Đường bay Vinh–Viêng Chăn: Cần chiến lược bền vững

04/09/2014 11:01

(Baonghean) - Là đường bay quốc tế, kết nối Thành phố Vinh cũng như miền Trung Việt Nam với nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan, đường bay Vinh - Viêng Chăn được kỳ vọng sẽ tạo nên động lực thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, phát triển du lịch giữa các tỉnh của Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan với các tỉnh Bắc Trung bộ Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để mở thêm các đường bay đến các quốc gia khác trong khu vực, tạo thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư, xúc tiến du lịch. Tuy nhiên, để khai thác đường bay một cách bền vững, cần có một chiến lược dài hơi…

Vượt lên những khó khăn

Ngày 12/1/2014, đường bay quốc tế Vinh – Viêng Chăn chính thức khai trương với tần suất 4 chuyến/ tuần, hoạt động vào các ngày thứ 2, 4, 6 và Chủ nhật. Đây không chỉ là sự kiện đánh dấu tên tuổi của sân bay Vinh trên bản đồ đường bay quốc tế mà còn mở ra cho Nghệ An những cơ hội phát triển và thông thương kinh tế, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị với đất nước Lào và vùng Đông bắc Thái Lan. Việc khai thác hiệu quả đường bay Vinh - Viêng Chăn là tiền đề quan trọng để sớm điều chỉnh Cảng Hàng không quốc tế và mở thêm các đường bay khác trong tương lai gần.

Mặc dù được sự quan tâm, hỗ trợ của UBND tỉnh và các cấp ngành liên quan trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý để mở đường bay; chuẩn bị cơ sở hạ tầng tại sân bay Vinh cũng như các bộ phận như an ninh, hải quan, công an cửa khẩu để phục vụ cho 1 chuyến bay quốc tế; phối hợp thông tin, truyền thông, quảng bá rộng rãi về đường bay tới nhân dân, các cơ quan đoàn thể trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung bộ; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; thành lập CLB du lịch hàng không với những tour, tuyến hấp dẫn mang tính cạnh tranh cao nhằm tuyên truyền, quảng bá, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đường bay đi vào hoạt động có hiệu quả…

Nhưng, sau 8 tháng đi vào hoạt động, đường bay quốc tế Vinh – Viêng Chăn vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Đến tháng 6/2014, Vietnam Airline đã hủy 27 chuyến Vinh - Lào. Đáng chú ý trong những tháng cao điểm của mùa du lịch nhưng số chuyến bị hủy vẫn ở mức cao. Tháng 3/2014, Vietnam Airline thực hiện 13 chuyến bay, với tổng số 346 khách/872 ghế cung ứng, đạt 40%, hủy 6 chuyến. Tháng 4/2014, hủy 5 chuyến, bình quân đạt gần 41 khách/lượt bay. Đến tháng 5, Vietnam Airline chỉ thực hiện 8 chuyến bay, hủy 9 chuyến, bình quân đạt 22 khách/lượt. Trong tháng 6, có 7 chuyến phải hủy vì không có khách hoặc lượng khách mua vé quá ít.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng như Sở Giao thông Vận tải, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Thông tin Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cục Hải quan, Công an tỉnh, Chi nhánh Tổng công ty Hàng không Việt Nam tại Vinh, các Hội Doanh nghiệp… tiếp tục phối hợp hỗ trợ phát triển đường bay quốc tế Vinh - Viêng Chăn. Ngày 3/7/2014, dưới sự chủ trì của đồng chí Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các đơn vị liên quan đã có cuộc họp, bàn cách tháo gỡ khó khăn và tìm hướng phát triển bền vững cho đường bay Vinh – Viêng Chăn.

Tại đây, lãnh đạo các công ty du lịch, Hội Hữu nghị Việt – Lào và một số đơn vị liên quan đã phản ánh những thực trạng chưa được “đẹp mắt” ở sân bay Vinh như cán bộ hải quan sân bay quá cứng nhắc, chưa thân thiện với khách bay chuyến quốc tế, an ninh sân bay quá lạm dụng thổi còi gây nên những âm thanh khó chịu, tình trạng xe ô tô chạy bừa bãi trong khu vực tiền sảnh, các vấn đề về giá vé… Ngay sau đó, UBND tỉnh cũng kiện toàn lại Tổ chỉ đạo Hỗ trợ đường bay Quốc tế Vinh - Viêng Chăn, giao cho đồng chí Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải làm tổ trưởng cùng lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan tham gia với mục đích tăng cường tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ đường bay Vinh – Viêng Chăn. Tổ chỉ đạo đã tăng cường tuyên truyền về đường bay đến các huyện, thành, thị, các cơ quan đơn vị trong tỉnh đồng thời nhanh chóng làm việc với Cảng hàng không Vinh, bộ phận hải quan sân bay, an ninh sân bay đề nghị nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường cải cách hành chính và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hành khách trong quá trình xuất – nhập cảnh.

Sân bay Vinh. Ảnh: S.M
Sân bay Vinh. Ảnh: S.M

Với sự vào cuộc một cách đồng bộ và quyết liệt, từ cuối tháng 7, đầu tháng 8 đến nay, đường bay Vinh – Viêng Chăn đã bước đầu có một số khởi sắc nhất định. Trong tháng 7, có 628 lượt hành khách đi và về trên chuyến bay Vinh – Viêng Chăn. Trong tháng 8, có 412 lượt bay chiều Vinh – Viêng Chăn và có khoảng lượng khách tương đương sử dụng chiều ngược lại. Tổng số hành khách từ khi khai trương chuyến bay đến trung tuần tháng 8 đạt 5.664 lượt cả chiều đi và chiều về. Hành khách đi và về trên đường bay Vinh – Viêng Chăn cũng không còn phàn nàn nhiều về thái độ phục vụ hay sự cứng nhắc của nhân viên hải quan hay an ninh sân bay. Trên hệ thống của Vietnam Airline cũng đã ghi nhận gần 100 khách hàng đặt vé trước của hai tháng 9, 10. Theo dự kiến của Vietnam Airline chi nhánh Vinh, trong những tháng cuối năm, sẽ có gần 3.200 lượt hành khách sử dụng đường bay Vinh – Viêng Chăn, trong có hơn 1.500 hành khách đi chiều Vinh – Viêng Chăn. Hiệu suất sử dụng ghế cũng sẽ từng bước được tăng lên, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, khi lượng hành khách qua lại giữa hai nước và đặc biệt là lượng Việt kiều về quê đón Tết tăng lên…

Cần giải pháp bền vững

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, những khởi sắc của đường bay Vinh – Viêng Chăn trong thời gian qua mới chỉ là bước khởi đầu và chưa thực sự bền vững. Hành khách sử dụng đường bay chưa được mở rộng sang các đối tượng khác như khách du lịch, thăm thân, du học sinh, các thương nhân người Việt, người Lào mà đang còn bó hẹp trong các đoàn khách do Tổ chỉ đạo Hỗ trợ đường bay hỗ trợ khai thác. Lượng khách đơn lẻ, khách ngoại tỉnh chưa nhiều.

Nói về nguyên nhân khó khăn của đường bay Vinh – Viêng Chăn, bà Trần Thị Khánh Ngọc - Trưởng bộ phận thị trường chi nhánh hàng không Việt Nam tại Vinh cho rằng, công tác quảng bá vẫn chưa thực sự hiệu quả. Hiện nay người dân các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Hà Tĩnh chưa biết nhiều đến đường bay này. Đặc biệt, đối với người dân ở Lào và Việt kiều vùng Đông Bắc Thái Lan, thông tin về đường bay cũng như các tour, tuyến du lịch ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế vì vậy chưa thu hút được nhiều khách từ chiều Lào về Việt Nam.

Bên cạnh đó, các công ty lữ hành, du lịch cũng chưa xây dựng được các tour hấp dẫn, mang tính kết nối liên hoàn giữa Thái Lan – Lào – Vinh và các điểm tham quan hấp dẫn ở miền Trung như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng,… Trong tháng 9 tới, Vietnam Airline sẽ tiếp tục các chương trình hỗ trợ đường bay như các chương trình khuyến mại giá vé, điều chỉnh giờ bay từ 7h05 lên 11h trưa và sử dụng máy bay từ Đà Nẵng – Vinh để bay chặng Vinh – Viêng Chăn (lâu nay vẫn dùng máy bay chặng Hà Nội - Vinh). Vietnam Airline hi vọng, việc chuyển giờ bay cũng sẽ tạo điều kiện để thu hút hành khách tuyến TP. Hồ Chí Minh – Vinh đi Viêng Chăn và tạo được vòng kết nối TP. Hồ Chí Minh – Vinh – Viêng Chăn; Đà Nẵng – Vinh – Viêng Chăn,…

Ông Vi Tố Định - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Lào tỉnh Nghệ An cho biết, đánh giá chung của các hội viên cũng như du khách người Lào và người Việt là mức giá vé của Vietnam Airline còn hơi cao so với chi phí đi ô tô. Bên cạnh đó, đơn vị cung cấp dịch vụ cũng chưa có thật nhiều các hình thức quảng bá một cách rộng rãi ở Lào.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh cho biết, trong thời gian qua, Sở đã phối hợp với các cơ quan ban ngành tăng cường các biện pháp để quảng bá, tuyên truyền về đường bay. Hiện nay, hai tấm băng rôn quảng cáo về đường bay có kích thước lớn ở sân gold và chợ Sáng của Lào đã hoàn thành. Sở cũng đề nghị các đơn vị lữ hành nhanh chóng xây dựng các tour du lịch để khai thác đường bay, đặc biệt là thu hút thêm khách du lịch của 3 nước Việt, Lào và Thái sử dụng đường bay. Mặc dù vậy, hiệu quả của các chương trình xúc tiến vẫn chưa thật rõ nét.

Anh Vũ Văn Đức - nhân viên Công ty Du lịch Vietravel – Chi nhánh tại Vinh (một trong 4 thành viên của CLB du lịch hàng không) cho biết: 6 tháng đầu năm 2014, công ty tổ chức được 7 đoàn, mỗi đoàn 15 - 20 khách nhưng chỉ có 3 đoàn bằng đường bay, còn lại đi đường bộ. Xu hướng khách vẫn đi đường bộ nhiều hơn chủ yếu bởi giá vé máy bay hiện nay khá cao so với giá đi bằng đường bộ. Ví dụ cùng một tour 3 ngày nếu đi bằng đường bộ chỉ mất khoảng 4,5 triệu đồng và mất thêm thời gian đi 1 ngày nhưng đi bằng đường hàng không thì mất khoảng 5,7 triệu đồng…

Trước khi khai trương đường bay Vinh – Viêng Chăn, Vietnam Airline cũng như Sở GTVT và các đơn vị liên quan đã tổ chức khảo sát kỹ về nhu cầu qua lại giữa Nghệ An – Lào – Thái Lan. Tiềm năng của đường bay là rất lớn, không chỉ đơn thuần phục vụ khách du lịch bởi mỗi ngày, có hàng ngàn người qua lại giữa hai nước bằng đường bộ qua Cửa khẩu Nậm Cắn và Cầu Treo. Trong thời gian tới, khi Việt Nam và Thái Lan ký kết thỏa thuận hợp tác lao động sẽ có thêm một lượng rất lớn người dân khu vực miền Trung qua Lào rồi sang Thái Lan để làm việc. Đặc biệt, năm 2015, khi các hàng rào thuế quan trong khối ASEAN được cơ bản xóa bỏ thì chắc chắn lượng hàng hóa từ Thái qua Lào sẽ đổ về Việt Nam, kéo theo đó là các doanh nghiệp, thương nhân với nhu cầu sử dụng đường bay Vinh – Viêng Chăn ngày càng tăng lên.

Tiềm năng là vậy nhưng nếu như Vietnam Airline cũng như các đơn vị liên quan không có các chương trình dài hơi, bền vững, không từng bước tạo được thói quen đi máy bay từ Vinh sang Lào thì chắc chắn đường bay quốc tế sẽ khó thành công. Để làm được việc này, ngoài nỗ lực của tỉnh, của Tổ hỗ trợ đường bay và các ngành liên quan thì trách nhiệm chính thuộc về ngành hàng không. Nhiều người cho rằng, lâu nay Vietnam Airline vẫn chưa thực sự vào cuộc và còn ỷ lại quá nhiều cho tỉnh Nghệ An trong việc tăng cường quảng bá đường bay ở Lào và Thái Lan cũng như tìm các biện pháp dài hơi để kích cầu, phát triển đường bay một cách bền vững. Vì vậy, bên cạnh việc phối hợp với các ngành chức năng để phân luồng, phân loại các đối tượng khách để có chiến lược tuyên truyền, quảng bá lâu dài, thường xuyên, dài hơi hơn, Vietnam Ailiner cũng nên có sự phân loại để đưa ra những mức giá ưu đãi phù hợp với từng loại đối tượng ví dụ khách lẻ, khách đi theo đoàn, khách là HSSV… tạo cho khách có thói quen đi lại bằng đường hàng không thì mới đảm bảo việc khai thác đường bay đi vào ổn định và phát huy hiệu quả.

Nguyên Khoa - Gia Huy

Mới nhất
x
Đường bay Vinh–Viêng Chăn: Cần chiến lược bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO