Dừng một nghị quyết "đẻ non"
(Baonghean) - Cuộc họp UBND tỉnh góp ý cho các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới có 10 nghị quyết, trong đó có những nội dung đã họp đến nhiều lần. Có những nghị quyết cần thông qua, có những nghị quyết không khả thi cần dừng lại, bởi vậy sự quyết định của người đứng đầu rất quan trọng.
Trên thực tế ở nhiều nơi, nhiều diễn đàn, các nghị quyết ban hành hầu hết đều thông qua, thậm chí có nhiều nghị quyết ban hành xong rồi nhưng chồng chéo, thiếu khả thi hoặc không được người dân biết đến. Nhưng tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định không đưa ra nghị quyết về huy động nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới vào kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới và nhận được sự hưởng ứng của hội nghị.
Trước đó, các đại biểu đều có ý kiến đóng góp. Nhà Tài chính giữ “oi tiền” thì tham mưu cần chú trọng những gì thiết thực nhất cho người dân trong xây dựng nông thôn mới, lựa chọn xác định một số hạng mục đầu tư trọng điểm cho từng năm, phân loại đối tượng ưu tiên đầu tư. Nhà hoạch định kế hoạch thì cho rằng hiện nay nhiều chương trình đều đầu tư cho nông thôn chứ không riêng gì chương trình nông thôn mới, nên gút lại một số nội dung đầu tư, nguồn của huyện thế nào, của xã thế nào. Nhà chuyên môn (Nông nghiệp) thì cho rằng rất cần thiết có một Đề án tổng thể để thống nhất chỉ đạo thực hiện chương trình bởi hiện nay nhiều văn bản của cả Trung ương và địa phương không thống nhất, nhất là về nguồn lực đầu tư…
Sau khi nghe các ý kiến, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao Sở NN và PTNT trong việc xây dựng Đề án cơ chế chính sách huy động các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020, đồng thời cũng thấy cần thiết phải có một nghị quyết về huy động nguồn lực đầu tư cho chương trình, làm cơ sở cho UBND tỉnh ra Quyết định phê duyệt Cơ chế huy động vốn. Tuy nhiên trên cơ sở phân tích: Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 800 về Phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới từ 2010 đến 2020, trong đó quy định vốn ngân sách đầu tư 40%, còn lại là các nguồn khác như vốn góp của dân, vốn tín dụng, vốn huy động của các doanh nghiệp, thành phần khác. Nhưng đến 8/6/2012, do cân đối ngân sách không đủ đầu tư, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Quyết định 695/2012 của TTg về sửa đổi cơ chế hỗ trợ vốn, trong đó, giao cho HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ đối với các công trình xây dựng nông thôn mới tùy theo điều kiện của địa phương.
Trong khi đó, phong trào xây dựng nông thôn mới đang rộng khắp, nhiều nơi phấn khởi vì nghĩ được hỗ trợ 40% vốn ngân sách nên xẩy ra một dạng nợ công mới đó là các xã nợ nhà thầu, chưa biết bao giờ mới trả được. Thực chất với Quyết định số 695/ TTCP, Chính phủ đã trao quyền tự quyết cho các địa phương, bằng cách giao cho HĐND tỉnh tự cân đối tài chính để hỗ trợ tùy theo điều kiện từng địa phương. Theo Quyết định 695, Ngân sách chỉ đầu tư 100% cho 3 nội dung: Quy hoạch, Xây dựng trụ sở UBND xã, Đào tạo tập huấn. Đối với các xã còn lại (không phải xã 30a), hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước cho: Xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã, đường giao thông thôn, xóm; giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã; xây dựng nhà văn hóa xã… Giao HĐND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho từng nội dung, công việc cụ thể, bảo đảm phù hợp với thực tế và yêu cầu hỗ trợ của từng địa phương.
Như vậy, để thực hiện được Quyết định 695, ngân sách địa phương cần một nguồn lực rất lớn. Mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh lại rất nặng nề, đến hết năm 2015 phải đạt 20% số xã về đích nông thôn mới (tương đương 90 xã), đến 2020 đạt 50% số xã nông thôn mới, tương đương 216 xã. Mức hỗ trợ lớn như vậy, mới đây các nhà máy xi măng đang đòi nợ tiền xi măng, liệu ngân sách của địa phương có đáp ứng được không. Trong khi đó, vốn nhân dân đóng góp ba năm qua đạt 4.024,568 tỷ đồng, chiếm 29%, như vậy cũng là rất lớn. Vì vậy không thể đưa ra nghị quyết lúc này khi ngân sách không đảm bảo để thực hiện đề án. Và quyết định cuối cùng là chưa đưa ra kỳ họp sắp tới vấn đề này.
Châu Lan