Đường võ Thị Sáu: Giữ nét xưa trong phố nay

10/03/2014 09:42

(Baonghean) - Mỗi lần lại qua trên đường Võ Thị Sáu của TP. Vinh, thường tự hỏi sao lại có một con phố lạ từ dáng đường, cảnh phố đến thế? Nói không quá lên, nếu được chăm chút, chú ý từ bây giờ, khéo quy hoạch chỉnh trang, còn lại “bảo tồn” có dụng ý, thì tương lai phố này có thể sẽ là một trong những tuyến phố hút khách xa đến muốn tìm hiểu đời sống của một đô thị hàng đầu xứ Nghệ...

Bây giờ hỏi đến phố Võ Thị Sáu, là người ta chỉ dẫn ngay đến điểm rẽ bắt đầu từ đường Phan Đăng Lưu vào (chỗ sát tường rào phía Đông, Nhà máy bia Vinh); nhưng các nhà trên phố lại được đánh số từ phía Đại học Vinh trở ra, thế có nghĩa trước kia đường sớm nhộn nét phố bắt đầu từ các khu dân cư sâu phía trong, là nơi còn đậm hồn vía phố mặc cho bốn mùa, năm tháng luân hồi.

Đường Võ Thị Sáu.
Đường Võ Thị Sáu.

Dài ngót hai cây số với những thắt đoạn bất ngờ, đường Võ Thị Sáu tạo nên cảm xúc cung thanh, cung trầm từ cảnh vật, khuôn mặt người và âm thanh phố. Cái cung thanh sôi động là ở phía trong, ấy là từ bắt đầu đoạn phố đột ngột bị cắt lệch từ đường Nguyễn Huy Oánh chạy vào giao nhau với phố Bạch Liêu; vô số các ngõ, hẻm mới cũ bị cái náo nức mặt phố tương phản vào làm nên vẻ rêu phong cũ kỹ; rồi cái vẻ cũ của những khoan nhặt ngõ, hẻm ấy lại hắt ra cho phố nét sầm uất bán mua có phần lam lũ tựa hoài niệm Hàng Đào, Hàng Mã, Hàng Dầu… của Hà Nội kinh kỳ đất Bắc đã nhiều phần mai một trong các tuyệt bút của Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân vậy.

Quãng ngắn phố Võ Thị Sáu này của phố Vinh, hẳn là mới được các nhà quản lý đô thị gắn biển ghi tên phố vào; vì rất nhiều con ngõ xuyên ngang phía mặt Đông phố vẫn treo biển ghi “Ngõ số X… thuộc đường khối Y….” của phường Bến Thủy. Lòng phố hẹp một làn xe chạy, lại chẳng có vỉa hè; lô xô dịch vụ chủ yếu phục vụ cho sinh viên, học sinh và nói chung là giới trẻ học đủ các trường, làm đủ công việc trên địa bàn Thành phố Vinh, vốn người khắp Bắc Trung bộ đổ về đây ở trọ quanh khu vực Đại học Vinh.

Thế nên, nhà dân trong thì cho thuê trọ, ngoài nống ra chen chúc những ki-ốt cho thuê bán hàng. Nhiều nhất vẫn là những Shop Online bán đủ các mặt hàng thời trang trẻ mà nhiều shop do chính các sinh viên chịu khó, năng động thuê để buôn bán kiếm tiền ăn học; rồi dịch vụ games, sửa chữa máy tính, điện thoại đến hàng may vá, gội đầu, cắt tóc sinh viên... Nhưng đáng nói là các hàng thức quà ăn vặt, cơm - phở - bún bình dân… đủ cả ổi, cóc dầm, ô mai, cà phê, cháo canh, bánh mướt, bánh bèo - xèo, ngô nướng, cốm xanh Hà Nội, chè Huế, mì Quảng… khiến người ta liên tưởng đến những trang viết của nhà văn Thạch Lam nói về những món quà quê của những người ở phố (Hà Nội) và những người dân tứ trấn mang về để cho phố bốn mùa thơm ngát…

Cái hay là phố không ồn ào quán nhậu và dịch vụ đông đúc vậy nhưng không có cái nhốn nháo, ô tạp, chao chát chào mời, rao giá trả giá thường thấy; nhỏ nhẹ bán mua phần đa là những sinh viên từ nông thôn ra phố, vốn không đua đòi tóc xanh, tóc đỏ, biết chắt chiu chi tiêu, chịu khó học hành…. Cái nếp ấy của lớp trẻ cũng khiến cho người lớn tuổi cảm theo mà mẫu mực lời ăn tiếng nói. Trước những xanh đỏ tím vàng, lập lòe vui mắt của các Shop Online và Restaurant mi-ni, thi thoảng lại có một bà “người quê” quang gánh ngồi bán những thức quà quê, miệng nhai trầu xởi lởi, hay vài ông vá xe đạp thời gian rỗi gò người trên bàn cờ tướng, đối thủ đôi khi là những chú sinh viên trẻ măng…

Phố hẹp không tán cây cao, nhưng chỉ một vài cây hoàng lan, si xanh rủ rễ, hay khóm hoa giấy rụt rè bên khung cửa, ngõ phố lộ nếp gạch rêu phong, là đã góp phần làm đượm cái hồn vía phố trong nay có xưa. Những người, cảnh vật ấy, thức quà đầy hương vị miền quê ấy, đương được cuốn theo dòng chảy sinh hoạt trẻ trung của một quãng “phố sinh viên” rất riêng của Vinh.

Cũng không đường phố nào của Vinh lại có 2 “lớp” đánh số nhà như đường Võ Thị Sáu. Nghĩa là khi chưa gắn biển nối dài đoạn cắt lệch từ đường Nguyễn Huy Oánh chạy vào giao với đường Bạch Liêu, thì đoạn này được người ta đánh số riêng với phố không biển tên gọi, mà cứ gọi miệng là đường khối bao nhiêu đấy, tùy mặt phố dân cư thuộc về khối phố nào được đánh theo thứ tự con số. Thế nên, bây giờ đường có 2 lần số nhà khoảng từ 1 – 10. “Lớp” đánh số nhà thứ hai bắt đầu từ đường Nguyễn Huy Oánh chạy trở ra vốn thuộc phường Trường Thi.

Tính từ đây cho đến ngã tư đèn đỏ cắt đường An Dương Vương, phố là một quãng sống động riêng với chợ Trường Thi bên mặt Đông và nhà dân phía mặt Tây được xây dựng khang trang, mở nhiều đại lý hàng hóa lớn. Có thể nói đây là quãng phố “hứa hẹn” nhất của đường Võ Thị Sáu và còn cơ hội cho các nhà kiến thiết đô thị vì phía mặt Đông đang còn không gian mở của nhiều quy hoạch chưa được xây dựng hoặc xây dựng đơn giản có thể sửa đổi dễ dàng, để nghĩ đến một quy hoạch bổ trợ cho quãng “phố sinh viên” độc đáo phía trong.

Nhưng lạ nhất, là quãng từ ngã tư đèn đỏ cắt nhau với đường An Dương Vương cho hết tuyến nơi giao đường Phan Đăng Lưu; là cung trầm mặt phố bốn mùa. Đi trên phố cứ ngỡ như đang lạc ở một đô thị cao nguyên lãng mạn nào đó. Đường rộng rãi, phẳng phiu, nhưng đêm ngày đều ít người lại qua; mùa hạ nắng cứ hút dội gió Lào, mùa đông hút dài ngọn bấc, và mùa thu bên vỉa hè thường thảm dày vàng lá rụng, xuân về hai bên đường hàng cây hiếm khi được chặt tỉa lại phơt phớt lộc nõn vẻ hoang sơ.

Những cảm giác ấy có thể do đầu đường không có sầm uất phố xá mà chủ yếu kéo dài hai bên là bờ tường của Nhà máy bia Vinh và trụ sở Khu đường bộ 4; có thể cư dân thưa thớt chủ yếu từ lớp công chức trung, trẻ tuổi, vợ chồng – con cái làm việc, học hành vắng bận suốt ngày vắt qua đến nửa đêm. Nhà cửa dân cư quãng này xây gần như theo kiểu cũ, có nhà đã cải tạo mặt tiền theo lối mới thì vẫn cứ lộ vẻ khép kín khiêm cung. Cả quãng phố dài ấy chỉ có nhõn một hàng bán gạo mắm, chổi tre, chổi đót.

Năm trước, còn có cái quán nhỏ trổ bờ tường phía mặt Tây của một ông họa sỹ già về hưu, bàn ghế mộc xiêu vẹo bán kẹo trẻ con và rượu trắng nhắm với cá khô, dưa chua, chiều chiều tụ tập thường là một ông cựu đặc công rừng Sác, một ông kiến trúc sư và một nhà thầu khoán hết việc làm, vài tay phóng viên mới vào nghề; chuyện đông tây, kim cổ, nhân tình thế thái cứ rủ rỉ mà thành nghiện, chiều nào cũng đố có vắng “mặt” nào! Một ngày ông đặc công rừng Sác tái phát vết thương chiến trận, đổ bệnh rồi “ra đi”, liền đó ông kiến trúc sư đắm vào đam mê đồ cổ… cứ thế đám này rã dần, ông họa sỹ già cũng đóng quán. Phố như hẫng đi một phần.

Phố có quãng thế, nhưng không buồn; mà qua lại phố luôn là một trải nghiệm thú vị và như đã nói, tuyến phố Võ Thị Sáu nếu được chăm chút có dụng ý, thì tương lai sẽ là một trong những tuyến phố hấp dẫn khách xa bởi hiển hiện nét đời sống thị dân giao thoa liên tục một cách tinh tế, thú vị của đô thị Vinh. Chúng tôi nghĩ, đó sẽ là một con phố lớn dần lên bao nhiêu thì lại sâu rộng thêm nét văn hóa phố thị Việt bấy nhiêu, không như nhiều người lo ngại khi phố cứ ngày một mọc lên nhiều Shop Online thời trang chẳng hạn…

Bài, ảnh: Đình Sâm

Mới nhất

x
Đường võ Thị Sáu: Giữ nét xưa trong phố nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO