DVB-T2, tiêu chuẩn lựa chọn cho số hóa truyền hình mặt đất tại Việt Nam

11/08/2014 09:17

(Baonghean.vn) - Theo lộ trình số hóa truyền hình của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ sau năm 2020 truyền hình phát sóng bằng tín hiệu tương tự sẽ hoàn toàn dừng phát sóng. Tuy nhiên, đến nay, không nhiều người dân biết thông tin này và cũng không hiểu tại sao lại phải dừng phát sóng truyền hình tương tự và số hóa truyền hình…

(Baonghean.vn) - Theo lộ trình số hóa truyền hình của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ sau năm 2020 truyền hình phát sóng bằng tín hiệu tương tự sẽ hoàn toàn dừng phát sóng. Tuy nhiên, đến nay, không nhiều người dân biết thông tin này và cũng không hiểu tại sao lại phải dừng phát sóng truyền hình tương tự và số hóa truyền hình…

Ngày 27/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2451/QĐ-TTg về “Phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”. Mục tiêu của Quyết định là: Chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả.Từng bước mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao. Hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn lực xã hội.Tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước. hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp.

Theo đề án, Việt Nam sẽ thực hiện số hóa song song với ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất. Kế hoạch chia làm 4 giai đoạn, trong đó Nghệ An sẽ được thực hiện Giai đoạn 3 cùng với 18 tỉnh, thành khác, thời hạn cuối cùng ngày 31/12/2018. Cuối cùng, giai đoạn 4 sẽ tiến hành với các tỉnh còn lại thuộc vùng sâu, vùng xa như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên... với hạn chót là ngày 31/12/2020.

Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất là đề án phù hợp với xu thế phát triển của truyền hình thế giới, về lâu dài sẽ mang lại lợi ích cho Nhà nước và người sử dụng. Với mục tiêu đến 31/12/2020 đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau. Chất lượng âm thanh, hình ảnh được cải thiện rõ rệt, tiết kiệm băng thông và tăng hiệu quả đầu tư hệ thống truyền dẫn, phát sóng là lợi ích nổi bật của số hóa truyền dẫn, phát sóng tuyền hình mặt đất. Người xem truyền hình số mặt đất thay cho tín hiệu truyền hình tương tự sẽ xem được rất nhiều kênh truyền hình với chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt hơn, số lượng kênh tăng thêm. Tín hiệu truyền hình số sẽ không còn hiện tượng nhiễu như xem tín hiệu truyền hình tương tự.

Người xem có thể được xem truyền hình có độ phân giải cao, siêu cao, thậm chí có thể xem truyền hình 3 chiều, xem truyền hình trên các thiết bị di động. Ngoài ra, thế mạnh của truyền hình số mặt đất là hiệu quả sử dụng tần số vô tuyến điện do sử dụng phổ tần số ít hơn so với truyền hình tương tự. Với truyền hình tương tự, chỉ có thể truyền tải một kênh chương trình truyền hình trên một kênh tần số 8 MHz, thì với kỹ thuật số tiêu chuẩn DVB-T2, (Digital Video Broadcasting – Terrestrial- tiêu chuẩn được Việt Nam lựa chọn) cho phép truyền tải khoảng 20 chương trình truyền hình bình thường.

Với ưu thế về sử dụng băng tần, phần “dôi dư” này có thể dành để phát triển các dịch vụ thông tin di động băng rộng (4G) và các dịch vụ thông tin vô tuyến khác. Nguồn kinh phí thu được do đấu giá các băng tần dôi dư này có thể được đầu tư trở lại để thúc đẩy quá trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Mặt khác, do có thể truyền tải được nhiều kênh chương trình trên một kênh tần số, nên thay vì phải đầu tư nhiều máy phát, chỉ cần đầu tư một máy phát số có thể phát được tất cả các chương trình này dẫn đến tiết kiệm được kinh phí đầu tư thiết bị, nhân công vận hành, tiền điện, nhà trạm…

Thực trạng: Theo tính toán hiện nay, ở Việt Nam có hơn 12 triệu hộ gia đình sử dụng thiết bị xem truyền hình bằng cách thu sóng thông qua ăngten dàn, khoảng 5 triệu hộ có hợp đồng thuê bao truyền hình trả tiền (cáp hoặc số vệ tinh) và gần bằng số đó thiết bị thu mặt đất không phù hợp chuẩn mới. Đối với những hộ đang sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền không cần phải thay đổi thiết bị nếu không phát sinh nhu cầu khác. Với số còn lại, việc chuyển đổi thiết bị và công nghệ là cần thiết, tuy nhiên mức chuyển ở mức độ nào thì phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của họ trong tương lai.

Theo đề án, kể từ ngày 1/4/2014, các loại TV sử dụng công nghệ màn hình LCD, LED… và các công nghệ màn hình tiếp theo có kích thước màn hình trên 32 inches, được sản xuất ở trong nước cũng như nhập khẩu vào Việt Nam đều phải tích hợp chức năng thu tín hiệu truyền hình số mặt đất theo tiêu chuẩn DVB-T2 phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và một năm sau, từ ngày 1/4/2015, quy định nói trên sẽ áp dụng với các loại TV có kích thước màn hình từ 32 inches trở xuống. Tuy nhiên, thực tế hiện nay không phải ai cũng tự giải đáp được các câu hỏi có liên quan đến số hóa truyền hình mặt đất như: Vì sao cần phải số hóa? Tại sao phải mua máy thu hình mới khi chiếc TV trong nhà vẫn đang xem tốt? Vấn đề là số hóa truyền hình mặt đất có ảnh hưởng cụ thể như thế nào đối với người sử dụng ở Việt Nam? Các hộ gia đình có nhất thiết phải thay đổi thiết bị thu khi họ đang sử dụng hay sự thay đổi chỉ cần thiết với những nhóm nhất định dựa trên nhu cầu sử dụng cụ thể? Tại sao nên mua TV có tích hợp chức năng thu tín hiệu truyền hình số mặt đất theo chuẩn mới ngay từ bây giờ? Việc phải chi ra một khoản tiền tăng thêm thế nào?...

Thực tế là không phải tất cả các thiết bị thu đều phù hợp với quy định mới. Nếu người tiêu dùng ở các thành phố thuộc nhóm 1, như đã nêu trên, mua loại TV không theo chuẩn DVB-T2 thì nhiều khả năng họ sẽ phải mua thêm đầu thu kỹ thuật số hoặc chọn thuê bao truyền hình cáp nếu muốn xem được các chương trình truyền hình kể từ đầu năm 2016 dù nhu cầu chỉ là xem các kênh truyền hình quảng bá mà thôi. Những người đang sử dụng loại TV không tích hợp DVB-T2 có thể mua thêm bộ đầu thu để tiếp sóng thay vì mua TV mới. Các hộ gia đình có TV tích hợp theo chuẩn mới có thể không cần mua bộ giải mã nếu nhu cầu chỉ là xem các kênh truyền hình mà các đài phát không khóa mã nhằm phục vụ yêu cầu tuyên truyền.

Qua tìm hiểu, đến nay không phải ai cũng hiểu rõ quy định trên, đặc biệt là quy định đó có ảnh hưởng trực tiếp tới mình như thế nào. Đến giữa tháng 6/2014, tại các siêu thị điện máy ở Nghệ An, khi hỏi một số khách hàng khi mua TV cho gia đình sử dụng, phần đông đều chỉ quan tâm tới hãng sản xuất, kích thước và độ phân giải màn hình…. mà không biết, hoặc không quan tâm đến việc các thiết bị thu phải tích hợp tiêu chuẩn DVB-T2 sau ngày 1/4/2014 phải trên các thiết bị lớn hơn 32 inches.

Biểu trung số hóa truyền hình được dán vào các mẫu TV có tích hợp đầu thu DVB-T2 từ 1/5/2014

Cuộc cách mạng trong ngành truyền hình: Đề án số hóa truyền hình Việt Nam thống nhất xác định việc áp dụng tiêu chuẩn truyền hình số DVB-T2 sẽ đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ và đẩy nhanh quá trình số hóa truyền hình mặt đất tại Việt Nam.

Theo lộ trình, khi các nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất khu vực được thành lập và tham gia vào thị trường truyền dẫn phát sóng, người dân sẽ còn được thu xem thêm nhiều kênh truyền hình. Khi đó, người dân ở một tỉnh không chỉ thu xem được kênh truyền hình của riêng tỉnh đấy mà còn có thể xem được các kênh truyền hình của các tỉnh khác trong cùng khu vực. Một yêu cầu đặt ra trong hành trình thực hiện đề án là không làm gián đoạn khả năng theo dõi đủ các kênh truyền hình quảng bá mà các đài truyền hình ở Việt Nam đang cung cấp cho người xem, đặc biệt là sau khi dừng phát sóng hệ tương tự. Điều mà người dùng cần biết là khi lộ trình triển khai thực hiện đề án được hoàn thành đối với từng khu vực được quy định cụ thể và kết thúc toàn bộ vào năm 2020.

Phan Nguyên Hào - Sở TT&TT Nghệ An

Mới nhất

x
DVB-T2, tiêu chuẩn lựa chọn cho số hóa truyền hình mặt đất tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO