Đường Lê Hoàn: Miên man phố mưa

07/09/2014 08:21

(Baonghean) - Cơn mưa dài làm cho những con phố vắng bỗng trở nên âm thầm chịu đựng. Thành phố Vinh có bao nhiêu phố có “thân phận” từng phân khúc chia ba và đôi khi người phố qua lại mãi chẳng nhớ tên như phố Lê Hoàn? Dù đường ấy, phố ấy biết đâu dăm thập kỷ nữa, sẽ là con phố kiểu mẫu ít nhất về kiến trúc nhà dân hai bên mặt phố (?)…

Mấy năm về trước, đường Lê Hoàn còn ở độ dài ngót 2 cây số, uốn làm 3 khúc nối ngang đường Lê Hồng Phong chạy sang đường Nguyễn Sỹ Sách, chen giữa các khu công sở và dân cư quy hoạch xây dựng mới của phường mới Hưng Phúc (tách ra từ phường Hưng Bình và một phần nhỏ phường Hưng Dũng). Khi con đường chạy ngang trùng đoạn gấp khúc ngắn ở giữa hoàn thành, thì đường Lê Hoàn chính thức phân khúc thành 3 đường: Trần Huy Liệu, Dương Vân Nga (đoạn gấp khúc trùng con đường chạy ngang nói trên) và Lê Hoàn với chỉ còn lại ngót một cây số.

Đường Lê Hoàn
Đường Lê Hoàn

Tôi đồ chừng, mình mới có cái sự ham “chạy nhảy” chứ chưa được ở sự thực hiểu biết, để bốn mùa đi tìm hiểu và viết về những con đường trên Thành phố Vinh. Thế nên còn hạn hẹp những cảm nhận về hồn cốt của mỗi nhịp phố trên vùng đất đai trọng yếu được chú ý trấn giữ ngay từ các thời Đinh, Lý, Trần, Lê…; và 227 năm trước Hoàng đế Quang Trung cũng đã chọn xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô! Ấy chỉ để mà giả thiết, nơi ruộng thấp bãi cao thời kỳ tái thiết thành phố của địa bàn phường Hưng Phúc bây giờ, biết đâu mấy trăm năm trước đã có quần cư thôn mạc, sinh hoạt tâm linh nép vào vài miếu mạo đơn sơ nào đó? Hay có thể là quân doanh rậm rịch gươm đao luyện binh?

Tôi đi từ đầu đường dưới mưa ngó một suốt phố dài thẳng băng thảm nhựa như thanh gươm trận tuốt ra chờ đợi, dưới mặt vỏ kiếm xanh là khum khum tán dan díu sang nhau của hai hàng cây mặt phố. Gươm trận ở đây còn chiến tướng nơi nào? Và bất chợt, tôi ngước lên biển tên đường để rồi lan man nghĩ về một danh nhân còn nhiều tiểu tiết tồn nghi lịch sử. Sao tên phố không gắn biển là Lê Đại Hành như thụy hiệu quân vương người lập ra nhà Tiền Lê? Mà lại vẫn gọi Lê Hoàn - vị Thập đạo tướng quân lừng lẫy của vương triều nhà Đinh? Lịch sử, dã sử và cả văn chương đâu đó vẫn dành thiện cảm cho một vị Thập đạo tướng quân giỏi dẹp nội loạn, mà cứ mãi “xa cách” với vị Hoàng đế lập ra một triều đại từng phá Tống bình Chiêm, chấn hưng khai mở một thời kỳ phát triển mới cho đất nước. Có phần bất công cho ông và không phải với non sông, dân tộc chăng?

Nhưng rất có thể, cũng từng có bao người cứ lan man liên tưởng như tôi khi đi qua những con đường bốn mùa khép nếp tĩnh lặng nhịp phố phía sau những kín cổng cao tường san sát vi-la, biệt thự. Thành phố phát triển nhưng vẫn còn những lầm lũi mưu sinh, bốn phía phố phường còn nhiều những không gian “làng giữa phố”, thì sự kiến thiết nhà ở công dân bề thế, sang trọng nhường kia có làm nên cảm giác “xa cách” trong cảm nhận riêng - chung không? Nếu có như thế cũng là lẽ thường tình; hãy nghĩ thành phố chúng ta đã có một con phố đẹp ở kiến trúc mặt phố, mà có dẫu bề thế, sang trọng vẫn giữ được vẻ trầm tư cần thiết.

Đây quãng phố có ngôi Trường THCS Đặng Thai Mai, có tiếng tăm về chất lượng giáo dục đứng chân. Phía đối diện lại từng mọc lên những nhà hàng, quán nhậu mấy lần đổi chủ mà làm ăn đều chẳng thành, nay giữ lại vài hàng bình dân bán bún phở, cà phê mà từ khi quán “Ly ly” đổi tên thành “Eden” thì các hàng cà phê khác cũng đặt cho mình những cái tên lạ lẫm: Cà phê “Chim”, nhưng cái lồng chả thấy chim, chỉ nhốt mấy cái bóng đèn màu, Cà phê “Lin ke” vốn cải tạo từ cái vuông lễ tân của một nhà nghỉ, rồi hàng bia cũng đặt luôn một cái tên lạ “Bar Cu” mà chả hiểu dụng ý là gì…?

Đây cái góc phố nhờ đường Duy Tân trổ ngang qua uốn cái vỉa hè khiến cho cây phượng vĩ, cây ngô đồng góc phố ngả xoắn xuýt vào nhau như tình phu thê nồng đượm sau những khắc khoải cách xa. Dáng thế cây xanh khắc khoải ấy cho ta cứ ngoảnh đầu nhìn lại phía đầu phố nơi đường Dương Vân Nga, chạy ngang như đai của cái chuôi “thanh gươm Lê Hoàn”; để rồi lại miên man về chiếc áo bào Thái hậu Dương Vân Nga choàng lên bờ vai Thập đạo tướng quân Lê Hoàn tôn ông lên làm vua, và sau đó là dày những bình phẩm về sự tái giá của bà với vị tướng quân của chồng mình – Đinh Tiên Hoàng. Tôi tin vào những phẩm giá tốt đẹp nghìn đời con người đất Việt, để thầm phục thay cho cái hữu ý của các nhà đô thị đã đặt tên cho hai đường mãi gắn nối vào nhau ấy!

Mùa đông rét mướt năm trước, tôi và nhiều đồng nghiệp thường ấm cúng bên nhau trong cái quán lá đồ nướng dựng tạm ở một khu đất trống quãng giữa phố Lê Hoàn. Ôi là cái hứng khởi “đại đồng” chuyện nhân tình thế sự, quốc gia quốc tế… ở quán này. Ấy nhưng, vừa hôm trước mà hôm sau hẹn đến, lại phải lao xao hỏi số nào, quãng nào. Ấy là chúng tôi đã bỏ phí đi cái cảm nhận về một con phố có những mái cổng, bờ tường ốp đá, đắp vẽ kiểu cách mỹ thuật lan man dây leo, hoa cây cảnh; những cây sanh, cây sung, lộc vừng… uốn éo dáng cổ thụ trong những khuôn viên nhà vươn cành lá ra mặt phố tựa như chuyển cái khao khát của cô thiếu nữ thấp thoáng mỏng manh qua kính cửa trên tầng lầu đèn màu phô nội thất sang trọng kia… Và ngày mưa này, phố dài hàng cây như quên mùa chuyển sắc lá, vẫn suôn suốt thẫm xanh trầm tư của những xà cừ, phượng vĩ, ngô đồng, khiến cho lấp ló sắc đỏ lá của vài cây bàng nhỏ bé, những chùm lộc nõn muôn muốt vàng cam của xoài gợi cảm đến nao lòng.

Tôi rẽ chân vào cái quán phở Hà Nội cuối phố nổi tiếng món phở gàu bò, nhưng lại tham lam hít hà hương sả hàng bún Huế bên cạnh, rồi cứ lẩn thẩn nuối tiếc ngó làn khói mỏng vờn mưa bên hàng bún lá chả nướng. Chỉ nhõn ba cái quán ăn nhẹ mở suốt ngày ấy, mà làm cho cả đoạn cuối phố luôn nhộn lên, như là một nguyên cớ phồn thực cần thiết để con phố bớt trầm tư; và này là hàng gạo, hàng than, gạch bông, nhôm kính… Chị bán hàng áo nõn đằm thắm ngồi bên thúng gạo trắng như cô hàng tằm tơ ngồi bên nong kén, anh thợ cơ khí chuyện trò vui vẻ vung cái que hàn như mục đồng vung chiếc roi trâu… Sao thấy phố như đã được gần lại nhịp sầm uất, đời thường náo nhiệt của phía đường Nguyễn Sỹ Sách. Để rồi, người qua phố lại cứ lan man về một thời Đinh Bộ Lĩnh phất cờ lau trận giả, nuôi chí quân vương mà sau này chiêu nạp được một vị tướng tài – một vị hoàng đế khai triều; thể tất những tồn nghi lịch sử, dân gian và văn hiến cứ muốn lưu gọi cái tên cha mẹ đặt cho ông từ khi “nhân chi sơ…”: Lê Hoàn.

Bài, ảnh: Đình Sâm

Lê Hoàn là tên húy của vua Lê Đại Hành lập ra nhà Tiền Lê. Ông sinh ngày 10/8/941; quê hương của ông cho đến nay các nhà sử học vẫn chưa thống nhất là ở Ninh Bình, Thanh Hoá hay Hà Nam. Tuy nhiên thần tích Lê Hoàn tại lăng vua Lê, làng Ứng Liêm lại cho biết ông sinh ra ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình; ngày sinh là 29/1/942.

Năm lên 7 tuổi, Lê Hoàn mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải làm con nuôi quan án Châu Ái (Thanh Hoá). Lớn lên ông đi theo Nam Việt Vương Đinh Liễn và đã lập được nhiều chiến công. Sau khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập nên nhà Đinh, Lê Hoàn được giao chức Thập đạo tướng quân, Điện tiền đô chỉ huy sứ (tổng chỉ huy quân đội nước Đại Cồ Việt); trực tiếp chỉ huy đội quân cấm vệ của triều đình Hoa Lư. Lúc đó ông mới 27 tuổi.

Sau khi cha con Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị sát hại, nhà Tống lăm le xâm lược Đại Cồ Việt, Lê Hoàn được các triều thần tôn lên làm vua gọi là Lê Đại Hành… Từ đó sự nghiệp trị vì của ông hiển hách với các chiến công phá Tống bình Chiêm, chấn hưng đất nước thịnh trị với việc đề ra các chính sách khai sáng về kinh tế, ngoại giao, văn chương…

Lê Hoàn mất năm 1005. Tên húy của ông và thụy hiệu (Lê Đại Hành) được đặt tên đường ở một số đô thị trên cả nước.

Mới nhất
x
Đường Lê Hoàn: Miên man phố mưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO