'Đừng quá say sưa với ODA'
Ổng Phùng Quốc Hiển _ Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng việc chuyển dịch dần sang vay vốn chủ yếu trong nước là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam ngày càng cận kề với việc "tốt nghiệp" ODA.
Sau nhiều năm đứng đầu Uỷ ban Tài chính ngân sách, trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, ông Phùng Quốc Hiển được bầu giữ cương vị Phó chủ tịch Quốc hội. Vị lãnh đạo này đã có cuộc trao đổi với về "tình hình sức khoẻ" ngân sách, mối lo nợ công khi các khoản vay đang nhiều và "đắt" dần lên.
- Nợ công và nợ Chính phủ dự báo đến cuối năm 2016 có thể vượt trần cho phép. Ông nhìn nhận thế nào về nguy cơ này?
- Nói đến nợ công phải gắn với thu và chi ngân sách. Thu ngân sách phải từ phát triển sản xuất chứ không phải “sưu cao, thuế nặng”. Theo tinh thần đó, chúng ta đã giảm gánh nặng thuế cho người dân, doanh nghiệp. Đơn cử, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 35% xuống còn 22%, từ năm 2016 sẽ chỉ còn 20%, chưa kể các khoản ưu đãi thuế suất chỉ còn 10%. Thuế giá trị gia tăng hiện áp 3 mức 0%, 5% và 10% - là mức thấp trong khu vực.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ảnh: H.T |
Việc giảm nhiều sắc thuế, trong bối cảnh thu ngân sách chỉ đáp ứng được chi thường xuyên, để có tiền chi cho đầu tư phát triển buộc phải đi vay. Ngoài ra còn phát sinh các khoản nợ do bảo lãnh cho một số doanh nghiệp, cho một số dự án lớn như thuỷ điện, nhiệt điện, hàng không... Những yếu tố đó khiến nợ công, bội chi tăng, ngân sách đối diện với áp lực lớn. Hiện nợ công trong giới hạn cho phép, nhưng điều đáng lo nợ Chính phủ đã tăng lên 50,3%, vượt 0,3% so với quy định của Quốc hội.
- Ngân sách đang chịu những áp lực cụ thể nào, thưa ông?
- Cân đối thu - chi ngân sách hiện căng thẳng khi phải tiếp tục đi vay để đầu tư phát triển. Chi thường xuyên có nhu cầu cao, nhiều chính sách còn nợ dân, chẳng hạn chính sách đối với người có công, an sinh xã hội... Nguồn thu có giới hạn, nhưng không thể tăng thu đột biến vì có thể gây khó khăn với doanh nghiệp, nền kinh tế.
Một vấn đề nữa là Việt Nam sắp bước vào giai đoạn tốt nghiệp ODA, chúng ta sẽ phải đi vay với lãi suất cao hơn, thời gian đáo hạn, ân hạn ngắn hơn. Đó là những áp lực lớn đặt lên vai Chính phủ khi điều hành phát triển kinh tế, vừa phải đi vay và vừa phải đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Không lo ngân sách “sốc” khi tốt nghiệp ODA
- Với các áp lực trên, nhất là điều kiện vay nước ngoài khó khăn hơn, điều gì xảy ra nếu ngân sách bị “sốc” khi không còn được vay ODA?
- Không nên quá say sưa với vay ODA, vì kèm theo ưu đãi là những điều kiện vay rất khắt khe về đầu tư, đấu thầu, kiểm soát... Tất nhiên, khi chuyển sang vay thương mại sẽ phải chịu sức ép lớn hơn, phải tính kỹ hơn tới nguồn trả nợ, tính toán để mỗi đồng tiền vay về sẽ được sử dụng đúng mục đích, đúng địa chỉ và hiệu quả, tránh lãng phí.
Để ngân sách không “sốc” khi tốt nghiệp ODA, cơ cấu khoản vay sẽ thay đổi bằng việc đẩy mạnh vay trong nước lên 75-80%, đồng thời giảm vay nước ngoài về còn 20-25%. Tôi cho rằng cơ cấu vay như vậy là hợp lý. Đẩy mạnh vay trong nước thì nợ nước ngoài sẽ giảm, tạo điều kiện để thị trường tài chính trong nước khởi sắc.
- Nhiều chuyên gia cảnh báo dồn từ vay nước ngoài về vay trong nước sẽ nảy sinh nhiều rủi ro tài chính cho ngân sách. Ông nghĩ sao?
- Không hẳn như vậy. Vay trong nước thì thời hạn vay thông qua trái phiếu ngắn hơn, lãi suất vay có thể cao hơn… Nhưng cái được lớn hơn là tận dụng được nguồn tiền trong dân và các định chế tài chính trong nước, còn hơn để dòng tiền đó chảy ra nước ngoài. Cũng giống như một gia đình, nếu vay người thân, họ hàng thì áp lực trả nợ sẽ không nặng bằng vay người ngoài.
- Ngân hàng Thế giới dự báo 7-10 năm tới sẽ là giai đoạn Việt Nam phải thanh toán nợ nhiều nhất. Khả năng đảm bảo nghĩa vụ trả nợ như thế nào?
- Nợ công ở Việt Nam diễn biến theo hình parabol, đỉnh vào năm 2017, sau đó đường cong sẽ xuống dần. Đến năm 2020 phải xây dựng được lộ trình đảm bảo cân đối hài hoà thu, chi, trả nợ và kiểm soát được các vấn đề này.
Tới đây Quốc hội sẽ đưa ra kế hoạch cụ thể, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm và đầu tư trung hạn 5 năm, đồng thời xây dựng khung về thu - chi, bội chi, nợ công theo từng năm. Điều hành của Chính phủ phải nằm trong khung chứ không làm theo cách “bấc đến đâu, dầu đến đấy”. Kế hoạch đi vay, trả nợ vay và nguồn trả nợ thế nào cũng sẽ được đưa vào kế hoạch cụ thể. Về đầu tư công, tuyệt đối tránh tình trạng cứ làm nhưng không biết vốn tới đâu, không tính tới hiệu quả, khả năng trả nợ... Đây chính là bước tiến mới mà Quốc hội sẽ quyết định vào kỳ họp thứ 2 tới để tránh “sốc” cho ngân sách.
Có vay, có trả
- Quốc hội có công cụ nào để quản chi tiêu ngân sách, tránh việc Chính phủ đặt vào tình thế “quyết những điều đã rồi” như lâu nay?
- Vừa qua có đại biểu nêu ý kiến Quốc hội “quyết những điều đã rồi” là liên quan đến vốn ODA. Trước sức ép của các nhà tài trợ, buộc phải chấp nhận giải ngân nhanh theo đúng tiến độ ký kết để đưa các công trình vào sử dụng. Vì thế số giải ngân thực tế trong một số trường hợp vượt dự toán. Điều quan trọng là đến nay việc vay và trả nợ theo đúng cam kết. Dù dự báo năm 2017 là đỉnh phải trả nợ nhưng đến giờ phút này, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã tính toán tới nguồn để trả nợ, trong đó có nguồn cân đối ngân sách, vay mới trả nợ cũ hoặc cơ cấu lại các khoản nợ… đảm bảo tất cả khoản nợ đến hạn sẽ trả đúng hạn.
- Nếu vẫn có trường hợp “vượt rào” trong vay và trả nợ nước ngoài thì sao?
- Hiến pháp 2013 đã quy định rất rõ: tất cả khoản thu chi ngân sách phải có dự toán. Những vấn đề liên quan tới dự toán ngân sách phải do Quốc hội quyết định. Vì vậy, những khoản vượt dự toán đều phải được xem xét và có thể xuất toán nếu không hợp lý về thu, chi... Những công cụ này sẽ buộc Chính phủ phải hết sức chặt chẽ trong chi tiêu. Càng minh bạch thu chi ngân sách để giám sát thì người dân sẽ biết tiền đóng thuế của mình đi tới đâu, khắc phục được thất thoát, lãng phí. Quan trọng là biết mình biết người, đã vay là trả và trả đúng hạn, đặt an ninh tài chính quốc gia và kinh tế vĩ mô lên hàng đầu.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|