Xây dựng Đảng

Gặp, nghe chuyện nhà tình báo huyền thoại Tư Cang

Khôi Nguyên Thảo 29/04/2025 14:52

Ở tuổi 97, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tư Cang vẫn không ngại gặp gỡ, chia sẻ cùng mọi người, đặc biệt là giới trẻ về những ngày ông và đồng đội đã cùng sống, chiến đấu, hy sinh để có được hòa bình một cách sống động và đầy cảm xúc. Bản thân ông có đóng góp quan trọng trong Đại thắng mùa Xuân 1975... CTV Báo Nghệ An đã có cuộc gặp nhà tình báo huyền thoại Tư Cang, ghi lại lơi kể của ông vê cuộc đời hoạt động của mình .

Tạm biệt vợ trẻ để lên đường kháng chiến

Sinh năm 1928 ở Bà Rịa -Vũng Tàu, trong một gia đình nghèo, Tư Cang học giỏi có tiếng; từng thi đậu và học tại Trường Trung học Perus Ký (Trường chuyên Lê Hồng Phong - TP. Hồ Chí Minh hiện nay) và giành được học bổng, thuộc tốp 7 học sinh xuất sắc của trường.

Đại tá Tư Cang (giữa). Ảnh Khôi Nguyên Thảo
Đại tá Tư Cang (giữa). Ảnh: Khôi Nguyên Thảo

Dù kết quả học tập xuất sắc, chàng thanh niên Tư Cang vùng quê giàu truyền thống cách mạng, đã không theo con đường học hành, mà trở về quê tham gia kháng chiến chống Pháp. Mẹ anh lúc đó giao điều kiện: Lấy vợ, sinh con cho mẹ rồi đi!. Gặp vợ lần thứ nhất, cả hai không giấu được sự bối rối. Lần thứ hai, anh có cơ hội thể hiện sự quan tâm khi cô sơ ý bị đứt tay.

Nhờ thế, chàng trai nhà nghèo, học giỏi, yêu nước đã chiếm được tình cảm của cô thiếu nữ. Lấy nhau xong, vợ mang bầu sắp sinh, anh rời nhà vào rừng theo Việt Minh tham gia kháng chiến chống Pháp, tham gia cướp chính quyền. Trước khi đi kháng chiến, anh chỉ kịp dặn dò vợ chờ khi có điều kiện lên Sài Gòn học tập, làm việc, nuôi con. Đôi vợ chồng trẻ không thể ngờ, 28 năm sau người chồng mới trở về nhà.

Năm 1954, Tư Cang tập kết ra Bắc. Anh được đào tạo và phân công nhiệm vụ hoạt động tình báo. Tại miền Bắc, Tư Cang thể hiện xuất sắc năng lực nhanh nhạy, thông minh của mình. Ngoài việc nói tiếng Anh, tiếng Pháp lưu loát từ khi học phổ thông, anh còn biết thông thạo nhiều nghề như chụp ảnh, viết văn,... để “phòng khi có việc cần dùng”. Kể cả việc bắn súng hai tay giỏi như nhau, anh xếp thứ 4, sau 3 kiện tướng bắn súng đất Bắc thời điểm đó, dù thời gian học bắn súng chỉ vài tháng. Tư Cang kể “cần phải bắn hai tay như nhau vì xác định khi đi vào chiến trường, rủi tay này bị thương thì tay còn lại có thể tiếp tục cầm súng”.

Cuối năm 1961, Tư Cang nhận nhiệm vụ trở vào chiến trường miền Nam. Lúc này, do tình hình phức tạp của mặt trận, cụm tình báo A18, tiền thân H63 sau này được thành lập, phục vụ chiến trường. Cụm tình báo H63 do Tư Cang làm Cụm trưởng, quy tụ những tình báo giỏi, am hiểu địa bàn, sẵn sàng hy sinh khi làm nhiệm vụ. Đây là một trong những mạng lưới tình báo xuất sắc nhất của ta trong lòng địch, hoạt động tại Sài Gòn - Gia Định trong kháng chiến chống Mỹ. Nhiều tài liệu của H63 thu thập được, được Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị đánh giá hết sức quý giá, nhất là những kế hoạch hành quân và các chiến dịch mà Mỹ-ngụy sẽ triển khai, bao gồm cả tài liệu tình báo của CIA.

“Mình nói mà không làm, ai nghe cho được”

Có lần ngồi ăn với các anh em trong đội H63 của mình, Tư Cang dặn các em mới vào nghề: Làm tình báo phải nhớ bỏ 4 chữ vô bụng, khắc trong tim: “Coi như chết rồi”. Phải ghi nhớ điều ấy mới sẵn sàng nhận nhiệm vụ, chiến đấu được. Không chỉ nói, Tư Cang luôn nhanh nhạy, xông pha trong công việc, nhiệm vụ của mình, đơn giản vì: “Mình nói mà không làm thì ai nghe?”. Và anh luôn chiêm nghiệm: “Tôi được đào tạo về tình báo theo giáo trình các nước hiện đại, nhưng tôi nghiệm ra rằng, để hoạt động tình báo thành công, ngoài nghiệp vụ tốt thì phải lấy dân làm gốc, đó chính là công tác tình báo nhân dân”.

Đại tá tình báo Tư Cang. Ảnh Khôi Nguyên Thảo
Đại tá tình báo Tư Cang. Ảnh: Khôi Nguyên Thảo

Ở Cụm tình báo H63 do Tư Cang làm Cụm trưởng góp mặt những nhà tình báo nổi tiếng như: Điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo... thực hiện nhiều nhiệm vụ tối mật, đòi hỏi sự dũng cảm, mưu trí. Vào thời điểm diễn ra trận đánh chiếm Dinh Độc lập Mậu Thân 1968, Tư Cang đang trong vỏ bọc là ông thầy gia sư, trú ẩn trong gia đình Tám Thảo. Cửa căn gác nhà Tám Thảo hướng về phía Dinh Độc Lập, đường Nguyễn Du. Lúc bấy giờ, thấy thế lực của ta hy sinh nhiều, súng đã bắn hết đạn, Tư Cang sẵn sàng “chia lửa”, hai tay hai súng, chĩa mũi súng qua khe cửa, bắn chết hai tên giặc, để mong đội biệt động có thêm thời gian cầm cự.

Giặc ngay lập tức truy bắt Việt cộng theo hướng súng. Những căn nhà ở diện nghi vấn đều bị tra vấn kỹ. Đến nhà Tám Thảo, khi chỉ còn căn phòng trên mái, lính ngụy có vẻ bất ngờ khi thấy trong lớp màn còn rủ là cô gái trẻ đang ngủ nướng, phía trên tủ đầu giường lại là tấm hình cô chụp chung với Thiếu tá Hải quân Mỹ. Nhờ tài ăn nói có duyên và nhờ tấm hình hộ mệnh, Tư Cang và cả gia đình Tám Thảo thoát cửa tử trong gang tấc. Trước khi đi, những tên lính cả tin lời người đẹp Tám Thảo còn buông lời chọc ghẹo...

“Lúc ấy, tôi đã sẵn sàng hai tay hai súng. Gài luôn hai viên đạn lên tai, phòng khi bắn hết đạn thì dành viên đạn cuối cùng tự sát. Thực sự phải nín hết sức, bởi vì gia đình người ta thương mình, cho ở trong nhà hoạt động, rủi có chuyện, tội gia đình. Tôi còn nhớ như in lời ba Tám Thảo, gia đình ba bao lâu làm ăn, có 36 triệu đồng (lúc ấy vàng chỉ 3.000 đồng/lượng), nhưng gia đình không sợ nguy hiểm. Con cứ ở lại hoạt động và hướng dẫn các em theo cách mạng” - Bây giờ, Đại tá Tư Cang nhớ lại lời của ba Tám Thảo, chủ nhà nuôi giấu mình hoạt động, sau hơn 50 năm ông vẫn xúc động sâu sắc.

Trở lại miền Nam

Năm 1974, Tư Cang nhận lệnh cấp trên, ra Hà Nội học lớp nghiệp vụ chỉ huy để 2 năm sau, năm 1976 quay về giải phóng Sài Gòn. “Học được một năm thì bất ngờ nhận được lệnh của cấp trên quay vào miền Nam. Một mình Tư Cang được xe chở gấp vào chiến trường. Thời điểm đó không thể nghĩ có thể giải phóng sớm như thế, vào mùa Xuân 1975”, ông kể.

Khi ông trở vào, 8 ngày sau tướng Dương Văn Minh đầu hàng. Sự trở lại của Tư Cang là do đã chuẩn bị phương án đánh đường phố nội thành nếu ông Minh không chịu đầu hàng. Và ông nhận nhiệm vụ Chánh ủy Lữ đoàn Đặc công biệt động 316, là đơn vị đi đầu đánh trước phía bên trong để cho đại quân tiến vào. Trong Chiến dịch Tổng tiến công mùa Xuân 1975, nhiệm vụ của Lữ đoàn 316 được giao đánh chiếm 17 mục tiêu tại nội thành Sài Gòn, Biên Hòa, Vũng Tàu. Trong đó, tại Sài Gòn có 5 mục tiêu chính là: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha Cảnh sát, Bộ Tư lệnh biệt khu Thủ đô, Dinh Tổng thống ngụy và 12 mục tiêu thứ yếu. Riêng các đơn vị Z22, Z23 và D81 được giao nhiệm vụ đánh và giữ cầu Rạch Chiếc từ ngày 27/4/1975 để mở đường cho 2 trong 5 cánh quân của đại quân ta tiến thẳng vào Sài Gòn.

Đại tá Tư Cang kể chuyện hoạt động.
Đại tá Tư Cang kể chuyện hoạt động. Ảnh: Khôi Nguyên Thảo

Trong quá trình chiến đấu, chỉ sau 15 phút, các chiến sĩ Lữ đoàn 316 đã chiếm được cầu Rạch Chiếc, nhưng địch đã điều quân và các lực lượng tái chiếm quyết liệt khiến 52 chiến sĩ hy sinh. Vì vị trí cầu trống, không có nơi trú ẩn, đây lại là trận địa quan trọng nên phải chịu nhiều tổn thất lớn lao.

Gần trưa 30/4, khi đang cùng bàn bạc kế hoạch sẵn sàng tác chiến cùng trợ lý pháo binh của Quân đoàn 3 từ cánh Củ Chi xuống, thì đồng bào và chiến sĩ chạy tới reo vang: “Trời đất ơi, Dương Văn Minh đầu hàng rồi!” - Tư Cang kể lại thời khắc xúc động mà theo ông, giống như người nông dân vất vả bao năm, chịu bao khổ ải, giờ đến mùa thu hoạch; lúc ấy, quả thật chỉ nghĩ vậy, vì vui quá nên ông không nghĩ gì hơn.

Ngày về nhà

“Khi tôi nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng, bần thần cả người vì xúc động. Một đồng chí trêu: “Bộ anh tiếc chuyện phải ngưng học ngoài Bắc đi vào Nam lắm hả?”. Tôi cười nói: “Không, Dương Văn Minh đầu hàng tôi sướng chứ. Buổi tối nay tôi sẽ về kiếm vợ tôi, 28 năm rồi chưa về nhà!”, Đại tá Tư Cang kể.

Kể từ khi chia tay người vợ trẻ, có 2 lần tổ chức sắp xếp cho vợ chồng gặp nhau. Lần đầu gặp vợ và mấy đồng chí khác, lần hai vợ dắt theo con gái - con nhìn cha đầy lạ lẫm khi lần đầu cha con gặp mặt. Trong thời gian Tư Cang hoạt động ở nhà Tám Thảo, vợ cũng hoạt động ở nội thành, bên giao thông. Có lần cô đưa thư của cấp trên chuyển đến Tư Cang, Tám Thảo chuyển thư nói: “Thư của bà đầu bối gửi anh” (vợ Tư Cang thường bối tóc sau đầu). Để đảm bảo an toàn cho vợ con cũng như giữ bí mật của tổ chức, không ai biết hai người là vợ chồng. Một lần khác, Tư Cang nghe vợ kể khi gặp nhau ở rừng (lúc này ông đã thôi làm tình báo), tình cờ đi làm nhiệm vụ, thấy Tư Cang và Tám Thảo nắm tay nhau trên đường, cô về ốm, đau đầu 3 ngày liền. “Dù biết chỉ là hoạt động che mắt địch nhưng vợ vẫn đau lòng, nghe thương dữ lắm”, ông nói.

Đêm 30/4/1975, có một người đàn ông tuổi trung niên sau 28 năm “đi vô rừng” và xa biền biệt được quay về với gia đình. Ngày đi, vợ cưới chưa lâu, vừa chớm mang bầu, ngày về con gái đã là người mẹ trẻ có con gái tuổi lên 3. Khi gần đến khu vực nhà mình, ông gọi to “Nhồng ơi, Nhồng ơi”, cũng mang máng biết vợ con ở vùng đó nhưng không biết cụ thể nhà nào. Ngày trước viết thư cho chồng, vợ có kể chuyện ở nhà đặt tên con là Nhồng, tên một loài chim biết nói, vợ không kể chuyện con đã tự đổi sang tên Giang vì tên Nhồng xấu quá nên cả vùng đó nghe gọi mà không ai biết Nhồng là ai. Ông hỏi hàng xóm có biết nhà hai mẹ con sáng sáng vẫn đi làm bên ngân hàng không?. Người hàng xóm ngớ ra "À vậy là nhà cô Giang rồi. Ở đằng kia kìa!".

Đi lại căn nhà đó, Tư Cang lại gọi “Nhồng ơi, Nhồng ơi!”. Vợ chạy ra mở cửa, mừng rỡ xúc động một lúc mới nói: “Nghe kêu tên Nhồng em biết chỉ có anh mà thôi!...". Lúc đó vợ chồng không biết nói gì hơn ngoài đứng ôm hôn nhau, bù cho những tháng ngày thanh xuân xa cách.

“Nhớ lại buổi tiễn biệt cạnh bụi chuối sau nhà, những cái hôn tràn nước mắt của đôi vợ chồng trẻ, những lời hứa hẹn, những ước mơ hạnh phúc trong ngày gặp lại. Sau gần 30 năm chiến đấu, đêm nay, hạnh phúc đã đến thật sự trong vòng tay đây rồi mà cứ tưởng như một giấc mơ”, Đại tá Tư Cang hồi tưởng.

Với những đóng góp của mình, năm 2005, Đại tá Tư Cang được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện đã bước sang tuổi 96, ông vẫn tham gia nhiều hoạt động, chia sẻ, góp phần truyền lửa yêu nước tới mọi người, đặc biệt là với thế hệ trẻ.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Gặp, nghe chuyện nhà tình báo huyền thoại Tư Cang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO