"Em ơi có bao nhiêu sáu mươi năm cuộc đời?"
Cuộc đời như nước chảy chân cầu. Hôm qua ta bé dại, hôm nay ta lớn khôn. Hôm nay ta trẻ trung, ngày mai ta già cỗi. Bây giờ ta là ta, mai sau ta là cát bụi. Mấy mươi năm cuộc đời tưởng là dài, nhưng hoá ra lại vô cùng ngắn ngủi, như câu chuyện cổ tích bà kể từng một thời trải dài tuổi thơ tôi, nay lớn lên mới thấy chỉ như một giấc mộng đêm hè vụt tan khi tỉnh giấc.
(Baonghean) - Cuộc đời như nước chảy chân cầu. Hôm qua ta bé dại, hôm nay ta lớn khôn. Hôm nay ta trẻ trung, ngày mai ta già cỗi. Bây giờ ta là ta, mai sau ta là cát bụi. Mấy mươi năm cuộc đời tưởng là dài, nhưng hoá ra lại vô cùng ngắn ngủi, như câu chuyện cổ tích bà kể từng một thời trải dài tuổi thơ tôi, nay lớn lên mới thấy chỉ như một giấc mộng đêm hè vụt tan khi tỉnh giấc.
Tôi về quê, theo ông bà lên núi thắp hương cho các cụ trong khu mộ của dòng họ. Trong làn khói hương nghi ngút cay nồng, bà tôi tay run run chỉ về phía ô đất trống trong khu mộ, nói nhẹ tựa lông hồng: "Mai sau ông bà mất đi, chúng mày nhớ chôn ông bà ởđấy". Bất chợt tôi rùng mình nhận ra cái sự ngắn ngủi, vô thường của một đời người, và rằng ranh giới giữa sự sống cái chết vốn dĩ luôn hiển hiện rõ ràng ở ngay trước mắt ta thôi, chứ cũng chẳng lấy gì làm xa vời. Một con chim gì cứ cất lên những tiếng bi ai ở lưng chừng trời, tựa hồ nhưđang điểm những khắc thời gian của một kiếp người dang dở, nghe giục giã, hối thúc như hồi chuông cuối của bài nguyện cầu tiễn đưa, nghe vừa thê lương vừa lạnh lùng khiến kẻđang sống nhìn những nấm mồ xanh, thấy một nỗi sợ vô hình len lỏi trong tim.
Lượng trời vốn dĩđã chật hẹp với nhân gian như thế, đong đếm khắc khoải mà làm gì? Mãi đến bây giờ câu chuyện những vị vua Tàu tìm trăm nghìn phương thuốc trường sinh bất tử, cải lão hoàn đồng vẫn ám ảnh tâm trí tôi về niềm khao khát vô vọng muôn thưở của loài người được đánh bại vòng quay số phận, vượt lên trên sinh, lão, bệnh, tửđể tồn tại vĩnh hằng với thời gian. Cái sự cố chấp của con người là thế, đời đời không thay đổi: thời gian, tuổi trẻ, sức khoẻ, tiền tài bao nhiêu cũng không đủ, vì thế nên con người cứ luôn thấy cuộc đời chỉ toàn thống khổ và bất công, đi hết một kiếp người mới giật mình nuối tiếc. Liệu có đáng không?
Hồi còn đi học, tôi được nghe một câu chuyện ngụ ngôn nước ngoài kể về một con ếch muốn to bằng con bò, cứ phồng má, hớp hơi cho bụng phình lên, nó cố mãi, cố mãi mà vẫn không sao bằng được con bò, cuối cùng bụng nó vỡ tung và con ếch biến thành muôn nghìn mảnh vụn li ti bay đi tứ phía. Chúng ta ơi, những con ếch nhỏơi, sao cứ mãi đeo đuổi những thứ hão huyền ở tận đâu đâu mà quên mất ta là ai, ta đang ởđâu, ta có thể làm gì và ta cần gì? Vì cuộc sống mải miết trôi đi không chờđợi nên có những lúc ta phải biết chững lại bên đời, học cách hài lòng với những gì mình đang có, thay vì nuối tiếc những thứđã qua đi và không bao giờ trở lại hoặc những thứ có thểđến hay không đến, chuyện đó có ai hay? Sao không làm một con ếch to giữa một bầy ếch, nghĩa là sống hướng đến những mục tiêu thiết thực, có nghĩa và khả thi, thay vì ham hố phô trương, đua đòi với con bò ở tận đâu đâu, rốt cuộc chỉ thiệt thân...
Vẩn vơ nghĩ về kiếp người chịu tạo hoá xoay vần, bất chợt tôi nhớ ra mình cũng đã đi qua mấy mươi năm cuộc đời, tự vấn lòng mình cuộc đời thế là ngắn hay dài, tháng ngày còn lại nhiều hay ít? E rằng thước đo ấy không do trời đất định đoạt mà ở trong lòng người, tùy xem ta biết yêu, biết quý cuộc sống này bao nhiêu. Để khi nhắm mắt lìa đời thấy ta sống thế là vừa đủđẹp, vừa đủ tốt. Để lòng ta không hổ thẹn, không tiếc nuối vì một phút giây sống hoài, sống phí ta đã đánh rơi.
Chạng vạng chiều nay, ngoài đồng râm ran tiếng ếch kêu. Kêu gì kêu mãi, ếch ơi?
Hải Triều (Email từ Paris)