Được mùa, người trồng mía chưa vui

24/12/2012 19:14

(Baonghean) - So với nhiều năm trước, vụ ép mía 2012 - 2013 được đánh giá đạt diện tích mía đứng cao, năng suất và chất lượng mía khá. Tuy nhiên, giá thu mua mía giảm, dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao...

Thời điểm này, ở vùng nguyên liệu mía Bình Sơn của huyện Anh Sơn, nhiều vùng đã được thu hoạch xong. Anh Nguyễn Đức Hòa - xóm 11 Bình Sơn, hiện có trên 1 ha mía nguyên liệu và cũng là một hộ trồng mía lớn của xã, cho hay: “Vụ này thuận lợi hơn năm ngoái vì mía không bị hạn và ngập lụt, rầy rệp không phá hoại. Mía phát triển nhanh, tốt, năng suất cao hơn năm ngoái khoảng 5 tấn/ha, ước tổng sản lượng đạt gần 100 tấn mía. Hiện nay, tôi đã thu hoạch gần 1/3 diện tích với trên 40 tấn sản lượng. Giá mía được nhà máy thu mua theo trữ đường, mía tốt giá 910 ngàn/tấn, tính sơ qua, gia đình tôi đã có thể thu lãi gần 70 triệu đồng”.

Bình Sơn là vùng nguyên liệu mía trọng điểm của huyện Anh Sơn. Theo ông Hồ Văn Thân - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn, bà con nơi đây biết tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ sinh học để phục vụ trồng mía. Năm qua, xã đã hoàn tất công tác chuyển đổi quỹ đất vệ sang trồng mía. Nhiều hộ còn thuê máy múc hết cây keo tràm trên đồi, phá cây sắn, khai hoang vùng triềng khe để chuyển sang trồng mía bán cho Nhà máy đường Sông Lam. Nhờ đó, vụ mía này, diện tích mía của xã đạt cao nhất từ trước tới nay 347 ha, tăng 15 ha so với năm ngoái.



Thu hoạch mía ở vùng nguyên liệu Bình Sơn (Anh Sơn)

Đến thời điểm này, Nhà máy đường Sông Lam đã vào vụ ép hơn 1 tháng. Ông Hà Huy Dũng - Phó phòng Nông vụ Nhà máy đường Sông Lam, cho hay: So với mọi năm, niên vụ ép này, nhà máy triển khai mua mía sớm hơn kế hoạch 4 ngày. Đây cũng là năm đầu tiên nhà máy chuyển từ cơ chế thu mua xô, đại trà tại ruộng sang mua theo trữ đường tại nhà máy. Những vùng mía được thu mua sớm đa số là những vùng mía phá gốc trồng lại, hoặc đốn lấy giống, mía đảm bảo chất lượng trữ đường như vùng Thành - Bình - Thọ, Bãi Phủ, Hoa Sơn, Xí nghiệp Chè tháng 10, vùng Thạch Ngàn, Chi Khê, Châu Khê (Con Cuông). Niên vụ này, diện tích mía toàn vùng tăng 200 ha so với năm ngoái, sản lượng ước đạt 90 ngàn tấn/80 ngàn tấn KH. Để nâng cao hiệu quả vụ ép, nhà máy tập trung đầu tư kinh phí gần 30 tỷ đồng để hoàn thiện dây chuyền thiết bị máy ép, nồi nấu đường, lò hơi, tuabin, đẩy công suất ép mía từ 6.000 tấn lên 8.000 tấn/ngày.

Tại vùng nguyên liệu mía đường Sông Con - Tân Kỳ, không khí thu hoạch phục vụ cho vụ ép cũng hết sức khẩn trương. Thời điểm này, trên 600 /6000 ha mía nguyên liệu tại các vùng mía Tân Xuân, Giai Xuân, Nghĩa Đồng, Đồng Văn, Tân Hợp đã được nhà máy thu mua. Sản lượng mía đã thu mua ước đạt trên 4000 tấn. Ông Nguyễn Sỹ Công - Trưởng phòng Nông vụ Nhà máy đường Sông Con cho biết: So với niên vụ trước thì vụ ép này diện tích mía nguyên liệu của nhà máy tăng 13%, sản lượng mía đạt khoảng 350 ngàn tấn, tăng 5-10%. Để đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, tiêu thụ mía hết cho dân, công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất mới, nâng công suất ép lên 3 ngàn tấn/ngày, đầu tư gần 1 tỷ đồng sửa chữa đường nguyên liệu thuận tiện cho việc thu hoạch mía. Bên cạnh đó, công ty ưu tiên mua mía có độ đường cao với giá 910 ngàn đồng/tấn tại ruộng.

Diện tích mía tăng, sản lượng lớn nhưng giá mía thấp là khó khăn lớn nhất của người trồng mía năm nay. Theo phân tích của anh Nguyễn Đức Hòa, xóm 11 Bình Sơn (Anh Sơn) thì, mặt bằng giá mía năm nay thấp hơn mọi năm (niên vụ 2011-2012 giá mía bình quân đạt 950 ngàn đồng/tấn). Năm nay, mức giá 910 ngàn/tấn lại chỉ dành riêng cho mía tốt, chín sớm, có độ đường cao, diện tích mía còn lại để càng về khung thu hoạch cuối (tháng 3 DL trở đi) thì độ xốp trong mía lớn, mía già hoa, mọc nhánh nên độ đường giảm, giá sẽ thấp thua. Trong khi đó, đầu tư cho 1 ha mía mất 1 tấn NPK, 2 tạ đạm, phân chuồng, phân vi sinh và giống gần 5 triệu đồng/ha, cao gấp 1,3 lần so với trước.

Trao đổi về những khó khăn trên, ông Hà Huy Dũng - Phó phòng Nông vụ Công ty Mía đường Sông Lam bộc bạch: Năm nay giá đường kinh doanh trên thị trường giảm từ 10-15% so với mọi năm, cụ thể giá giảm từ 17-18 ngàn đồng/kg nay còn 14,5 ngàn đồng/kg. Đây là một khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Từ thời điểm bước vào sản xuất vụ ép (17/11) đến nay, để giảm khó khăn cho bà con, nhà máy đã có cơ chế hỗ trợ chặt mía theo độ đường đầu vụ cho các hộ thu hoạch mía trước 30/12, đầu tư cho dân vay với cơ chế không tính lãi suất và chỉ tính bằng 90% lãi suất ngân hàng đối với các hộ vay tiền cày, giống để thâm canh. Đặc biệt, theo báo cáo từ phòng Nông vụ Nhà máy mía đường Sông Con, các vùng mía bị chồi cỏ trên 20% phải phá bỏ trồng lại, nhà máy hỗ trợ mỗi hộ 2 tấn phân 515/ha và 5 tạ vôi, hỗ trợ trồng mía liền khoảnh từ 10 ha trở lên với mức 4 triệu đồng/ha.

Để giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng mía, bên cạnh đưa các giống mía mới vào sản xuất, đầu tư cho vay thâm canh mía theo chiều sâu thì các nhà máy cần xây dựng lịch trình phối hợp cụ thể với các đơn vị, xã, với tận từng xóm, từng hộ dân để có kế hoạch thu mua hợp lý. Đặc biệt, quan tâm đầu tư tu sửa đường giao thông nguyên liệu, tạo thuận lợi cho việc sản xuất, vận chuyển mía trong thời gian tới.


Lương Mai

Mới nhất

x
Được mùa, người trồng mía chưa vui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO