Đường Ngô Thì Nhậm - Phố dài những nhớ thương

17/03/2014 22:06

(Baonghean) - Tưởng rằng phố là xô bồ, náo nhiệt, là không có chỗ dành cho những hoài niệm và suy tưởng, thế mà phố ở Vinh lại khác, Vinh có những con đường bình lặng, chờ đợi người ghé qua. Đường Ngô Thì Nhậm là một con đường như thế…

Có chiều dài ngót nghét 2km, đường Ngô Thì Nhậm ít nhiều cũng khiến những kẻ lãng mạn đạp xe vãn cảnh chiều tà núi non sông nước hụt hơi với nhiều khúc cua ngoặt và những con dốc. Con đường uốn cong một khúc Lam giang, ôm tựa lấy chân núi Dũng Quyết, dẫn lên Đền thờ Hoàng đế Quang Trung - Di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng gần xa. Nói vậy để biết, Ngô Thì Nhậm không phải là tên đường lạ lẫm nào trong hàng trăm tên đường lớn, nhỏ thành Vinh. Thế mà khi hữu ý tìm một góc phố bình yên để trải lòng, người ta ít nghĩ đến con đường rợp bóng mát bốn mùa này.

Đường Ngô Thì Nhậm.
Đường Ngô Thì Nhậm.

Ngày trước, con đường “mang tiếng” là heo hút, thưa vắng, dễ làm nhụt chí nhiều người khi có ý định lại qua. Mấy cô nữ sinh trung học trước khi ra khỏi nhà, trong danh sách dặn dò dài dằng dặc, thể nào cũng không thể thiếu gạch đầu dòng: tuyệt đối tránh lai vãng đường quanh núi Quyết. Bởi cái sự thưa vắng dân cư thuở ấy dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc, cũng có thể bởi không gian mênh mông của núi non, cây cỏ dễ choán ngợp tâm trí con người. Thế mà giờ đây, con đường mà nhiều người rỉ tai nhau hạn chế đi về một thuở ấy, đã trải thảm nhựa phẳng lỳ, đèn điện giăng kín những nếp nhà san sát và vững chãi, đêm đêm còn vẳng tiếng đàn ca nhộn nhịp từ các khu trọ sinh viên.

Có ai ngờ, những điều kiện tưởng như bất lợi ngày nào, giờ lại trở thành đắc địa. Đường Ngô Thì Nhậm đang góp mặt trong những con đường được ưu tiên tìm kiếm nhiều nhất của giới sinh viên Trường Đại học Vinh, bởi lợi thế gần trường, đường thoáng mát, diện tích đất thổ cư tương đối rộng rãi nên phòng trọ thường được gia chủ không quá chi li trong xây dựng. Cũng hệt như những con đường dài, ngắn khác trong lòng Thành phố Vinh, đường Ngô Thì Nhậm mang hơi thở, dáng vóc riêng, một quá khứ - tương lai đặc trưng. Từ muôn nẻo phố phường, rẽ xe vào đường Ngô Thì Nhậm, chợt thấy dâng lên trong lòng mình nét bình yên và thanh thản lạ kỳ. Những dáng mẹ khom khom quét lá bên đường, những dáng em thơ đuổi bắt ù òa trước hiên nhà, và cả những dòng xe quen - lạ… tất cả đã vẽ nên bức tranh phố với đủ đầy những gam màu sống động. Giữa nhịp điệu phố phường, đường Ngô Thì Nhậm có vẻ như là một trong những con đường hiếm hoi thưa vắng những cửa hàng kinh doanh, dịch vụ, có chăng là lưa thưa vài cửa hàng tạp hóa phục vụ người dân bản địa và giới sinh viên. Phải chăng vì thế, gánh hàng quà chiều bánh đúc, bánh ngào… khi chậm bước trên đường Ngô Thì Nhậm, tiếng rao cũng như bay xa và vang vọng hơn, ngân dài hơn, như muốn nối gần cái khoảng không mông mênh và quạnh quẽ của con đường?

Đáng quý biết bao khi trong lòng phố thị, vẫn còn những con đường gợi thân tình như con đường Ngô Thì Nhậm. Đường có khúc quanh ôm lấy một vệt sông Lam, đoạn qua bara Bến Thủy. Sáng sáng, chiều chiều, con đường quen với hình ảnh mấy ông thợ câu quen thả cần đợi cá. Nét quê mà rất phố ấy tạo cho con đường Ngô Thì Nhậm một nhịp chậm trong tiết tấu rộn rã của thị thành, là nơi chốn thân quen của biết bao thị dân sau những xô bồ và náo nhiệt mưu sinh.

Đường Ngô Thì Nhậm gần gũi với nhịp bước chân thị dân, cũng thân quen lắm với những đoàn khách thập phương. Theo thống kê, mỗi năm có hàng trăm ngàn lượt khách đến chiêm bái Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, thì chắc hẳn không thể nào sai, cũng ngần ấy lượt đi trên con đường Ngô Thì Nhậm. Không biết vô tình hay hữu ý, mà tên con đường dẫn lên di tích lịch sử - văn hóa gắn liền với huyền tích hùng tráng Phượng hoàng Trung Đô ấy lại được đặt là Ngô Thì Nhậm. Lật lại những trang sử vàng, không khó để tìm thấy những mốc son tên người, những dấu ấn sử chói sáng gắn liền Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ và Thị lang Bộ Lại Ngô Thì Nhậm. Hai nhân tài tuấn kiệt gặp nhau giữa buổi binh đao tao loạn, đã cùng nhau tấu lên bản hòa âm lừng vang sử sách đất Việt năm nao. Sự gắn kết ấy còn mãi đến hôm nay, nhắc nhớ các thế hệ cháu con, khi bước đi trên con đường giản dị của phố phường, hãy tự răn lòng mình để có những bước đi đường hoàng và vững chãi, để đừng bao giờ hổ thẹn với những bậc tiền nhân.

Ngô Thì Nhậm tự là Hy Doãn, sinh năm 1746 ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ. Năm 1775, ông thi đỗ tiến sĩ, được bổ vào bộ Hộ làm Hộ khoa cấp sự trung, rồi được thăng lên các chức Giám sát ngự sử đạo Sơn Nam, Đốc đồng Kinh Bắc kiêm Đốc đồng Thái Nguyên, rồi Đông các hiệu thư, chuyên hiệu đính các văn từ, thư tịch của Nhà nước, và được cử đi đánh dẹp bọn Diễn quận công Hoàng Văn Đồng làm phản ở Thái Nguyên. Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm rất trọng ông, Ngô Thì Nhậm cũng hết lòng phục vụ chúa Trịnh Sâm, đề xuất với chúa Sâm nhiều phương án cải cách lớn nhưng ông đã hoàn toàn thất vọng. Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, cho mời Ngô Thì Nhậm đến, phong ngay cho ông chức Thị lang Bộ Lại, sau đó giao cho ông cùng Ngô Văn Sở, Nguyễn Văn Dũng, Trần Thuận Ngôn cai quản toàn bộ mười một trấn Bắc Hà. Sau khi Nguyễn Huệ mất, nhà Tây Sơn bị Nguyễn Ánh tiêu diệt. Ngô Thì Nhậm bị Nguyễn Ánh bắt giam và cho quân lính đánh đòn thù đến chết. Đó là ngày mồng 9 tháng 3 năm 1803, ông vừa tròn 57 tuổi. Ngô Thì Nhậm để lại rất nhiều trước tác và là cây bút tiêu biểu nhất trong bộ Ngô gia văn phái với gần 1.000 bài thơ, bài phú cùng bộ sách khảo luận về sử và triết học.

Phương Chi

Mới nhất

x
Đường Ngô Thì Nhậm - Phố dài những nhớ thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO