Đường Nguyễn Phong Sắc - Phố giàu cảm xúc

02/06/2014 07:13

(Baonghean) - Từng là một “con đường ướt mưa” trong ký ức của nhiều người ở phố từ nỗi nhớ về vẻ lầm lụi của cảnh vật, con người; mà dù đã có bao thay đổi hào nhoáng vẻ ấy vẫn còn lưu lại ở đời sống mặt phố hôm nay… Đó là phố Nguyễn Phong Sắc - TP. Vinh, dài hơn một cây số, bắt đầu từ vòng xuyến Hải quan nối đường Lê Viết Thuật chỗ giao nhau với đường Nguyễn Sỹ Sách.

Đường Nguyễn Phong Sắc (Thành phố Vinh).
Đường Nguyễn Phong Sắc (Thành phố Vinh).

Tôi thử trở lại phố với tâm thức như ngày nào trở về với con đường làng quê tôi miệt trung du. Là vì, có bao nhiêu người đã như tôi nhỉ, đã nhiều những ngày quãng hơn mươi năm về trước, ngồi trong những quán nhỏ phố này lặng im nghe tiếng gió mưa hờn dỗi trên khóm tre già và tàu chuối trong góc vườn nhà ai đó; để nhớ về quê nhà tít tắp, gột rửa những buồn vui cuộc sống nơi phố đông! Hiếm có những con phố ở Vinh cho người ta cảm xúc như thế bằng phố Nguyễn Phong Sắc.

Bạn sẽ hỏi tôi: Thành phố Vinh nay mở rộng, biết bao con phố ven ô đã được đặt tên, lao xao nhà ống, nhà bằng vẫn chưa khỏa lấp được nét ao chuôm vườn vắng... sao không đến đó mà hoài cảm? Không! Là vì, không phải ở đâu cũng cho ta một trải nghiệm “nơi chốn” trong sự “đến”, sự “về”. Con đường này vốn là con đường dẫn dắt khai mở, nghiên cứu phát hiện ra dấu vết nền văn hóa Đông Sơn của một phần TP. Vinh, từ đó các nhà nghiên cứu khẳng định một dải ven tả ngạn vùng cửa sông Lam này vốn là bờ cõi của nước Việt Thường hàng ngàn năm trước. Đường Nguyễn Phong Sắc hàng thế kỷ trước cũng là con đường làng đất Hưng Dũng – làng Đỏ nổi danh cách mạng với ranh giới địa lý rộng lớn, nối ra một cửa ngõ phố thị Vinh xuôi xuống miệt biển Cửa Hội; là con đường chứng kiến rõ nhất sự cựa quậy trải thời gian của không gian phố thoát thai từ làng của Vinh. Khi quy hoạch gom làng vào khối phố những năm 1960, đường Nguyễn Phong Sắc vẫn là một huyết mạch “gánh” mấy phía đồng ruộng và cảnh sắc thôn mạc. Và cho đến thời kỳ tái thiết thành phố sau thống nhất đất nước 1975, đường là nơi được chọn xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Ba Lan) - trung tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân lớn nhất Bắc Trung bộ, đường sớm trở thành nơi qua lại quen thuộc cho người ở phố và ở muôn quê…

Nguyễn Phong Sắc (tên khai sinh là Nguyễn Văn Sắc), sinh ngày 1/2/1902 tại làng Bạch Mai, Hà Nội. Thuở nhỏ, Nguyễn Phong Sắc học Trường Bưởi và tốt nghiệp thủ khoa kỳ thi thành chung năm 1924, xin vào làm việc ở Sở Tài chính Đông Dương. Sau khi gia nhập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội vào đầu năm 1927, ông bỏ việc ở Sở Tài chính, dốc hết tinh lực vào hoạt động cách mạng chống lại quyền thống trị của thực dân Pháp.

Ngày 7/3/1929, Nguyễn Phong Sắc cùng Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh và 5 người khác thành lập tổ chức Đảng ở trong nước. Sau đó ông được phân công phụ trách khu vực Trung kỳ và trực tiếp thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Thành phố Vinh, Nghệ An. Năm 1930, Nguyễn Phong Sắc trở thành Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

Ngày 3/5/1931, Nguyễn Phong Sắc bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội và bị chúng tử hình vào ngày 25/5/1931. Cho đến nay, tên ông mới được đặt tên đường ở 2 thành phố là Hà Nội và Vinh.

Mới đây thôi, khi đã có quy hoạch bốn làn đường xe chạy như bây giờ nhưng chưa được triển khai thực hiện, đường Nguyễn Phong Sắc còn là phố thịt chó nổi tiếng. Đó có lẽ cũng không là một sự ngẫu nhiên, khi món thực phẩm có người ví “quốc hồn quốc túy” này đã không chọn ở đâu để tạo nên một thương hiệu “ẩm thực phố”. Bắt đầu mùa mưa tháng Tám ta, phố đã thơm lừng mùi rựa mận, nườm nượp khách trẩy về những nhà hàng được mở ra với không gian quê kiểng cho hợp với món ăn xuất phát nơi thôn dã đó. Cứ tưởng tượng thế này, ngày mưa bong bóng lấp xấp con đường nhựa, khí trời mát mẻ, bạn hữu quây quần ấm cúng thưởng thức món khoái khẩu ghém với thức rau quả quê: riềng sả, mắm tôm, chuối xanh, khế và nhất thiết phải có rau má, lá mơ… Cho thêm phần “nồng nàn” có thể đưa cay bằng thứ rượu quê nút lá chuối miễn là đừng sa đà quá chén! Với nhịp kiến thiết đô thị hóa mặt phố chậm hơn so với các phố trung tâm khác, vườn nhà rộng rãi còn xanh cây quả, hè phố lan dài lũy tre, bìa rậm và các dịch vụ mở ra ban đầu phần lớn đơn giản chỉ để phục vụ dân lao động, người nhà bệnh nhân (của Bệnh viện Đa khoa tỉnh) và sau này thêm học sinh trường Trung cấp y dược (nay là Đại học Y khoa Vinh)... nên cảnh vật như lưu giữ lại lâu hơn cái lầm lụi gợi cảnh tình quê cũ trong những cơn mưa, những mùa mưa phố. Thế nên, có người từng gọi phố là “con đường ướt mưa”(?!).

Một góc cảnh quan trên đường Nguyễn Phong Sắc.
Một góc cảnh quan trên đường Nguyễn Phong Sắc.

Khi đường được giải phóng hè lề, nâng cấp như bây giờ, nhiều nhà hàng thịt chó thôi nghề, các dịch vụ cũng phong phú dần lên nhưng vẫn chưa có dấu hiệu trở thành phố chuyên doanh. Quãng đầu đường bắt đầu từ vòng xuyến Hải quan là các hàng gốm sứ rẻ tiền, bia đá, lăng mộ đúc sẵn. Phía cuối ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cùng với các cơ sở khám, chữa bệnh chất lượng cao và Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông, là các quầy thuốc tư nhân mở ra ngày càng nhiều. Còn lại là đủ thứ dịch vụ từ cho thuê văn phòng đến ki-ốt tạp hóa bán hàng Thái Lan; từ shop làm đẹp, hàng mỹ ký đến hàng quà ăn sáng bán xôi, bánh mướt; nhưng đặc biệt là các dịch vụ nghề truyền thống như hàn xì nhôm kính, thu mua phế liệu, sửa chữa xe đạp, xe máy, chiếu tre, lồng chim cảnh...

Đa dạng, kinh doanh dân dã thế, nhưng phố không có cái lộn xộn “chợ trời”. Bạn có thể tạo cho mình một niềm vui nho nhỏ, khi mỗi ban sáng ghé qua phố này, vào hàng chim cảnh, thả hồn mình nhẹ nhàng xúc cảm trong lắng một tiếng chim cu gù hay trong trẻo bản hợp xướng của chào mào, họa mi… Anh chủ hàng lồng chim sẽ không trách bạn là người quấy quả buổi mở hàng, mà sẽ cùng bạn cởi mở ký ức về thuở hoa niên say đuổi ve bắt bướm chẳng hạn! Buổi chiều, sau một ngày làm việc, có chỗ hẹn hò nơi bãi bia Nhà hàng ẩm thực Đại Huệ mới mở, phong cách thiết kế đầy cảm hứng mỹ thuật với chất liệu gốm, gạch ngói màu nâu thô gợi hồn quê Việt. Về đêm, bạn có thể dạo trên hè phố đón gió ven đô lộng về từ phía không gian khoáng đạt sân vận động Hưng Dũng ngay sát bên mặt Đông phố, để cảm thức một phía sinh thái phố phường được lựa chọn cho việc nâng tầm kiến thiết đô thị hiện đại đậm bản sắc văn hóa trong tương lai. Nay mai, khi kiến trúc mới Trường Đại học Y khoa Vinh xây xong và Bệnh viện Đa khoa tỉnh phía đối diện nhường cơ sở hạ tầng lại cho trường để chuyển về nơi mới, phố sẽ có một không gian giảng đường, ký túc tạo nên một điểm nhấn phố vừa sôi động trẻ trung, vừa thâm trầm của một kiến trúc lớn mang màu thời gian như chứng tích của tình hữu nghị lịch sử một thời.

Đang có những công trình cao tầng được quy hoạch xây dựng trên đường Nguyễn Phong Sắc, nhiều nhà dân xây dựng mới làm hiện đại dần lên mặt phố. Nhưng tin rằng, với sức hút nếp đời sống phố thân thuộc ở đây, và xu thế phát triển những dịch vụ truyền thống, gợi những ý tưởng văn hóa đậm bản sắc quê hương; thì phố vẫn giữ mãi được nét cuốn hút riêng. Ví như tôi, vẫn luôn muốn về với phố ấy, để nuôi mãi một nẻo ký ức trong lành, thân thiết.

Đình Sâm

Mới nhất

x
Đường Nguyễn Phong Sắc - Phố giàu cảm xúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO