Đừng để nông dân "tự bơi" tìm thị trường tiêu thụ

17/11/2014 11:21

Hôm nay (17.11), kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa 13 bắt đầu các phiên chất vấn. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là người đầu tiên trả lời chất vấn của các đại biểu (ĐB) QH.


Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội - Ảnh: Ngọc Thắng

Mở đầu phần làm việc của QH vào buổi sáng nay (17.11), Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của QH, kết luận của Ủy ban Thường vụ QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp QH, phiên họp Ủy ban Thường vụ QH.

Cần hết sức thận trọng khi đưa ra quyết định để không rút lại

Tiếp đó là phần phát biểu ý kiến của các ĐBQH. Mở đầu, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) có ý kiến: các ĐBQH chỉ mới nhận được hơn 100 trang báo cáo của QH và sáng nay mới nhận được báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của QH, kết luận của Ủy ban Thường vụ QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp QH, phiên họp Ủy ban Thường vụ QH. Như vậy, ĐB rất khó có thể so sánh, đánh giá các báo cáo này để có ý kiến phát biểu.

Theo ĐB Châu, báo cáo của QH có nêu những việc Chính phủ có làm, đang làm, đã làm được và cả những việc còn chưa thực hiện được. Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ chỉ mới nêu những việc làm được.


ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị): Các bộ ngành trung ương cần hết sức thận trọng khi đưa ra
quyết định của mình đừng để đưa ra rồi ảnh hưởng đến người dân để người dân phản ứng
rồi rút lại - Ảnh: Ngọc Thắng

Vì vậy, ĐB Châu đề nghị báo cáo của Chính phủ cần đánh giá sâu hơn về hiệu quả quản lý nhà nước. Tại sao có những việc xảy ra rồi thì mới đi rà soát quản lý nhà nước (tai nạn xảy ra rồi mới rà soát quản lý như thế nào; cầu hư, sập cầu rồi mới đi rà soát lại quản lý thiếu sót ra sao,…). Như vậy, việc quản lý đi sau thực tế trong khi người dân cần Chính phủ có dự báo, đánh giá trước để có chính sách, quản lý chặt chẽ. Mặt khác, các bộ ngành trung ương cần hết sức thận trọng khi đưa ra quyết định của mình đừng để đưa ra rồi ảnh hưởng đến người dân để người dân phản ứng rồi rút lại.

Có thể bán khách sạn để làm trung tâm nghề cá đủ mạnh hỗ trợ ngư dân

Tiếp theo, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho biết ông đồng tình với báo cáo của Chính phủ về giải quyết các vấn đề chất vấn.

Tuy nhiên, ông Lịch chưa đồng tình với việc giải quyết các nhóm công việc của Chính phủ bởi thiếu sự đồng bộ. Ví dụ như việc giải quyết các vấn đề nông nghiệp và vấn đề cai nghiện rất bị động trong việc đưa ra giải pháp.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, ông Lịch cho biết ngành này chưa có bài toán tổng thể dù rằng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra 12 nhóm giải pháp.

“Nông nghiệp sản xuất cái gì, sản xuất bằng cách nào, sản xuất cho ai… là những câu hỏi ngành nông nghiệp cần phải làm rõ. Có những mặt hàng ngành nông nghiệp có thể sản xuất được nhưng giá thành lại quá cao. Chưa kể, bài ca được mùa mất giá, mất giá được mùa cứ tiếp diễn”, ông Lịch nói.

Về ngư nghiệp, ông Lịch cho biết cần có giải pháp hỗ trợ ngư dân, không để ngư dân đánh bắt như kiểu hiện nay. Hiện cả nước có 5 trung tâm hỗ trợ, đánh bắt nghề cá nhưng cần có một trung tâm tổng hợp đủ mạnh hỗ trợ ngư dân trong việc đánh bắt.


ĐB Trần Du Lịch cho rằng có thể bán khách sạn để làm trung tâm nghề cá đủ mạnh
hỗ trợ ngư dân - Ảnh: Ngọc Thắng

“Chúng ta có thể bán khách sạn ở TP.HCM, Hà Nội để làm trung tâm nghề cá đủ mạnh hỗ trợ ngư dân”, ông Lịch nhấn mạnh.

Trong khi đó, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) quan tâm đến báo cáo về nâng cao chất lượng trồng rừng. Theo ĐB này việc trồng rừng chưa được Chính phủ đánh giá được chất lượng của trồng rừng như thế nào.

Đừng để nông dân “tự bơi” tìm thị trường tiêu thụ

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) lại lưu tâm đến vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng gây nguy hiểm cho người tiêu dùng, doanh nghiệp.

“Báo cáo của Bộ Công thương mới đây cho thấy đã bắt giữ 130.000 vụ, xử lý 80.000 vụ. Điều đó cho thấy tình trạng này vẫn còn nghiêm trọng phức tạp, ảnh hưởng đến người dân”, ông Ngân nói.

Về nợ công, nợ xấu, ông Ngân cho biết bản thân rất tin báo cáo này nhưng rất mong Chính phủ có một báo cáo chi tiết để người dân tin tưởng rằng nợ xấu, nợ công đã về ngưỡng an toàn.

ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến đẩy mạnh phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ đang để nông dân “tự bơi” trong tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có chính sách trong việc phát triển thị trường, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, ĐB Tính đề nghị Chính phủ cần siết chặt kiểm tra, xử lý tình trạng vật tư nông nghiêp giả (phân bón, thuốc trừ sâu giả,…) để người nông dân yên tâm sản xuất.

Bộ máy hành chính ngày càng phình ra

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) chất vấn hai vấn đề là cải cách thủ tục hành chính và phòng chống tham nhũng.

Theo ĐB Thuyền, Chính phủ đã có nhiều cuộc cải cách hành chính nhưng càng cải cách thì bộ máy nhà nước ngày một phình ra.

“Chức phó bây giờ nhiều quá. Một phòng ba người mà cũng có tới một trưởng, một phó, chỉ còn một nhân viên. Hay như thứ trưởng, cục phó cũng thế, quá nhiều. Mỗi ngành hay cơ quan chỉ nên có một hai phó thôi. Phải để cho ông trưởng làm chứ để phó làm hết rồi ông trưởng không có gì làm”, ông Thuyền nhấn mạnh.

Theo ĐB Thuyền, giảm tổ chức, hành chính nhưng cần nâng cao chất lượng bộ máy phục vụ nhân dân

Về phòng chống tham nhũng, đại biểu Thuyền cho hay dù Chính phủ có quyết tâm rất lớn nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn.

ĐB này đưa ra dẫn chứng, về việc kiểm kê dinh Ba (dinh Bảo Đại), từ năm 1949 - 1975, dinh này chỉ có một ông quản gia, kiểm kê tài sản nhưng tài sản không mất cái gì hết còn bây giờ qua nhiều thủ tục nhưng tài sản cứ mất dần mất mòn. Rồi các lĩnh vực khác cũng vậy, nhiều người quản lý, qua nhiều thủ tục nhưng tài sản dân giao phó cứ mất dần.

“Một cán bộ phát biểu trên truyền hình là cán bộ ta chưa bao giờ đòi dân đưa hối lộ cả mà dân cứ đưa. Tại sao phải đưa? Vì dân không có nhiềm tin vào anh, sợ anh không công tâm thì họ phải đưa thôi. Cho nên cần phải xây dựng lòng tin cho dân, làm cho dân tin”, ông Thuyền nói.

Giá xăng đã giảm 10 lần nhưng mới có một số đơn vị giảm giá

Qua báo cáo của Chính phủ, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đánh giá cao những việc Chính phủ đã làm được, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Bên cạnh đó, ĐB Khánh đề nghị Chính phủ chú trọng hai vấn đề trong thời gian tới là: kiên quyết đưa vào chiến lược phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh và coi trọng công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong sản xuất, quản lý và đặc biệt là quốc phòng.

ĐB Danh Út (Kiên Giang) đưa ra vấn đề việc quản lý của Chính phủ còn một số vấn đề chưa đồng bộ theo yêu cầu. Ví dụ như, ba tháng nay, giá xăng đã giảm 10 lần nhưng đến nay chỉ có một số đơn vị vận tải, sản xuất giảm giá. Đồng thời, theo ĐB Út, chính sách đối với người trồng lúa, trong thực hiện thì người nông dân còn chưa thật sự được ưu tiên, đặc biệt là đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. ĐB này đề nghị Chính phủ cần ưu tiên cho vùng sản xuất lúa và xem xét lại cách hỗ trợ cho nông dân sao hiệu quả.

Xác định rõ trách nhiệm cá nhân, cán bộ trong quản lý

Liên quan đến cán bộ cao cấp, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho biết cần phải công khai cho dân biết. Điển hình như vụ nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nhưng đến nay vẫn chưa thấy thông tin cụ thể từ phía cơ quan chức năng.

“Cán bộ càng cao càng phải minh bạch, chứ còn cứ âm âm chung chung thì nhân dân không tin đâu”, ông Nam khẳng định.

Về phòng chống buôn lậu, ông Nam nhấn mạnh cần phải quy trách nhiệm của người đứng đầu địa phương.

“Tại sao khi Bộ Công an vào cuộc lại bắt được vài ba vụ, còn khi Bộ Công an rút thì mọi chuyện lại đâu vào đấy. Buôn lậu vẫn xảy ra. Đừng để tình trạng đá ném ao bèo”, ông Nam nêu.

Về chính sách dành cho ngư dân, ĐB Nam cho hay đừng để giàn khoan HD-981 rút đi thì chính sách dành cho ngư dân nguội đi.

Bên cạnh việc đánh giá cao những việc Chính phủ đã thực hiện được, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm cá nhân của các thành viên Chính phủ và cả trách nhiệm của địa phương trong việc thực hiện các nghị quyết và ý kiến, đề nghị của QH.

ĐB Vở lấy ví dụ, liên quan đến ý kiến đề nghị của QH cách đây nhiều năm về trồng bù diện tích rừng đã phá bỏ để xây thủy điện, cho đến nay vẫn chưa thấy kết quả và có báo cáo. “Kết quả chưa thực hiện được mà trách nhiệm không biết thuộc về ai”, ĐB Vở đánh giá việc thực hiện một số các nghị quyết và ý kiến, đề nghị của QH trong thời gian vừa qua.

An ninh lương thực: Cần phải tăng năng suất và quan tâm tới hộ nghèo

Liên quan đến vấn đề an ninh lương thực, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho hay hiện đất nước đạt được nguồn cung lương thực dồi dào, dư thừa, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết an ninh lương thực ở đây còn phải tính cả yếu tố người dân nghèo không đủ tiền mua lương thực. Hiện trong nước vẫn còn một số hộ nghèo chưa đủ khả năng mua được lương thực. Cho nên an ninh lương thực cần phải tăng năng suất và quan tâm tới hộ nghèo.

“Vấn đề đặt ra là liệu chúng ta có tiếp tục duy trì sản xuất lúa gạo hay chuyển qua trồng giống cây khác mang lại hiệu quả hơn. Vừa qua Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ nông dân trong vùng trồng lúa chuyển đổi qua trồng cây khác có thu nhập cao hơn”, ông Phát nói

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng lý giải các vấn đề liên quan đến hiệu quả của việc trồng rừng, lâm trường, nông nghiệp công nghệ cao… mà một số đại biểu chất vấn trước đó.

Theo kế hoạch làm việc của QH, mở đầu phần làm việc vào buổi sáng nay (17.11), Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của QH, kết luận của Ủy ban Thường vụ QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp QH, phiên họp Ủy ban Thường vụ QH.

Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cũng sẽ báo cáo trước QH kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, QH khóa 13.

Phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng diễn ra vào buổi chiều. Các vấn đề Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn trước QH xoay quanh việc phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển công nghiệp chế tạo, các giải pháp quản lý thị trường và ngăn chặn tình trạng hàng giả, buôn lậu.

Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 8, QH khóa 13 sẽ kéo dài đến hết ngày 19.11. Có 4 bộ trưởng trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong phiên chất vấn cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời chất vấn và làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến các nhóm nội dung được các ĐBQH chất vấn.

Báo Nghệ An điện tử sẽ cập nhật các thông tin liên quan đến các phiên chất vấn, mời các bạn đón xem

TIN LIÊN QUAN

Đừng để nông dân "tự bơi" tìm thị trường tiêu thụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO