G7 họp khẩn về khủng hoảng nợ công tại Eurozone
Trong bối cảnh ngày càng nhiều nước cầu viện đến các gói trợ giúp của cộng đồng quốc tế, các thị trường tài chính đang hết sức lo ngại về nguy cơ bất ổn do cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha, cũng như kết quả cuộc tổng tuyển cử lại ở Hy Lạp với khả năng nước này rời khỏi Eurozone sẽ tiếp tục đẩy thị trường tài chính châu Âu vào tình trạng bi đát.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều nước cầu viện đến các gói trợ giúp của cộng đồng quốc tế, các thị trường tài chính đang hết sức lo ngại về nguy cơ bất ổn do cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha, cũng như kết quả cuộc tổng tuyển cử lại ở Hy Lạp với khả năng nước này rời khỏi Eurozone sẽ tiếp tục đẩy thị trường tài chính châu Âu vào tình trạng bi đát.
Ngày 5/6, bộ trưởng tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) nhóm họp khẩn cấp để thảo luận về cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone. Bộ trưởng Tài chính Canada Jim Flaherty cho rằng các bộ trưởng và thống đốc ngân hàng trung ương của Mỹ, Canada, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp và Italia nên gia tăng sức ép đối với các nước châu Âu để giải quyết tình hình hiện nay.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Phát biểu trước báo giới, ông Jim Flaherty khẳng định sự yếu kém đáng quan tâm nhất là hệ thống ngân hàng thiếu vốn của châu Âu. Cùng với nó là các biện pháp áp dụng chưa đủ mạnh để có thể giải quyết được thực trạng về vốn ngân hàng cũng như chưa xây dựng được "bức tường lửa" để ngăn chặn khủng hoảng.
Trong khi đó, Nga cũng tuyên bố sẵn sàng giúp Liên minh châu Âu giải quyết những khó khăn kinh tế do cuộc khủng hoảng nợ công gây ra.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU vừa diễn ra tại Saint Peterburg, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga rất quan tâm đến cuộc khủng hoảng hiện nay tại Eurozone, bất kỳ sự suy thoái nào tại châu Âu cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế Nga, vì vậy Nga sẵn sàng giúp châu Âu giải quyết vấn đề này./.
Theo (TTXVN) - ĐT