Ga Vinh, cho tôi xin chiếc vé trở về!

31/05/2015 13:34

(Baonghean) - Không hiểu tại sao, lần nào bước chân vào sân ga tôi cũng thấy trỗi dậy trong lồng ngực bé nhỏ của mình một cảm giác kỳ lạ. Cứ như có đoàn tàu nào đang chạy xình xịch ở trong đó, kéo những hồi còi giục giã liên hồi, hoà âm vào tiếng còi tàu trên những đường ray sắt. Tôi thường đứng im lìm lâu có lẽ phải đến hàng giờ trước chiếc đầu kéo tàu hoả được trưng bày trong sân ga. Bằng một sự ngưỡng mộ, thậm chí có chút gì thành kính, tôi đứng ngay ngắn y như lúc đang đứng chào cờ buổi sáng thứ Hai…

Thằng bạn thân thời cấp 3 của tôi có bố làm ở Ga Vinh nên hầu như hôm nào rảnh, hai đứa lại rủ nhau vào ga chơi. Nói là chơi chứ thực ra đâu có gì đặc biệt, bố nó làm phó tàu nên đi biền biệt theo những chuyến tàu ra Bắc vào Nam, chẳng mấy khi có mặt ở đấy mà chứng kiến những trò nghịch phá của hai thằng nhóc tụi tôi...

Ga Vinh
Ga Vinh

Không hiểu tại sao, lần nào bước chân vào sân ga tôi cũng thấy trỗi dậy trong lồng ngực bé nhỏ của mình một cảm giác kỳ lạ. Cứ như có đoàn tàu nào đang chạy xình xịch ở trong đó, kéo những hồi còi giục giã liên hồi, hoà âm vào tiếng còi tàu trên những đường ray sắt. Tôi thường đứng im lìm lâu có lẽ phải đến hàng giờ trước chiếc đầu kéo tàu hoả được trưng bày trong sân ga. Bằng một sự ngưỡng mộ, thậm chí có chút gì thành kính, tôi đứng ngay ngắn y như lúc đang đứng chào cờ buổi sáng thứ Hai. Những lúc như thế, người đánh thức tôi bừng tỉnh cơn mộng mị thường là thằng bạn thân với tiếng hét chỉ thua còi tàu: “Tàu vào ga mày ơi, nhanh ra xem có phải tàu của bố tao không!”

Chiếc đầu máy cũ được đặt trong sân ga, gợi nhớ lại những năm tháng lịch sử.
Chiếc đầu máy cũ được đặt trong sân ga, gợi nhớ lại những năm tháng lịch sử.

“Tàu của bố”, tôi thường nghe nó gọi mà thầm ghen tị khủng khiếp. Nhất là khi hai đứa chạy ra đứng thơ thẩn ở trên ke tàu, thấy đoàn tàu chầm chậm tiến vào ga và kéo những hồi còi quen thuộc. Kia rồi chuyến tàu Vinh - Hà Nội, cũng là chuyến tàu mà bố bạn tôi làm việc. Ấy là một người đàn ông tuổi ngoài 40, rắn rỏi lạ thường và lúc nào trên môi cũng nở nụ cười. Tàu dừng bánh, ông mở cửa cho hành khách lần lượt xuống tàu, đi kiểm tra một lượt toa tàu rồi mới bước xuống. Quãng thời gian ấy dài tựa thế kỷ, bởi tôi và thằng bạn cứ đứng ngẩn người ra, dõi theo bóng chiếc mũ của ông theo suốt chiều dài toa tàu. Khi bước xuống, bao giờ ông cũng ngả mũ, dang rộng hai tay để đứa con trai chạy ào tới ôm lấy cổ mà đu đưa. Sau đó, bằng giọng rất ấm, ông nhìn con trai, rồi nhìn sang tôi, hỏi: “Hôm nay hai đứa đi học có ngoan không đấy?”.

Xình xịch, xình xịch. Tôi bừng tỉnh giấc, thấy tàu đang bắt đầu tiến vào sân Ga Vinh. Những hồi ức năm xưa vụt tan thành mây khói. Ga Vinh của ngày hôm nay có khác so với ngày tôi còn đi học, nhưng vẫn còn đủ những hình bóng, đường nét cũ để tôi nhận ra và trái tim lại rạo rực tiếng còi tàu như năm nào. Bố của bạn tôi không còn làm trên chuyến tàu này nữa, nghe bạn tôi thông báo ông đã vào Quảng Bình, công tác trên một chuyến tàu khác. Thật buồn, tôi vẫn nhớ như in câu chuyện ông kể về Ga Vinh. Rằng từ những năm 1900, người Pháp đã bắt đầu cho xây dựng nhà ga và đường tàu ở Vinh. Đây là 1 trong 5 tuyến đường sắt Đông Dương, được Chính phủ Pháp đầu tư khoảng 200 triệu franc để phục vụ cho việc vận chuyển tài nguyên, khoáng sản khai thác được ở các nước thuộc địa.

Năm 1905, đoàn tàu hơi nước đầu tiên hú còi xin đường vào ga - đó là chuyến tàu Hà Nội - Vinh. Từ đó, Ga Vinh và Nhà máy Xe lửa Trường Thi được đặt dưới sự quản lý của Đặc khu Đường sắt Bắc Trung Kỳ. Những người công nhân đường sắt Vinh - Bến Thuỷ ngày đó cũng chính là những hạt nhân quan trọng của phong trào cách mạng sau này, với đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 30 - 31. Trải qua 2 cuộc kháng chiến cứu nước, Ga Vinh ghi dấu những giai đoạn cam go, ác liệt nhất. Đã có lúc cán bộ, công nhân viên của nhà ga phải cùng nhân dân thành phố cất giấu đầu máy toa xe, không cho máy bay địch bắn phá.

Hàng chục thanh niên đang công tác tại Ga Vinh lên đường tòng quân theo tiếng gọi của Tổ quốc. Nhưng giai đoạn gian khổ nhất phải kể đến thời điểm sau sự kiện Vịnh Bắc bộ, máy bay Mỹ điên cuồng đánh bom bắn phá miền Bắc. Hàng chục, hàng trăm trái bom đêm ngày thả xuống khu vực nhà ga hòng cắt đứt huyết mạch giao thông quan trọng nối liền hai miền Nam - Bắc. Quyết tâm bảo vệ điểm chốt giao thông, cho những chuyến tàu chở hàng chục ngàn tấn vũ khí, lương thực chuyển vào Nam không gián đoạn, đã hàng chục lần Ga Vinh phải di chuyển, sơ tán đầu máy toa xe, máu của không biết bao nhiêu người công nhân đường sắt và đội tự vệ Ga Vinh đã đổ xuống…

Câu chuyện của người đàn ông của những chuyến tàu ấy đã nuôi trong tôi lớn dần lên một ước mơ cháy bỏng, đó là mai sau trở thành một kỹ sư cơ khí giỏi, sáng chế ra những động cơ đầu máy có sức kéo gấp 5, gấp 10. Để những chuyến tàu đi về nhanh và nhẹ nhàng như bay. Để nối liền những miền đất nước xa vời vợi. Một buổi chiều đứng lâu thật lâu trước chiếc đầu máy toa xe cũ kỹ đứng im lìm trong sân ga, tôi đã tự nhủ với lòng mình như vậy. Và tôi thầm hỏi chiếc đầu máy đang yên bình nghỉ ngơi sau những tháng năm miệt mài trong khói lửa: “Có phải đó cũng là điều mà ngươi hằng mong mỏi bấy lâu?”

Ngày ra ga lên tàu đi ra Hà Nội nhập trường đại học, đi cùng tôi không chỉ có thằng bạn thân mà còn có cả bố mẹ ra tiễn. Mẹ rời tay để tôi bước chân lên tàu, nhìn mẹ đứng dưới ke khóc như mưa, lòng tôi thắt lại. Bố của bạn tôi đứng cạnh vò đầu tôi bằng bàn tay chai sạn nhưng ấm áp, khẽ nói: “Chuyến tàu nào cũng có chiều đi và chiều về. Ai bảo chia ly rồi không có gặp lại? Phải làm sao để ngày đoàn viên, mẹ cháu hãnh diện nở nụ cười trên môi, biết chưa nhóc?”. Tôi lặng lẽ gật đầu, thấy nước mắt mằn mặn trên môi. Cảm giác đứng trên đoàn tàu chậm rãi rời khỏi nhà ga là như thế này sao? Khi đoàn tàu bắt đầu lăn bánh nhanh dần và tiếng xình xịch bắt đầu dồn dập như giục giã, cũng là lúc nỗi buồn được hong khô và thay vào đó là hy vọng, là háo hức về những miền đất mới mở ra ở phía trước…

Xuống tàu lần này chỉ còn mình tôi. Trời vẫn chưa hửng sáng. Lững thững đi ra trước sân ga, chiếc đầu máy toa xe thân thuộc vẫn còn nguyên đó, tôi gật đầu chào “người bạn cũ”, nhìn lại một lần cảnh Ga Vinh. Không quá khác xưa, có lẽ điều khác biệt lớn nhất là hệ thống bán vé mới được đổi mới theo hướng điện tử, công nghệ hoá. Còn những hàng quán xưa vẫn nguyên vẹn nơi đây, làm lòng tôi không khỏi xốn xang. Có lẽ đây cũng chính là một trong những lý do khiến tôi thích đến Ga Vinh chơi hơn là cơ quan của bố mẹ, bởi làm gì có cơ quan nào mà lại có những hàng quán nhỏ xinh xắn với các dì, các bác bán hàng lúc nào cũng xởi lởi, rất thích tán chuyện và thuộc làu đủ thứ chuyện lượm lặt được từ những người khách vãng lai như ở Ga Vinh này? Tôi rảo bước ra ngoài cổng ga. Đường Phan Bội Châu lúc này vẫn còn thưa thớt người qua. Chợ Ga Vinh mới chỉ lác đác một vài người ra soạn hàng. Chỉ có mấy bà bán hàng ăn sáng là nhanh nhẹn, hoạt bát nhất trong cái buổi sáng mà cảnh vật còn lờ mờ ngủ mê này. Mấy ông xe ôm nhấp nhổm không yên, gặp ai cũng hỏi rất vồn vã: “Về mô chú ơi, về mô chị ơi?”, đến nỗi một bà bị mấy ông xe ôm “tranh giành” phải quát lên: “Bán xôi ngay đó chơ đi mô mà về!”.

Sự đáng yêu đó khiến lòng tôi bỗng thanh thản, nhẹ nhõm lạ lùng. Người ta vẫn thường bảo rằng chốn ga tàu, xe cộ là nơi đông đúc, lộn xộn và xô bồ. Ấy thế nhưng không biết có phải vì đã thân thuộc từ bé không, mà tôi thấy Ga Vinh lúc nào cũng mộc mạc, gần gũi mà đáng yêu đến thế. Ít ngày nữa thôi, nơi đây sẽ đông đúc các em học sinh từ mọi miền Tổ quốc đổ về để tham dự kỳ thi quan trọng đầu tiên trong cuộc đời. Để rồi ít lâu sau đó, các em lại bịn rịn chia tay người thân, lên những chuyến tàu chở khẳm nhiệt huyết và ước mơ tuổi trẻ đi đến những miền đất lạ. Nhưng “chuyến tàu nào cũng có chiều đi và chiều về, ai bảo chia ly rồi không gặp lại”?. Tôi nhìn lại cánh cổng Ga Vinh một lần cuối trước khi cất bước, thầm cảm ơn nơi này đã lưu giữ cho tôi tấm vé trở về một miền ký ức thân thương.

Bài, ảnh: Thục Anh

Mới nhất
x
Ga Vinh, cho tôi xin chiếc vé trở về!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO