâm phân phi Intimex cho biết: Hầu hết các mặt hàng nhu yếu phẩm đến với bà con lần này đều có khuyến mãi, 100% mang thương hiệu Việt Nam đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.Những ngày bán hàng tại các xã, dù rất mệt nhưng ai nấy đều vui. Thông qua hoạt động này, chi nhánh công ty Intimex có cơ hội quảng bá hình ảnh của đơn vị tới người tiêu dùng; tăng doanh số của doanh nghiệp (riêng tại điểm Võ Liệt doanh số bán hàng đạt gần 100 triệu đồng); tiếp cận với người dân nông thôn từ đó hiểu hơn về hành vi mua sắm cũng như nhận thức về giá cả, chất lượng hàng hóa để xây dựng cơ cấu hàng hóa phù hợp hơn với từng vùng miền. Sau điểm cụm xã Võ Liệt, chương trình tiếp tục diễn ra tại các cụm xã Thanh Ngọc và Thanh Văn, mỗi điểm 3 ngày.

Đây là đợt thứ 3 trong năm, Sở Công thương thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tại Yên Thành, Tân Kỳ và Thanh Chương. Và tất các các điểm mà doanh nghiệp tới đều được chính quyền, đoàn thể của các địa phương quan tâm trong công tác chuẩn bị sân bãi cho doanh nghiệp, đồng thời tích cực làm tuyên truyền nhân dân toàn xã biết. Ông Phan Chính Tâm - Chủ tịch UBND xã Võ Liệt cho biết: Sau khi được huyện thông báo sở Công thương tỏ chức quầy hàng Việt Nam tại xã, sau khi khảo sát vị trí tốt nhất, MTTQ xã phối hợp với các xóm thông báo liên tục trên truyền thanh để bà con biết, chuẩn bị đèn chiếu sáng, phân công ban an ninh bảo vệ để đảm bảo chương trình diễn ra thành công.

Thực tế từ Đô Thành (Yên Thành), Tân Phú (Tân Kỳ) và 3 cụm xã tại Thanh Chương đã cho thấy việc tổ chức đưa hàng về nông thôn, miền núi rất có hiệu quả cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, rất nhiều người dân cho rằng có quá ít doanh nghiệp tham gia, giá như có nhiều hơn, hàng hóa phong phú chủng loại hơn nữa thì chương trình sẽ sôi động hơn, người dân có nhiều cơ hội chọn lựa hàng hơn. Lần tổ chức tại Yên Thành còn có Công ty cổ phần đầu tư phát triển kinh tế Việt Lào tham gia, còn tại Thanh chương chỉ có duy nhất Intimex -mặc dù hàng hóa đơn vị này phong phú hơn, chủ động nguồn hàng còn công ty bán buôn chỉ có một số chủng loại hàng. Ngoài ra, kinh phí cho chương trình còn khá eo hẹp. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó GĐ Sở Công thương cho biết năm 2011 ngân sách chi 100 triệu đồng hỗ trợ chi phí vận chuyển, chi phí tổ chức, thông tin truyền thông. Xong 3 đợt, kinh phí trong năm coi như hết, tết Nguyên đán muốn tổ chức cũng đành chịu.

Đưa hàng Việt về nông thôn là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hóa, góp phần loại bỏ hàng giả, hàng kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng thấp cấp của nước ngoài tại thị trường nông thôn; đồng thời giúp doanh nghiệp định hướng việc sản xuất gắn với khả năng thanh toán của người tiêu dùng nông thôn, duy trì sự có mặt lâu dài của hàng Việt ở thị trường này. Việc đưa hàng Việt về nông thôn giúp doanh nghiệp có cơ hội điều tra tâm lý, hành vi mua sắm, nhận thức của người tiêu dùng về giá cả chất lượng kiểu dáng đối với từng nhóm hàng, từ đó giúp người tiêu dùng nhận dạng hàng Việt tốt, giá rẻ. Thế nhưng, mặc dù doanh nghiệp rất muốn tham gia bởi ý nghĩa thiết thực của chương trình nhưng vì chúng ta chưa có những doanh nghiệp mạnh (doanh nghiệp tham gia không vì lợi nhuận mà vì quảng bá thương hiệu sản phẩm) nên chương trình vẫn có quá ít đơn vị tham gia, vẫn là mạnh ai nấy chạy, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp. Kinh phí thực hiện hạn chế sẽ khó động viên các doanh nghiệp thường xuyên tham gia thực hiện chương trình dù thực tế đã cho thấy việc tổ chức đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về nông thôn đạt kết quả rất tốt, rất có hiệu quả cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.


Thu Huyền

Mới nhất
x
Đưa hàng Việt về nông thôn: Còn những khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO