FIFA bị "xoắn" vì để tham nhũng chọc "thủng lưới"!

28/05/2015 15:01

Hôm 27/5, 7 quan chức FIFA đã bị bắt giữ tại Thụy Sĩ theo yêu cầu của các cơ quan chức năng Mỹ sau khi họ bị buộc tội tham nhũng. Số tiền có liên quan được cho là lên đến hơn 150 triệu USD (tương đương 97 triệu bảng Anh).

Chủ tịch FIFA Sepp Blatter tại cuộc họp báo ngày 19/5
Chủ tịch FIFA Sepp Blatter tại cuộc họp báo ngày 19/5

Vài giờ sau đó, các cơ quan chức năng Thụy Sĩ đã tiến hành cuộc điều tra hình sự của riêng nước này về quy trình đấu thầu chuẩn bị cho các kỳ World Cup 2018 và 2022. Cảnh sát Thụy Sĩ đã bất ngờ khám xét trụ sở FIFA tại Zurich và thu thập các bằng chứng điện tử.

Tại sao sự kiện này lại đáng chú ý?

FIFA là cơ quan chịu trách nhiệm điều hành bóng đá thế giới. Trong những năm gần đây cơ quan này đã phải nhận nhiều cáo buộc tham nhũng, đặc biệt là quyết định trao quyền tổ chức World Cup 2022 cho Qatar.

Hồi tháng 12/2014, FIFA đã không công bố điều tra của chính tổ chức này về vấn đề tham nhũng – cho rằng quy trình đấu thầu không có sai sót gì. Tác giả của bản báo cáo này, Michael Garcia, người Mỹ, hiện đã từ chức.

World Cup là một trong những sự kiện thể thao lớn nhất trên thế giới và đem về doanh thu hàng tỷ USD. Các vụ bắt giữ và điều tra này đặt ra nghi ngờ về tính minh bạch và trung thực trong quy trình lựa chọn địa điểm tổ chức 3 giải đấu gần đây nhất.

Hai cuộc điều tra

Những lời buộc tội của Mỹ – trọng tâm là các cáo buộc tham nhũng từ năm 1991 – mang tính nghiêm trọng nhất, vì chúng có thể dẫn tới các án phạt tù. Ngoài 7 quan chức đã bị bắt giữ tại Zurich, các cáo trạng còn được đưa ra đối với 7 người khác nữa.

Vụ án hình sự của Thụy Sĩ vẫn còn trong giai đoạn điều tra nhưng có thể cung cấp những tiết lộ về việc phân bổ các giải đấu World Cup sắp tới.

Đây là lần đầu tiên các cơ quan chức năng có thẩm quyền truy tố điều tra tường tận các vụ đấu thầu. Tuy nhiên, trong tuyên bố của nước này, Thụy Sĩ nói rõ rằng FIFA thực tế là “bên bị hại”. Điều này có nghĩa là họ đang điều tra các cá nhân có khả năng đã lợi dụng quy trình đầu thầu và sử dụng nó nhằm mục đích rửa tiền.

Ai bị buộc tội tham nhũng?

Các nhân vật cấp cao nhất bị bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ là những người môi giới quyền lực trong lĩnh vực bóng đá tại Bắc Mỹ, Mỹ Latinh và khu vực Caribe.

Các lãnh đạo trước đây và đương nhiệm của FIFA bị cáo buộc tham nhũng, gồm: Rafael Esquivel, Nicolas Leoz, Jeffrey Webb, Jack Warrer, Eduardo Li, Eugenio và Jose Maria Marin.
Các lãnh đạo trước đây và đương nhiệm của FIFA bị cáo buộc tham nhũng, gồm: Rafael Esquivel, Nicolas Leoz, Jeffrey Webb, Jack Warrer, Eduardo Li, Eugenio và Jose Maria Marin.

Họ có mối liên hệ với Liên đoàn bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribe (Concacaf), vốn là một phần của FIFA – về bản chất phụ trách bóng đá trong khu vực này. Một trong những vai trò chủ chốt của nó là hỗ trợ truyền hình World Cup và các thỏa thuận tài trợ tại Mỹ.

Jeffrey Webb là người đứng đầu Concacaf và được nhiều người đánh giá là đang chuẩn bị trở thành người kế nhiệm Chủ tịch FIFA Sepp Blatter.

Người tiền nhiệm của Webb là Warner cũng đã bị buộc tội. Webb đã thay thế vị trí của Warner khi ông này buộc phải từ chức sau một cuộc điều tra về gian lận.

Một nhân vật chủ chốt khác là Charles "Chuck" Blazer, đại diện trước đây của bóng đá Mỹ tại FIFA, được cho là đã chỉ điểm cho Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI).

Ông này đã nhận tội và hiện đã trả lại khoản tiền 1,9 triệu USD.

Những người bị bắt giữ khác là các quan chức FIFA đến từ Trung và Nam Á.

Sepp Blatter đã bị bắt chưa?

Chưa. Chủ tịch FIFA kiêm người đàn ông quyền lực nhất trong lĩnh vực bóng đá chưa bị điểm mặt chỉ tên trong những cáo trạng của Mỹ. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng những người bị bắt giữ làm việc trong các bộ phận của FIFA – cơ quan do ông Blatter đứng đầu. Cho tới nay ông vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào.

Mới đây, Blatter phủ nhận các nguồn tin cho rằng ông đang tránh di chuyển tới Mỹ vì lo sợ bị FBI bắt giữ.

Tại sao các quan chức này lại bị bắt?

FBI đã điều tra FIFA trong 3 năm gần đây. Các cuộc điều tra lúc đầu được khơi mào bởi quy trình đấu thầu chuẩn bị cho các kỳ World Cup 2018 tại Nga và 2022 tại Qatar, song sau đó đã được mở rộng nhằm điều tra các thỏa thuận của FIFA trong vòng 20 năm qua.

Cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ chỉ ra rằng các vụ tham nhũng đã được lên kế hoạch tại Mỹ, ngay cả khi sau đó nó diễn ra ở những nơi khác. Việc sử dụng các ngân hàng của Mỹ để chuyển tiền là chìa khóa của cuộc điều tra.

Bao nhiêu tiền dính líu tới vụ việc này?

Người ta cho rằng đó là các khoản tiền khổng lồ.

Cáo trạng của Mỹ tin rằng hơn 150 triệu USD trong vụ tham nhũng này, và con số đó không bao gồm các vụ tham nhũng khác có khả năng xảy ra trên khắp thế giới. Một báo cáo trước đó của FIFA về tham nhũng tại khu vực Caribe đã bị rò rỉ, cho biết các khoản hối lộ trị giá 40.000 USD đã được trao tay cho các quan chức trong những phong bì nhét đầy tiền.

Hầu hết doanh thu FIFA có được là từ World Cup, sự kiện thể thao sinh lợi nhất trên thế giới, vượt qua cả Thế vận hội.

Giải đấu diễn ra năm ngoái khiến nước chủ nhà Brazil phải chi khoản tiền ước tính lên tới 4 tỷ USD, tuy vậy FIFA vẫn thu về lợi nhuận hơn 2 tỷ USD. Các chi phí của 2 kỳ World Cup tới có thể còn vượt xa con số trên: Qatar dự kiến sẽ chi hơn 6 tỷ USD.

Riêng việc đấu thầu giành quyền tổ chức World Cup cũng tốn kém không ít – Hiệp hội bóng đá Anh đã chi 21 triệu bảng Anh cho gói thầu giành quyền tổ chức giải đấu năm 2018 không thành công của nước này.

Liệu World Cup Nga 2018 và Qatar 2022 có bị thay đổi?

Khó có khả năng nhưng không hẳn là không thể xảy ra tại thời điểm này.

Các cáo trạng của Mỹ tập trung vào các tham nhũng trong quá khứ – việc lựa chọn Nam Phi làm nước chủ nhà World Cup 2010 cũng được đề cập – chứ không phải các kỳ World Cup sắp sửa diễn ra.

Các cuộc điều tra của Thụy Sĩ về các giải đấu này tỏ ra hiệu quả hơn, nhưng cần phải có bằng chứng áp đảo để chạy lại quy trình đấu thầu.

Trên thực tế, việc thay đổi World Cup Nga 2018 sẽ gặp nhiều khó khăn. Rất ít quốc gia có sân vận động, cơ sở hạ tầng hay đủ tài chính để tổ chức sự kiện này trong thời gian ngắn như vậy.

Ngay cả hầu hết các sân vận động của Anh cũng cần tu bổ nhiều mới đáp ứng được các tiêu chuẩn mà FIFA đặt ra. Đức là phương án lựa chọn tốt nhất, vì nước này đã từng tổ chức World Cup 2006.

Qatar thậm chí còn dễ bị công kích hơn và đã phải đối mặt với tranh cãi và các cáo buộc tham nhũng từ khi nước này được trao quyền tổ chức World Cup 2022.

Tuy nhiên, vấp phải một vài bê bối tham nhũng, một sự thay đổi chưa từng có tiền lệ là chuyển từ giải đấu mùa hè sang mùa đông và bê bối về cách đối xử với những người lao động di cư làm việc tại các công trường chuẩn bị cho World Cup, thật kỳ quặc nếu nước này bằng cách nào đó sẽ vẫn giữ được giải đấu lừng lẫy nhất nền bóng đá thế giới.

Liệu Sepp Blatter sẽ vẫn giành được chức chủ tịch FIFA trong nhiệm kỳ thứ 5?

Cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 29/5 tới và ông đã được nhiều người mong đợi sẽ giành chiến thắng, nhưng những diễn biến sự việc mới nhất có thể khiến mọi chuyện thay đổi.

Ông Blatter nhận được sự ủng hộ của châu Phi và châu Á – 2 khối bỏ phiếu lớn cần thiết để giành chiến thắng trong vòng bầu cử.

Câu hỏi đặt ra là liệu rằng, trong vòng vài chục giờ đồng hồ tới, mọi người có bị xúi giục quay sang ủng hộ đối thủ duy nhất của ông, Hoàng tử Jordan Ali bin al-Hussein hay không.

Vận động hành lang đầy căng thẳng hiện đang diễn ra trong 209 hiệp hội thành viên. Các quốc gia châu Âu đang khao khát thay đổi vị trí lãnh đạo FIFA, nhưng vẫn phải chờ xem liệu họ có thể thuyết phục phần còn lại của thế giới.

TIN LIÊN QUAN

Thu Giang

(Tổng hợp từ BBC)

Mới nhất
x
FIFA bị "xoắn" vì để tham nhũng chọc "thủng lưới"!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO