Gắn trách nhiệm của các ngành trong xây dựng nông thôn mới

02/11/2016 11:18

(Baonghean.vn) - Sáng 2/11, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp đánh giá các xã đăng ký về đích NTM năm 2016, triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Theo đó, Ban chỉ đạo xây dựng NTM Nghệ An sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc các xã đăng ký về đích trong năm 2016, Gắn trách nhiệm của ngành với công cuộc này.

Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham gia cuộc họp có đại diện các sở: Nông nghiệp - PTNT, Kế hoạch - Đầu tư, Giao thông - Vận tải, Xây dựng và các địa phương đăng ký về đích NTM trong năm nay.

Toàn cảnh buổi họp
Toàn cảnh buổi họp

Đến hết tháng 10/2016, tổng nguồn vốn huy động, lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM toàn tỉnh đạt gần 24.000 tỷ đồng (riêng 9 tháng đầu năm nay hơn 3.000 tỷ đồng).

Trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư trực tiếp hơn 3.500 tỷ đồng; vốn Trung ương hơn 1.100 tỷ đồng; vốn hỗ trợ đầu tư của tỉnh hơn 763 tỷ đồng; vốn đầu tư của các huyện hơn 953 tỷ đồng; vốn đầu tư của các xã hơn 690 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp hơn 2.1000 tỷ đồng; vốn của nhân dân đóng góp gần 7.000 tỷ đồng.

Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực chỉ đạo NTM chủ trì hội nghị.
Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực chỉ đạo NTM chủ trì cuộc họp.

Đối với 34 xã đăng ký về đích NTM năm 2016, đến nay đã có 9 xã đã được thẩm định (có thêm 2 xã đăng ký năm 2015; 2 xã không đăng ký nhưng đã đạt chuẩn); 18 xã đạt 19/19 tiêu chí, đang hoàn thiện hồ sơ thẩm định; 7 xã đạt 17/19 tiêu chí. Như vậy, số xã đăng ký đã đạt chuẩn NTM năm 2016 chiếm 26,5% là chậm so với kế hoạch đề ra.

Theo đánh giá của BCĐ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh, thời gian qua, một số huyện chưa chuyển biến tích cực như: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nam Đàn, Đô Lương. Những địa phương này có số xã đăng ký về đích năm 2015 tồn lại và số xã đăng ký năm 2016 tương đối lớn nhưng đến nay chưa có xã nào đạt chuẩn.

Đồng chí Lê Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho rằng địa phương có 2 xã đăng ký về đích NTM nhưng đến nay đã có 3 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM; đồng thời đề xuất: tỉnh cần
Đồng chí Lê Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho rằng địa phương có 2 xã đăng ký về đích NTM nhưng đến nay đã có 3 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Đồng thời đề xuất: Tỉnh cần nâng cao chính sách hỗ trợ xi măng cho các xã đăng ký về đích, đặc biệt là những xã miền núi; cần xây dựng mô hình phát triển sản xuất có quy mô tập trung, trọng điểm, có mức đầu tư lớn hơn.

Tại cuộc họp, các địa phương đề xuất: Tỉnh cần nâng chính sách hỗ trợ xi măng cho các xã đăng ký về đích, đặc biệt là những xã miền núi; Cần xây dựng mô hình phát triển sản xuất có quy mô tập trung, trọng điểm, có mức đầu tư lớn hơn. Tỉnh cần sớm hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1980/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (Bộ tiêu chí quốc gia).

Các ngành cần hỗ trợ địa phương thực hiện di dời cột điện, đường dây thông tin sau khi mở rộng đường giao thông nông thôn. Một số địa phương điện lưới quốc gia chưa đảm bảo chất lượng. Hệ thống trường học ở các địa phương đạt chuẩn quốc gia còn thấp, đặc biệt là huyện Nam Đàn.

Kiên cố hóa kênh mương nội đồng ở xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn
Kiên cố hóa kênh mương nội đồng ở xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn.

Kết luận buổi họp, đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tổ chức các phong trào thi đua xây dựng NTM từ tỉnh đến cơ sở, lấy việc đạt chuẩn NTM làm thước đo sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị.

Các sở, ban ngành, thành viên BCĐ tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc các xã đăng ký về đích trong năm 2016 đến nay chưa đạt. Theo đó, tiêu chí của ngành nào thì ngành đó phải chịu trách nhiệm.

Tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, kết hợp với ngân sách địa phương và sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước để hoàn thành các tiêu chí còn lại. Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, các huyện cần có chính sách hỗ trợ thêm cho các xã.

Dân bản Khu Bu, xã Châu Khê, huyện Con Cuông làm đường giao thông nội bản
Dân bản Khu Bu, xã Châu Khê, huyện Con Cuông làm đường giao thông nội bản.

Cùng đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác thẩm tra, thẩm định và công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Đối với 7 xã mới đạt 17/19 tiêu chí, yêu cầu các huyện và xã chỉ đạo quyết liệt, các ngành tăng cường đôn đốc, chỉ đạo hoàn thành.

Đối với chính sách hỗ trợ xi măng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, tỉnh tiếp tục cung ứng lượng xi măng còn thiếu đối với 34 xã đăng ký về đích trong năm nay. Năm 2016, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ 98 nghìn tấn xi măng cho 34 xã đăng ký về đích, đến nay các địa phương đã nhận 83 nghìn tấn xi măng, còn thiếu 15 nghìn tấn. Do vậy, UBND tỉnh đề nghị các huyện chỉ đạo các xã chưa nhận đủ số lượng xi măng, trình Sở Tài chính để nhận trong tháng 11 này.

Xuân Hoàng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Gắn trách nhiệm của các ngành trong xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO