Gameshow truyền hình đang "ép" trẻ em lớn trước tuổi?

15/08/2014 18:18

Các thí sinh nhí tham gia truyền hình thực tế cho trẻ em phải đối mặt với nhiều áp lực và bị “ép chín” nhanh hơn so với lứa tuổi.

Mùa hè năm nay, nhiều chương trình truyền hình dành cho trẻ em “bùng nổ” trên sóng truyền hình trong nước như “Đồ Rê Mí”, “Giọng hát Việt nhí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Vũ điệu tuổi xanh”, “Vietnam’s Got Talent”…

Khi các chương trình truyền hình thực tế của người lớn đang ngày càng trở nên bão hòa thì những chương trình phiên bản cho trẻ em dường như đang thành xu thế, và là “mảnh đất màu mỡ” để thu hút cả sự quan tâm của người lớn lẫn trẻ nhỏ. Tuy nhiên, điều đó cũng tạo nên mặt hạn chế cho trẻ em, khi các em là những người trực tiếp tham gia vào các cuộc thi này.

Trẻ em “gợi cảm” như người lớn

Với mục tiêu là khai thác, chọn lọc và phát triển các tài năng nhí, những chương trình phiên bản trẻ em luôn đặt ra cho các em nhiều thử thách đa dạng. Những người lớn tham gia trong vai trò giám khảo, huấn luyện viên là những người theo dõi, chú trọng đến các tài năng nổi bật nhất để hướng đến việc đào tạo các em một cách chuyên nghiệp. Nhưng sự đòi hỏi chuyên nghiệp ấy đôi khi lại vô tình biến các em trở thành phiên bản của những “ngôi sao” giải trí hay khiến các em bị lớn trước tuổi.

Nhiều thí sinh nhí tham gia gameshow truyền hình có những cử chỉ, động tác "sexy"

“Đồ Rê Mí”, chương trình ca hát cho trẻ em đã tồn tại khá lâu trên sóng VTV, cũng từng không tránh khỏi những chỉ trích về chuyện lựa chọn trang phục, tạo hình, hóa trang cho các em nhỏ quá già, rồi diễn xuất theo sự sắp xếp của người lớn, làm mất đi nét thơ ngây. Bản thân ca sỹ Thái Thùy Linh, đã tham gia làm giám khảo “Đồ Rê Mí” 2012 còn phải thốt lên: “Thí sinh Sao Mai Điểm hẹn trước đây cũng không vất vả bằng thí sinh Đồ Rê Mí bây giờ”!

Những kịch bản tương tự đó lại diễn ra với những chương trình phiên bản trẻ em hiện tại. Gần đây nhất, “Bước nhảy hoàn vũ nhí” mùa đầu tiên đã không tránh khỏi những phàn nàn vì “gợi cảm hóa” thí sinh. Sự mềm mại, dẻo dai là tính chất của các điệu nhảy như Dancesport, Belly Dance… Nhưng điều đáng nói là các em lại bị thêm thắt vào những cử chỉ, động tác uốn éo, thậm chí có phần khêu gợi, “sexy” như người lớn.

“Giọng hát Việt nhí” mùa thứ 2 cũng đã bị lên tiếng vì để trẻ em thể hiện phong cách biểu diễn giống các ca sỹ, các phiên bản “sao” giải trí. Đơn cử như ở tập đầu tiên của vòng Đối đầu, tiết mục của ba thí sinh nữ đội Hồ Hoài Anh – Lưu Hương Giang gây ra tranh cãi vì để các em biểu diễn phong cách khá gợi cảm, vượt qua khuôn khổ của một cuộc thi dành cho trẻ em. Và có lẽ, nếu không nằm trong cuộc thi, nhìn vào một tiết mục như vậy, người xem sẽ không thể nghĩ đó là ba cô bé ở độ tuổi 13 – 15.

Tiết mục "như người lớn" của ba thí sinh nữ ở vòng Đối đầu "Giọng hát Việt nhí" mùa 2

Trẻ em toàn hát nhạc người lớn

Vấn đề không chỉ dừng lại ở cách trình diễn mà còn ở việc lựa chọn ca khúc, nhạc nền phù hợp cho màn biểu diễn của các em. Việc lựa chọn những ca khúc nước ngoài đã không còn là chuyện cũ trong những cuộc thi của trẻ em. Rút kinh nghiệm từ mùa đầu, thực tế ở “Giọng hát Việt nhí” mùa thứ hai, các huấn luyện viên đã có điều chỉnh để cân bằng hơn về số lượng các ca khúc tiếng Việt – tiếng nước ngoài. Trong khi đó, “Bước nhảy hoàn vũ nhí” mùa đầu lại đang lạm dụng không ít nhạc nền của người lớn để cho trẻ em biểu diễn.

Tuy nhiên, đối với các ca khúc nước ngoài, có những trường hợp vẫn chọn hát những ca khúc đề tài của người lớn, như đề tài tình yêu nam nữ, đề tài nữ quyền. Dù mục đích để “khoe” giọng hát của các em là chính, nhưng chính sự lựa chọn ấy đã khiến các em “già hóa” đi rất nhiều. Bản thân các em có lẽ cũng không quan trọng chuyện các em đang phải hát cái gì, mà là các em cần thể hiện tài năng của mình như thế nào. Nhưng điều đó lại vô tình khiến các em không có được định hướng cho chính mình trong chuyện “nghe gì, xem gì”.

Ba thí sinh đội Lam Trường đối mặt với thử thách hát nhạc biển đảo

Ngay cả đối với các ca khúc tiếng Việt, ở lứa tuổi còn nhỏ mà phải hát những ca khúc đề tài biển đảo, hay những ca khúc “sướt mướt”, đòi hỏi sự thâm trầm là thử thách nhiều áp lực với các em. Còn nhớ, ở tiết mục hát về liên khúc biển đảo của ba cô bé đội Lam Trường trong vòng Đối đầu “Giọng hát Việt nhí”, Hồ Hoài Anh đã nói rằng: “Ở lứa tuổi hồn nhiên của mình, các con phải hát những ca khúc đề tài này cũng là điều quá sức với các con. Ở tuổi của các con, có lẽ các con không thể hiểu được ý nghĩa của các ca khúc ấy đâu. Có những người đi đến cuối đời có khi còn không hiểu được hết…” (!)

Các em có thể khiến các giám khảo, huấn luyện viên hài lòng vì kỹ thuật tốt, chất giọng ổn định, nhưng tại sao lại cứ bắt các em phải hát những gì các em chưa thể hiểu rõ?

Nước mắt trẻ em bị lợi dụng!

Ngoài những vấn đề về chuyện biểu diễn, các thí sinh nhí trong những cuộc thi còn phải đối mặt với áp lực trong chuyện thắng bại. Không đơn thuần chỉ là sân chơi, nơi các em giao lưu, gặp gỡ nhau, hầu hết các cuộc thi phiên bản trẻ em hiện nay đều đòi hỏi các em phải học cách đối mặt với khả năng cạnh tranh. Ca sỹ Lam Trường từng bày tỏ, ở các cuộc thi, nhiều khi chính sự căng thẳng của người lớn cũng tạo ra áp lực cho các em và khiến các em căng thẳng theo.

Nước mắt trẻ em biến thành "chiêu trò" của nhà sản xuất

Vì thế, với sự non nớt về độ tuổi, về kinh nghiệm cuộc sống, không khó để lý giải vì sao các em lại dễ rơi nước mắt nhiều đến thế. Đó không chỉ là nỗi buồn về chuyện thất bại, áp lực, mà còn là sự gắn bó chân tình với những người bạn mới, với những người đã hướng dẫn các em múa, hát, biểu diễn.

Chưa kể, các nhà sản xuất lại cho đây là động lực để thu hút khán giả xem truyền hình. Ở nhiều chương trình truyền hình thực tế của người lớn, việc khai thác triệt để những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt, việc tận dụng nước mắt của thí sinh đã đành, đến cả chương trình cho trẻ em, cũng áp dụng “chiêu trò” tương tự. Thậm chí, có những tình huống còn cố xoáy sâu vào hoàn cảnh của các em, vào tâm lý các em để lấy nước mắt, như thế rất dễ gây tổn thương về mặt tinh thần.

Bản thân việc tham gia vào các chương trình truyền hình đã khiến các em chịu nhiều sự chú ý và trở thành một phần kịch bản “tạo sóng” của các nhà sản xuất. Nhưng thiết nghĩ, dù là các chương trình tìm kiếm tài năng nhí, các chương trình mang thiên hướng giải trí thì cũng cần đặt mục tiêu giáo dục lên đầu. Đừng để tâm hồn của các em bị “sạn”, đừng làm mất sự hồn nhiên của các em bởi những gì mà người lớn cố áp đặt lên các em và biến các em trở thành phiên bản của họ./.

Theo VOV.VN

Mới nhất
x
Gameshow truyền hình đang "ép" trẻ em lớn trước tuổi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO