Được mùa sứa biển
(Baonghean) - Hiện các xã vùng bãi ngang của huyện Diễn Châu như Diễn Kim, Diễn Hải, Diễn Hùng, bà con ngư dân đang bắt đầu bước vào vụ khai thác sứa biển. Hàng ngày, có gần 200 bè mảng với hàng trăm ngư dân bám biển đánh bắt loại hải sản này. Hiện ở Diễn Châu, các công đoạn đánh bắt, thu mua, chế biến sứa biển đang dần trở thành nghề "hái ra tiền" của rất nhiều người dân ở vùng biển.
(Baonghean) - Hiện các xã vùng bãi ngang của huyện Diễn Châu như Diễn Kim, Diễn Hải, Diễn Hùng, bà con ngư dân đang bắt đầu bước vào vụ khai thác sứa biển. Hàng ngày, có gần 200 bè mảng với hàng trăm ngư dân bám biển đánh bắt loại hải sản này. Hiện ở Diễn Châu, các công đoạn đánh bắt, thu mua, chế biến sứa biển đang dần trở thành nghề "hái ra tiền" của rất nhiều người dân ở vùng biển.
Có mặt tại bãi biển Diễn Kim, chúng tôi được chứng kiến không khí tấp nập khẩn trương trong mùa khai thác sứa của bà con nơi đây. Gần 100 chiếc bè mảng liên tục ra khơi rồi cập bến, bè nào cũng nặng đầy sứa. Sau chỉ khoảng 4 tiếng ra biển, đánh bắt cách bờ khoảng từ 3 - 4 hải lý, ngư dân Đinh Lưu, xóm Tiền Tiến xã Diễn Kim đã cập bờ với 1,5 tấn sứa. Gia đình anh cùng công nhân của cơ sở chế biến nhanh chóng bốc sứa lên xe nhập cho xưởng chế biến ngay tại bờ biển. Năm ngoái chỉ trong vòng 3 tháng khai thác sứa, anh Lưu thu hơn 100 triệu đồng, còn năm nay, tuy mới bước vào mùa nhưng sứa dày hơn nên hy vọng cho thu nhập cao hơn. Anh Lưu cho biết: Mỗi ngày, ngư dân ở đây đánh được hơn 100 tấn, với giá bình quân 1 triệu đồng/tấn. Còn ngư dân Vũ Văn Thông, xóm Yên Thịnh (Diễn Kim) chia sẻ: “Nghề khai thác sứa năm nay hiệu quả tương đối cao. Do điều kiện sức khỏe, tôi đi ít hơn mọi người nhưng từ đầu mùa đến nay cũng thu được vài chục triệu…”.
Bà con ngư dân Diễn Kim dùng xe cải tiến vận chuyển sứa. |
Mùa sứa ở vùng biển Diễn Châu bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm. Sản lượng nhiều, dễ tiêu thụ nên bà con tích cực đánh bắt. Khoảng 5 năm trở về trước, sứa biển được bà con ngư dân địa phương khai thác về rất nhiều và bán rẻ cho các tư thương nước ngoài, trong khi nếu qua chế biến, sứa được bán ra thị trường có giá cao gấp hàng chục lần bán “thô”. Sau khi tìm hiểu thị trường, học hỏi kỹ thuật chế biến, một số bà con vùng biển đã mở cơ sở thu mua, chế biến sứa. Hiện nay, huyện Diễn Châu có 3 xưởng chế biến sứa tại bờ, thu mua ngay tại chỗ cho bà con với giá 1.000 đồng/kg.
Với công suất hoạt động 300 tấn mỗi ngày, nên toàn bộ sứa bà con khai thác về đều được các cơ sở này thu mua hết. Bên cạnh đó, chủ các cơ sở chế biến còn đầu tư vốn hỗ trợ bà con đóng bè, mảng đánh bắt và thu mua sứa. Những ngày này các cơ sở chế biến sứa hoạt động hết công suất. Tại cơ sở chế biến sứa sạch Khánh Vinh, xã Diễn Kim, 100 công nhân được chia làm 2 ca làm việc cả ngày và đêm. Mỗi ngày xưởng thu mua tới 200 tấn sứa để chế biến. Chị Bùi Thị Vinh, chủ cơ sở chế biến cho biết: “20 ngày qua, chúng tôi đã thu mua được 2.000 tấn, bằng mấy tháng của năm ngoái. Khi có hàng, cơ sở tạo mọi điều kiện thu mua hết cho ngư dân”.
Sứa là món ăn bổ dưỡng, rất mát vào mùa hè, giá cả hợp lý nên nhu cầu thị trường rất cao. Những năm qua, sản phẩm sứa Diễn Châu đã có mặt khắp thị trường trong nước và một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc… Hiện nay cùng với việc khuyến khích ngư dân tranh thủ thời tiết để khai thác sứa biển, chính quyền các địa phương ven biển cũng khuyến cáo ngư dân và các cơ sở chế biến giữ gìn vệ sinh môi trường trong thu hoạch, chế biến sứa. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Diễn Kim cho biết: Ở Diễn Kim, nghề khai thác và chế biến sứa trong những năm qua phát triển mạnh, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con cũng như kinh tế của địa phương. Chúng tôi quán triệt các cơ sở chế biến phải đảm bảo vệ sinh môi trường, chấp hành an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Mai Giang (Đài Diễn Châu)