EVN đòi tăng giá điện theo tỷ giá: "Mượn gió bẻ măng"?
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, đòi tăng giá điện ngay theo tỷ giá là hành vi của người độc quyền, không phải hành vi của người cạnh tranh.
Dư luận đang tỏ ra bức xúc với việc Tập đoàn lớn là Điện lực (EVN), Công nghiệp Than-Khoáng sản (TKV) đang kêu lỗ hàng trăm tỷ đồng do điều chỉnh tỷ giá USD/VND và có đề nghị tính khoản lỗ này vào giá thành điện, tăng giá điện. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khẳng định: Từ góc độ kinh tế, nếu doanh nghiệp đòi tăng giá điện ngay theo tỷ giá tăng là hành vi của người độc quyền, không phải hành vi của người cạnh tranh.
Chỉ có thể là hành vi của độc quyền
TS Nguyễn Đức Thành
Theo phân tích của TS Thành, việc tăng tỷ giá USD/VND thì tất cả các doanh nghiệp, (không riêng gì doanh nghiệp nhà nước) đều không thể ngay lập tức tăng giá sản phẩm, dù cho hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều ít nhiều có nguồn đầu vào cho sản xuất là từ nhập khẩu. Doanh nghiệp không dám tăng giá ngay theo tỷ giá tăng vì bản thân các doanh nghiệp tư nhân (không phải doanh nghiệp nhà nước) phải cạnh tranh rất khốc liệt. Họ phải nhìn khách hàng, luôn dò xét đối thủ của mình trong thị trường để thận trọng với giá cả sản phẩm, nếu không, sẽ rất dễ mất khách.
Còn những doanh nghiệp nào muốn tăng giá sản phẩm ngay theo tỷ giá thì “chỉ có thể là doanh nghiệp có tính độc quyền cao. Vì độc quyền nên không phải cạnh tranh với ai, không phải lo gì về chuyện đối thủ của mình ra sao. Với doanh nghiệp nhà nước có tính độc quyền, chỉ vì muốn tăng giá là phải xin phép Nhà nước, nếu không thì có lẽ họ đã tăng giá sản phẩm luôn theo tỷ giá rồi”- TS Thành nhấn mạnh.
Quan sát hành vi doanh nghiệp từ góc độ của một nhà kinh tế, TS Thành cho rằng, đòi tăng giá sản phẩm ngay theo tỷ giá tăng là hành vi của người độc quyền, không phải hành vi của người cạnh tranh. Nếu cạnh tranh, dù không ai kiểm soát, doanh nghiệp có thể muốn tăng giá bao nhiêu thì tăng, nhưng họ cũng không dám tăng vì sợ đối thủ cạnh tranh, sợ khách hàng bỏ mình để sang với đối thủ khác.
Cho nên, động thái của các “ông lớn” ngành điện, than như hiện tại muốn tăng giá theo tỷ giá, theo TS Thành, hơn ai hết, họ hiểu rõ “cuộc chơi”, hiểu vai trò có tính độc quyền của mình rồi nên “mượn gió bẻ măng” nhân tăng tỷ giá để: Một là, tăng giá sản phẩm đúng như giá mà họ bị buộc phải tăng. Hai là, mượn cớ để tăng giá sản phẩm.
Cơ sở nào để có thể tăng giá?
Trả lời câu hỏi này, TS Thành phân tích: Về nguyên tắc, hàng hóa được làm ra từ nhiều nguồn đầu vào khác nhau. Nếu những nguồn đầu vào từ nhập khẩu, trong tình huống này là tính bằng USD, thì giá thành sản phẩm có thể thay đổi theo biến động tỷ giá, tất nhiên là nếu các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào vẫn được cam kết theo tỷ giá thả nổi. Còn nếu phần hợp đồng đã thanh toán cách đây 1-2 năm và đã quy đổi ra USD rồi, thì năm nay không bị ảnh hưởng nếu USD/VND tăng. Với những khoản nợ chưa thanh toán mà có cam kết thả nổi theo USD, khi tỷ giá USD/VND tăng, phải thanh toán theo tỷ giá mới là đúng.
Tăng theo tỷ giá, giá điện không thể tăng quá 5% (Ảnh minh họa: KT)
Từ cơ sở này, TS Thành cho chỉ rõ: Sau khi tỷ giá tăng 5% từ đầu năm đến nay, nếu doanh nghiệp muốn tăng giá sản phẩm, mức tăng hợp lý cũng chỉ trong giới hạn tăng của tỷ giá và trong khoản chi phí thanh toán thực bằng USD, không phải tăng cả 100% chi phí cấu thành giá sản phẩm theo tỷ giá.
Ví dụ, nếu ngành điện (EVN) có chi phí nhập khẩu đầu vào chiếm 40% giá thành sản phẩm, thì khi tỷ giá tăng 5%, giá thành sản phẩm chỉ được tăng tối đa 5% của 40% chi phí liên quan đến tỷ giá, tức là tương đương tăng 2% giá sản phẩm.
Hay ngành than (TKV), giả sử không nhập khẩu gì, chỉ phụ thuộc vào điện, giá thành điện trong than chỉ khoảng 30%. Khi đó, tăng giá điện 2%, giá thành than chỉ tăng 0,6%. Nếu ngành than đòi tăng giá trên 5% tới 10%, là không đúng, đặc biệt giá than không thể đòi tăng giá bằng mức điện tăng.
Cho dù ngành than nói rằng vì nhập khẩu máy móc thiết bị nên khi tăng tỷ giá thì phải tăng giá thành sản phẩm theo, cũng không hợp lý. Vì thiết bị này khấu hao phải chia ra hàng chục năm. Ví dụ, nợ 1 tỷ USD tiền mua thiết bị, trả dần mỗi năm 100 triệu USD. Khi đó, tỷ giá thay đổi năm nay, trả nợ theo USD tăng cũng chỉ của năm nay (100 triệu USD), chứ không phải tăng theo cả món nợ 1 tỷ USD.
Từ đó, có thể thấy, nếu doanh nghiệp muốn tăng giá sản phẩm theo tỷ giá đã tăng 5%, thì mức tăng giá sản phẩm tối đa cũng không được quá 5%. Vì không doanh nghiệp Việt Nam nào phải chi phí tới 100% đầu vào sản xuất từ nhập khẩu thanh toán bằng USD.
Việc EVN muốn tăng giá điện để bù lỗ vì tỷ giá, TS Thành thẳng thắn: EVN muốn tăng giá điện theo tỷ giá, trước hết hãy công khai, minh bạch nguồn chi phí đầu vào sản xuất liên quan đến tỷ giá. Khi đó, chuyên gia kinh tế và người dân dễ dàng tính được ngay về nguyên tắc EVN thể được tăng giá điện bao nhiêu phần trăm.
“Nếu EVN đề xuất tỷ lệ tăng giá điện vượt mức nguyên tắc kinh tế cho phép, tức là anh cố tình dựa cớ tăng tỷ giá để tăng giá sản phẩm nhằm bù cho những khoản lỗ khác của mình, không phải lỗ vì tỷ giá”- TS Thành nhấn mạnh.
Cần hội đồng thẩm định giá minh bạch, khách quan, khoa học
Những phân tích nêu trên, TS Thành cho hay, mới chỉ là nguyên lý. Còn thực tế, khi doanh nghiệp muốn tăng giá sản phẩm theo tỷ giá, họ sẽ đưa ra nhiều lý do giải trình. Nhưng “cám dỗ của họ trong việc tăng giá sản phẩm nhiều hơn mức cần tăng, để bù thâm hụt do tỷ giá tăng gây ra, là rất có thể. Vì ngành này không minh bạch, họ có thể thao túng thông tin. Hơn nữa, họ ở vị thế có tính độc quyền nên không sợ tăng nhiều hay ít thì người tiêu dùng và đối thủ cạnh tranh của họ sẽ ra sao, vì thực tế họ không phải đối mặt với sức ép này”.
Trong khi đó, nếu là doanh nghiệp không phải có tính độc quyền, họ phải cạnh tranh trên thị trường, cho dù áp lực tỷ giá khiến lẽ ra họ phải tăng giá sản phẩm 2%, nhưng cũng chỉ dám tăng 1%. Họ thà chấp nhận chịu giảm lợi nhuận, còn hơn mất khách hàng. Điều này là do họ bị kiểm soát bởi chính sự cạnh tranh trên thị trường nên không thể tự tác như doanh nghiệp có tính độc quyền.
Hơn nữa, một doanh nghiệp có trách nhiệm với chính mình, chưa nói trách nhiệm với xã hội, phải có dự phòng rủi ro. Khi tỷ giá thay đổi, khoản lỗ trước hết phải lấy từ khoản dự phòng đó để bù. Còn nếu đòi tăng giá sản phẩm ngay theo tỷ giá chứng tỏ doanh nghiệp không có gì dự phòng rủi ro.
Cho nên, để tránh tình trạng tăng giá sản phẩm quá mức dựa cớ bù lỗ vì tỷ giá, theo TS Thành, mặc dù rất cần minh bạch, công khai thông tin cơ cấu giá thành, nhưng vẫn chưa đủ. Nếu doanh nghiệp báo lỗ, cần phải được xác định rõ nguyên nhân vì sao lỗ. Đó là vấn đề về quản trị doanh nghiệp và hiệu quả kinh doanh.
Về lâu dài, Chính phủ phải tạo ra môi trường cạnh tranh thực sự để các doanh nghiệp sẽ tự cạnh tranh với nhau và giá cả do thị trường tự cân bằng. Còn trước mắt, “để ngăn việc doanh nghiệp dựa tăng tỷ giá để tăng giá điện quá mức, cần có tiếng nói trung gian độc lập. Nếu không, EVN trình lên Bộ Công Thương, hội đồng thẩm định của Bộ này nếu không khách quan, khoa học, minh bạch thì sẽ rất dễ tán thành phương án của EVN, kể cả tăng không hợp lý./.
Theo VOV.VN