Đường Nguyễn Viết Xuân - Nét quê giữa phố

24/03/2014 21:49

(Baonghean) - Cũng là thú vị khi đến với phố trong những ngày mưa lạnh áp thấp bất thường như thế này. Chọn cho mình một góc nhỏ cà phê, hay ngồi tán gẫu với bà hàng xén bên cổng chợ đậm nét quê giữa phố… cảm thấy như đang ở một xóm thợ thuyền mà đây đó chen áo nâu, váy sồng muôn vẻ đời sống manh nha thị thành. Đó là đường Nguyễn Viết Xuân của Thành phố Vinh…

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh nhìn từ đường Nguyễn Viết Xuân.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh nhìn từ đường Nguyễn Viết Xuân.

Đường Nguyễn Viết Xuân dài khoảng 1,5 km, nối đường Phan Đăng Lưu (giao nhau với đường Phong Định Cảng) chạy thẳng xuống đường ven sông Lam chỗ khớp nhau của đường Dũng Quyết và đường Chu Huy Mân. Đường có tuổi dễ ngót một thế kỷ, từ thuở người Pháp dựng “khu công nghiệp” Bến Thủy – Trường Thi. Loi thoi giữa ruộng, hai bên đường như là lối mòn xưa ấy, nhà nông dân và thợ thuyền lụp xụp, chen chúc trên những trảng cát. Thời gian “vó câu”, thay đổi nhiều diện mạo của làng xã, phố phường. Nhưng, vẫn còn đó những nét làng giữa phố.

Bắt đầu là cái chợ nhỏ nhưng hầu như không còn người biết tên “cúng cơm” của nó; cũng chỉ hình thành khoảng mấy mươi năm lại nay thôi. Chợ nằm góc đầu đường Nguyễn Viết Xuân cắt đường Phong Định Cảng. Từ đường phố náo nhiệt bước chân vào chợ, là có ngay cảm giác đang ở một chợ quê nào đó. Bỏ qua những hàng xén “kim-chỉ-dầu-đèn” ở trong những gian hàng kiểu tạm, là những hàng bán thực phẩm tươi gồm cá, rau quả của các bà thị dân chưa bỏ ruộng vườn của những nông dân làng Yên Dũng Hạ - Yên Dũng Thượng xưa. Cái xởi lởi hàng cá, hàng rau đôi khi ở chỗ, nếu bạn xuôi dưới mấy cái ao chuôm trang trại cuối đường, câu được con chép con rô chi đó, về ngang chợ bảo các bà các chị đánh vảy hộ, dẫu chẳng quen biết chi cũng được nhiệt tình giúp, còn tư vấn cho các thức chuối xanh, lá lốt, khế chua… vừa bán vừa cho làm gia vị om lên món nhậu thủy sản đồng quê tươi ngon....

Suốt phố nay mọc lên tỉ mẩn các dịch vụ mà không gian phần đa là các lán, các ốt bé tin hin mở ra chi chít. Âm hưởng đó là nhờ có Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh, tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật 3, từ khi đa ngành đã hút con em cả Bắc Trung bộ về học. Khi chưa sốt đất đai mét vuông đất làng lên đất phố có giá hàng triệu rồi hàng chục triệu tùy địa thế, thì nhiều nhà dân “gốc” năng nổ, khéo léo sống nhờ vào sức tiêu tiền lẻ của sinh viên, cũng dần trở thành giàu có. Mươi năm lại nay, khi đường cấp phối đầm đá dăm được nâng lên đường nhựa, nhiều người nơi khác về mua đất ở mặt phố, và như bao nơi khác của vùng ven trung tâm đô thị, dân “gốc” vén dần vào lối trong. Nhưng phố không phải một chốc mà đô hội lên thật sự được. Khi các dự án đô thị mới vừa kịp vào phần cuối đường đang còn quỹ đất đai, thì gặp phải khủng hoảng suy thoái hóa dở dang, nên ao chuôm vẫn là ao chuôm, ruộng lúa vẫn là ruộng lúa. Mấy nhà có tiền về mua mặt phố Nguyễn Viết Xuân, xây nhà to cổng lớn nhưng không tận dụng kinh doanh được, khép cổng đi thuê nơi khác làm ăn…

Một nét chợ quê trên phố Nguyễn Viết Xuân.
Một nét chợ quê trên phố Nguyễn Viết Xuân.

Phố Nguyễn Viết Xuân từng có một câu lạc bộ của những người trẻ bị nhiễm HIV: CLB Sông Lam Xanh. Lòng vị tha, sự đồng cảm đã xích họ lại gần nhau, cùng nhau chia sẻ, động viên để sống tốt hơn, ý nghĩa hơn... Phố cũng từng chứng thực nhịp thời gian của một phận người nhỏ bé thoảng đến rồi phải đi vì trọng bệnh; và ông, là một nhà báo có những kịch bản phim nói hộ tâm tình đời người, mà theo chúng tôi, không nói hàm hồ, nếu ông không ở đây – nơi cho ông khoảng không gian chiêm nghiệm - thì phỏng ông đã có những sản phẩm xu hướng nghệ thuật “đứng” được trong đời sống điện ảnh đa sắc. Phố này còn “dung chứa” một vị cựu chiến binh quen hòn tên mũi đạn, thẳng băng cả những giấc mơ suýt thành anh hùng ở chiến trường K; về kiến tạo nên một trang trại vận dụng đất quê ám ảnh đói nghèo để làm giàu. Ông làm trang trại cuối phố để về xây biệt thự giữa phố; tạo việc làm cho bà con thân thuộc: người đưa đi chợ bán cho ông con cá, mớ rau do ông thả trồng, chăm bẵm hàng ngày. Ông làm đẹp lên diện mạo phố thị bằng bàn tay khối óc, kiến thiết lên những mảng khối của một không gian thi vị chỉ để nói rằng ông yêu quá đất này, phố này…

Đường Nguyễn Viết Xuân nay đang trong quá trình kiến thiết, cả một nửa quãng phía Đông quy hoạch rồi nhưng vẫn còn cỏ dại và ngơ ngác ao chuôm, lúa đồng 2 vụ. Lác đác những căn biệt thự mọc lên, mà rạng ngày hay xế chiều trông cứ cô đơn như những lò gạch cũ? Ấy là sự sốt ruột, nhưng lại gợi một nét quê giữa phố đến nao lòng. Tính từ cổng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh đến hết đường Nguyễn Viết Xuân phía ven sông Lam, là cả một không gian mở. Mà đoán chắc, những nhà đầu tư thực “có tâm có tài”, sẽ nhân lên gấp bội những chi chít lo toan hôm nay thành niềm tự hào của tương lai. Không ai đợi, nhưng nếu có thể thì người ở phố đều nói rằng, không cho phép ai đó duy ý chí để làm mất đi cái hồn phố vốn là sức sống bền bỉ cho muôn sau; mà, cơ hội đó đang dành cho những nhà hoạch định như ở đường Nguyễn Viết Xuân Vinh thì chẳng còn nhiều!.

Nguyễn Viết Xuân sinh năm 1934, quê xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Tròn 18 tuổi (1952) Nguyễn Viết Xuân xin đi bộ đội, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với tinh thần chiến đấu anh dũng.

Trong trận đánh địch ngày 18 tháng 11 năm 1964, Mỹ đã huy động nhiều tốp máy bay đánh phá ác liệt vùng Cha Lo thuộc miền Tây tỉnh Quảng Bình. Trận địa pháo của ta đánh trả quyết liệt, một chiếc trong tốp bay của địch trúng đạn bốc cháy, nhưng một chiếc khác đã phóng một loạt tên lửa về phía khẩu đội 3. Bất chấp nguy hiểm, Nguyễn Viết Xuân lao ra khỏi công sự, đứng bên khẩu đội 3 và hô lớn: “Nhằm thẳng quân thù, bắn!”; rồi bị thương nặng, gãy nát đùi bên phải. Nguyễn Viết Xuân đã thản nhiên bảo y tá cắt nốt phần thịt dính vào chân, bỏ chân đi cho đỡ vướng, vẫn tỉnh táo chỉ huy cuộc chiến đấu. Trở về tuyến sau, vết thương quá nặng, Nguyễn Viết Xuân hy sinh.

Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Nguyễn Viết Xuân đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tên đồng chí được đặt tên đường ở một số đô thị trong cả nước.

Đình Sâm

Mới nhất
x
Đường Nguyễn Viết Xuân - Nét quê giữa phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO