Nghệ An: Làm thế nào sản xuất vụ đông đến đâu, tiêu thụ đến đó?

Thanh Phúc 10/10/2022 14:48

(Baonghean.vn) - Xác định vụ đông là vụ sản xuất quan trọng, các địa phương đã chú trọng nâng cao giá trị kinh tế thông qua liên kết sản xuất. Qua đó, thu hút các doanh nghiệp liên kết với các hộ dân từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vụ đông theo hướng giảm dần các cây trồng truyền thống sang các loại cây trồng có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường...

Sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó

Cây khoai tây trên vùng bãi Trung Phúc Cường vụ đông 2021. Ảnh: Thanh Phúc

Bắt đầu từ vụ đông năm 2021, anh Trần Văn Thắng thuê 19 ha đất bãi bồi ở xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn) để sản xuất khoai tây theo mô hình liên kết với doanh nghiệp là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm ORION và Viện Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Theo đó, anh được doanh nghiệp hỗ trợ một phần tiền giống, cho vay giống, phân bón trả chậm và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá ký cam kết là 7.000 đồng/kg. Kết thúc vụ đông năm 2021, trên diện tích 19 ha, cây khoai tây cho năng suất 15 tấn/ha.

“So với trồng ngô sinh khối hay các loại cây trồng khác thì giá trị kinh tế mà cây khoai tây mang lại cao gấp 2-2,5 lần. Điều quan trọng là sản phẩm làm ra được bao tiêu toàn bộ, thu hoạch đến đâu, doanh nghiệp về thu mua đến đó, trả ngay tiền tươi”, anh Trần Văn Thắng cho biết.

Nhiều năm nay, khoai tây là cây trồng chủ lực của người dân xã Diễn Phong (Diễn Châu). Ảnh: Thanh Phúc

Nhiều năm nay, nông dân xã Diễn Phong (Diễn Châu) tích cực bám đồng sản xuất vụ đông. Thay cho trồng các loại cây màu truyền thống, các hộ dồn đất trồng khoai tây theo mô hình liên kết. Với năng suất 8 tạ/sào, bán với giá doanh nghiệp đã ký kết đặt hàng trước với giá 7.000-7.500 đồng/kg (tuỳ từng năm), mỗi sào mang lại cho người dân thu nhập 3,5 – 4 triệu đồng. Điều đáng nói là sản xuất ra bao nhiêu, doanh nghiệp thu mua bấy nhiêu, không lo ế ẩm, tồn đọng như trước nên người dân rất yên tâm.

Lâu nay, sản xuất vụ đông luôn khó khăn đối với các hộ dân vùng “rốn lũ” Châu Nhân, Xuân Lam, Long Xá… ở huyện Hưng Nguyên, vì thiên tai ảnh hưởng đến năng suất, khó làm, khó chăm sóc, gặp phải lúc thị trường ế ẩm lại thiếu đầu ra nên có nhiều năm, vùng đất bãi bỏ hoang hóa.

Những năm gần đây, thực hiện mô hình liên kết trồng ngô sinh khối, người dân vùng bãi ở huyện Hưng Nguyên đã mạnh dạn chuyển đổi, đưa cây ngô sinh khối vào trồng. Vụ đông năm 2021, có khoảng 400-450 ha đất vùng bãi bồi dọc sông Lam thuộc địa phận huyện Hưng Nguyên được bà con đưa vào trồng ngô sinh khối. Ngô đến kỳ thu hoạch, xe của các trang trại, các công ty chăn nuôi đến tận nơi thu mua theo giá thị trường.

Cây ngô sinh khối trên đất bãi Hưng Nguyên được bao tiêu toàn bộ. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Võ Trọng Hùng ở xóm 3, xã Long Xá trồng 3,5 ha ngô sinh khối cho biết: “Mỗi sào ngô non có giá 1,2-1,4 triệu đồng, họ mua theo sào, cho xe đến tại ruộng thu hoạch rồi vận chuyển đi luôn. Tiền cũng được thanh toán ngay sau đó. Làm thế này, vừa nhanh ăn, vừa khỏe, khỏi phải lo ngay ngáy chuyện làm ra bán cho ai, giá cả thế nào?”…

Nhân rộng các mô hình liên kết

Từ hiệu quả mà mô hình mang lại, năm nay, huyện Nam Đàn đã kết nối với doanh nghiệp và Viện Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục mở rộng diện tích liên kết trồng khoai tây ở các xã Thượng Tân Lộc, Trung Phúc Cường, Xuân Lâm, Hùng Tiến với tổng diện tích gần 50 ha. Ngoài ra, còn có các mô hình liên kết trồng ớt cay ở xã Khánh Sơn với diện tích khoảng 15 ha.

Chăm sóc cây trồng vụ đông. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Nguyễn Đình Thế - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nam Đàn cho biết: “Từ năm 2017, huyện Nam Đàn đã có mô hình liên kết sản xuất lạc giống ở vùng bãi của xã Nam Lộc (cũ) nay là xã Thượng Tân Lộc. Sau đó, đến năm 2020, mô hình hết hỗ trợ, song hiệu quả mang lại rất lớn, người dân đã tiếp cận và ứng dụng được khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng giá trị trên đơn vị diện tích và đã được phổ biến, nhân rộng. Từ năm 2021 đến nay, địa phương kết nối và triển khai nhiều mô hình liên kết trong sản xuất như: trồng khoai tây trên đất bãi; trồng ngô sinh khối…

Có thể thấy, cái được đầu tiên của mô hình liên kết là nông dân giảm được áp lực chi phí đầu vào khi được doanh nghiệp cho vay giống, phân bón; được chuyển giao khoa học, kỹ thuật và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm, không lo ngại việc thiếu đầu ra. Đây chính là động lực để người dân tích cực sản xuất, bám đồng ruộng, hạn chế tình trạng bỏ hoang ruộng…”.

Nông dân xã Nghi Long (Nghi Lộc) liên kết với Công ty Đồng Xanh trồng thử nghiệm cây dưa lê Wonyeong của Hàn Quốc. Ảnh: Thanh Phúc

Vụ đông năm 2021, 4 hộ dân ở xã Nghi Long (Nghi Lộc) liên kết với Công ty Đồng Xanh trồng thử nghiệm cây dưa lê Wonyeong của Hàn Quốc trên diện tích 2.000 m2 trong nhà lưới tại xóm Kim Nghĩa. Theo đó, bà con được hỗ trợ giống, được chuyển giao kỹ thuật trồng dưa, được bao tiêu sản phẩm theo giá cam kết. Mặc dù mới trồng thử nghiệm, nhưng vụ đông năm 2021, cây dưa lê Wonyeong của Hàn Quốc rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cây ra hoa đều và trái to, tỷ lệ đậu trái đạt trên 90%. Dưa trồng trong nhà lưới nên quản lý được sâu hại, dịch bệnh, giúp tiết kiệm công lao động. Nếu như trên diện tích đất trước đây trồng hoa màu mỗi vụ chỉ lãi 10 - 15 triệu đồng, thì cũng với diện tích này, mỗi vụ thu về từ 50-55 triệu đồng.

Chị Võ Thị Vân - công chức nông nghiệp xã Nghi Long cho biết: “Vụ đông này, chúng tôi đang dự kiến mở rộng diện tích, tăng số hộ tham gia. Đây chính là hướng mở để nông dân đổi mới phương thức sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ, tạo sản phẩm nông sản đặc trưng, xây dựng một chuỗi liên kết trong sản xuất nhằm nâng giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân”.

Trồng rau gia vị hàng hoá trong sản xuất vụ đông ở xã Diễn Xuân (Diễn Châu). Ảnh: Thanh Phúc

Với định hướng phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững, vụ đông năm 2022, huyện Diễn Châu ổn định diện tích 4.200 ha, trong đó, có 300 ha trồng khoai tây và 1.600 ha ngô sinh khối theo mô hình liên kết.

Ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: “Nếu như trước đây, người dân huyện Diễn Châu sản xuất vụ đông nhỏ lẻ, chưa hình thành các vùng hàng hóa, còn diễn ra tình trạng ế ẩm, tồn động các sản phẩm, thì những năm gần đây, thông qua các mô hình liên kết 4 nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp) nên giá trị vụ đông được nâng cao.

Đến nay, huyện Diễn Châu đã xây dựng được 30 mô hình mới, từ đó hình thành được 7 vùng chuyên canh vụ đông có diện tích từ 6- 40 ha với thu nhập từ 100 - 250 triệu đồng/ha, như mô hình trồng ớt cay, khoai tây, bí đỏ, dưa chuột, hành, tỏi, rau cao cấp... Khi tham gia các mô hình mới, nông dân huyện Diễn Châu đều được hưởng các cơ chế hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhất là quan tâm đến đầu ra và giá thành sản phẩm, tạo sự yên tâm cho nông dân”.

Hiện nay, nhiều hộ dân cũng mạnh dạn tìm kiếm "bạn hàng" sản xuất các nông sản vụ đông theo đơn đặt hàng để đảm bảo đầu ra ổn định. Ảnh: Thanh Phúc

Liên kết để sản xuất bền vững, đó là yêu cầu tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa. Ngoài lợi ích hai bên nhận được, xây dựng mối liên kết này, về bản chất là xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị thông qua loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và doanh nghiệp. Vấn đề hiện nay là, để nhân rộng mô hình, ngoài các chính sách hỗ trợ của tỉnh, các bên cần minh bạch, hài hòa lợi ích, đảm bảo nông dân có lãi thì mối liên kết mới bền vững. Bên cạnh đó, ngoài sự kết nối của tỉnh, của huyện, của địa phương, nông dân cũng có thể tự mình tìm kiếm “bạn hàng”, sản xuất các sản phẩm theo đơn đặt hàng để có đầu ra ổn định, sản xuất có lãi./.

Mới nhất

x
Nghệ An: Làm thế nào sản xuất vụ đông đến đâu, tiêu thụ đến đó?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO