Đưa nghề về làng
(Baonghean) - “Quê mình phong phú về nguyên liệu để làm đồ gỗ gia dụng; đất đai rộng, nhân công dồi dào, sao mình lại không phát triển được nghề này trên đất quê?” - Đó là niềm đau đáu trong suốt nhiều năm bươn chải làm ăn nơi đất khách quê người của anh Nguyễn Văn Hồ (xóm 4, Nghi Lâm, Nghi Lộc). Kết quả của những trăn trở ấy là xưởng sản xuất đồ gỗ gia dụng mang tên anh ra đời năm 2012, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động địa phương...
![]() |
Xưởng sản xuất đồ gỗ gia dụng của anh Nguyễn Văn Hồ, xóm 4, xã Nghi Lâm (Nghi Lộc). |
Đến thăm xưởng sản xuất đồ gỗ gia dụng của ông chủ trẻ Nguyễn Văn Hồ, tôi thật sự ngạc nhiên bởi những người công nhân thành thạo với các công đoạn để tạo nên những chiếc muôi, thìa bằng gỗ tinh xảo lại chính là những người dân quê vốn chân lấm tay bùn. Trong tiếng máy cưa, máy đục, chị Nguyễn Thị Kim Dung, Tổ trưởng tổ công nhân vui vẻ: “Công nhân ở xưởng hầu hết làm ruộng, sau vụ mùa, thời gian nhàn rỗi đều “đầu quân” xin vào làm ở xưởng gỗ của anh Hồ; mức lương ổn định, lại không phải tha phương…”. Nói đoạn, chị chỉ tay sang nam thanh niên đang vận hành máy cưa bên cạnh. Đó là Nguyễn Minh Nhật chuyên “chạy” các loại máy cưa, xẻ - là công việc nặng nhọc. Thế nhưng với anh mức thu nhập ổn định từ 6 - 7 triệu đồng ở quê như thế này không dễ gì có được. Bởi vậy, anh luôn tự cố gắng rèn luyện tay nghề để đáp ứng yêu cầu công việc.
Quy trình làm ra những chiếc thìa, muỗng, muôi gỗ… cho đến công đoạn mài nhám cần rất nhiều lao động. Công việc đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẩn này phù hợp với lao động nữ. Em Nguyễn Thị Kim (xóm 19, Nghi Lâm), một trong những nữ công nhân trẻ mới vào làm việc tại xưởng chia sẻ: “Học xong cấp 3, em may mắn xin vào làm công nhân ở xưởng gỗ của anh Hồ. Mỗi tháng được trả công gần 3 triệu đồng, phụ giúp thêm cho gia đình mà không phải đi làm ăn xa”.
Suy nghĩ của Kim cũng là khao khát của anh Hồ cách đây 10 năm, đó là có một công việc ngay trên mảnh đất quê hương mình. Sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam – Hàn Quốc, anh Hồ chật vật tìm việc. Anh bám trụ Thành phố Vinh xin làm thuê đủ các nghề cho các công ty, xí nghiệp cơ khí tư nhân nhỏ. Sau 2 năm trải nghiệm ở nhiều công việc khác nhau nhưng đồng lương từ nghề vừa ít ỏi, lại bấp bênh, đã có lúc anh thất nghiệp… Không nản chí, anh quyết tâm “Nam tiến” để tìm việc và mang theo dự định sau này có cơ hội sẽ về quê lập nghiệp. Cơ hội đến với anh khi được nhận vào làm vị trí quản lý nhân sự cho một công ty chuyên sản xuất đồ gỗ tại Thành phố Hồ Chí Minh. 6 năm gắn bó với công việc, ngoài hoàn thành chuyên môn, anh còn chịu khó tìm hiểu về nghề sản xuất đồ gỗ. Anh tự mình học hỏi các quy trình sản xuất, tìm hiểu về các loại máy móc, các mẫu mã sản phẩm… Trong những ngày cuối tuần, anh Hồ còn xin quản lý công ty thực hành đứng máy và làm một vài công đoạn để rèn tay nghề. Anh nhận thấy thị trường đồ gỗ gia dụng rất có triển vọng, bởi ở quê anh, tiềm năng nguyên liệu phong phú, nguồn lao động phổ thông dồi dào. Từ đó anh ấp ủ dự định sẽ đưa nghề mộc gia dụng về làng…
Năm 2012, với số vốn tích góp được trong những năm làm nghề gần 100 triệu đồng, Nguyễn Văn Hồ về quê đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua các loại máy móc: cưa, khoan cắt, mài… hình thành dây chuyền sản xuất đồ gỗ gia dụng. Nguồn vật liệu sản xuất là gỗ nhãn, anh tìm kiếm để đặt mua từ các huyện miền núi như: Đô Lương, Thanh Chương, Con Cuông… Tuy nhiên, một khó khăn đặt ra: làm đồ gỗ gia dụng là nghề còn quá mới mẻ tại miền quê quanh năm bám đồng, bám ruộng. Do vậy, nguồn nhân công ở quê rất dồi dào, nhưng chưa có kỹ thuật trong sản xuất mặt hàng này. Anh đảm nhận vai trò vừa là chủ cơ sở, vừa là “người thầy” hướng dẫn cho đội ngũ công nhân từng khâu sản xuất: sơ chế nguồn vật liệu; tạo hình sản phẩm; vận hành máy móc đến hoàn thiện… “Thời gian đầu, có những lô hàng xấu, không đạt yêu cầu, tôi đành chấp nhận thiệt hại, có lúc vài, ba chục triệu đồng. Đổi lại có được kinh nghiệm làm việc và nâng cao tay nghề cho lao động”, anh Hồ cho biết.
Nhờ sự hướng dẫn tận tình của ông chủ trẻ, 10 công nhân ban đầu đã vững tay nghề để bắt tay chính thức vào việc sản xuất những lô hàng đầu tiên. Đầu ra sản phẩm khá thuận tiện khi anh Hồ đã có được những bạn hàng từ khi còn làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ vậy, sau khi tay nghề của lao động được nâng cao, mặt hàng sản phẩm ở cơ sở của anh tiêu thụ rất tốt. Trong năm đầu đi vào sản xuất, cơ sở của anh Hồ xuất được khoảng 15 nghìn sản phẩm đồ gỗ gia dụng. Sau hơn 1 năm phát triển, anh mạnh dạn vay thêm vốn, mở thêm 1 nhà xưởng nữa; nhân công cũng tăng dần lên.
Đến nay, mỗi năm cơ sở sản xuất của anh Hồ xuất từ 30 – 40 nghìn sản phẩm; doanh thu tới 4- 5 tỷ đồng/năm, điều đáng mừng hơn là cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 3 - 7 triệu đồng/người/tháng. Mong ước của anh Nguyễn Văn Hồ về một công việc ngay tại quê hương để những phụ nữ, thanh niên làng không còn phải chạy vạy tìm việc khắp nơi như thế hệ anh ngày trước đã thành hiện thực. Nhưng anh vẫn đau đáu “mình luôn phải nỗ lực để duy trì công việc ổn định và phát triển hơn nữa, để nhiều người có được cơ hội làm việc và có thu nhập khá hơn”!
Cần cù, chịu khó, thức thời và cầu tiến.. là đức tính quý của ông chủ trẻ tuổi mới ngoài 30 Nguyễn Văn Hồ. Điều mà tôi tâm đắc nhất đó là phương châm làm việc của anh: luôn biết tự tạo ra cơ hội cho bản thân và luôn tập trung cao độ cho mục tiêu mình đã đặt ra với một quyết tâm “đã đi là đến”!
Bài, ảnh: Đinh Nguyệt