Gần 40 năm miệt mài với “nghiệp” phát thanh viên

15/08/2013 18:08

(Baonghean) - Vừa về đến xã Hưng Tân - Hưng Nguyên, chưa kịp hỏi thăm Đài truyền thanh xã nằm ở đâu đã nghe tiếng loa thông báo "Ngày mai mời bà con về nhận lương hưu tại nhà văn hóa xã, alô, alô". Đúng lúc anh Phan Đăng Minh - cán bộ văn hóa vừa chạy ra đon đả chào mời và chỉ tay lên cụm loa đầu cổng UBND: Bác Vũ Văn Biếng đang đọc thông báo đấy - người gần 40 năm trăn trở với nghề đưa thông tin về với bà con mà tôi đã từng giới thiệu với các chị.

Đó là người đàn ông kiệm lời, không muốn nói nhiều về bản thân. Tuy nhiên, được sự động viên nhiệt tình của anh Minh, bác Biếng cũng đã nói ra những điều muốn nói: Tháng 12/1968, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bác Biếng lên đường nhập ngũ, đơn vị đóng quân ở Thanh Tân - Thanh Chương. Tại đây, bác được học nghề sửa chữa vô tuyến điện và hữu tuyến điện. Được một thời gian thì chuyển về Trung đoàn 271 ở Diễn Châu, rồi lại về 271 ở Nghi Lộc. Năm 1971, bác Biếng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia và bị thương tật 31%. Năm 1975, do sức khỏe không đảm bảo nên bác không chuyển ngành mà về sinh hoạt tại địa phương.


Bác Vũ Văn Biếng đọc thông báo trên loa phát thanh.

Thời điểm đó, Đài truyền thanh xã được xác định có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền đưa thông tin về cơ sở. Sẵn có nghề sửa chữa học được từ trong quân ngũ, cộng với niềm đam mê viết lách, bác Biếng được chính quyền mời làm trưởng đài truyền thanh. Không thể kể hết những khó khăn của ông trưởng đài truyền thanh xã lúc bấy giờ: cơ sở vật chất không có, trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ chỉ là một tăng âm, một mic, một đài thu cũ kỹ, ậm ạch, lúc được lúc không. Khổ nhất là đường dây điện, toàn bộ bằng dây điện trần nên suốt ngày hư hỏng, cột điện hoàn toàn bằng tre, bằng xoan đâu chặt vội trong vườn...

Hồi đó, để đưa thông tin kịp thời đến với bà con, nhất là mùa mưa bão, bác Biếng đã phân công anh em trong tổ (gồm 3 người) mỗi người phụ trách 3 xóm có nhiệm vụ kiểm tra đường dây, kiểm tra các cụm loa xem có gì trục trặc không để còn kịp thời sửa chữa. Nhất là những hôm mưa to gió lớn, dây đứt, cột đổ, bác Biếng cùng anh em vật lộn hàng tiếng đồng hồ ngoài mưa mới sửa chữa xong, kịp thời thông suốt để cập nhật thông tin đến với nhân dân cả 9 xóm.

Bên cạnh thường xuyên thông báo kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của HTX như công tác phòng chống dịch bệnh, lịch gieo cấy... vào mỗi buổi sáng từ 4h30 đến 7h, buổi chiều từ 5h đến 7h30, tiếp phát sóng đài huyện, đài tỉnh, đài T.Ư, bác Biếng còn trực tiếp xây dựng một số chương trình địa phương đan xen như tuyên truyền về gương người tốt việc tốt, các mô hình làm kinh tế giỏi, các cháu học giỏi chăm ngoan con nhà nghèo... trên địa bàn xã, vừa để bà con được biết, vừa để nhân dân học tập. Vất vả là vậy, nhưng chế độ dành cho chỉ là 6 tháng nhận một lần 2 tạ lúa, sau đó tăng lên 50 ngàn, 100 ngàn và hiện nay là 800 ngàn đồng/tháng.

Bác Nguyễn Thị Phương (người dân xóm 6) cho biết: "Phải thừa nhận rằng, từ ngày Đài truyền thanh xã hoạt động, người dân chúng tôi không cần đồng hồ báo thức, nắng cũng như mưa, đúng 5h sáng là đã nghe tiếng bác Biếng "a lố, a lô …". Người lớn dậy thổi cơm, trẻ nhỏ dậy học bài. Hay nhất là các chủ trương của xã, huyện, tỉnh và tận ngoài T.Ư chúng tôi đều nắm bắt kịp thời. Mỗi ngày không nghe tiếng bác Biếng, không nghe Đài truyền thanh xã là thấy nhớ, thấy thiêu thiếu…".

Theo thời gian, những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Đài truyền thanh xã đã có phòng làm việc riêng, trang thiết bị làm việc cũng được nâng cấp phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Hiện Đài đã có 1máy phát FM, 1 máy thu, 1 đầu mật mã số, 1 đài catsets…Cột điện bằng tre đã được thay thế bằng bê tông, cốt thép với hệ thống đường dây điện đảm bảo. Toàn xã hiện có 30 loa phủ sóng khắp 9 xóm. Ban biên tập của đài gồm 9 người (đồng chí trực Đảng làm trưởng ban, các ban viên là cán bộ chủ chốt của các đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân… riêng cán bộ văn hóa xã là người chịu trách nhiệm chính duyệt nội dung tuyên truyền). Các nội dung cũng đã được thay đổi cho phù hợp với tình hình mới.

Ngoài chủ động xây dựng chương trình địa phương phong phú như gương người tốt việc tốt; tuyên truyền những cách làm hay của cá nhân, tập thể; hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (theo từng thời vụ); kỹ thuật trồng cây phù hợp; thông báo các loại dịch bệnh cho người và gia súc… Đài còn trực tiếp phát sóng các buổi họp HĐND xã, phổ biến pháp luật do cán bộ tỉnh, huyện tuyên truyền; những phiên toà lưu động; đại hội các đoàn thể… xuống tận xóm, khu dân cư.

Anh Phan Đăng Minh – cán bộ văn hóa xã kiêm biên tập viên của Đài cho biết: “Đài truyền thanh xã Hưng Tân là một trong những đài truyền thanh cơ sở thành lập sớm nhất trên địa bàn toàn tỉnh. Và bác Biếng cũng là người gắn bó đầu tiên, lâu năm nhất với Đài truyền thanh xã từ năm 1975, hiện nay bác Biếng không còn làm trưởng đài nữa, nhưng vẫn là thành viên của Đài có nhiệm vụ sửa chữa máy móc, đường đây, trực tiếp đọc các bản tin, bài viết, các thông báo… trên loa phát thanh. Chịu khó, cần mẫn, có trách nhiệm với công việc… là những đức tính của bác Biếng mà thế hệ trẻ như chúng tôi cần học tập.

Từ những trăn trở với nghề của một người lính Cụ Hồ từng vào sinh ra tử của bác Biếng, cộng với sự nhanh nhạy, năng động của lớp trẻ hôm nay đã góp phần làm nên những thành tích nhất định của Đài: Liên tục nhiều năm liền, Đài truyền thanh Hưng Tân được Đài phát thanh huyện Hưng Nguyên tặng giấy khen, Chủ tịch tỉnh tặng bằng khen về làm tốt công tác tuyên truyền. Là một trong những đài truyền thanh cơ sở đạt nhiều giải nhất tại các Liên hoan truyền thanh cơ sở hàng năm. Như năm 2010, Đài truyền thanh Hưng Tân đạt giải nhất với 2 tác phẩm “Người đảng viên già” và “Ước mơ của cậu học trò” nhân hưởng ứng đợt tuyên truyền về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…

Trong xu thế chung khi mà các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng phát triển rầm rộ, đài truyền thanh xã cũng đứng trước nhiều khó khăn nhất định. Vì thế mỗi thành viên trong Đài đều phải có trách nhiệm tìm tòi, trăn trở xây dựng chương trình, các chuyên đề trang tin địa phương thật gần gũi, thiết thực với người dân xã mình. Vì thật ra, độc giả không ai khác chính là bố mẹ, vợ con, anh em gia đình và hàng xóm của mình. Đó cũng là một “áp lực” đối với những người làm ở đài truyền thanh cơ sở”.


Bài, ảnh: Thanh Thủy

Gần 40 năm miệt mài với “nghiệp” phát thanh viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO