Dùng "đòn" năng lượng: con dao hai lưỡi

05/12/2014 10:36

(Baonghean.vn) - Giá dầu thế giới “lao dốc”, dự án Dòng chảy phương Nam “đổ bể” là những thông tin quốc tế nóng nhất trong tuần qua. Điểm chung của hai thông tin này đều là vấn đề năng lượng và dễ dàng nhận ra rằng đây chính là hệ quả của một vòng luẩn quẩn các đòn trừng phạt và trả đũa giữa Nga và phương Tây. Tuy nhiên, dùng “chiêu bài” năng lượng trong cuộc chơi chính trị giống như “con dao hai lưỡi”.

Dự án Dòng chảy phương Nam bị hủy là bằng chứng rõ nét nhất của những tác động từ việc Nga và Liên minh châu Âu “trả đũa” lẫn nhau. Quyết định của Tổng thống Nga Putin về việc dừng dự án Dòng chảy phương Nam do bị châu Âu ngăn cản, đã gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều. Người thì cho rằng đây là một “đòn đau” đối với nước Nga, nhưng cũng có ý kiến lại nhận định đó là bước đi nhiều tính toán của Điện Kremli và cuối cùng châu Âu cũng là bên “chịu đòn”. Tất nhiên, mỗi nhận định đều có những cơ sở khách quan.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực tế, “Dòng chảy phương Nam” được xem là “giấc mơ” ấp ủ từ rất lâu của Tổng thống Nga Putin. Dự án đã được Nga khởi động từ tháng 12/2012, theo tính toán sẽ vận chuyển 63 tỷ m3 khí đốt từ Nga sang Trung và Nam Âu nhưng không đi qua lãnh thổ Ukraine. Dự án đi qua đáy Biển Đen và vùng Balkan, tới Bulgaria, Serbia, Hungary, Slovenia, Áo và kết thúc ở Italy, nơi “Dòng chảy phương Nam” sẽ được nối với mạng lưới đường ống dẫn khí của châu Âu. Nếu như nó thành hiện thực, Nga sẽ ngày càng độc lập hơn với Ukraine trong vấn đề vận chuyển năng lượng. Ngoài ra, một toan tính khác cũng được Nga đặt vào dự án Dòng chảy phương Nam.

Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga chiếm 1/3 nhu cầu của EU. Nếu Nga thiết lập được mạng lưới khí đốt Dòng chảy phương Nam nó sẽ giúp tăng nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu thêm 25%. Điều này giúp Mátxcơva tăng thêm ảnh hưởng với châu Âu qua “chiêu bài” năng lượng. Thế nhưng mọi việc đã không thể diễn ra như dự liệu khi xảy ra những biến cố tại Uktraine và quan hệ Nga – EU lâm vào ngõ cụt. Rõ ràng, Dòng chảy phương Nam bị “ngưng lại” là một thất bại của Nga trong việc muốn châu Âu phải phụ thuộc vì năng lượng.

Thêm vào đó, tổn thất nhãn tiền với Nga là việc tập đoàn Gazprom đã bỏ ra khoản tiền 4,66 tỉ USD cho tuyến đường ống này trong vòng 3 năm qua, giờ đây coi như “đổ bể”. Trong bối cảnh, kinh tế Nga đang trên đà suy giảm do tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây, kết quả này thật không dễ chịu với Moscow. Mặc dù Nga ngay sau đó đã đưa ra giải pháp thay thế là xây dựng một hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới mang tên Dòng chảy Xanh từ Nga qua Thổ Nhỗ Kỳ để vào châu Âu, nhưng xem ra kế hoạch này cũng phải mất thời gian dài và tốn không ít tiền của.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ các nước châu Âu, có thể thấy, việc ngăn cản “Dòng chảy phương Nam” khiến Nga phải hủy dự án này cũng là hành động tự làm khó mình. Mặc dù từ lâu, Liên minh Châu Âu (EU) đã muốn giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga. Nhất là từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, thì mong muốn này của EU càng thêm lớn. Song để tìm nguồn năng lượng thay thế Nga vốn là bài toán không dễ với EU. Tiết kiệm năng lượng cũng khó khi các nền kinh tế châu Âu đang rất cần tăng trưởng. Dựa vào nguồn năng lượng từ đồng minh Mỹ càng khó hơn khi “nước xa khó cứu lửa gần”. Chính vì thế ngay sau khi Nga quyết định hủy dự án Dòng chảy phương Nam, giới lãnh đạo châu Âu đều tỏ ra sốt sắng, thậm chí EU còn có thể “lục đục” vì chuyện này.

Ủy ban châu Âu kêu gọi tiến hành các cuộc đối thoại về dự án xây dựng đường ống "Dòng chảy phương Nam", vào ngày 9/12 tới. Nói như Chủ tịch Liên minh quốc tế về ngành công nghiệp khí đốt (UIG), ông Jerome Ferrie, thì châu Âu không thể thiếu được nguồn cung khí đốt từ Nga. Khi bất ổn tại Ukraine lắng dịu, EU sẽ thấy được các tuyến đường ống dẫn khí này sẽ quan trọng như thế nào đối với sự ổn định của “lục địa già”. Như vậy xem ra dùng năng lượng như “con át chủ bài” trong cuộc chiến trừng phạt lẫn nhau đã chẳng mang về chiến thắng cho Nga hay EU. Thậm chí mỗi bên đều đang hứng chịu những “thất bại” cho riêng mình.

Tương tự như vậy, việc giá dầu lao dốc trong tuần qua xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua cũng khiến người ta nghĩ tới nhiều vấn đề trong cuộc chơi năng lượng. Một số nhà phân tích cho rằng Mỹ và đồng minh đã có hành vi thao túng thị trường dầu mỏ thế giới. Mỹ đang chơi trò giảm giá dầu bằng cách tác động đến các nước đồng minh khai thác dầu mỏ, để triệt hạ Nga - quốc gia mà Washington có quan điểm bất đồng vì các sự kiện ở Ukraine - giống như việc họ đã làm 30 năm trước với Liên Xô. Lẽ dĩ nhiên, giá dầu giảm đã tác động lớn tới Nga khiến giới chức nước này lần đầu tiên chính thức thừa nhận về nguy cơ suy thoái kinh tế. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, giá dầu giảm cũng không khiến Mỹ “ung dung”. Mỹ không được hưởng lợi gì khi giá dầu hạ xuống, vì chi phí khai thác dầu đá phiến sét là rất cao. Với giá dầu hiện nay, Mỹ chỉ có lỗ chứ không có lãi.

Nói tóm lại, dùng “chiêu bài” năng lượng trong cuộc chơi chính trị giống như “con dao hai lưỡi”. Vì thế chẳng có ai là người thắng cuộc./.

Thanh Huyền

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Dùng "đòn" năng lượng: con dao hai lưỡi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO