Đưa khu Trung tâm Ứng dụng thực hành về đúng mục đích sử dụng

14/03/2013 14:32

(Baonghean) - Việc trường Đại học Vinh thu hồi lại các ki-ốt trên đường Nguyễn Văn Trỗi đang gặp phải sự phản ứng của không ít các hộ kinh doanh. Tuy nhiên, đây là chủ trương đúng và được dư luận đồng tình bởi thu hồi ki-ốt để lấy mặt bằng nhằm thực hiện đúng chức năng theo quy hoạch ban đầu.

Theo chủ trương ban đầu của Trường Đại học Vinh, dãy nhà bám mặt đường Nguyễn Văn Trỗi vốn được xây dựng để làm Trung tâm Ứng dụng thực hành cho học sinh sinh viên. Tuy nhiên vì “đang trong thời kỳ chuẩn bị cơ sở vật chất nên tạm thời cho một số cán bộ, công nhân viên trong nhà trường thuê để làm dịch vụ”. Theo ký kết ban đầu, thời gian thực hiện hợp đồng là 3 năm tính từ ngày 1/12/2010 đến 30/11/2013. Đến tháng 5/2012, vì giá của các ki-ốt được giảm xuống 15% nên các chủ ki-ốt ký lại hợp đồng mới với trường, thời gian được tính từ 1/5/2012 đến hết ngày 30/11/2013. Tuy nhiên, hợp đồng mới ký chưa được 3 tháng thì ngày 9/10/2012, Trường Đại học Vinh ra thông báo “về việc chấm dứt hoạt động và bàn giao mặt bằng ki-ốt dịch vụ đường Nguyễn Văn Trỗi”. Thông tin này khiến các hộ kinh doanh rất lo lắng. Bà Vũ Thị Hải Yến, ốt Thành Yến cho biết: Sau khi ký hợp đồng chúng tôi đã dồn vốn liếng của gia đình tập trung vào đầu tư kinh doanh ở đây. Bên cạnh đó, theo bà Trần Thị Thu Hà, một hộ dân kinh doanh phàn nàn: Nhà trường, ký lại hợp đồng với chúng tôi, và bổ sung điều khoản mới, có nội dung “bất khả kháng như thiên tai, lụt lội, bạo động, hỏa hoạn, thay đổi chính sách của Nhà nước, thay đổi chính sách của nhà trường… mà phải thu hồi ki-ốt thì hai bên không chịu một trách nhiệm gì” và sau khi ký 3 tháng đã thu hồi lại ốt khiến chúng tôi rất băn khoăn.



Một số ki-ốt vẫn đang bán hàng dù theo thông báo đến ngày 25/2/2013 phải bàn giao mặt bằng (ảnh chụp sáng 13/3).

Trước phản ứng của các hộ kinh doanh, ông Nguyễn Hữu Sáng – Trưởng Phòng quản trị, người trực tiếp giải quyết vấn đề này, cho rằng: Rất thông cảm với các hộ kinh doanh, nhưng việc thu hồi là nhiệm vụ cần thiết và đây cũng là đang thực hiện theo chủ trương chỉ đạo của tỉnh. Cụ thể, theo ông Sáng trước đây nhà trường xin giấy phép xây dựng thì khu đất này sẽ được dùng để xây khu Trung tâm Ứng dụng thực hành cho học sinh, sinh viên. Vì lý do khách quan, trung tâm chưa đi vào hoạt động được nên nhà trường tạm thời xin chuyển đổi mục đích. Thế nhưng, hoạt động này không được nhiều người dân đồng tình. Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh cũng đã tiến hành xử phạt nhà trường vì “vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”.

Trước những phản ứng của dư luận, đặc biệt sau khi có Chỉ thị 05/CT/TƯ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về tăng quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn Thành phố Vinh, Ban Giám hiệu Trường Đại học Vinh đã tổ chức nhiều cuộc họp và quyết định thu hồi lại toàn bộ 46 ki-ốt trên đường Nguyền Văn Trỗi. Quá trình thu hồi ốt cũng được thực hiện theo tuần tự với các thông báo vào tháng 10 năm 2012 và tháng 1, tháng 2 năm 2013.

Để thuận lợi cho các hộ dân thanh lý hàng tồn, ngay từ Thông báo số 2889/TB – BQLDV ngày 9/10/2012, nhà trường đã quyết định “sẽ không thu tiền thuê mặt bằng ki-ốt kinh doanh trong thời gian kể từ ngày ra thông báo đến ngày 30/11/2012”. Trên thực tế, không chỉ đến ngày 30/11/2012 mà nhà trường đã thực hiện Công văn số 7554 ngày 25/10/2013 của UBND tỉnh gia hạn cho các ki-ốt kéo dài hoạt động đến cuối tháng 2/2013, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2012 – 2/2013 các chủ ki-ốt không phải nộp tiền thuê. Các hộ đều có cam kết bằng văn bản là đến hết tháng 2/2013 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Nhà trường.

Với sự hỗ trợ trên, đến thời điểm này, 40 ki-ốt đã được giao lại cho Trường Đại học Vinh và hiện chỉ còn lại 6 ki-ốt (3 hộ kinh doanh) đang bám trụ với lý do để thanh lý hàng tồn. Lý giải cho những thắc mắc của các hộ kinh doanh, nhất là vấn đề tại sao đã có Chỉ thị số 05 của tỉnh rồi mà Trường Đại học Vinh vẫn tiếp tục ký lại hợp đồng với các hộ kinh doanh, để rồi ra thêm một điều khoản ràng buộc, ông Sáng cho rằng: Trong thời điểm đó, do nhà trường nhận được quá nhiều kiến nghị của các hộ kinh doanh đề nghị nhà trường giảm tiền thuê ốt để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh. Hợp đồng mới với nội dung chính là giảm 15% cũng chính vì lẽ đó. Nay các hộ dân viện cớ rằng “khi ký không đọc rõ hợp đồng để nay bị nhà trường “lừa” là không có cơ sở”.

Như vậy, để thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh thì việc thu hồi lại các ki-ốt sử dụng sai mục đích của Trường Đại học Vinh là cần thiết. Có chăng, trong quá trình tiến hành thanh lý hợp đồng nhà trường nên xem xét tình hình thực tế đầu tư của từng hộ kinh doanh và dựa trên những thỏa thuận phù hợp để có sự thống nhất cao. Ngoài ra những cam kết đã ký trong hợp đồng về những điều khoản: tiền đặt cọc, lãi suất cũng cần phải tính toán đảm bảo, kịp thời, hợp tình hợp lý.


Bài,ảnh: Song Hoàng

Mới nhất
x
Đưa khu Trung tâm Ứng dụng thực hành về đúng mục đích sử dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO