Gắn sản xuất với tiêu thụ rau hàng hóa

19/12/2013 19:17

(Baonghean) - Quỳnh Lưu là huyện có diện tích trồng rau hàng hóa lớn nhất tỉnh. từ những năm 1965, nông dân các xã vùng bãi ngang như Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, Quỳnh Liên đã biết trồng rau màu vụ đông cung ứng cho thị trường. Nhanh nhạy hình thành các tổ thu gom rau tiêu thụ ở khắp thị trường trong nước, người trồng rau có thể yên tâm về đầu ra.

Dọc theo các xã bãi ngang Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, bất kể ngày nào, dù mưa dầm gió bấc, giá rét hay oi nóng, các tổ thu mua rau vẫn hoạt động đều đặn. Khoảng từ 4 giờ chiều đến chập choạng tối, khắp các ngõ xóm trong xã tấp nập xe máy chở rau đến tập kết ở các tổ thu mua, đến 8 giờ đêm, rau được bốc xếp cẩn thận lên các xe tải, trung bình mỗi xe chở 7 - 8 tấn rau. 11 - 12 giờ đêm, hàng chục chiếc xe tải bắt đầu lăn bánh với chặng đường dài, có xe chuyên chở rau ra Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, có xe chuyên chạy vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng… giao hàng.

Trong màn mưa nặng hạt của một ngày đông giá rét, mới hơn 5 giờ chiều, trời đã tối. Tại tổ thu gom rau của gia đình anh Hồ Viết Hải (xóm 3, xã Quỳnh Lương) các xe rau được chở đến liên tục, chẳng mấy chốc đã chất đầy cả sân rộng. Anh Hải cho biết: “Thời điểm ni mỗi ngày thu gom 4- 5 tấn rau, đến đợt áp Tết, bình quân mỗi ngày cả tổ thu gom 25 – 30 tấn, cứ 11 giờ đêm hàng ngày là chở rau đi nhập sỉ cho các đầu mối ở huyện Thanh Chương, Đô Lương… Gần 20 năm làm nghề thu gom rau, nhà tui không chỉ thu mua rau tại xã nhà mà còn mua ở các xã lân cận mới có đủ nguồn hàng bán hàng ngày. Làm nghề đã lâu năm, gắn bó mật thiết với các hộ dân, quen gu ăn hàng, bây giờ ngày nào bà con cũng chủ động đem rau đến nhập nên công tác thu gom khá thuận lợi, giá cả thỏa thuận theo thị trường”.

Anh Hồ Viết Hải xếp rau lên xe chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.
Anh Hồ Viết Hải xếp rau lên xe chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.

Không chỉ gia đình anh Hải, ở Quỳnh Lương có hàng chục tổ chuyên thu gom rau tạo đầu ra ổn định cho người sản xuất. Ở địa phương này người nông dân không phải lo đầu ra, mà họ tính toán làm sao để có hệ số sử dụng đất cao, quay vòng đất sản xuất được nhiều lần trong năm. Khắp cả vùng bãi ngang này đất đai chẳng bao giờ được nghỉ, người dân quý đất hơn vàng, vì ruộng đồng đã cho họ cuộc sống khá giả, con cái được học hành tiến bộ… Trong khi ở nhiều địa phương khác trong tỉnh ngày càng có nhiều nông dân bỏ ruộng, diện tích đất sản xuất để hoang ngày càng nhiều, thì ở các xã chuyên rau của huyện Quỳnh Lưu người dân lại khát khao có thêm quỹ đất để mở rộng sản xuất rau màu hàng hóa, song lại không còn diện tích, buộc phải tính toán tăng vụ sản xuất trong năm. Cũng như nhiều hộ trồng rau trong xã, gia đình bà Ngô Thị Kim ở Quỳnh Lương trồng 5 sào rau màu, mỗi năm quay vòng sản xuất 4 lần. Bà Kim bộc bạch: “Nhà tui chuyên trồng rau hàng chục năm ni, chưa khi mô bị ế, chỉ có điều là giá cao hay thấp, chứ có bao nhiêu rau cũng được tư thương mua hết. Với 5 sào rau các loại gồm: rau cải, su hào, bắp cải, hành, dưa hấu, cà rốt… mỗi năm thu hoạch khoảng 250 tấn, trừ chi phí còn lãi ròng 70 triệu đồng/năm.”

Ngoài các tổ thu gom, ở Quỳnh Lương có thêm HTX Phú Lương, vừa chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất rau cho bà con, vừa bao tiêu sản phẩm. Ông Hồ Lâm Thông – Chủ nhiệm HTX cho biết: HTX thành lập từ tháng 7/2010, hàng năm đã ký hợp đồng với Siêu thị Metro Hà Nội, Hải Phòng và Siêu thị Big C Vinh, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh thu mua các loại rau cho dân. Mỗi năm cung ứng cho các siêu thị trên 60 tấn rau các loại và hơn 100 tấn dưa hấu. So với giá của các tư thương thu mua thì bán vào siêu thị được giá cao hơn, nhưng số lượng các siêu thị mua không nhiều lại kiểm tra chặt chẽ về chất lượng rau nên người dân chủ yếu bán cho các tư thương thu gom tại xã. Cái được nhất là khi HTX ra đời, đưa sản phẩm dưa hấu của bà con địa phương vào siêu thị Metro, tạo cân bằng về giá thu mua tại địa phương, đảm bảo mức thu nhập cao hơn cho người dân. Ngoài bán cho các siêu thị, HTX còn thu gom rau bán ra các thị trường ngoại tỉnh khoảng 200 tấn/năm.

Xã Quỳnh Lương có 180 ha trồng rau quanh năm, nâng tổng diện tích luân canh gieo trồng rau hàng năm trên 500 ha, với tổng sản lượng rau thu hoạch khoảng 17.000 tấn/năm. Người dân nơi đây vốn năng động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ năm 2003 Quỳnh Lương đã có trang website giới thiệu sản phẩm rau an toàn của quê mình trên mạng, từ đó đã thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng ngoại tỉnh, đồng thời các hộ kinh doanh rau tăng cường kết nối với khách hàng, nhờ đó thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng. Trung bình mỗi ngày riêng xã Quỳnh Lương có khoảng 70 tấn rau các loại xuất bán đi các tỉnh thành từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Xã có trên 10 tổ tư thương chuyên thu gom các loại rau cho người dân, với hơn 30 xe ô tô tải chở hàng đi tiêu thụ. Ngoài ra, hàng chục tư thương nhỏ chuyên chở rau bằng xe gắn máy tiêu thụ ở các huyện trong tỉnh.

Ông Hồ Cảnh Sáu – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương chia sẻ: “Quỳnh Lương có truyền thống sản xuất rau lâu năm, bấy lâu nay việc tiêu thụ khá ổn định nhờ tổ thu gom đưa rau tiêu thụ ở nhiều thị trường trong nước, thúc đẩy nghề trồng rau ngày càng phát triển và đem lại thu nhập khá cho người sản xuất cũng như các tư thương. Tuy nhiên, đầu ra cho rau vẫn phụ thuộc vào thị trường, giá cả lên, xuống không ổn định nên người sản xuất vẫn chưa yên tâm. Song, trên mảnh đất này, cây rau vẫn đem lại giá trị cao nhất, do đó đã thu hút 90% hộ dân toàn xã tham gia trồng rau thường xuyên, giá trị thu nhập đạt 250 triệu đồng/ha/năm. Tại đây, rau được người dân trồng luân canh mỗi năm quay vòng sản xuất 4 lần, với khoảng 20 chủng loại rau các loại: rau cải, su hào, cà rốt, bắp cải, cà chua, hành, …

Bên cạnh Quỳnh Lương, xã Quỳnh Minh cũng có truyền thống trồng rau từ năm 1966, đến nay tổng diện tích luân canh gieo trồng rau các loại trong năm lên tới 400 ha. Người dân địa phương biết kết hợp giữa kinh nghiệm sản xuất truyền thống và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất canh tác nên đạt năng suất thu hoạch 22 tấn/ha. Mỗi năm Quỳnh Minh có trên 9.000 tấn rau các loại cung ứng ra thị trường thông qua các tổ thu gom tại xã, mỗi ngày có 8 xe ô tô tải chở rau đi tiêu thụ ở các tỉnh. Tuy vậy, có những thời điểm thị trường không ổn định, sức mua kém, rớt giá, không đủ bù chi phí sản xuất, những lúc này người dân bán đổ bán tháo nhằm giải phóng đồng ruộng để gieo trồng lứa mới.

Toàn huyện Quỳnh Lưu có tổng diện tích luân canh sản xuất rau, đậu hàng năm trên 3.200 ha, với tổng sản lượng thu hoạch đạt 51.566 tấn/năm. Nhận thấy giá trị cao từ trồng rau đem lại, nhiều năm gần đây các xã vùng trên như Quỳnh Văn, Quỳnh Lâm, Tân Sơn… cũng tích cực mở rộng diện tích trồng rau gắn với đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường trong, ngoài tỉnh. Nhờ đó đã đem lại giá trị thu nhập cao trên đơn vị diện tích, đời sống người nông dân ngày càng được nâng cao nhờ trồng rau màu hàng hóa. Tuy vậy, dù có các tư thương thường xuyên thu gom rau, nhưng người dân vẫn mong muốn có nhà máy chế biến, bảo quản sản phẩm rau ra đời, chẳng hạn xây dựng các nhà máy chế biến tương ớt, cà chua… để tiêu thụ sản phẩm ổn định cho dân, từng bước đưa sản phẩm rau địa phương vươn ra thị trường nước ngoài nhằm tăng thu nhập cao hơn nữa cho người trồng rau.

Quỳnh Lan

Mới nhất
x
Gắn sản xuất với tiêu thụ rau hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO