Gạc Ma và mưu đồ của Trung Quốc

16/03/2015 08:32

(Baonghean) - Ngày 14/3/1988, Trung Quốc dùng lực lượng hải quân đánh chiếm 6 đảo đá ở Trường Sa. Nhân 27 năm nhìn lại chuỗi sự kiện lịch sử trong mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo, phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an để có cái nhìn về quá khứ, hiện tại và tương lai trên Biển Đông. 

(Baonghean) - Ngày 14/3/1988, Trung Quốc dùng lực lượng hải quân đánh chiếm 6 đảo đá ở Trường Sa. Nhân 27 năm nhìn lại chuỗi sự kiện lịch sử trong mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo, phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an để có cái nhìn về quá khứ, hiện tại và tương lai trên Biển Đông.

P.V: Thưa Thiếu tướng, Biển Đông đã và vẫn đang là tâm điểm chú ý của dư luận trong nước cũng như quốc tế. Đánh dấu mốc sự kiện 27 năm Trung Quốc đánh chiếm các hòn đảo ở Trường Sa của Việt Nam, xin Thiếu tướng cho ý kiến về vấn đề này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Từ sau năm 1988, Trung Quốc đã có sự hiện diện trên 6 đảo chìm của Việt Nam tại Trường Sa và 1 đảo của Philippines. Xung quanh vấn đề này, sau 27 năm, tôi cho rằng có một số điều chúng ta cần nhận thức rõ:

Thứ nhất, về lựa chọn địa điểm, trong số 6 hòn đảo của Việt Nam mà Hải quân Trung Quốc đánh chiếm năm 1988, đáng lưu tâm nhất là 2 đảo Gạc Ma và Chữ Thập. Tại sao lại đánh chiếm 2 đảo này? Cần biết rằng vào thời điểm đó, đây không phải là 2 hòn đảo dễ đánh nhất, nhưng lại là 2 điểm chốt có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng - giống như 2 “đồn biên phòng” trên Biển Đông. Nếu đánh chiếm được 2 đảo này, sẽ có khả năng hình thành căn cứ quân sự khống chế lối vào Biển Đông. Chứng tỏ, từ năm 1988, ý đồ của Trung Quốc đã không hề đơn giản mà mang một tầm nhìn quân sự dài hạn. Ý đồ đó, gần 30 năm sau, đã rõ.

Không ảnh của NASA chụp cụm Sinh Tồn, trong đó có đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa của Việt Nam (khoanh đỏ).
Không ảnh của NASA chụp cụm Sinh Tồn, trong đó có đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa của Việt Nam (khoanh đỏ).

Thứ hai, về lựa chọn thời điểm, năm 1988 có thể nói là năm mà Việt Nam đang cực kỳ khó khăn cả trong và ngoài nước. Đó là điểm thấp nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội bắt đầu từ năm 1987. Ngoài nước, chúng ta bị bao vây cấm vận và bị cô lập trên trường quốc tế. Hậu thuẫn lớn nhất của Việt Nam lúc bấy giờ là Liên Xô - cũng đang bế tắc trong khủng hoảng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam hoàn toàn bất khả kháng việc Trung Quốc đánh chiếm các đảo ở Trường Sa.

27 năm nhìn lại, bài học mà chúng ta cần rút ra là: thứ nhất, không được mơ hồ về ý đồ, dã tâm của Trung Quốc trên Biển Đông - một mưu đồ lâu dài và có tầm nhìn có lẽ còn vượt ra khỏi Biển Đông, hướng ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Thứ hai, phải gắn Việt Nam với cộng đồng quốc tế: kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Thời điểm hiện tại đã khác nhiều với bối cảnh năm 1988, chúng ta không còn cô độc trên Biển Đông hay trong bất cứ vấn đề nào khác. Việt Nam đã hội nhập và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế song phương, đa phương. Phải biết dựa vào những quy định, định chế quốc tế để nâng khả năng bảo vệ chủ quyền dân tộc, bảo đảm lợi ích và quyền lợi quốc gia, hài hoà trong lợi ích khu vực và quốc tế.

P.V: Trong trang mới nhất của cuộc tranh chấp 27 năm trên Biển Đông, nổi lên sự kiện Trung Quốc cải tạo lại các đảo đá, thay đổi hiện trạng Biển Đông. Xin Thiếu tướng nói rõ thêm về sự kiện này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Vào tháng 6 năm 2014, Bộ Ngoại giao Philippines lần đầu tiên thông báo với toàn thế giới rằng Trung Quốc đang ráo riết cải tạo các đảo chìm ở Trường Sa, thông qua các bức ảnh chụp từ vệ tinh mà các tập đoàn viễn thông quốc tế cung cấp. Tháng 2 năm 2015, thời báo Wall Street tiếp tục đăng tải thông tin về việc Trung Quốc đang xây dựng đảo nhân tạo trên nền tảng các đảo chìm đánh chiếm được của Việt Nam và Philippines. 7 hòn đảo này có sự thay đổi lớn đến đáng kinh ngạc, cụ thể là khi so sánh với hiện trạng vào tháng 2 năm 2014, diện tích đảo Gạc Ma đã tăng lên đến 200 lần, đảo Chữ Thập tăng lên 10 lần. Một sân bay quân sự đã bắt đầu rõ hình hài. Sự thay đổi chóng mặt này khiến cả thế giới phải bất ngờ.

Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cộng đồng quốc tế nói chung, các nước ASEAN và Việt Nam nói riêng. Nhiều ý kiến cho rằng việc cải tạo các đảo chìm, trong đó có Gạc Ma và Chữ Thập, còn nguy hiểm hơn việc Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào mùa hè năm 2014. Tôi hoàn toàn đồng tình. So với cải tạo các đảo chìm thì sự kiện nói trên không có ý nghĩa gì hết, về mặt hệ quả lâu dài.

P.V: Nhưng trước phản ứng của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc lại tuyên bố rằng việc cải tạo các đảo đá tại Trường Sa là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, bởi họ có chủ quyền đối với các đảo này. Thiếu tướng có bình luận gì về những tuyên bố này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đó là những tuyên bố mà giới truyền thông cũng như các quan chức ngoại giao Trung Quốc thường xuyên nhắc đi nhắc lại. Nhưng theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982, những vùng lãnh thổ bị cưỡng chiếm bằng biện pháp quân sự không tạo ra cơ sở pháp lý cho nước đánh chiếm. Việt Nam đã hiện diện trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hơn 300 năm nay. Ngày 19/1/1974, cách đây 41 năm, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa. Ngày 14/3/1988, Trung Quốc lại tiếp tục dùng vũ lực đánh chiếm 6 đảo chìm của Việt Nam ở Trường Sa. Những sự kiện đó không thể nào được xem là cơ sở pháp lý để Trung Quốc hợp pháp hoá chủ quyền đối với những hòn đảo này.

Trung Quốc không ngừng nhăm nhe các bãi đá của Trường Sa, từ bãi đá Cô Lin (Collins) đến Gạc Ma (Johnson) và nay là bãi Chữ Thập.  Nguồn: SCMP
Trung Quốc không ngừng nhăm nhe các bãi đá của Trường Sa, từ bãi đá Cô Lin (Collins) đến Gạc Ma (Johnson) và nay là bãi Chữ Thập. Nguồn: SCMP

Cách đây vài ngày, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng “Chúng tôi cải tạo Gạc Ma, Chữ Thập và các đảo khác giống như lát gạch trong sân nhà mình”. Đó là một tuyên bố hết sức sai lầm, quay lưng lại với luật pháp quốc tế. Và tất nhiên, sẽ không một quốc gia, một tổ chức quốc tế nào chấp nhận lý luận không có cơ sở đó của Trung Quốc. Hơn cả thế, những tuyên bố của Trung Quốc đã khiến cộng đồng quốc tế và khu vực đánh mất hoàn toàn niềm tin vào những cam kết mà Trung Quốc đã thoả thuận, gần đây nhất là Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC mà các nước ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002.

P.V: Cộng đồng quốc tế mất niềm tin vào Trung Quốc nên những động thái của quốc gia này luôn đặt ra câu hỏi cho chúng ta về ý đồ, mục đích của họ. Việc cải tạo các đảo đá lần này cũng không ngoại lệ, theo Thiếu tướng mục đích sâu xa của họ là gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, Trung Quốc cải tạo các đảo ở Trường Sa nhằm 2 mục đích:

Thứ nhất, về quốc phòng - an ninh, chúng ta hãy lật lại sự kiện máy bay MH370 mất tích vào tháng 3 năm 2013. Chính trong cuộc tham gia tìm kiếm máy bay rơi cùng với lực lượng hải quân các nước, Hải quân Trung Quốc đã bộc lộ một yếu điểm: Hệ thống hậu cần của Trung Quốc chưa cho phép họ vươn ra biển xa. Cải tạo Chữ Thập và Gạc Ma chính là để hình thành 2 căn cứ quân sự. Hiện nay ảnh chụp vệ tinh và nhiều nguồn tin nước ngoài cho thấy ở phía Tây Gạc Ma đang hình thành một sân bay với đường băng khoảng 2.800m, ở Chữ Thập cũng có một sân bay với đường băng 3.500m, cho phép máy bay tác chiến chiến đấu, máy bay tiêm kích J8, J10 có thể cất cánh, hạ cánh. Đặc biệt tại Chữ Thập, sân bay lớn sẽ phục vụ cho máy bay ném bom chiến đấu tầm xa H6, H6K với tầm hoạt động lên đến 1.800 km, mang trên mình 9 tên lửa đạn đạo có tầm bắn đạt đến 2.000 km. Phía Đông của cả 2 đảo đều có bến cảng cho phép tàu 50.000 tấn cập bến. Như vậy, vòng cương toả của Trung Quốc mà trung tâm là 2 căn cứ quân sự này hoàn toàn có thể bao chiếm khống chế 10 nước ASEAN. Thậm chí căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở phía Bắc Australia cách đảo Gạc Ma 3.200 km cũng sẽ nằm trong tầm đạn pháo Trung Quốc. Như vậy, xây dựng căn cứ quân sự ở 2 điểm chốt chặn cửa ngõ Biển Đông là Gạc Ma và Chữ Thập vừa phục vụ chiến lược phòng thủ chống tiếp cận vừa cho phép tấn công tầm xa, vươn ra biển lớn.

Thứ hai, về chính trị, đây là bước đệm để hiện thực hoá những yêu sách phi lý như đường lưỡi bò, vùng nhận dạng phòng không. Có thể dự đoán được rằng một khi hoàn thành căn cứ quân sự - khả năng là trong năm 2016 -Trung Quốc sẽ đơn phương đặt ra những luật lệ, yêu sách với tàu chiến, tàu đánh bắt, tàu thương mại nước ngoài đi qua khu vực này. Mà điều đó đồng nghĩa với việc áp đặt chủ quyền của họ đối với vùng nước, vùng đảo bao chiếm trong đường lưỡi bò. Đó là một ý đồ phi lý và cũng rất nguy hiểm, và còn nguy hiểm hơn nữa khi Trung Quốc đang từng bước hiện thực hoá nó bằng sức mạnh quân sự.

P.V: Có nghĩa là Trung Quốc sẽ độc chiếm Biển Đông, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nói độc chiếm thì có phần tiêu cực thái quá, bản thân tôi sẽ dùng từ "khống chế". Nên nhớ rằng Biển Đông có con đường hàng hải quốc tế vắt qua, lưu thông 1/3 lượng hàng hoá, dịch vụ của cả hành tinh. Riêng về năng lượng, 42% lượng dầu mỏ thương mại thế giới trung chuyển qua Biển Đông. Tại đây tập trung lợi ích của Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Nam Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh,... nên độc chiếm Biển Đông là rất khó, nếu không muốn nói là không thể. Tệ nhất là Trung Quốc sẽ đặt ra các luật lệ và dùng vũ lực để áp dụng chúng, nhằm kiểm soát, khống chế, kìm hãm sự nhộn nhịp của con đường hàng hải chung này, tăng sự phụ thuộc vào Trung Quốc của các nước có lợi ích tại đây.

P.V: Sự kiểm soát đó sẽ có tác động như thế nào đến an ninh khu vực, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Cực kỳ nguy hiểm, bởi khi đó mọi sự đã rồi và cả thế giới sẽ gặp khó dễ với các yêu sách mà Trung Quốc đặt ra, huống hồ là 10 nước ASEAN. Chắc chắn quy tắc đi lại tự do với điều kiện đi lại vô hại sẽ không còn. Biển Đông sẽ nóng hơn nữa vì những động thái của Trung Quốc, an ninh khu vực và thế giới sẽ bị đe doạ.

P.V: Trước tình hình đó, cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Riêng việc Trung Quốc đường đột kéo giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã khiến cả cộng đồng quốc tế sôi sục, thì chắc chắn sẽ không ai ngồi yên trước việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự, thay đổi hiện trạng Biển Đông. Hết lần này đến lần khác, hết thế hệ lãnh đạo này đến thế hệ lãnh đạo khác của Trung Quốc phá vỡ cam kết với các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam - đã khiến hình ảnh của Trung Quốc tồi tệ đi trong mắt cộng đồng quốc tế. Những khảo sát tại nhiều quốc gia và châu lục cho thấy đa số người dân cho rằng Trung Quốc là nguồn gốc của những rắc rối, bất ổn đe doạ hoà bình an ninh khu vực. Khơi dậy và tiếp lửa cho phong trào phản đối Trung Quốc trên trường quốc tế không phải là một hành động khôn ngoan. Giấc mộng bá quyền là một con dao hai lưỡi đe dọa khu vực và quốc tế, nhưng sớm muộn cũng sẽ quay lại đe dọa bản thân Trung Quốc. Bởi đó là con đường tự cô lập, cũng là con đường không lối thoát, dù cho đó có là quốc gia tỷ dân lớn nhất hành tinh đi chăng nữa. Tôi tin rằng Gạc Ma là cột mốc đánh dấu sự tăng tốc của Trung Quốc trên con đường mà họ đã lựa chọn từ gần 30 năm về trước. Đồng thời đó cũng là tín hiệu mở ra một bước phát triển mới, tích cực hơn và mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống mưu đồ bá quyền phi lý mà Việt Nam đã, đang và sẽ kề vai sát cánh với bạn bè quốc tế để theo đuổi đến cùng.

P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trao đổi này!

Thục Anh (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Gạc Ma và mưu đồ của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO