Được và mất khi bạn “chuyển mạng, vẫn giữ số”
Chuyển mạng, giữ nguyên số di động sẽ bảo đảm quyền tự do lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ của khách hàng. Tuy nhiên, cũng không phải cứ thích là có thể chuyển mạng…
Bộ Thông tin và Truyền thông đã bắt đầu trưng cầu ý kiến rộng rãi về đề án “Chuyển mạng giữ số di động”. Theo dự kiến, năm 2014, chính sách này sẽ được áp dụng tại Việt Nam.
Chuyển mạng, giữ nguyên số là gì?
Dịch vụ giữ nguyên số - Number Portability là dịch vụ cho phép thuê bao điện thoại thay đổi vị trí địa lý, nhà cung cấp dịch vụ hoặc loại dịch vụ sử dụng mà vẫn giữ nguyên số điện thoại của mình.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên thế giới có khoảng 70 quốc gia đã cung cấp dịch vụ chuyển mạng cho khách hàng. Tùy theo đặc điểm thị trường viễn thông mà các quốc gia đã lựa chọn cung cấp dịch vụ chuyển mạng cho riêng thuê bao di động hoặc cung cấp dịch vụ chuyển mạng cho cả thuê bao di động và cố định.
Các quốc gia đã cung cấp dịch vụ chuyển mạng đều cung cấp dịch vụ cho thuê bao di động. Trong đó, có một số quốc gia (khoảng 20 quốc gia) cung cấp dịch vụ chuyển mạng cho các thuê bao cố định như: Mỹ, Đức, Mexico, Hong Kong, Nhật Bản, Hà Quốc, Đan Mạch, Hy Lạp, Na Uy, Tây Ban Nha, Anh, Úc, Thụy Điển,… Hầu hết các quốc gia này đều là các nước có thị trường viễn thông cố định phát triển rất sớm.
Xu hướng tất yếu
Chuyển mạng giữ số được nhận định là một xu thế tất yếu, được triển khai với tốc độ ngày một nhanh, mạnh ở hầu khắp các khu vực trên thế giới: khu vực Châu Âu đã hoàn tất, các nước phát triển ở Châu Mỹ đã triển khai và trong thời gian tới đây là giai đoạn mở rộng ở các nước châu Á.
Tại Việt Nam, thị trường viễn thông hiện nay tập trung chủ yếu vào viễn thông di động với hơn 90% số thuê bao. Tỷ lệ này đang có xu thế tiếp tục tăng lên do những ưu điểm của dịch vụ di động. Chính vì vậy, việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao được nhận định nên áp dụng với thị trường viễn thông di động trước. Sau một vài năm triển khai sẽ tiếp tục đánh giá khả năng triển khai đối với dịch vụ viễn thông cố định.
Với các điều kiện hiện tại của thị trường viễn thông di động Việt, việc bắt tay vào triển khai ngay dịch vụ chuyển mạng để đáp ứng các lợi ích đặt ra là một nhu cầu cấp thiết cần được quan tâm và thực hiện sớm nhất có thể.
Ngoài ra, việc triển khai cung cấp dịch vụ chuyển mạng cho thuê bao cũng là khuyến nghị và yêu cầu của một số tổ chức, hiệp hội viễn thông quốc tế mà Việt Nam là một nước thành viên. Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tham gia đàm phán chương Viễn thông thuộc Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình dương (TPP). Dự thảo của Hiệp định này yêu cầu Việt Nam triển khai dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao trong vòng 5 năm tới. Ngay sau đó cần xem xét triển khai dịch vụ chuyển mạng đối với thuê bao cố định.
Đề án đa lợi ích
Xét dưới khía cạnh người sử dụng dịch vụ, với nhiều lợi ích mang lại, đặc biệt là việc bảo đảm quyền tự do lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, việc triển khai dịch vụ chuyển mạng trong mọi trường hợp đều có thể coi là thành công và là mục tiêu chính để các quốc gia thực hiện triển khai cung cấp dịch vụ chuyển mạng.
Thêm vào đó, dịch vụ chuyển mạng còn đưa đến những ảnh hưởng tích cực đối với thị trường viễn thông di động, đặc biệt là thúc đẩy cạnh tranh khi thị trường đi vào bão hòa. Triển khai dịch vụ chuyển mạng sẽ góp phần thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng và các doanh nghiệp di động.
Theo nghiên cứu và đánh giá của Cục Viễn thông, thị trường Viễn thông di động Việt Nam hiện tại đã hội tụ tương đối đầy đủ các yếu tố cần thiết để bắt đầu triển khai cung cấp dịch vụ chuyển mạng.
Việc chuẩn bị để sẵn sàng triển khai cung cấp dịch vụ chuyển mạng thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp viễn thông liên quan. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành giai đoạn triển khai chuẩn bị cung cấp dịch vụ chính thức cho khách hàng.
Tuy nhiên, không phải thuê bao cứ muốn chuyển mạng là chuyển ngay được. Kinh nghiệm của các quốc gia đã áp dụng chuyển mạng giữ số cho thấy, mỗi thuê bao khi chuyển sang mạng mới phải ở mạng đó ít nhất trong ba tháng mới có thể tiếp tục chuyển sang mạng khác nếu có nhu cầu.
Sẽ phải có chính sách để các thuê bao không thể liên tục chuyển từ mạng này sang mạng khác được. Sẽ có hai chính sách, được áp dụng đối với thuê bao có nhu cầu chuyển mạng. Thứ nhất là tiền, muốn chuyển mạng thuê bao sẽ phải nộp một mức phí nhất định. Ban đầu, có thể mức phí này sẽ cao, sau đó mới được điều chỉnh thấp dần.
Và như vậy, rất có thể, việc đổi mạng di động còn khó hơn việc người dùng thích mạng nào là mua sim của mạng đó sử dụng như trên thị trường Việt hiện nay.
Theo(Vnmedia)-T.N