Gấc xuất khẩu về Quế Sơn
(Baonghean) - Dẫn chúng tôi tham quan vườn gấc diện tích 2,5 ha đang thời kỳ phát triển, với giọng nói đầy tự tin, ông Nguyễn Văn Đoàn bản Na Toọc, Quế Sơn (Quế Phong) cho biết: “Mới gieo hạt vào giữa tháng Giêng âm lịch mà nay cây đã bắt đầu leo bám. Đầu tư một lần cũng không ít tiền, bù lại thu lợi cũng dài dài”. Theo đó, để có số vốn đầu tư ban đầu hơn 500 triệu đồng, ngoài tiền tích cóp của gia đình ông trong nhiều năm, còn của 4 gia đình khác cùng góp “cổ đông”. Điều đáng nói, là các gia đình đều tin tưởng giao phó cho ông.
Về lý do chọn cây gấc đầu tư, ông Đoàn cho hay: Với người dân Quế Phong, cây gấc không còn xa lạ, nhưng nhiều gia đình chỉ coi là cây trồng phụ làm hàng rào, lấy bóng mát hoặc dùng làm nguyên liệu nấu xôi. Tuy nhiên, qua thông tin từ sách báo, truyền hình, ông biết hiện nay nhiều người ở Bắc Giang, Hà Nam… đã làm giàu từ gấc, mà chính xác là gấc lai. Vì vậy, trên cơ sở các gia đình bàn bạc, thống nhất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ yếu là vườn tạp giá trị kinh tế không cao, ông đã khăn gói tìm ra tận nơi học hỏi. Qua tìm hiểu ông trực tiếp ký hợp đồng với Công ty Thương mại xuất khẩu Đại Thắng, trụ sở tại Hà Nội, là công ty lâu nay cung cấp giống gấc, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho các địa phương trồng gấc xuất khẩu như Bắc Giang, Hà Nam, Hải Dương...
Cây gấc đang thời kỳ phát triển, bắt đầu leo bám. |
Về địa phương, sau khi bỏ công, bỏ của làm đất, làm giàn được đúc bằng cọc bê tông và đan bằng dây cáp điện thoại, ông bắt đầu trỉa hạt. Thế rồi, đất không phụ công người, những hạt giống đã nảy những mầm xanh non. Vậy là đã thành công bước đầu.
Đang cần mẫn cột từng thân cây, bà Hà Thị Hạnh, một trong năm “cổ đông” của mô hình, cho biết: “Trước đây, chúng tôi đã trồng gấc, nhưng giống gấc truyền thống quả bé, nhiều gai, cùi dày long ít, chủ yếu để tiêu thụ trên địa bàn. Giống gấc hiện nay đang trồng là giống lai đang được thị trường xuất khẩu ưa chuộng”. Với kinh nghiệm sẵn có, bà cho biết thêm: Do gấc trồng bằng hạt, nên rất dễ trồng phải gấc đực, không cho trái. Vì vậy, ngay lúc cây non lên khoảng 20 cm, là phải tiến hành loại bỏ gấc đực. Gấc là loại dây leo, vì vậy phải làm giàn. Thường xuyên làm cỏ, xới nhẹ đất quanh gốc cách từ 25 - 30cm, để kích thích rễ phát triển. Không được dùng đạm bón mà phải phân vi sinh, phân hữu cơ để giúp cây sinh trưởng, cho nhiều trái, trái to. Có thể đào rãnh rộng, rải đều phân lên mặt đất cách gốc 20 cm, rồi dùng cuốc xới nhẹ lấp phân. Xếp cỏ khô, rơm rạ lên mặt, để giữ ẩm và chống rửa trôi. Theo định kỳ phải phun thuốc để phòng trừ nấm, sâu bệnh...
Theo tính toán của ông Đoàn, gấc lai có những ưu điểm nổi bật như: long dày, ruột đỏ tím, sản lượng trung bình cao gấp 3 lần so với gấc ta, mà chu kỳ của một cây gấc lên đến 20-30 năm. Do đó, năm đầu tiên 1ha sẽ cho thu hoạch từ 25- 30 tấn quả. 1 tấn quả sẽ cho 40 kg long, sau khi đã sơ chế. Giá ổn định lâu nay 1kg long được thu mua với giá 180.000 đồng. Vì vậy, mùa đầu mô hình của ông dự kiến thu được 150 triệu đồng. Những năm tiếp theo, do không phải đầu tư giống ban đầu, cũng như hệ thống giàn để cho gấc leo, năng suất lại cao hơn, vì vậy nguồn thu sẽ còn tăng.
Ông Trịnh Đức Sơn, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Quế Sơn, đánh giá: Đây là lần đầu tiên trên đất Quế Sơn, cũng như huyện Quế Phong, người dân tự đầu tư xây dựng mô hình trồng gấc xuất khẩu. Đây là mô hình mà người dân tại nhiều tỉnh, thành đã áp dụng và cho hiệu quả kinh tế cao.
Bài, ảnh: Quảng An