Đường Lý Thường Kiệt: Sôi động phố mới
(Baonghean) - Khi Thành phố Vinh bắt đầu đẩy nhanh tốc độ kiến thiết, đường Lý Thường Kiệt được mở rộng, trở nên sôi động, sầm uất, khiến nhiều người lâu ngày trở lại ngỡ ngàng và…“lạc phố”!. Bởi, ví như quãng đầu đường phía Đông nơi giao nhau với đường Lê Lợi, thì từng chỉ là ý tưởng cất lên những khu cao ốc đô thị mới, hay đoạn cuối phía Tây vốn đã là khu dân cư đông đúc…
Cho đến cuối những năm 90 thế kỷ trước, một nửa đường Lý Thường Kiệt đoạn phía Đông ấy chỉ là vùng trũng lầy bỏ hoang lác đác đôi mảnh trồng rau muống và vài ao hồ rộng nuôi cá. Cữ này, đêm đêm ruộng ấy sáng ánh đèn của dân đi “soi” bằng kích điện; thỉnh thoảng người canh cá lại phải chui ra cái chòi nhỏ đập đập chiếc quạt nan và khúng khoắng ho đề phòng… Vùng trũng hoang ấy ban ngày có thể là thế giới thiên nhiên vô cùng hấp dẫn đối với lũ trẻ ở khu dân cư nghèo quanh đó, nhưng ban đêm lại là khoảng tối làm bí hiểm thêm cuộc sống có phần cách biệt phố xá với bao phức tạp của khu vực nhà trọ xập xệ phía sau lưng Bến xe Vinh cũ.
Đường Lý Thường Kiệt |
Cũng thời gian đó, các nhà quản lý đô thị đã có ý định chuyển Bến xe Vinh ra ngoại ô phía Bắc thành phố và sẽ quy hoạch lên ở đây các khu đô thị mới. Như thế, đường Chu Văn An (nối chợ Cửa Bắc trên đường Lê Lợi lên vị trí cũ của Bệnh viện Giao thông trên đường Trường Chinh) sẽ được mở rộng gánh nhiệm vụ huyết mạch trung tâm cho vùng phía Nam phường Lê Lợi. Và rất nhiều người phố từng không nghĩ, ở đây sẽ có một tuyến đường mới được mở, khiến cho dân cư và mặt phố nhanh chóng đổi dạng sôi động như bây giờ.
Thực tế, đường Lý Thường Kiệt đã làm sáng lên cả nghĩa đen và nghĩa bóng một “vùng lõm” phường Lê Lợi. Ngoài vãn hồi trật tự khu vực Bến xe Vinh một thời gian dài nhức nhối tệ nạn xã hội, thì cũng làm thay đổi hẳn nhịp sống những khu dân cư chủ yếu là công chức nghèo, công nhân lao động, xã viên nông nghiệp làm ruộng, xích lô, bốc vác… sống khép kín trong những “làng giữa phố”; có những lối xóm trước đó văn minh đô thị đối với họ hầu như chỉ là ở việc điện, nước sạch được kéo về bán tận hộ! Nhiều hộ chăn nuôi bò đến 4 - 5 con, rồi gà, lợn, chó và ô nhiễm môi trường do “ý thức xả rác”, thiếu đường thoát nước thải đến nỗi có chi bộ khối đã phải đưa thực trạng vào nghị quyết. Ngay cả khi đường Lý Thường Kiệt mới cấp phối dăm nện, ngày mùa rơm trải dày hai bên như một đường thôn nào đó…
Giữa những năm 2000, khi lác đác các con ngõ được mở thông ra đường mới, cũng là khi bắt đầu những “làn sóng” sốt đất, hai bên đường được quy hoạch chia lô đất ở, nhiều nhà “dân gốc” vườn rộng cắt bán dần, đời sống dân cư dần sôi động từ ảnh hưởng của lối sống “dân góp” khá giả và tốc độ xây dựng mặt đường ở những dự án lớn. Hàng nghìn khối đất được lấp ao hồ, ruộng lầy cho bệnh viện tư, khách sạn, công sở mọc lên. Và có lẽ, cao ốc nhà dân đầu tiên được xây dựng là ngôi nhà 5 tầng của một doanh nhân từ Ukraina về đoạn phía Đông đường. Ông chồng là một người bí ẩn, thoắt trong nước, ngoài nước, việc xây dựng do bà vợ ăn vận, nói năng “đặc quê” từ một huyện trung du xuống trông coi, lắm tiền nhưng bà vẫn thuê phòng trọ giá rẻ để ở, sinh hoạt cũng tằn tiện lắm. Ấy vậy mà bà dứt khoát vẫn là người sang, là người đầu tiên đem lại một điều gì đó mới mẻ trong mắt của cư dân gốc mặt Bắc đoạn phố phía Đông này. Đường Lý Thường Kiệt cũng ngay lập tức được chọn xây công sở mới cho “đầu não” phường Lê Lợi…
Khi sốt đất vào phân khúc đỉnh điểm, nhà ông Việt kiều Ukraina xây xong cho doanh nghiệp xe giường nằm cao cấp Văn Minh thuê mặt tiền làm nơi bán vé, sau này nhà xe Văn Minh thuê hẳn làm văn phòng, vợ chồng ông xuống Cửa Lò mở khách sạn rồi ở miết dưới đó. Cho đến giờ cư dân ở đây cũng chả ai biết mặt mũi ông ấy thế nào. Chuyện về nhà ông cũng nhạt dần khi các bệnh viện tư nhân như Minh Hồng, Thành An, khách sạn Đông Bắc đồ sộ mọc lên hai bên đường, cùng với đó là các cao ốc nhà dân khác kiến trúc hoành tráng với sôi động các dịch vụ đại lý phụ tùng ô tô, các đại lý hãng sơn và đồ gỗ nội thất cao cấp… Ăn thì lác đác hàng lẩu vịt, gà đồi được mở nhưng vắng khách, còn “chơi” thì chỉ có nhà karaoke Suối Mơ, được một thời gian thì đóng cửa, dù rằng bọn trẻ nhà bán đất cũng tiêu kha khá tiền vào đó. Sau này có nhà hàng “Quán ngon ba miền” mở bên mặt Bắc đối diện hông Bến xe Vinh, được coi là địa chỉ ẩm thực đáng kể cho đến giờ của đường Lý Thường Kiệt.
Cùng với nhà xe Văn Minh, một vài hãng vận tải hành khách tư nhân nhỏ khác cũng về đó mở điểm bán vé, tập kết chuyến, làm thành một cái bến xe phụ nho nhỏ kéo theo bao thứ dịch vụ khác ngay sau Bến xe Vinh, nhưng cái tấp nập có phần mất trật tự giao thông của nó, lại làm cho cư dân xung quanh có phần nhạt hào hứng với con đường mới. Khi thị trường đất đai bắt đầu đóng băng vài năm trước, hai bên đường Lý Thường Kiệt ngưng xây cất, phố nhuốm vẻ nhỡ nhàng. Nhưng thời điểm này, cùng với dự án trường mầm non tiêu chuẩn quốc tế đang đẩy tiến độ thi công, các lối ngõ rộng rãi được mở thông vào các khu đô thị mới, thì cái sôi động gạch vữa đã trở lại, nhiều nhà dân đã len ra mặt phố làm dịch vụ lớn nhỏ, có nhà xích lô nghèo kiết nhờ thế mà đổi đời, con cái nay đã cưỡi ô tô bát phố.
Nếu như đoạn phía Đông từng là kỳ vọng cho một quy chuẩn kiến trúc phố mới hiện đại, thì đoạn phía Tây đường khá vất vả trong giải phóng mặt bằng vì mở xuyên qua khu dân cư để cắt đường Trường Chinh nối vào đường Nguyễn Trường Tộ (Ngã ba Bãi Than cũ), tạo “cửa ngõ” cho một vùng rộng lớn Đông Vĩnh, Hưng Đông giao lưu vào trung tâm thành phố. Quãng này là một điển hình cho kiến trúc nhà dân mặt phố của Vinh bây giờ với vài ba ngôi nhà “siêu mỏng” được xây trên những thẻo đất kẹp giữa đường mới và các lối ngõ chạy xéo phía sau. Quãng này dần hình thành chuyên doanh hàng gạch lát, điện nước phục vụ xây dựng. Hàng bia hơi, ăn sáng cũng rộ lên, “sang” hơn có hàng thịt chó, bún cá, chả nướng quạt chen giữa hàng tạp hóa, rửa xe. Nhịp phố xá của đường Lý Thường Kiệt bấy giờ mới đủ nghĩa của nó.
Tôi từng có mấy năm ở bên phố ấy, thi thoảng về lại, cũng ngỡ ngàng với những đổi thay nhanh chóng ở đây. Bạn hữu một thời qua lại nay vào ra Nam, ra Bắc làm ăn, không có số điện thoại, về tìm ghé chơi nhà cũ đã loanh quanh mà “lạc phố”. Tương lai khi một phía Tây Bắc Đông Vĩnh, Hưng Đông đô thị hóa hơn nữa, giao lưu mạnh mẽ vào trung tâm, thì đường Lý Thường Kiệt sẽ là tuyến phố mới cuốn nhịp phố đi xóa hẳn ký ức “vùng lõm” một thời…
Bài, ảnh: Đình Sâm
Lý Thường Kiệt họ Ngô tên Tuấn, tự là Thường Kiệt, sinh năm Kỷ Mùi 1019, quê ở phủ Thái Hoà, thành Thăng Long (Hà Nội). Năm 23 tuổi ông được bổ nhiệm làm quan triều vua Lý Thái Tông, từ đó phục vụ qua 3 triều vua: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông. Năm 1061, các tù trưởng ở miền Thanh Hoá, Nghệ An nổi lên chống lại triều đình, Lý Thường Kiệt với trọng trách Kinh phòng sứ miền này, đã lập lại trật tự được vua ghi nhận ban Quốc tính, cho mang họ Lý. Năm 1075, khi nhà Tống đang chuẩn bị xâm lược Đại Việt, ông đã chỉ huy quân đội đánh sang đất Tống, hạ thành Ung Châu, phá tan các vị trí tập kết quân và lương thảo của giặc. Tháng 4/1076 , Lý Thường Kiệt rút quân về lập phòng tuyến sông Cầu. Tại khúc sông Như Nguyệt thuộc phòng tuyến này, ở vào lúc gay go nhất, ông đã cho đọc bài thơ “Nam quốc sơn hà…” cổ vũ tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân dân; bài thơ đã đi vào lịch sử của dân tộc ta như một bản tuyên ngôn độc lập thứ nhất gắn với tên tuổi Lý Thường Kiệt. Năm Ất Dậu 1105, Lý Thường Kiệt mất, thọ 86 tuổi, được truy tặng hàm Kiểm hiệu Thái úy, Tước Việt Quốc công. Tên ông được đặt tên đường trên nhiều đô thị cả nước. |