Đức sẽ cứng rắn hơn trong cuộc chiến chống khủng bố

16/01/2015 14:34

(Baonghean) - Sau các vụ tấn công khủng bố xảy ra ở nước Pháp tuần vừa rồi, có vẻ như Chính phủ Đức bắt đầu đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn nhằm ngăn chặn làn sóng đầu quân của công dân nước này vào các cuộc thánh chiến. Hôm thứ Tư, ngày 14/1, Chính phủ Đức thông báo những người bị nghi ngờ muốn ra nước ngoài để tham gia các cuộc thánh chiến Hồi giáo sẽ bị tước chứng minh thư ở Đức.

Thủ tướng Angela Merkel tại Berlin hôm 19/11.  Ảnh: AP/Markus Schreiber
Thủ tướng Angela Merkel tại Berlin hôm 19/11. Ảnh: AP/Markus Schreiber

Thứ Tư, Chính phủ Đức tuyên bố sẽ tước chứng minh thư của bất kỳ những ai bị tình nghi có ý định tham gia các cuộc thánh chiến Hồi giáo ở nước ngoài. Chính phủ cho biết, các cơ quan chức năng đang tiến hành soạn thảo bổ sung và thông qua thêm một điều luật cho phép thực hiện điều này. Trước đó, một bộ luật cho phép tịch thu hộ chiếu của các đối tượng khả nghi đã được ban hành.

Một câu hỏi được đưa ra là tại sao người ta lại tước giấy chứng minh thư chứ không phải là các loại giấy tờ tùy thân khác? Trên thực tế, giấy chứng minh thư là giấy tờ cần thiết duy nhất để cho một người có thể di chuyển từ Liên minh châu Âu sang Thổ Nhĩ Kỳ. Tại phiên điều trần trước Quốc hội, Chính phủ Đức thông báo có khoảng hơn 20 kẻ tình nghi bị tước hộ chiếu đã sử dụng con đường này để đầu quân cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Theo Bộ Nội vụ, hầu hết những kẻ tình nghi trên chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ bằng đường bộ rồi sau đó vượt biên sang Syria còn những kẻ khác thì sang Bỉ và Hà Lan để gây rối.

Trong trường hợp điều luật này thông qua, các nghi phạm sẽ được cung cấp một chứng minh thư thay thế có thời hạn trong vòng 3 năm. Và với loại chứng minh này, lệnh cấm đi lại sẽ được ghi trong chứng minh thư.

Tuy nhiên, đảng đối lập lại nghi ngờ về tính hiệu quả của biện pháp trên. Jan Korte, chuyên gia phân tích chính trị thuộc cánh tả Die Linke nhắc nhở giấy tờ tùy thân được sử dụng trong nhiều tình huống như đăng ký sử dụng một gói cước điện thoại chứ không chỉ dùng để du lịch. Với loại chứng minh thư mới, các nhân viên bán hàng hay những người giao hàng sẽ thông báo về việc nghi ngờ khủng bố. Ông Korte cho rằng, đây là một biện pháp không cân xứng.

Từ nhiều tháng nay, Đức đang tìm cách tăng cường các biện pháp chống khủng bố vì lo sợ các cuộc tấn công của các chiến binh Hồi giáo cực đoan nhằm vào Đức. Theo tờ Rheinische Post đưa tin, một nguồn tin an ninh cho biết, hiện có khoảng 600 người Đức đứng trong hàng ngũ các chiến binh thánh chiến tại Syria, trong đó có khoảng 180 người có khả năng quay trở về.

Hồi đầu tháng, Chính phủ Đức cũng đưa ra thảo luận một kế hoạch nhằm trừng phạt những kế hoạch chuẩn bị cho các cuộc thánh chiến hay vận chuyển vũ khí chứ không chỉ trừng phạt những kẻ quay về từ các cuộc chiến ở Trung Đông. Các điều khoản trong luật sẽ nhắm đến các mục tiêu của những kẻ tình nghi như cố gắng rời khỏi Đức, mang theo vũ khí, áo giáp… và từ đó đưa ra các biện pháp thích hợp.

Cuối tháng này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Helko Mass tuyên bố sẽ đưa ra các hình phạt cứng rắn hơn đối với những nguồn tài trợ cho khủng bố ngay cả khi đó chỉ là những khoản tiền rất nhỏ. Hiện tại, Chính phủ Đức đang tranh cãi về việc “khai thác” các dữ liệu điện thoại, email và các địa chỉ Internet nhằm phục vụ các cuộc điều tra.

Chu Thanh

(Theo Le Monde 15/1)

Đức sẽ cứng rắn hơn trong cuộc chiến chống khủng bố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO