Đường Nguyễn Quốc Trị: Hẻm nhỏ ký ức

28/03/2015 09:03

(Baonghean) - Tôi tìm đến con đường nhỏ nhắn ấy vào một ngày mưa tầm tã. “Cư dân” đầu tiên mà tôi gặp ở “phố” Nguyễn Quốc Trị là em bé Hồ Khánh Huyền, cỡ chừng 2, 3 tuổi đang ngọ ngoạy liên hồi trong lòng bà và chỉ tay ra ngoài đường đòi đi chơi. Có thể vì mưa, vì vẻ buồn lặng của con đường, và vì cả cô bé con ấy quá ấn tượng với đôi mắt trong veo cùng sự hiếu động thường có ở bọn trẻ, mà tôi đã thắp trí tưởng tượng của mình: Ừ nhỉ, nếu mình là Khánh Huyền, 20 năm nữa, Mình sẽ nhớ về nơi này những gì, mình sẽ kể về con đường này thế nào?

Có thể khi đó, một biến động nào đã đẩy tôi đi xa khỏi thành phố này. Mỗi lần bước chân về thăm quê, tôi lại một lần ngơ ngác. Mình lạc bước ngay tại nơi mình đã từng sinh ra, lớn lên. Con đường này đã trở thành to rộng. Không có chỗ cho những bà bán dưa cà, những quán rửa xe vắng khách, những quầy tạp hóa nho nhỏ. Không còn bụi bặm và những ổ gà. Không còn khoảng vườn trống với những hàng chuối và đống táp lô rêu mốc. Chỉ có nhà cao tầng, chung cư san sát ken dày.

Khu chung cư đang xây dựng trên đường Nguyễn Quốc Trị.
Khu chung cư đang xây dựng trên đường Nguyễn Quốc Trị.

Cũng có thể, khi đó, cô gái 23 tuổi là tôi đã có được một chút vốn liếng kha khá từ gia đình, mở một spa chăm sóc sắc đẹp, bán mỹ phẩm chẳng hạn ngay tại mảnh đất hương hỏa này. Thế là cả cuộc đời, mình không rời khỏi nơi này, và mình chỉ cảm thấy vững chân khi đứng trên mảnh đất mình đã sinh ra, lớn lên. Chắc hẳn khi đó, con đường sẽ mở rộng, sát cái cửa sổ mà mình vẫn hay đứng cùng bà nhìn ra. Mình sẽ chăm chỉ làm việc, sẽ kiếm một ông chồng thương vợ. Mỗi sáng thức dậy, hai vợ chồng cùng mở cửa và đón ánh nắng đầu tiên lấp lóa trên những tấm kính. Chắc chắn rồi, sẽ là những tấm kính trong suốt với những rèm cửa màu hồng nhạt…

…Khi tôi sinh ra đường đã có tự bao giờ. Một con đường nhựa nhỏ nhắn, có đôi chỗ gồ ghề. Nó như một con hẻm khuất, tự dưng mất hút giữa ồn ã bán mua, sặc sỡ sắc màu và đông đúc xe cộ của đường Nguyễn Văn Cừ - một trục đường lớn và năng động của thành phố.

Thuở ấy, tôi là cô bé con 2 tuổi, ngồi lọt thỏm trong lòng bà dì từ quê ra thành phố giữ cháu cho mẹ tôi bận việc trông coi cửa hàng của gia đình ở đường Lê Lợi. Mẹ bận việc cả ngày, nhưng với tôi, điều đó không còn quá quan trọng. Không chỉ vì có bà dì, mà cái ngõ số 1 của chúng tôi, chỉ vẻn vẹn có 4 gia đình “lạ”, nghĩa là 4 gia đình ngụ cư mới về đây xen dắm, chứ còn 18 hộ là anh em họ hàng, tính đến tôi là ở đất này đến đời thứ 7. Vậy nên, tý một, các bác, các dì lại chạy sang ngó cháu. Tôi cũng hay tha thẩn sang nhà bác Công chơi. Bác ở ngay đầu ngõ. Mà nhìn sang kia lại có “Khu vui chơi trẻ em”- với khá nhiều đồ chơi, trò chơi trong một cái cửa hàng không lớn lắm, nhưng dưới con mắt tôi thì đó là một thế giới vui nhộn, hấp dẫn. Chỉ có điều, dần dà, khu vui chơi cũng không hút khách, cửa thường đóng im ỉm. Hẳn rằng, tôi đã nhiều phen thất vọng khi nhìn những cánh cửa đóng ấy. Thường thì, lúc đó, tôi lại vòi bà bế sang quầy tạp hoá đối diện bên kia đường. Cạnh đó, là quầy kem. Các anh chị lớn tuổi, mỗi lần đi học thêm ở Trung tâm Anh ngữ Eland phía đầu đường, ngay đoạn tiếp giáp với đường Nguyễn Xuân Ôn hay rủ nhau vô đó, mồ hôi mồ kê nhễ nhại mua kem ăn ngon lành, vừa ăn vừa quệt tay áo lau miệng…

Mặc tôi mê mải nhìn ngó, bà dì tôi lại vui chuyện với bà Khang bán dưa cà gần đó. Một cái bàn gỗ, vài cái hộp nhựa, và khách mua đều là những người quen mặt. Cái quán dưa cà ấy mà là điểm dừng chân của các bà, các chị mỗi khi đi chợ về. Họ mua thêm chút dưa cà và trò chuyện. Từ chuyện ông chồng say rượu đêm qua đến chuyện con cái học hành, hay chuyện góp cây xanh, góp tiền sửa đường…Tôi nhớ, cuối năm 2014, khi Trung tâm Anh ngữ bị đập bỏ, tôi đã buồn đi một ít vì không còn thấy lũ trẻ con ríu rít đi học mà chỉ nhìn thấy những hố đào nham nhở. Rồi cà phê “Ngược” nằm trong phần đất của Công ty Khoáng sản dầu khí - một nét “khác biệt” của con đường bởi cái tên quán, bởi “phong cách” quán làm với những ô cửa trông như lộn ngược ấy cũng đang dần dẹp bỏ. Không biết họ đang tính làm gì với những khoảng đất ấy? Có thể là dự án chung cư chăng?

Dưới con mắt của lũ trẻ thì tất cả mọi biến đổi ấy, không có gì ảnh hưởng. Có chăng, một chút tò mò khi cái công trường ấy bày ra ngổn ngang và bẩn bụi. Nhưng với người lớn thì lại là chuyện khác.

Bác Công tôi (bác Hồ Viết Công) hồi đó làm khối trưởng khối Vinh Quang, cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất này đã chộn rộn vui buồn, mà nhiều hơn là buồn khi chứng kiến những đổi thay ấy. Chính bác là người nói với tôi: Cháu biết không, con đường ta đang ở là tên của một vị anh hùng thời chống Pháp, là 1 trong 5 vị anh hùng đầu tiên của Quân đội ta. (Trong khi đó, ba mẹ tôi hình như không rõ lắm về anh hùng Nguyễn Quốc Trị, khi tôi hỏi để làm bài văn tả về con đường nhà em). Hôm đó, bác đã mượn chiếc xe đạp, chở tôi đi đến hết con đường.

Hóa ra, con đường Nguyễn Quốc Trị của tôi không chỉ có ở phía bên này đường Nguyễn Văn Cừ, không chỉ thuộc phường Hưng Bình đâu, mà còn có khoảng dài vượt qua Nguyễn Văn Cừ, nối sang khối Yên Phúc A phường Hưng Phúc nữa. Phía bên kia lại là một không gian khác hẳn, với vẻ trầm tư, và những biệt thự xinh xắn, những hàng cây, giàn hoa êm đềm rủ lá. “Đây chủ yếu là những ngôi nhà mới cháu à. Họ cũng mới mua đất, làm nhà sau khi thành phố mở rộng, chứ trước đây cả vùng này còn hoang phế lắm”- Bác tôi nói, dường như không phải với tôi, mà còn với cả chính mình.

Bác tôi, là một người yêu con đường mình ở đến vô cùng tận và hơn ai hết, bác thể hiện tình yêu ấy bằng trách nhiệm của một công dân. Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX, cũng như trăm hộ dân nơi này, bác tôi là xã viên của HTX Nông nghiệp Bình Vinh. Bấy giờ con đường này chỉ có cư dân sinh sống ở mặt trái, còn mặt phải là bàu rau muống, đồng lúa. Ngày ấy, là đường đất nhỏ hẹp, chỉ vừa cho 2 chiếc xe máy xuôi ngược. Năm 1994, khi UBND phường Hưng Bình thuê HTX Nông nghiệp thực hiện “cuộc cách mạng” nâng cấp đường nhỏ thành đường cấp phối, mở rộng làn đường. Bác tôi, cũng với nhiều xã viên đã trực tiếp tham gia “chiến dịch” ấy, tận tay trộn từng mẻ xi măng, xúc từng xẻng cát, làm quên ngày đêm. Bác nói, sức mạnh ấy có nhờ tuổi trẻ, nhưng hơn hết là niềm vui vì nghĩ rằng, những gì mình làm hôm nay đang góp phần sau này cho con cháu mình có cuộc sống đàng hoàng hơn. Kể từ đó, mỗi năm, cư dân của con phố này lại góp công, góp của tu sửa, cải tạo đường.

Các hội, đoàn trong xóm còn góp cây trồng để mơ về một con đường sinh thái rợp bóng cây xanh. Nào là tràm, là keo, là hoa sữa… Chúng ta sẽ có một con đường mát xanh, ríu rít tiếng chim giữa lòng phố thị… Nhưng rồi, tôi biết bác đã buồn khi con đường trong mơ với những cây xanh đã gần 20 năm tuổi một ngày kia bị chặt bỏ khi phần bàu ruộng được bán cho Tổng Công ty Khoáng sản làm dự án xây chung cư. Con đường sẽ bề thế hơn, nhưng giấc mơ cây thì không còn nữa. Bác tôi và nhiều cư dân khác đã thảng thốt hàng năm trời mỗi sớm mai thức dậy nhìn sang vắng bóng cây xanh… Chưa kể xi măng, cát sỏi của công trình xây dựng ngổn ngang này gây tắc hết các ống cống, các hố thải ga. Các xe trọng tải lớn chở vật liệu cũng kịp thời làm đường ngày càng biến dạng. Chấp nhận cái giá của sự phát triển, đối với bác tôi và cư dân lâu đời phố này, có lẽ như vậy là quá đắt. Bác tôi nói, hay mình đã thủ cựu quá chăng, trong tiếng thở dài không che giấu.

Còn biết bao nhiêu, để tôi nói về phố của tôi, về con đường mà tôi đã chập chững những bước đi đầu tiên, về dãy nhà trọ mới chừng rộ lên những năm 2005, 2006 của những người có thu nhập thấp, về cái quán rửa xe mà ông Bình - một cư dân nơi khác tìm đến con đường này để làm ăn, đặt cái biển hiệu to tướng ngộ nghĩnh: “Cha Bình rửa xe…” Tôi đã nhớ những câu trong bài văn mình tả con đường khi học lớp 2: “Con đường mà nhà em ở là đường Nguyễn Quốc Trị. Con đường không lớn lắm nhưng giờ tan tầm khá đông người và xe. Mỗi sáng, mẹ lại chở em bằng xe máy để đến trường…”.

Nguyễn Quốc Trị, cái tên đã thân quen là thế, vậy mà một ngày kia tôi đã trào lên những ngỡ ngàng, xúc động, tự hào khi đứng trong Bảo tàng Quân khu 4, nghe chú thuyết minh viên giới thiệu về chiếc mũ kêpi, chiếc áo trấn thủ, bằng Anh hùng Toàn quốc của anh hùng Nguyễn Quốc Trị được đặt trang trọng trong gian trưng bày của Bảo tàng.

“Người con của làng Phượng Kỷ, xã Đà Sơn, Đô Lương ấy đã từ chiến sỹ trở thành người chỉ huy mưu trí, dũng cảm. Từ những chiến công liên tục trên các chiến trường, sự quả cảm, sáng tạo trong những trận đánh nên Nguyễn Quốc Trị được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng câu “Vững như đồng - Nhanh như sóc”.. Trong Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 19/5/1952 tại chiến khu Việt Bắc, Nguyễn Quốc Trị được phong tặng danh hiệu Anh hùng quân đội cùng với các anh hùng khác: Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên...Đây là đợt phong tặng danh hiệu Anh hùng lần đầu tiên của quân đội ta.

Trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, làm nên chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, ngày 10/10/1954, người dẫn đầu đoàn quân chiến thắng tiến vào thủ đô đoàn chính là Anh hùng Nguyễn Quốc Trị. Khi Đoàn quân nhạc cử bài: “Tiến quân ca” Trung đoàn Thủ đô đứng thành hàng ngũ, vinh dự kéo cờ được trao cho đồng chí Nguyễn Quốc Trị, chỉ huy Trung đoàn...

Cuộc kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc, dân tộc ta lại bước ngay vào cuộc chiến đấu mới chống Mỹ cứu nước. Lúc này, vùng đất Quân khu 4 trở thành tuyến lửa nóng bỏng trong cuộc đối đầu với kẻ xâm lược. Tháng 3/1962 sau khi tốt nghiệp khoá đào tạo sĩ quan cao cấp tại Trung Quốc, Nguyễn Quốc Trị đã xung phong về công tác và chiến đấu tại quê hương. Ngày 16/8/1967, thượng tá Nguyễn Quốc Trị, Hiệu trưởng trường Quân chính Quân khu 4 đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương trong một lần đi kiểm tra bộ đội tại trận địa pháo cao xạ thuộc làng Phượng Kỷ chính nơi chôn nhau cắt rốn.”

Và lúc này, khi tôi đang mở cánh của nhà mình, tôi lại gặp mình của 20 năm trước. Của cô bé đang ngồi trong lòng bà ngọ ngoạy đôi tay chỉ ra phía đường mưa. Con đường Nguyễn Quốc Trị, con đường của tuổi thơ tôi, của tình yêu và nỗi nhớ chưa bao giờ tắt...

T. Vinh - P. Chi

Mới nhất
x
Đường Nguyễn Quốc Trị: Hẻm nhỏ ký ức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO