Dũng cảm dập lửa cứu rừng
(Baonghean) - Hành động dũng cảm, xả thân để cứu rừng xã Mỹ Thành, Công Thành (Yên Thành) của anh Trần Bá Công là tấm gương sáng cho mọi người học tập, noi theo. Hành động ấy thêm một lần khơi dậy tinh thần vì quê hương, vì cộng đồng của mỗi người dân... Những giọt nước mắt, giọt mồ hôi sẽ không rơi xuống lặng lẽ, bởi từ đất vô tri, sự sống lại hồi sinh.
(Baonghean) - Hành động dũng cảm, xả thân để cứu rừng xã Mỹ Thành, Công Thành (Yên Thành) của anh Trần Bá Công là tấm gương sáng cho mọi người học tập, noi theo. Hành động ấy thêm một lần khơi dậy tinh thần vì quê hương, vì cộng đồng của mỗi người dân... Những giọt nước mắt, giọt mồ hôi sẽ không rơi xuống lặng lẽ, bởi từ đất vô tri, sự sống lại hồi sinh.
Gia đình thôn đội trưởng dân quân tự vệ xóm 5, xã Bảo Thành Trần Bá Công chẳng có thể ngờ trong lần tham gia chữa cháy rừng vào buổi sáng ngày 25/5/2014 định mệnh ấy là anh ra đi mãi mãi. Thực ra, đám cháy ở xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương đã âm ỉ, bùng phát từ mấy ngày trước. Cũng lần trước, anh tham gia chữa cháy rừng ở xã Mỹ Thành, Công Thành, huyện Yên Thành vào ngày 22/5, lần này nghe lệnh điều động của Ban Chỉ huy Quân sự xã là anh chấp hành ngay. Anh Công lên đường vui vẻ, không một chút nao núng, dẫu biết “giặc lửa” hết sức hung tàn, dẫu biết sức khỏe mấy hôm nay không tốt, dẫu việc nhà còn bừa bộn - 2 sào lúa chưa gặt xong, chiếc ti vi hàng xóm nhờ sửa chưa lên hình lên tiếng... Thấy anh hăng hái, chị Trần Thị Sáu - vợ anh cũng không dám cản, bởi hơn ai hết chị hiểu tính chồng mình hết sức trách nhiệm đối với mọi công việc, đặc biệt là việc làng, việc xóm; cái gì tốt cho tập thể, cho cộng đồng là anh tự nhận lấy để gánh vác, dẫu sau đó nhận “phần thiệt” về bản thân mình. Chữa cháy cho “hàng xóm” anh Công còn lo lắng, lao tâm, huống hồ lần này lửa ngấp nghé lan về mảnh rừng của xã nhà mà anh là người mang trách nhiệm. Khoác lên mình bộ quần áo màu xanh của lực lượng, anh Công cùng đồng đội, đồng chí lao về hướng núi - nơi đám cháy đang lan nhanh...
Các lực lượng tham gia dập lửa cháy rừng giáp ranh xã Thượng Sơn (Đô Lương) và xã Công Thành (Yên Thành). Ảnh: Hữu Hoàn |
Đám cháy rừng ở xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương như con quái vật hung hãn, dập đầu này mọc lại đầu kia. 3 giờ 30 phút sáng ngày 25/5, đám cháy được nhân dân xã Bảo Thành phát hiện, cấp báo cho cơ quan chức năng. Đến 5 giờ sáng, ngọn lửa chuẩn bị liếm sang khu vực rừng của xã, Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy rừng đã huy động 334 người gồm trung đội dân quân cơ động, lực lượng công an, các ban ngành đoàn thể, dân quân các xóm 1, 2, 3, 4, 5 tham gia chữa cháy. Với quyết tâm cao, đến 9 giờ sáng thì ngọn lửa được dập tắt hoàn toàn. Trong quá trình chữa cháy, nhiều người bị bỏng, nặng nhất là anh Nguyễn Đình Hòe, thôn đội trưởng xóm 2 bị thương ở gót chân trái, phải chuyển cấp cứu điều trị. Không ngờ đến 11 giờ trưa, lửa bùng phát trở lại, lực lượng chữa cháy chưa kịp nghỉ ngơi lại phải quay trở lại làm nhiệm vụ. Nhưng lúc này gió Nam thổi mạnh, đám cháy mỗi lúc mỗi lan rộng và nằm ngoài khả năng chữa cháy của xã. 13 giờ chiều, lực lượng chữa cháy của huyện Yên Thành đã có mặt, tăng cường cho lực lượng chữa cháy của xã chiến đấu với giặc lửa... Anh Nguyễn Văn Ngọc, chiến sỹ dân quân tự vệ xóm 9 kể: “Chữa cháy cả ngày trời anh em đều rất mệt nhưng lửa chưa tắt thì không ai có thể lui. 16 giờ 10 phút, gió thổi mạnh hơn, ngọn lửa bùng lên dữ dội ở khu vực rừng thuộc lô 2, khoảnh 3, Tiểu khu 983. Phán đoán lửa có thể cháy sáng lô 3, đồng chí Trần Bá Công đã dũng cảm, bất chấp mọi hiểm nguy lao vào dập lửa cũng như chỉ đạo cho tổ dân quân tại chỗ và nhân dân xóm 5 kiên quyết ngăn không cho cháy lan. Giữa đám cháy rừng rực, lửa vây tứ phía, khói bụi nhiều, nhiệt độ cao, đồng chí Công bị đuối sức. Thấy đồng chí Công không còn khả năng chữa cháy, 2 đồng chí dân quân khác là anh Phan Đình Nghĩa và Trần Đình Cảnh đã dìu anh Công ra phía sau và báo cho đội y tế cơ động lên cấp cứu. Tuy nhiên, vì sức cùng lực kiệt, đồng chí Công đã trút hơi thở cuối cùng”.
Anh Phan Đình Tráng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Bảo Thành đau đớn cho hay: “Anh Trần Bá Công là một chiến sỹ phục viên trở về năm 1995, năm 2008, anh tình nguyện tham gia lực lượng dân quân tự vệ xã. Được giao làm nhiệm vụ thôn đội trưởng, anh Công luôn nhiệt tình, hăng say trong công việc và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với bản tính hiền lành, cởi mở nên anh em trong lực lượng và nhân dân tin yêu, ai cũng quý, mến phục... Biết tin đồng chí Trần Bá Công tử vong, biến đau thương thành hành động, các lực lượng chữa cháy của huyện và xã thêm quyết tâm dập tắt đám cháy bảo vệ rừng. Đến 16 giờ 50 phút thì đám cháy đã được khống chế hoàn toàn. Ban Chỉ huy Quân sự xã, UBND xã đã báo cáo lên cấp trên về tấm gương dũng cảm xả thân của anh Trần Bá Công; và các cấp, ngành, nhân dân xã đã đến chia sẻ nỗi đau, chung tay giúp đỡ gia đình anh Công tổ chức lễ đưa anh về nơi yên nghỉ”...
Khói lửa vô tri hủy diệt đi màu xanh sự sống nhưng người với người thì không thể vô tâm. Sau khi xảy ra sự việc, đại diện chính quyền địa phương đã tới thăm hỏi, hương khói, hỗ trợ ban đầu cho gia đình. Tiễn anh về lòng đất mẹ, ông Nguyễn Đình Kình, 73 tuổi, hàng xóm của gia đình anh Công và rất nhiều, rất nhiều người khác tuôn dài nước mắt: “Tôi biết cháu Công từ lúc nhỏ. Cháu nó tính tình hiền lành chất phác, 20 tuổi thì đi bộ đội, 22 tuổi phục viên rồi tham gia công tác địa phương làm bí thư chi đoàn, rồi được kết nạp vào Đảng. Lấy vợ sinh con, vợ chồng luôn chí thú làm ăn; gia đình cháu sống không mất lòng ai, bản thân Công thì ai nhờ việc gì cũng giúp đỡ ngay”. Người dân huyện Yên Thành bảo: Chưa thấy một cuộc tiễn biệt người đã khuất nào như thế, đoàn người kéo dài hàng 4-5 km, có người thân, bạn bè anh và cả những người không quen.
Anh Công tử vong trong lúc làm nhiệm vụ thì đã đành phận anh; còn đau thương buồn tủi thì dành cho người ở lại. Tiếng khóc của chị Sáu - vợ anh Công lúc to, lúc chẳng còn hơi. Hai cô con gái đầu của anh, một lớp 9, một lớp 7, mấy ngày thương bố chẳng thiết gì ăn uống. Đôi mắt của cậu con trai út mới 6 tuổi ngơ ngác, câm nín buồn hoang hoải trong căn nhà trống tênh không có một tài sản nào giá trị. Bố mẹ già yếu của anh Công năm nay trên 80 tuổi cũng chỉ biết tin mất con khi anh đã ra đi 2 ngày... Anh Trần Bá Công mất đi là một tổn thất vô cùng to lớn cho gia đình, dòng họ, đặc biệt trong hoàn cảnh gia đình vợ yếu, con còn nhỏ. Việc cần nhất là sự an ủi, giúp đỡ thân nhân, gia quyến của anh Công. Ngày 27/5/2014, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định truy tặng Bằng khen cho anh Trần Bá Công đã có hành động dũng cảm trong công tác chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2014. Đoàn công tác của tỉnh đã đến trao quà cho thân nhân của anh Công; thăm hỏi, hỗ trợ. Quyết định truy tặng bằng khen này là tiền đề quan trọng trong việc đề nghị Chủ tịch Nước trao tặng Huân chương Dũng cảm cho anh Công và cũng như thực hiện các chế độ chính sách cho gia đình theo Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công với cách mạng. Đồng chí Thái Văn Hằng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền xã Bảo Thành, huyện Yên Thành thường xuyên chăm lo, quan tâm mọi mặt để thân nhân anh Trần Bá Công vượt qua khó khăn; giao các sở ban ngành cấp tỉnh dựa trên cơ sở chính sách hiện hành của Nhà nước và hành động dũng cảm của anh Trần Bá Công để tham mưu cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng, Nhà nước, ghi công xứng đáng đối với đóng góp của anh.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyện Yên Thành và người thân tưởng niệm anh Trần Bá Công. Ảnh: T.C |
Biết hiểm nguy mà vẫn đi bởi không phải bản thân mình dấn thân làm sao đối mặt với lương tâm trách nhiệm; hành động dũng cảm, xả thân của anh Trần Bá Công gợi nhớ về tấm gương của Thiếu tá Nguyễn Tấn Ngãi - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn dự bị động viên, Ban CHQS huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế), quê ở xã Văn Thành, Yên Thành đã anh dũng hy sinh khi cùng đồng đội tổ chức dập lửa, cứu rừng; tấm gương của đồng chí Nguyễn Tài Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu trợ cho đồng bào bị lũ lụt trong cơn bão số 10 năm 2013; của hàng triệu lớp người khác là ông cha, tiên tổ, anh chị đã hy sinh trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ độc lập tự do của đất nước; gợi nhớ về những người lính Trường Sa, những chiến sỹ cảnh sát biển Việt Nam đang ngày đêm đấu tranh, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo... Những ai hy sinh vì cộng đồng, vì đất nước dân tộc thì người ấy trở thành bất tử. Quê hương luôn khắc ghi ơn sâu những người đã dũng cảm xả thân, hy sinh vì việc nước. Họ lao vào nguy hiểm giản dị và bình tâm; làm việc bằng trách nhiệm, lương tâm chứ không vì bất cứ thứ gì cả. Nhớ ơn họ - những anh hùng nhân dân, mỗi người dân hôm nay sẽ quyết tâm nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, làm tốt công việc, bổn phận của mình; cũng như quyết làm tốt công tác chính sách, chăm lo cho những người ở lại.
Thanh Sơn