Đừng quên rau mầm
Trước đây vài chục năm, thầy thuốc thường áp dụng folic acid cho thai phụ nhằm tránh trục trặc trong tiến trình phát triển của thai nhi.
Ảnh minh họa
Sau đó, nhờ phát hiện vai trò của folic acid trong sản xuất hồng huyết cầu cũng như trên chức năng của buồng trứng, sinh tố này được áp dụng rộng rãi cho người hiếm muộn, người đang cho con bú, bệnh nhân thiếu máu, trẻ con chậm lớn.
Nhiều thầy thuốc từ lâu cũng đã cổ động việc bổ sung folic acid cho người nghiện rượu vì rượu ức chế tiến trình hấp thu folic acid từ thực phẩm.
Folic acid có tên như thế từ tiếng Latin Folium - nghĩa là chiếc lá - vì sinh tố này, hầu như có mặt trong tất cả các loại rau cải. Nói cách khác, khó thiếu folic acid nếu trên bàn ăn đừng thiếu rau xanh, cải tươi… Tuy vậy, bệnh do thiếu folic acid vẫn có trên thực tế vì các lý do sau đây:
- Ở thai phụ, do nhu cầu về folic acid bội tăng đến gấp 3 lần bình thường.
- Trên đối tượng có cuộc sống quá căng thẳng, bằng chứng là lượng homocystein trong máu, độc chất thúc đẩy tiến trình xơ vữa mạch vành và dẫn đến nhồi máu cơ tim, rất cao trong cơ thể người thiếu folic acid. Ngược lại, điện tâm đồ của người đã có vấn đề với mạch vành cải thiện rõ rệt sau thời gian được điều trị với folic acid.
Thêm vào đó, cho dù chế độ dinh dưỡng hoàn toàn đúng cách vẫn có thể thiếu hụt folic acid trong trường hợp phải dùng thuốc thường xuyên, vì folic acid là chất xúc tác cho phản ứng biến dưỡng của nhiều loại dược phẩm.
Không đủ folic acid thì thuốc không thể đạt hiệu năng tối đa. Càng uống nhiều loại thuốc càng dễ cạn nguồn dự trữ folic acid, như thuốc ngừa thai, kháng sinh, hạ mỡ máu, giảm đau, chống co thắt cơ trơn, kháng lao, hạ huyết áp, an thần, nhuận gan, trợ tim.
Do đó, đừng quên một món ăn vừa rẻ tiền vừa dễ tìm nhưng dồi dào folic acid nếu phải dùng một trong các loại thuốc kể trên. Đó là rau mầm, phối hợp từ càng nhiều loại đậu càng tốt.
Theo BS Lương Lễ Hoàng - Người lao động -NT