Đường đến trường vẫn gian nan
(Baonghean.vn) -Khai trường cũng là lúc mùa mưa bão gõ cửa, việc đến lớp của học sinh vùng cao vẫn bộn bề khó khăn bởi đường sá xa xôi, cách trở sông suối. Khi có mưa lũ, làng bản bị cô lập, người lớn không ra khỏi làng, trẻ em cũng phải nghỉ học.
Kết bè nứa đưa trẻ đến lớp
Bản Hồng Thắng, Hồng Điện (xã Đôn Phục, huyện Con Cuông, Nghệ An) nằm trên đường từ thị trấn Con Cuông đi xã Bình Chuẩn, qua nhiều năm thi công nhưng chưa hoàn thiện, bởi vậy khi xuống chợ huyện, ngoài tiền mua sắm nhu yếu phẩm cần thiết, bà con phải chuẩn bị thêm một khoản nữa đề phòng bất trắc thường xuyên xảy ra, đó là xe máy hỏng hóc dọc đường. Hai bản xa nhất của xã Đôn Phục cách trường THCS xã 5km lại phải lội qua 2 con suối lớn. Ngày nắng ráo, học sinh phải dậy từ 5 giờ sáng cuốc bộ đến lớp. Vào ngày mưa, chỉ còn cách ngồi nhà trông ra màn mưa trắng xóa, mong sao trời chóng tạnh, nước rút để có thể tiếp tục đến lớp.
Hoàng Thị My La, học sinh lớp 7 ở bản Hồng Thắng, bày tỏ : Cháu chỉ mong sao sớm có chiếc cầu bắc qua khe Phèn (nguồn nước chính của cả xã) để cháu và bạn bè có thể đi học vào ngày mưa. Cô bé có học lực loại khá này tỏ ra rất tiếc những ngày không thể tới lớp.
Thông tin từ chính quyền xã Đôn Phục, vẫn chưa thể biết được thời điểm hoàn thành con đường, bởi do nhiều doanh nghiệp xây dựng khác nhau thi công. Như vậy, cũng chưa thể biết đến bao giờ trẻ em ở những bản vùng xa này mới có thể yên tâm đến lớp vào mùa mưa bão.
Theo ông Lang Vi Đức, Chủ tịch UBND xã Đôn Phục: Tại những bản xa này bà con rất chú trọng việc học của con cái. Vào những ngày nước lớn, nhiều người đã tranh thủ đưa con em vượt dòng nước xiết đến lớp. Vào những năm học trước có thời điểm bản bị cô lập lâu ngày, phụ huynh phải dùng đến bè nứa để đưa con em vượt suối.
Ông Ngân Văn Tư (bản Hồng Điện) có con gái đang học lớp 6, cho biết: “Khi nước lớn, dù có đang ở trên rãy tui vẫn phải về để dắt con vượt suối vì không yên tâm để nó đi một mình.”
Đầu năm học lại dựng lán
Cứ vào đầu năm học mới, những phụ huynh học sinh ở bản Tạt, bản Xốp Cốc (xã Yên Thắng, Tương Dương) lại tập trung đến trường THCS xã làm lán ở cho con cái.Học sinh ở 2 bản xa nhất xã này không còn cách nào khác là phải tá túc học tập trong những chiếc lán tạm được dựng sơ sài bằng tre nứa. Bữa cơm cũng chỉ có rau rừng, cá khô, thi thoảng lắm mới được một bữa thịt mỡ. Nhưng trong suy nghĩ của những em nhỏ ở trường THCS Yên Thắng, dù có khó khăn đến đâu cũng phải vượt lên để học tập thật tốt. Em Vi Thị Nhàn - học sinh lớp 8, trú bản Xốp Cốc, cho biết: “Cháu chưa biết về sau sẽ chọn nghề chi, nhưng nhất định sẽ không bỏ học giữa chừng. Cháu sẽ còn học lên câp 3 và cao hơn nữa.”
Nhà bán trú của học sinh trường THCS Bán trú Na Ngoi (Kỳ Sơn).
Năm học mới đã bắt đầu, tuy nhiên học sinh bán trú ở Trường THCS Bán trú xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) đang phải sửa lại lán cũ để ở, để học. Tại bản Ca Dưới (xã Na Ngoi) có gần 40 lán tạm của hơn 200 học sinh, phần lớn là người Mông cách xa trường hàng chục cây số.
Do điều kiện nơi ăn ở, học tập tạm bợ nên tình trạng bỏ học ở học sinh vùng cao luôn có tỷ lệ cao. Khó khăn về đường sá đi lại, học sinh bán trú vẫn đang phải ở trong nhưng chiếc lán sơ sài, tạm bợ. Đây cũng là khó khăn chung của hầu hết các huyện vùng cao, vùng biên giới và là một nguyên nhân chủ yếu khiến học sinh bỏ học nhiều. Cũng chính vì vây, khi năm học mới sắp bắt đầu, các thầy cô giáo nơi đây lại phải đi đến từng thôn bản vận động học sinh đi học. Một giáo viên trường THCS xã Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn) gọi những đợt đi vận động hoc sinh đến lớp là “lên rãy”, vì muốn gặp được học sinh và phụ huynh, thầy cô giáo cũng trèo đèo, lội rừng vào đến tận chòi rãy của dân bản.
Hữu Vi