Gặp mặt người làm báo trên quê hương Bác
(Baonghean) - Gặp nhau để cùng trao đổi chuyện nghề nghiệp, cùng nói lên trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của người làm báo trên...
(Baonghean) - Gặp nhau để cùng trao đổi chuyện nghề nghiệp, cùng nói lên trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của người làm báo trên quê hương Bác Hồ, vừa thể hiện tình cảm của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đối với những người làm báo, là chủ đề buổi gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh Nghệ An và đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân dịp kỷ niệm 86 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam vừa mới diễn ra tại Thành phố Vinh.
Đây là lần đầu tiên Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh Nghệ An tổ chức buổi gặp mặt đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí TƯ đóng trên địa bàn và các cơ quan báo chí địa phương. Có lẽ cảm nhận được sự thịnh tình của lãnh đạo tỉnh Nghệ An và vinh dự, trách nhiệm của báo chí hoạt động trên quê hương Bác nên rất nhiều lãnh đạo là tổng biên tập, phó tổng biên tập, giám đốc, phó giám đốc các cơ quan báo chí, Đài PT-TH, trang thông tin điện tử… từ trung ương đến địa phương đã có mặt đông đủ.
Lời chào mừng của đồng chí Phan Đình Trạc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An và báo cáo tóm tắt về tình hình KT-XH tỉnh của đồng chí Hồ Đức Phớc, Chủ tịch UBND tỉnh đã thể hiện sự quan tâm, thiện chí, của lãnh đạo, của nhân dân Nghệ An trân trọng với những đóng góp rất lớn của các cơ quan báo chí đối với Nghệ An trong thời gian qua trong phát triển KT-XH, QP-AN của tỉnh. Báo chí đã thông tin đến bạn đọc, các nhà hảo tâm đồng hành cùng với Nghệ An chia sẻ, vượt những khó khăn do thiên tai, hoả hoạn. Vụ đắm đò ở Chôm Lôm, lũ quét ở Nậm Giải cách đây hơn 4 năm, lũ lụt năm 2010 và mới đây vụ sập mỏ đá Lèn Cờ (Yên Thành)…, nhờ các phương tiện thông tin đại chúng mà những tấm lòng của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đã đến kịp thời để chia sẻ với gia đình bị hoạn nạn, cùng với chính quyền địa phương giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Các cơ quan báo chí trên địa bàn cũng đã thực hiện tốt chức năng giám sát, chức năng định hướng dư luận xã hội.
Tuy nhiên, Nghệ An vẫn đang là một tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp thua bình quân chung cả nước, sự trăn trở của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh là mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục giúp tỉnh trong việc thông tin, quảng bá hình ảnh, kêu gọi thu hút đầu tư, tuyên truyền cổ vũ các điển hình nhân tố mới… để đồng hành cùng Nghệ An khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thực hiện đạt mục tiêu thoát khỏi tỉnh nghèo vào năm 2015 và trở thành tỉnh khá của miền Bắc.
Buổi gặp mặt cũng đã nhìn nhận lại quá trình phát triển của báo chí trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo cũng như các phóng viên rất phấn khởi, vui mừng khi Nghệ An đang trở thành một trong 4 trung tâm báo chí lớn nhất của cả nước, với đầy đủ các “binh chủng” báo chí phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Hiện, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 cơ quan báo chí địa phương, 3 trang thông tin điện tử của các cơ quan báo chí, 33 cơ quan đại diện và thường trú báo Trung ương trên địa bàn, 1 Công ty cổ phần dịch vụ truyền hình cáp, 1 chi nhánh Đài Truyền hình cáp Việt Nam, 1 chi nhánh Đài Truyền hình kỹ thuật số Việt Nam hoạt động trên tất cả các loại hình báo chí. Đội ngũ những người làm báo không ngừng lớn mạnh với gần 200 phóng viên được cấp thẻ, trên tổng số gần 500 người hiện đang hoạt động trên lĩnh vực báo chí.
Nhà báo Phạm Huy Hoàng, Tổng Biên tập Báo Dân trí điện tử , rất phấn khởi vì sự phát triển mạnh mẽ của báo chí tại Nghệ An trong những năm qua. Bên cạnh những tin bài phản ánh tin tức trong tỉnh, báo Dân trí còn đẩy manh hoạt động xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong nhiều năm qua, thông qua báo Dân trí, nhiều cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được giúp đỡ nhằm ổn định cuộc sống, và trong thời gian tới báo Dân trí vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội này”.
Nhà báo Hoàng Xuân Định, Tổng Biên tập Báo Dân tộc và Phát triển ghi nhận và đánh giá cao đời sống báo chí trong những năm qua tại tỉnh Nghệ An. Cơ quan đại diện của báo Dân tộc và Phát triển mới chỉ chính thức đi vào hoạt động tại tỉnh Nghệ An gần một năm, văn phòng phụ trách cả khu vực Bắc miền Trung kéo dài từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế. Thế nhưng, điều đáng mừng là văn phòng đã hoạt động rất tốt, bám sát được đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa các tỉnh phụ trách, có được kết quả như vậy là nhờ sự tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh Nghệ An.
Trong các ý kiến của các nhà báo tại buổi gặp mặt còn nhiều những trăn trở nghề nghiệp. Đó là sự mất an toàn của các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, quá trình thông tin nhiều khi chưa chính xác, nhạy bén, công tác phát hành báo chí còn chưa bao quát được thị trường hơn 3 triệu dân tại tỉnh Nghệ An. Nhà báo Lê Cảnh Nhã – Tổng Biên tập báo Gia đình và Xã hội – một người con của đất Nghệ mong muốn lãnh đạo tỉnh Nghệ An tiếp tục tạo điều kiện để giới báo chí nói chung và Báo Gia đình và Xã hội nói riêng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi cũng mong muốn các cơ quan báo chí tạo điều kiện cho các phóng viên có điều kiện học tập nâng cao trình độ đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, chính trị của mình để nhà báo có đủ bản lĩnh hoàn thành tốt công việc.
Khép lại buổi gặp mặt lài những trăn trở, mong muốn làm sao để đời sống báo chí tại địa bàn tỉnh Nghệ An phát triển hơn nữa về mọi mặt, người làm báo đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của tỉnh. Buổi gặp mặt thực sự là nhịp cầu nối để báo chí thực hiện tốt hơn, trách nhiệm cao hơn chức năng thông tin, tổ chức, định hướng dư luận đề đồng hành cùng tỉnh trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện các mục tiêu mà đại hội Đảng bộ lần thứ XVII đề ra.
Hữu Nghĩa - Thành Duy