Festival Huế 2014: Nơi tụ hội của các thành phố cố đô

Chỉ còn ít ngày nữa, Festival Huế 2014 với chủ đề "Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển" đến giờ khai cuộc. Diễn ra từ ngày 12/4 đến ngày 20/4, Festival là nơi tụ hội của các thành phố cố đô, các vùng văn hoá tiêu biểu của Việt Nam và thế giới.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 68 đoàn và nhóm nghệ thuật của 38 quốc gia ở cả 5 châu lục đăng ký tham gia Festival Huế 2014. Festival Huế 2014 còn là một hoạt động văn hoá đặc biệt trong khuôn khổ diễn đàn giao lưu văn hoá Đông Á - Mỹ La tinh do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức. 
Trong thời gian diễn ra Festival Huế 2014 cũng diễn ra hội nghị Bộ trưởng phụ trách Văn hoá và nghệ thuật các nước ASEAN +3 tại Huế theo đề nghị của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam.
Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2014 cho biết: Đây là Festival lần thứ 8 được tổ chức tại Thừa Thiên - Huế. Đáng mừng là số đoàn và quốc gia tham gia ngày càng đông hơn. Qua đó chứng tỏ, Festival Huế ngày càng có sức hấp dẫn, thu hút bạn bè gần xa; là nơi văn hoá Huế, văn hoá Việt Nam cùng với bạn bè năm châu "hội tụ và toả sáng", đúng như chủ đề đã đặt ra "Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển". Lễ hội cũng góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 2014, Festival Huế đồng hành cùng với các sự kiện: kỷ niệm 115 năm chợ Đông Ba, 115 năm cầu Trường Tiền và 120 năm Bệnh viện Trung ương Huế - bệnh viện “tây y” đầu tiên của Việt Nam. Do vậy, đêm bế mạc sẽ là sự kết hợp đầy đủ không gian 3 địa điểm này; trong đó, cầu Tràng Tiền là sân khấu chính với nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse. Độc đáo hơn, trên cầu Trường Tiền có triển lãm ảnh nghệ thuật 54 dân tộc Việt Nam của nghệ sĩ Sebastienne Laval, là nét mới tại Festival Huế 2014.
Cũng tại Festival Huế 2014, lần đầu tiên tỉnh tổ chức bắn pháo hoa tầm cao 15 phút ở lễ khai mạc và bế mạc. Festival Huế 2014 sẽ mở rộng không gian diễn xướng, không gian lễ hội, với mục tiêu là đưa Festival đến với cộng đồng. Tính cộng đồng và tính nhân văn được chú trọng là điểm nhấn bao quát của Festival Huế lần thứ 8. Lễ khai mạc được tổ chức ở quảng trường Ngọ Môn, xoay sang hướng Kỳ Đài, với những tiết tấu, vũ đạo hiện đại sẽ được thể hiện trên nền những loại hình di sản văn hóa đã được thế giới công nhận nhưng vẫn mang tính văn hóa truyền thống, di sản, nét văn hóa của Huế.
Cộng hoà Pháp tiếp tục là đối tác chính của Festival Huế 2014, với sự tham gia của Vùng Poitou - Charentes trong nỗ lực tăng cường phối hợp thực hiện các dự án hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch do bà Ségolène Royal - Chủ tịch Hội đồng vùng Poitou - Charentes (Pháp) cam kết. Vùng Poitou - Charentes đại diện cho nước Pháp luôn là đối tác chính của Festival Huế ngay từ lần đầu tiên năm 2000 đến Festival Huế 2014. Ngoài ra, vùng Poitou - Charentes còn hỗ trợ Thừa Thiên - Huế trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các lĩnh vực du lịch, nâng cao giá trị di sản, quản lý văn hóa và quản lý hợp tác quốc tế; hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái, nhất là nâng cấp loại hình nhà ở truyền thống Huế để phát triển lưu trú tại nhà dân...
Các đoàn nghệ thuật quốc tế mang đến Festival Huế 2014 nhiều loại hình nghệ thuật; trong đó, lần đầu có sự góp mặt của nhiều đoàn nghệ thuật đẳng cấp ở các Festival thế giới như ban nhạc Sururu Na Roda (Brazil), đoàn nghệ thuật trống Bati-holic (Nhật Bản), đoàn múa dân gian Asayel (Palestine)... Tại Festival Huế 2014 sẽ có sự giao thoa giữa Nhã nhạc Nhật Bản với Nhã nhạc Huế (âm nhạc cung đình Việt Nam) qua ca khúc "Rinyu hakkyoku" sẽ được giới thiệu bởi đoàn Nhã nhạc Nantogakuso, thông qua Nhà hát kịch Noh Yokohama (Nhật Bản). 
Nhã nhạc Nantogakuso là loại hình âm nhạc truyền thống, được kế thừa trong lịch sử cùng với các nghi lễ trong đền thờ Thần Đạo hoặc trong chùa chiền ở Nhật Bản. Gần đây, đoàn Nhã nhạc Nantogakuso đã có nhiều chuyến lưu diễn và mở rộng hoạt động âm nhạc ra thế giới. Năm 2012, Trưởng đoàn Nhã nhạc Nantogakuso - nghệ sĩ Kasagi Kanichi đã nhận được "Giải thưởng của viện nghệ thuật Nhật Bản"- một giải thưởng cao quý trong giới nghệ thuật Nhật Bản.
Với nghệ danh "Sứ giả Long", Benjamin Schoos - một nghệ sĩ tài năng, biểu tượng âm nhạc Bỉ đến Việt Nam tham dự Festival Huế 2014. Là ca sĩ chính của ban nhạc Miam Monster Miam, đồng thời nhà sản xuất, nhạc sĩ, nghệ sĩ chơi nhiều loại nhạc cụ, Benjamin Schoos đã cho ra đời hàng loạt sáng tác tươi mới, tràn đầy nhựa sống, chở đầy giai điệu và chất pop lãng mạn Pháp. 
Benjamin cũng đã tạo ra một nhịp điệu pop FM vô cùng phong phú, một bức tranh âm thanh đa sắc trên nền giai điệu du dương, hào nhoáng, bay bổng cùng dòng nhạc “soft rock” dựa trên các bản nhạc phim hay nhất của nền điện ảnh Pháp. Đoàn múa dân gian Asayel - Palestine, với những tiết mục khắc họa lại đầy đủ đời sống sinh hoạt của người dân Palestine, đoàn múa dân gian Asayel sẽ giúp khán giả khám phá đất nước Palestine ngay tại các sân khấu của Festival Huế 2014...
Trong khuôn khổ Festival Huế 2014, còn diễn ra các hoạt động, chương trình nghệ thuật và lễ hội đặc sắc như: Lễ hội Cung đình, Lễ hội dân gian; Lễ tế Xã Tắc, Lễ tế Giao; Đêm Hoàng cung; Lễ hội Áo dài; Quảng diễn đường phố; các chương trình “Đêm Phương đông”, “Âm sắc Việt”, “Âm nhạc Trịnh Công Sơn”; Nhã nhạc, múa hát Cung đình, ca Huế, dân ca Thừa Thiên - Huế, các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ, trang phục truyền thống các dân tộc ở Thừa Thiên Huế; các hoạt động Trưng bày triển lãm, Hội thảo, Hội chợ thương mại quốc tế, Trao đổi hợp tác xúc tiến du lịch…
Mở rộng và thảm nhựa tuyến đường Đống Đa phục vụ Festival Huế 2014. Ảnh: Quốc Việt
Mở rộng và thảm nhựa tuyến đường Đống Đa phục vụ Festival Huế 2014. Ảnh: Quốc Việt
Khung cảnh không gian cổ kính của vực Đại Nội (Hoàng cung), là lợi thế để Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức tổ chức các chương trình văn hoá hàng đêm như triển lãm tranh và nghệ thuật sắp đặt chủ đề "Tây Hiên"; triển lãm "Không gian nghệ thuật 3 miền"; "Không gian văn hoá Bát Tràng, không gian Thái Y Dường"; "Trưng bày Ấn tường và Bảo vật Hoàng cung, về ẩm thực cung đình Huế". Các đêm 15 và 19/4 có chương trình "Đêm Hoàng cung", hiện tuor đầu tiên vé đã được bán hết.
Festival Huế 2014 tiếp tục khẳng định thương hiệu với những giá trị đặc trưng của thành phố Festival của Việt Nam. Nếu tại Festival Huế năm 2000, chỉ có 1.000 nghệ sĩ, diễn viên ở bốn quốc gia tham gia, đến năm 2014 sẽ quy tụ các chương trình nghệ thuật chất lượng cao của 68 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đến từ 38 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc năm châu lục với khoảng 1.400 nghệ sĩ, diễn viên tham dự. Trong kỳ Festival Huế lần đầu tiên có khoảng 50 nghìn lượt khách đến Huế thì Festival Huế 2012 đã thu hút hơn hai triệu người tham gia các hoạt động, hơn 180 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có hơn 80 nghìn lượt khách quốc tế.
Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Tiến Dũng cho biết: Dự tính, tại Festival Huế 2014 sẽ có 200.000 lượt du khách đến Huế, một nửa trong số đó là du khách quốc tế. Hiệp hội khách sạn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chuẩn bị sẵn sàng 526 cơ sở lưu trú, với khoảng hơn 10.000 phòng ngủ để phục vụ. 
Có 11 khách sạn lưu trú hạng từ 3 đến 5 sao trên địa bàn đã đăng ký tài trợ gần 1.000 phòng ngủ, với tổng giá trị là 1 tỉ đồng cho Festival Huế 2014. Hiệp hội khách sạn tỉnh đồng hành tích cực với Festival Huế 2014 bằng việc vận động và quản lý chặt chẽ các cơ sở lưu trú, kiên quyết không tăng giá phòng trong thời gian tổ chức Festival Huế 2014, góp phần quan trọng cho thành công của các lễ hội và các sự kiện lớn, làm hài lòng du khách đến Huế.
Tại Trung tâm Festival Huế, số 17, đường Lê Lợi, thành phố Huế đã đưa vào hoạt động Trung tâm Báo chí Festival Huế 2014 phục vụ phóng viên báo chí tác nghiệp đồng thời lắp đặt các đường dây nóng phục vụ cho truyền hình trực tiếp các sự kiện lễ hội, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong suốt thời gian diễn ra Festival. Đây là kết quả hợp tác giữa Tập đoàn Bưu chính Viễn thông và Trung tâm Festival Huế; trong đó VNPT là nhà tài trợ vàng cho Festival Huế trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, với số tiền tài trợ có giá trị 2 tỷ đồng. Hiện có gần 600 phóng viên trong nước và quốc tế đã đăng ký hoạt động tại Festival Huế 2014.
Những ngày này, hơn 350 thanh niên tình nguyện của Tỉnh Đoàn Thừa Thiên - Huế được tập huấn các kỹ năng về lễ tân ngoại giao, văn hóa Huế, được hướng dẫn thông thuộc các địa bàn để sẵn sàng phục vụ các đoàn nghệ thuật, và khách du lịch quốc tế. Thông qua lễ hội, các tình nguyện viên sẽ là những đại sứ văn hóa để chuyển tải những nét văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế trong dịp Festival Huế 2014, đúng như chủ đề của lễ hội đã đặt ra "Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển", Bí thư Tỉnh Đoàn Thừa Thiên - Huế Nguyễn Chí Quang cho biết.
Theo Tintuc

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.